Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hôm 30/4, một toà án ở Malaysia tuyên án một tháng tù dành cho ông Salah Salem Saleh Sulaiman vì tội tung tin giả công kích lực lượng cảnh sát Malaysia.
Sulaiman là người đầu tiên chịu án dưới Đạo luật Chống tin giả vừa được ban hành tại Malaysia vào tháng 4 năm nay.
Cùng với Đức, Malaysia đã trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới ban hành luật chống tin giả (fake news). Nhiều nước khác như Anh, Pháp. Singapore và Philippines cũng đang xem xét ban hành những luật lệ tương tự.
Đây là những diễn biến mới nhất cho thấy một việc làm luật để kiểm soát không gian mạng kỹ thuật số đang trở thành một trào lưu đáng chú ý trên thế giới.
Kiểm soát tin giả hay bóp nghẹt tự do ngôn luận? Đây là chủ đề chính của các tranh luận xoay quanh trào lưu đó.
Malaysia: Một vụ ám sát, và một người đi tù vì tội “đưa tin giả”
Salah Salem Saleh Sulaiman là một công dân Đan Mạch gốc Yemen. Ông đang đi du lịch ngắn ngày tại Kuala Lumpur (Malaysia) thì một vụ việc khủng khiếp xảy ra ngay trước mắt ông: một chiếc xe mô-tô chở hai người đội mũ bảo hiểm kín mặt áp sát một người đàn ông và nổ 14 phát súng, giết chết nạn nhân ngay tại chỗ.
Salah Salem Saleh Sulaiman gọi điện ngay cho cảnh sát. Lực lượng cảnh sát Malaysia có mặt tại hiện trường một lúc sau đó.
Sau đó trong ngày, Sulaiman cho đăng tải một video lên Youtube mà trong đó Sulaiman kể lại vụ việc khủng khiếp mình chứng kiến. Ông cũng nói trong video đó rằng ông đã gọi điện thoại nhiều lần nhưng phải 50 phút sau cảnh sát Malaysia mới có mặt và phải cả tiếng sau xe cứu thương mới tới.
Cảnh sát Malaysia lập tức phủ nhận điều này. Theo họ, dữ liệu nội bộ của cảnh sát cho thấy một cuộc gọi báo khẩn cấp được cảnh sát nhận lúc 6h41 sáng và chiếc xe cảnh sát đầu tiên có mặt tại hiện trường vào tám phút sau cuộc gọi đó.
Vụ nhầm lẫn này sẽ được cảnh sát bỏ qua? Không, trước đó hai tuần, vào ngày 02/04, Nghị viện Malaysia vừa ban hành Đạo luật Chống tin giả (Anti-Fake News Act).
Theo đạo luật này, các hành vi làm ra và chia sẻ “tin tức, thông tin, dữ liệu, hay báo cáo hoàn toàn sai sự thật hay sai sự thật một phần” trên mạng, trên sách báo hay qua TV đều trở thành các hành vi vi phạm luật hình sự. Những người vi phạm sẽ phải chịu số tiền phạt lên đến 128.000 đô-la Mỹ và có thể phải chịu án đến sáu năm tù.
Tại tòa hôm 30/04, bên công tố Malaysia cáo buộc Sulaiman đã làm tổn hại danh tiếng của lực lượng cảnh sát Malaysia và của chính đất nước này.
Sulaiman thì thú nhận rằng mình đã sai lầm nhưng giải thích thêm rằng ông vừa đến Malaysia và hoàn toàn không biết có luật này. Sulaiman không có luật sư và cũng không có đủ tiền để đóng khoản 2.500 đô tiền phạt. Ông chấp nhận ngồi tù một tháng thay thế việc đóng tiền phạt.
Sulaiman không phải là một nhà báo và cũng chưa bao giờ có hiềm khích gì với chính quyền Malaysia, ông chỉ đơn giản là một người chia sẻ video thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên, Đạo luật Chống tin giả của Malaysia từ trước khi ban hành đã bị các tổ chức báo chí và truyền thông trong nước và quốc tế phê phán nặng nề.
Đạo luật này bị Liên minh Báo chí Đông Nam Á cáo buộc là một vũ khí để chính quyền Malaysia “kiểm soát báo chí” và “đàn áp ngôn luận”. Nội dung đạo luật bị cho là quá rộng, hình sự hóa cả hành vi làm tin giả và hành vi chia sẻ tin giả, bất kể người chia sẻ có biết đấy là tin giả hay không.
Nhiều nhà phê bình khác chất vấn thời điểm ban hành luật: chỉ một tháng ngay trước kỳ bầu cử quốc gia diễn ra trong tháng 5 tại Malaysia, và trong bối cảnh có các cáo buộc tham nhũng chống lại chính phủ.
Nhưng Malaysia không phải là nước đầu tiên trên thế giới ban hành luật mới để kiểm soát mạnh mạng internet ngay trước một kỳ bầu cử.
