Ở bài viết trước, chúng ta đã có dịp nói về Brazil, quốc gia bóng đá hùng mạnh nhất nhì hành tinh. Song chỉ thế thôi thì mẫu chưa đủ lớn để có thể minh chứng cho mối tương quan giữa dân chủ và thành công trong bóng đá.
Bốn đội bóng vào đến bán kết năm nay: Anh, Pháp, Croatia và Bỉ đều là những nền dân chủ hoặc là lâu đời, hoặc là đã được xác lập vững chắc. Nhưng cả điều này có thể cũng chỉ là trùng hợp.
Vậy chúng ta hãy nói về tổng quan bức tranh dân chủ trong bóng đá.
Những con số biết nói?
Lịch sử chung của World Cup có thể được xem xét thêm để cho chúng ta câu trả lời tổng quát hơn.
Theo thống kê của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), có năm đội đá nhiều trận nhất trong các kỳ World Cup. Ba đội đến từ Châu Âu gồm Đức, Anh và Italy. Hai đội còn lại là cái nôi cuồng nhiệt bóng đá của thế giới là Brazil và Argentina. Dẫu vậy, thế này cũng chưa hẳn thể hiện được thành công mà từng đội đạt được.
Còn với thông tin về các kỳ World Cup tổng hợp từ Wikipedia, có thể thấy một quốc gia dân chủ cấp tiến với khả năng quản trị công tốt thường có khả năng góp mặt ở vòng 1/16 trở vào trong cao hơn cả. Thậm chí đối với trận chung kết, ngoại trừ hai thành tố khá đặc biệt là là Brazil và Argentina, tất cả những quốc gia góp mặt trong những trận chung kết thế giới từ sau 1945 đến nay đều có xuất xứ từ Châu Âu, thành trì của chủ nghĩa tự do, cấp tiến và quản trị công hiệu quả.
Tính theo khu vực, UEFA – Liên đoàn bóng đá Liên Minh Châu Âu – sở hữu 12 chức vô địch (so với 9 của Nam Mỹ) và có đến 16 lần góp mặt tại các trận chung kết World Cup và trở thành á quân (so với chỉ 5 của Nam Mỹ).
Nếu xét đến một cách thủ công những quốc gia vào được đến vòng bán kết World Cup, chúng ta cũng thấy xu hướng thịnh dân chủ tương tự.
Bốn quốc gia của World Cup năm 2014 là: Hà Lan, Brazil, Argentina và Đức.
Năm 2010 còn áp đảo hơn, với sự góp mặt của Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức và Uruguay.
Năm 2006, cả bốn đội đều đến từ những quốc gia có nền dân chủ mạnh: Bồ Đào Nha, Đức, Ý và Pháp.
Năm 2002 cũng không quá tệ với Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Brazil. Trong đó, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đều là những nền dân chủ – kinh tế mới nổi với mô hình phương Tây.
Năm 1998 vẫn là sự thống trị của Châu Âu với Hà Lan, Croatia, Brazil và Pháp.
Năm 1994, tình hình không thay đổi với Thụy Điển, Bulgari, Brazil và Italy.
Và chúng ta sẽ thấy được vòng xoáy dân chủ cấp tiến tiếp diễn nếu tiếp tục liệt kê.
Chất lượng quản trị quốc gia: nhân tố quan trọng
Tôi biết rằng đọc đến đây, nhiều độc giả sẽ nghĩ đến tiền. Phải, có thể là tiền lắm chứ. Giàu có cũng là một đặc điểm chung khác của các quốc gia dân chủ kiểu phương Tây. Nhưng Trung Quốc, Saudi Arabia, Nga đều là những quốc gia mà chính phủ tự mình đầu tư rất nhiều tiền cho các đội tuyển nói riêng và nền bóng đá quốc gia nói chung, nhưng đến nay không thu được bất kỳ thành quả nào.
