Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bị cho là “phạm tội có tính chất côn đồ” như một tình tiết tăng nặng, Đặng Văn Hiến bị toà phúc thẩm tuyên y án tử hình. Nhưng thực tế vụ án và các tiền lệ xét xử của Việt Nam cho thấy đây là một quan điểm bất hợp lý của Toà án Nhân dân (TAND) cấp cao.
Ngày 12-7, Toà án Nhân dân (TAND) cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm vụ nổ súng vào rạng sáng 23-10-2016 khiến 3 người chết, 13 người bị thương tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Dù TAND cấp cao đã giảm án cho nhiều người, kể cả các bị cáo chỉ đạo cuộc bố ráp của Công ty Long Sơn đối với khu đất như ông Nghiêm Thiên Xuân Sửu và Phạm Công Thiện; bị cáo Đặng Văn Hiến vẫn bị tuyên y án tử hình với căn cứ do ông Đặng Văn Hiến đã phạm tội giết người thuộc nhiều trường hợp tăng nặng như: “giết nhiều người” và “có tính chất côn đồ”.
Trong phạm vi của mình, bài viết sẽ không lạm bàn đến tính đúng sai tổng quát của vụ việc. Theo hồ sơ án, đất mà công ty Long Sơn tự ý thu hồi lại đã được Ủy ban Nhân dân giao cho công ty này làm dự án nông lâm nghiệp từ lâu, nhưng trong quá trình chưa thực hiện dự án, một số nông dân đã tự ý xâm canh. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng phần đất của các nông dân đã được sử dụng, canh tác nhiều năm; Ủy ban Nhân dân bàn giao đất kèm theo yêu cầu công ty Long Sơn phải tự mình thỏa thuận thu mua đất từ phía nông dân.
Dù sao thì, có một đồng thuận chung là việc xem hành động của ông Hiến có “tính chất côn đồ” có phần nặng nề và chưa phù hợp với tinh thần pháp luật Việt Nam.
Bài viết sẽ xem xét các quan điểm pháp lý liên quan đến khái niệm “có tính chất côn đồ” của tội danh giết người và kết hợp nhiều tiền lệ của nhiều tòa cấp cao với hy vọng thống nhất giải thích pháp lý cho khái niệm này, đồng thời xây dựng cơ sở cho việc xin ân xá, giảm án cho ông Hiến hoặc đề nghị giám đốc thẩm vụ án.
Nền tảng lý thuyết pháp lý
Quan điểm của các chuyên gia pháp lý hình sự Việt Nam về “tính chất côn đồ” khi thực hiện hành vi phạm tội thường được chia ra làm hai trường phái tạm thời: “bao gồm nhân thân” và “không bao gồm nhân thân”.
Ở trường phái thứ nhất, theo luật sư Đinh Văn Quế, trong các sách của mình như Các Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và Bình luận khoa học Bộ Luật Hình sự, Phần các tội phạm, “phạm tội có tính chất côn đồ” là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống. Những người này được xem là có hành vi ngang ngược và càn quấy. Họ chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt, nhưng vẫn có thể cố tình gây hấn, từ đó thực hiện hành vi phạm tội.
Tính chất côn đồ theo trường phái này phụ thuộc vào hai yếu tố: (1) nhân thân người phạm tội (với các thành tố như: quá khứ, tính cách, thái độ xử sự của họ trong cuộc sống hàng ngày); và (2) không gian, địa điểm nơi xảy ra tội phạm.
Đối với trường phái thứ hai, họ phủ nhận yếu tố nhân thân của người phạm tội. Trong quyển Sổ tay Thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao xuất bản bởi Nhà xuất bản Lao động, các tác giả phân biệt rõ khái niệm “côn đồ’” là kẻ chuyên gây sự, hành hung; còn “phạm tội có tính chất côn đồ’” là phạm tội hoàn toàn từ nguyên cớ do mình gây ra.
Trường phái này mong muốn loại bỏ yếu tố nhân thân của người phạm tội và chỉ tập trung vào hành vi khi thực hiện tội phạm mà thôi. Do đó, “côn đồ” sẽ được hiểu ở khía cạnh là thuộc tính, phản ánh tính nguy hiểm của hành vi phạm tội đã được thực hiện.
Tuy nhiên, dù có một số khác biệt, cả hai trường phái đều thống nhất là những người phạm tội bị xếp vào tình tiết tăng nặng “có tính chất côn đồ” là những người phạm tội quyết định thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt, không tương xứng, không phù hợp với mâu thuẫn, hoàn cảnh, diễn biến sự việc xuất phát từ những nguyên cớ nhỏ nhặt (mâu thuẫn, xích mích thông thường…) hay thậm chí vô cớ.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin trên chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết, vậy thực tiễn xét xử được tòa vận dụng ra sao?