Ở Malaysia, chia sẻ tin giả cũng là tội phạm. Ảnh: EPA-EFE.
Đức và Đạo luật NetzDG kiểm soát ngôn luận mạng
Ngày 30/6 năm ngoái, trước kỳ bầu cử quốc gia vào tháng 9, Liên bang Đức đã cho ban hành Đạo luật Chế tài Mạng (Das Netzwerkdurchsetzungsgesetz, viết tắt NetzDG).
NetzDG cho phép chính phủ Đức yêu cầu các mạng xã hội phải gỡ bỏ các “nội dung trái luật” (unlawful content) nếu không muốn bị phạt số tiền lên đến 50 triệu Euro.
Các “nội dung trái luật” này là những nội dung đã sẵn bị hình sự hóa (theo một cách đã gây tranh cãi từ lâu) tại Đức trước khi có đạo luật NetzDG, bao gồm các nội dung phỉ báng tổng thống, phỉ báng nhà nước, phỉ báng tôn giáo, các nội dung có tác động phá hoại trật tự công cộng, kích động hận thù, v.v.
Để đáp ứng nhu cầu tuân thủ luật này, các trang mạng xã hội lớn hoạt động tại Đức như Facebook, Google hay Twitter đều đã phải thuê thêm hàng ngàn nhân viên để kiểm tra các nội dung có khả năng vi phạm luật.
Việc ban hành NetzDG của Đức bị các đảng đối lập lớn nhất tại nước này phản đối. Đồng thời đạo luật cũng đã gây tranh cãi lớn và hứng chịu các lời chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và vận động bảo vệ tự do ngôn luận trên thế giới bao gồm Freedom House, Human Rights Watch, Global Network Initiative và Article 19.
Trả lời chất vấn liên quan đến các lo ngại về NetzDG đến từ Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hiệp Quốc ông David Kaye vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ Đức giải thích rằng đạo luật này có tác dụng giải quyết tình trạng các nội dung mang tính thù hận tăng cao trên các trang mạng xã hội.
Qua NetzDG, nhà nước Đức muốn ngăn chặn “phát ngôn thù địch (hate speech), hành vi phỉ báng (defamation), tin đồn ác ý (malicious gossip)” cũng như tình trạng lan truyền “tin giả” (fake news).
Nhà nước Đức nói rằng họ hiểu rõ vai trò của tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và tự do báo chí, vốn là những trụ cột của một xã hội tự do và rộng mở. Tuy nhiên, những hành vi nói trên được xem là những hình thức cực đoan hóa bằng lời nói (verbal radicalisation), vốn là bước đầu tiến đến bạo lực thực sự. Trong khi đó, luật nhân quyền Châu Âu từ lâu đã làm rõ rằng ngôn luận hận thù không thể được dung thứ trong một xã hội dân chủ.
Human Rights Watch (HRW) thì cho rằng nhà nước và người dân Đức có các lo ngại chính đáng khi muốn kiểm soát các hành vi lạm dụng mạng internet, tuy nhiên đạo luật NetzDG là một cách sai lầm để giải quyết các mối lo ngại đó.
HRW phê bình là NetzDG vi phạm nghĩa vụ tôn trọng tư do ngôn luận của nhà nước Đức. Bởi vì, đạo luật này gây sức ép buộc các công ty công nghệ mạng xã hội quốc tế phải kiểm duyệt các nội dung được đăng tải trên các trang của họ.
Công việc kiểm duyệt nội dung phạm luật hay không này khá phức tạp mà thời hạn phải gỡ xóa thì ngắn.
Thế nên, các công ty nào không đủ chuyên môn hay không chịu đầu tư xây dựng quy trình có thể chọn các cách xử lý nhanh gọn là thà xoá lầm còn hơn bỏ xót (gỡ xóa sớm, không tìm hiểu kỹ) để tránh nộp phạt nặng nề.
NetzDG trong khi đó lại không hề tạo các cơ chế hiệu quả cho người dùng mạng xã hội kháng cáo các quyết định gỡ xóa nội dung đó của các công ty mạng xã hội tại các tòa án Đức.
Thực ra, phê bình này đã có từ trước và nhằm giải quyết phê bình này, nhà nước Đức đã sửa NetzDG ngay trước khi ban hành để tạo ra cơ chế “tự quản có kiểm soát” (regulated self-regulation).
NetzDG tạo cơ chế cho nhà nước Đức thẩm tra và công nhận chính thức một cơ quan tự giám sát (self-regulatory body) do các công ty mạng xã hội cùng nhau thiết lập và góp tiền tổ chức vận hành. Tổ chức tự giám sát này phải độc lập, có chuyên môn, và có khả năng giải quyết các khúc mắc pháp lý trong thời hạn bảy ngày.