Mặt khác, tác giả Daniel Kaufman khẳng định chất lượng quản trị dân chủ của một quốc gia là một thông số đặc biệt quan trọng để tính toán khả năng quốc gia đó tiếp bước vào sâu các vòng trong của World Cup.
Các chỉ tiêu ông kể đến bao gồm, mô hình bảo vệ xã hội dân sự, tự do báo chí, các quyền dân sự và chính trị khác… Ông ghi nhận rằng nếu một quốc gia được đánh giá nằm ở top ⅓ của bảng xếp hạng Chỉ số Quản trị Quốc gia Toàn cầu (Worldwide Governance Indicators – WGI), quốc gia này có đến 70% khả năng đến được vòng 1/16 và sau đó. Còn nếu quốc gia chỉ được xếp hạng ⅓ cuối bảng chỉ số quản trị quốc gia, cơ hội của họ tham dự vòng 1/16 chỉ là 30%.
Riêng hai nhân tố đặc biệt mà ta nhắc đến ban đầu là Argentina và Brazil, tuy không thể so sánh trình độ quản trị công hay mức độ dân chủ của họ với các đối thủ Châu Âu, điều chắc chắn là người dân của hai quốc gia này đã thành công trong việc đẩy lùi làn sóng độc tài quân sự, xây dựng và đang tiếp tục bảo vệ nền dân chủ nước nhà. Kết quả, cả hai đều có vị trí nửa đầu khá cao trên các bảng xếp hạng liên quan đến trách nhiệm dân chủ và chỉ số quản trị công.
Khó có thể lý giải một cách định lượng rõ ràng những đóng góp mà nền dân chủ và hệ thống kiểm tra, giám sát trách nhiệm công cộng hiệu quả dành cho thành công của một đội bóng trong World Cup. Và bài viết hiển nhiên, không muốn nói rằng cứ dân chủ, minh bạch và quản trị công tốt là sẽ tiến sâu ở World Cup.
Tuy nhiên, những số liệu thống kê được bình luận ở trên đã cho thấy định hướng kết nối tịnh tiến khoa học giữa một nền dân chủ hiệu quả, một môi trường hoạt động dân sự và chính trị lành mạnh, với sự phát triển của nền bóng đá quốc gia.
Giải thích một cách định tính, người viết tin rằng một xã hội dân chủ cấp tiếp luôn là nền tảng tốt nhất cho sự khỏe mạnh của nền bóng đá một quốc gia.
Nếu pháp luật quốc gia và chính quyền bảo vệ xã hội dân sự, đó sẽ là căn cơ để phát triển các hội đoàn bóng đá độc lập, các chương trình phát triển tài năng không bị xâm phạm bởi những nhóm lợi ích và ai cũng được tham gia dựa trên nền tảng tự do cá nhân.
Nếu tự do báo chí được bảo đảm, sự minh bạch của các tổ chức bóng đá, mối quan hệ giữa môi trường bóng đá với chính phủ sẽ được kiểm soát. Vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, chi phối hoạt động thể thao của các cá nhân, tổ chức chính trị (nếu có) nhờ thế cũng có thể bị phơi bày.
Nếu đời sống văn hóa xã hội độc lập với quyền lực nhà nước, các thiết chế văn hóa xã hội có thể tự mình vận hành, thử sai, đào thải những yếu tố không tốt của nền bóng đá quốc gia; thay vì bị kiểm soát bởi hệ thống quan quyền nhà nước.
Đến cuối cùng, một xã hội được quản lý bởi sự cởi mở, minh bạch; cơ hội cạnh tranh bình đẳng, dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chắc chắn là xã hội luôn tạo ra một môi trường thuận lợi nhất để mọi công dân có thể thăng hoa bằng 100% khả năng của mình, và sự kiểm soát tối thiểu đến từ nhà nước.
Ngược lại, nền chính trị mục ruỗng, bị kiểm soát bằng quan liêu, tham nhũng luôn có khả năng lũng đoạn những sân chơi thể thao lành mạnh nhất.