Tiền lệ xét xử đối với phạm tội ‘có tính chất côn đồ’
Những vụ án được liệt kê và phân tích dưới đây sẽ không phải là án lệ theo đúng tiêu chuẩn công bố bởi Hội đồng Thẩm phán, TAND Tối cao; tuy nhiên, chúng thể hiện một tiền lệ xét xử chung trên cả nước đối với cách hiểu phạm tội “có tính chất côn đồ”, từ đó đối chiếu với cách hiểu do TAND Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong vụ án của ông Đặng Văn Hiến.
Ở miền Trung, chúng ta có thể xem xét Bản án số: 202/2017/HS-PT ngày 11/08/2017, cả bị cáo Vi Văn V liên quan đến tội giết người, được xét xử bởi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Trong vụ án này, Vi Văn V và Lê Quang H là những người làm rẫy thuê, sau một buổi ăn uống chung thì Vi Văn V bị anh Lê Quang H sai vặt nhưng không chịu thực hiện. Vì vậy, V bị anh này dùng cây cao su thúc vào lưng và tán vào mặt nhiều lần. Sau khi được một nhân chứng khác can ngăn, V tiếp tục bị anh H quát tháo và đe dọa “Tao nói mày không nghe thì tao đập mày chết” nên V tức giận dùng cây cao su gần bếp đập nhiều lần lên đầu anh H khiến anh ngã xuống sàn bất tỉnh. Anh H chết không lâu sau đó.
Là lời qua tiếng lại trong một vụ tranh cãi thường ngày trên bàn nhậu nhưng lại dẫn đến chết người nghiêm trọng, tuy nhiên, Tòa Cấp cao Đà Nẵng không chấp nhận việc áp dụng tình tiết tăng nặng “có tính chất côn đồ” trong bản án sơ thẩm.
Theo Tòa này, Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm đã ghi nhận bị hại có một phần lỗi khi liên tục tấn công và đe dọa bị cáo. Trong bản án sơ thẩm cũng đã ghi nhận lỗi của bị hại và tác động tâm lý của nó lên bị cáo. Vì vậy, Tòa Cấp cao Đà Nẵng khẳng định việc áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” là không phù hợp với thực tế vụ án và ghi nhận pháp lý bên trong quá trình điều tra xét xử.
Nạn nhân có một phần lỗi, có vẻ như là một yếu tố quan trọng để xem xét người thực hiện hành vi phạm tội có thực hiện với tính chất côn đồ hay không. Điều này cũng khá phù hợp với nền tảng lý thuyết mà chúng ta đã có dịp lướt qua ở phần trên. V rõ ràng không vô cớ sinh sự hay cố gắng phạm tội quyết liệt không tương xứng với thái độ của anh H. Do đó, dù vẫn phạm tội giết người, V không thể bị xem là phạm tội “có tính chất côn đồ”.
Ngược vào Nam, ta có Bản án số: 342/2017/HS-PT ngày 07/07/2017 được Tòa Cấp Cao thành phố Hồ Chí Minh xét xử.
Trong vụ án này, chị C và anh D sống chung như vợ chồng. Cũng sau một buổi uống rượu, hai anh chị xảy ra mâu thuẫn và xô xát, khiến những người cùng ở đó phải can ngăn. Sau đó, chị C xuống bếp lấy dao giấu trong người. Khi chị cùng con chuẩn bị ra về, thấy anh D tiếp tục chửi bới và định xông đến đánh thì, chị rút dao ra đâm chết anh D tại chỗ. Chị D bị khởi tố về tội giết người cùng với tình tiết tăng nặng “có tính côn đồ”.
Vụ án tương đối phức tạp và bị kháng cáo ở nhiều điểm. Song, riêng về tình tiết “có tính côn đồ”, Tòa phủ nhận luận điểm của Viện Kiểm sát truy tố là chị C đâm anh D chỉ vì chị đang bế con chuẩn bị ra về (và do đó, có tính côn đồ). Theo lời khai của C tại tòa, C do có con riêng nên C và D đã có nhiều mâu thuẫn từ trước. Tòa yêu cầu Viện Kiểm sát cần phải xem xét, điều tra rõ những mâu thuẫn trước và ngay tại thời điểm xảy ra xung đột để xác định việc khởi tố tội giết người tại tình tiết “có tính côn đồ” là hợp lý hay chưa.
Tựu trung, tòa cho rằng việc xem xét xem mâu thuẫn, xung đột tích tụ trong một thời gian mới làm bùng phát hành vi vi phạm pháp luật hay không là một căn cứ quan trọng để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ”.
Hay ra Bắc với Tòa án Cấp Cao tại Hà Nội, chúng ta có thể thấy xu hướng xét xử tương tự. Trong Bản án số: 319/2018/HSPT ngày 24/05/2018, tòa cho rằng thủ phạm bị đánh trước, bị hại có một phần lỗi, nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra”.
Kết thúc có hậu nào cho vụ án Đặng Văn Hiến?
Với những căn cứ trên, có thể nói vụ án của ông Đặng Văn Hiến tập hợp đầy đủ mọi yếu tố loại trừ áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”.
Nếu xét theo nguồn gốc mâu thuẫn và quá trình mâu thuẫn được chính Tòa Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, rõ ràng ông Hiến không chuẩn bị và thực hiện hành vi của mình theo một cách tự nhiên, ngang ngược hay càn quấy.
Tám năm dài tranh chấp đất đai đã không được cơ quan nhà nước xử lý. Công ty Long Sơn cũng không đường hoàng đưa tranh chấp ra giải quyết tranh chấp ở tòa mà liên tục sử dụng các biện pháp khủng bố, đe dọa nhiều hộ nông dân đang có mâu thuẫn với mình. Tranh chấp giữa Công ty Long Sơn (mà đại diện là nhóm nhân công tấn công) và các nông dân giữ đất (đại diện là ông Hiến) không phải là một vụ việc mới phát sinh, có tính chất nhất thời để có thể định khung “có tính côn đồ”. Nó đã được tích tụ lâu dài và bùng nổ vào rạng sáng ngày 23/10/2016.
Mặt khác, nếu xem xét tình huống xảy ra hành vi phạm tội, chúng ta cũng thấy được đây không phải là loại hoàn cảnh mà “tính côn đồ” hay xuất hiện trong nhiều bản án. Ông Hiến không đối diện với những tình tiết đời thường, tiểu tiết, nhỏ nhặt để rồi càn quấy thực hiện hành vi phạm tội.
Việc bị bao vây bởi hàng chục thanh niên, trai tráng cùng với gậy gộc và xe ủi (vốn đã phá hoại hàng chục triệu giá trị tiền cây trồng trước đó) không phải là chuyện vụn vặt hằng ngày. Và câu chuyện cũng không bình thường đến mức xã hội có một định hướng xử sự quy chuẩn, để từ đó đánh giá hành vi của ông là coi thường quy tắc xử sự chuẩn mực của đời sống xã hội.
Bạn sẽ làm gì khi một nhóm người đông đảo và hung hãn với gậy gộc, xe ủi vừa phá hoại cổng – rào, sẵn sàng tiến vào san bằng nhà bạn; gây thương tích cho bạn, người nhà bạn nếu họ thấy cần thiết? Không ai dám chắc chúng ta sẽ hành xử thế nào trong tình huống như thế cả. Đó là lý do quy tắc xử sự thông thường không tồn tại để xác định hành vi của ông Hiến có “côn đồ” hay không.
Riêng yếu tố lỗi của phía nạn nhân (do thực hiện hành vi cưỡng chế đất trái pháp luật theo lệnh công ty Long Sơn; phá hoại tài sản, tấn công cố ý gây thương tích…) không thể rõ ràng hơn với bản án dành cho các chức danh lãnh đạo của công ty. Còn tình tiết giảm nhẹ vì thực hiện hành vi do tinh thần trạng thái bị kích động mạnh cũng hoàn toàn có thể áp dụng.
Hiển nhiên, người viết vẫn công nhận hành vi dùng súng bắn người của ông Hiến là vượt mức phòng vệ chính đáng. Đó là lý do không thể phản đối việc ông phải bị xử với tội danh giết người. Tuy nhiên, việc định khung ông với tình tiết “côn đồ” chắc chắn chưa xác đáng với tiền lệ xét xử của các tòa Bắc, Trung, Nam.
Cùng với bản chất án đất đai là một trong những loại án nhạy cảm nhất tại Việt Nam qua hàng thế kỷ, có nhiều lý do để mong muốn Chủ tịch nước có thể ra quyết định ân xá hay giảm án cho ông Hiến. Nhưng mặt khác, cũng có nhiều lý do để bản án nên được kháng nghị giám đốc thẩm nhằm đảm bảo rằng pháp luật Việt Nam được áp dụng một cách thống nhất và đồng bộ, đúng với kỳ vọng cải cách tư pháp của cả hệ thống chính trị đặt ra hàng chục năm nay.