Tổ chức tự giám sát này được cho là sẽ giải quyết các kháng cáo gỡ xóa nội dung đến từ người dùng và sẽ đưa ra các phán quyết mà các công ty mạng xã hội phải tuân theo.
Theo luật gia Stefan Theil của Viện Nhân quyền Bonavero (Đại học Oxford) thì các cơ quan tự giám sát giống như thế này là một hình thức thường có tại Đức. Các ngành điện ảnh, truyền hình và trò chơi điện tử đều có các cơ quan tự quản riêng của mỗi ngành để làm các công tác giám sát, như quy định độ tuổi phù hợp cho một sản phẩm (ví dụ, có một số phim chiếu rạp không được chiếu cho trẻ em).
Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận Article 19 phê bình rằng cơ chế “tự quản có kiểm soát” trong NetzDG không rõ ràng (ví dụ, thế nào là “độc lập” hay “có chuyên môn”), và có vẻ được thiết kế qua loa bởi các nhà làm luật Đức như một cách đáp ứng nhanh các phê bình trái chiều.
Article 19 cho rằng một cách tiếp cận phương án tự quản này tốt hơn chính là bản thân nội dung NetzDG phải nhấn mạnh rằng cơ quan tự quản mà các công ty mạng xã hội cùng thành lập đó phải là một cơ quan sẵn sàng hợp tác sâu rộng với giới xã hội dân sự, phải công khai minh bạch, và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước công chúng về hoạt động của chính các công ty mạng xã hội.
Một cơ quan tự quản tối ưu cũng phải bị luật pháp bắt buộc phải tích cực ưu tiên bảo vệ các quyền con người như quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, thay vì chỉ là một “thư ký hào nhoáng” cho các công ty mạng xã hội.
Bất kể các phê bình đó, NetzDG đã có hiệu lực tại Đức từ tháng 1 năm nay và hiện nay đang được nhiều nước sử dụng làm một ví dụ cho thấy việc cần thiết (và có thể) làm luật kiểm soát ngôn luận trên mạng internet.
Các mạng xã hội hoạt động ở Đức giờ đây phải chịu án phạt lên tới 50 triệu Euro nếu không chịu xoá tin giả và tin mang tính phỉ báng. Ảnh: AP.
Hiệu ứng Domino?
Human Rights Watch cho rằng qua việc ban hành NetzDG, Đức đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho các nước khác trong việc làm luật kiểm soát ngôn luận hoặc là qua những cơ chế ép buộc các công ty mạng xã hội giống Đức, hoặc qua các cơ chế hỗn hợp khác
Chính phủ Pháp đã đề cập đến việc lên kế hoạch làm luật cấm tin giả trong các kỳ bầu cử, chính phủ Anh đang tính đến việc thành lập đơn vị chuyên xử lý tin giả trong chính phủ.
Chính phủ Singapore đang xem NetzDG của Đức như một hình mẫu để học cách chống tin giả. Chính phủ Philippines đang soạn thảo luật có khả năng vừa phạt tiền các công ty mạng xã hội, vừa phạt tù cá nhân người dùng mạng xã hội.
Luật bắt kiểm soát thông tin mạng cũng đang được bàn thảo ở Liên bang Nga, vốn là một địa điểm bị nhiều nước phương Tây cáo buộc là nơi bắt nguồn của nhiều chiến dịch tin giả, phản tuyên truyền có tác động ảnh hưởng đến bầu cử nội địa các nước khác. Một bộ luật đang được xem xét tại Nga có khả năng phạt tiền cả các doanh nghiệp và các cá nhân nào không chịu gỡ bỏ nội dung trái luật. Số tiền phạt cá nhân có thể lên đến 88.700 đô-la Mỹ.
Nhiều nước khác trên thế giới chắc chắn cũng đang quan sát kinh nghiệm thực tế của Đức và Malaysia để tìm phương án lập pháp thích hợp.
So sánh chi tiết nội dung các luật kiểm soát ngôn luận của Đức và Malaysia, có thể thấy rằng có nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề lan truyền tin giả trong thực tế.
Đức “nắm tóc” các công ty mạng xã hội và tạo ra một cơ chế tự quản nhất định cho các công ty này. Cơ chế tự quản này dù có khiếm khuyết nhưng vẫn có một mức độ “thả cho tự chủ” nhất định. Malaysia thì “nắm tóc” chính những người dùng mạng xã hội, đồng thời độc đoán áp dụng cả án tù và án tiền nặng nề.
Mỗi cách tiếp cận đều có rủi ro riêng nhưng cách “nắm tóc” người dùng mạng xã hội đe dọa tự do và nhân quyền mạnh mẽ hơn hẳn.
Đây có lẽ là một khác biệt quan trọng nên được nhớ đến, mỗi khi có ai đó tại Việt Nam đem các ví dụ chung chung về “thông lệ quốc tế” trong công tác làm luật kiểm soát ngôn luận ra bàn luận.
Tài liệu tham khảo: