‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vào chiều 13/8/2018 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề để xảy ra bạo động trong các cuộc biểu tình đầu tháng 6/2018. Theo đó, ông Tô Lâm đã tuyên bố, trong thời gian sắp tới Bộ Công an sẽ thực hiện chủ trương chung của Bộ Chính trị và “triển khai hiệu quả các phương án phòng chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố”.
Tuy đặt biểu tình bên cạnh các hành vi “bạo loạn và khủng bố”, nhưng có lẽ ông Tô Lam hẳn phải biết, việc một người đi biểu tình vốn dĩ không vi phạm bất cứ điều luật Hình sự nào của Việt Nam. Hơn nữa, đây còn là một quyền Hiến định tại Điều 25 Hiến pháp 2013.
Thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, nhà nước hiện nay luôn tìm cách ngụ ý ngầm và đánh đồng việc thực thi quyền biểu tình với bạo động, hoặc là hành vi “diễn biến hòa bình” nhằm quy chụp những người tham gia đã vi phạm pháp luật.
Công an và chính quyền cũng thường xuyên gán ghép tội “gây rối trật tự công cộng” cho các hành vi biểu tình. Chúng ta thấy rất rõ điều này qua các bản án lên đến hai hoặc ba năm tù dành cho trên dưới 20 người tại ba tỉnh thành khác nhau ngay trong tháng Bảy vừa qua. Những người bị bắt và kết án trong các vụ việc nêu trên đều đã tham gia cuộc biểu tình toàn quốc ngày 10/6/2018 để phản đối dự thảo luật Đặc khu và luật An ninh mạng, và cũng đều bị kết tội “gây rối”.
Phát biểu ngày hôm kia của Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa khẳng định quan điểm “nói không với biểu tình” của chính quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, quan điểm nói trên hoàn toàn đi ngược lại với các chuẩn mực của Luật Nhân quyền quốc tế, vốn không cho phép bất kỳ một nhà nước nào được “phòng chống biểu tình”.
Đúng là tại một số nơi trên thế giới, khi các cuộc biểu tình nổ ra thì cũng rất đáng tiếc là có những lúc, nó đã đi kèm với bạo động. Tuy nhiên, vì biểu tình là một quyền con người, nên cho dù có xảy ra bạo động thì các chính phủ cũng không thể ra luật để cấm đoán hoặc ngăn cản người dân xuống đường biểu tình.
Việc đảm bảo an toàn trật tự xã hội là trách nhiệm của nhà nước, nhưng họ không thể vin vào đó như là một cái cớ để cấm người dân thực thi quyền của mình.
Để xảy ra bạo động là lỗi của ai?
Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, chuyên gia Luật nhân quyền quốc tế và cựu Báo cáo viên đặc biệt về quyền hội họp và biểu tình ôn hòa của Liên Hiệp Quốc, Maina Kiai, cho rằng, nếu có bạo động xảy ra trong các cuộc biểu tình, thì phần lớn trách nhiệm nằm ở phía nhân viên công quyền.
Theo ông Kiai, khi cảnh sát hay công an xuất hiện tại những cuộc biểu tình với các trang bị chống bạo động, áo giáp sẵn sàng với dùi cui lăm lăm trong tay, thì vô hình trung, chính họ đã trở thành lực lượng “kích động” đám đông quần chúng. Hoặc ngược lại, khi họ mặc thường phục và lẩn trốn trong các đoàn biểu tình, thì điều đó cũng cho thấy phía chính quyền đang chuẩn bị làm ra hành vi sai phạm. Ví dụ như gây cản trở cho người biểu tình và muốn che dấu thân phận thật sự của mình.
Ông Kiai muốn các chính phủ hiểu rõ, đó là người dân không ai tự nhiên lại chọn xuống đường biểu tình, và cũng không ai đi biểu tình “cho vui” cả. Mà đó là một phương án gần như là cuối cùng, khi mà mọi nỗ lực khác đã được sử dụng hết trong việc đối thoại với chính quyền nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề.
Đặt trong bối cảnh của Việt Nam, chúng ta hãy thử nghĩ lại các cuộc biểu tình lớn trên các tỉnh thành cả nước trong những năm gần đây. Vì sao người dân chúng ta đi biểu tình? Có phải là vì đi “cho vui” hay không?
Hay đó là vì Trung Quốc gây hấn trên biển Đông và cắt cáp tàu Bình Minh, vì hải phận của chúng ta bị giàn khoan 981 xâm phạm, vì chính quyền Hà Nội muốn chặt hàng nghìn cây xanh, vì thảm họa môi trường Formosa tàn phá biển miền Trung? Và mới đây nhất, vì Quốc hội nhất quyết phải thông qua dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng mà không lắng nghe ý kiến của người dân, thì họ mới chọn phương án xuống đường hay không?
Mỗi người chúng ta chắc đều có câu trả lời cho riêng mình.
Trong mọi trường hợp, ông Kiai tin rằng tinh thần của Luật Nhân quyền quốc tế là để bắt buộc các chính phủ cam kết: mỗi một điều luật quốc gia mà họ ban hành có liên quan đến quyền con người đều phải đảm bảo công dân sẽ được thực thi quyền đó mà không bị cản trở.
Điều này có nghĩa là, nếu chính quyền ra luật biểu tình thì đó phải đồng nghĩa với việc công dân sẽ được đảm bảo là họ có thể đi biểu tình tự do mà không bị đàn áp, bắt bớ. Chứ không phải là nhà nước ban hành luật để tạo thêm những rào cản cấm đoán, khiến cho người dân không thể biểu tình được nữa.
Luật quốc tế KHÔNG cho phép Nhà nước ngăn cản hay cấm đoán người dân biểu tình
Khi nói đến Luật quốc tế, ở đây chúng tôi muốn nói về các chuẩn mực của Luật Nhân quyền quốc tế bởi vì nó liên quan trực tiếp đến các quyền con người mà Hiến pháp 2013 đề cập đến. Cũng trong bản Hiến pháp này, Việt Nam còn cam kết sẽ “tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Nhà nước Việt Nam thường hay diễn giải Luật Nhân quyền quốc tế theo hướng cho phép họ có thể tuỳ ý đặt ra “giới hạn” đối với các quyền con người khi có liên quan đến các vấn đề “an ninh quốc gia” hay “trật tự xã hội”. Rồi từ đó, họ biện giải cho những đạo luật vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.
Thực chất là luật Nhân quyền quốc tế chỉ cho phép các chính phủ giới hạn việc thực thi quyền con người trong một số trường hợp rất hiếm hoi. Tuy nhiên, các giới hạn đó phải đáp ứng được một chuẩn mực mà hầu hết các chính phủ đều khó có thể đạt được. Thứ nhất, việc giới hạn phải có căn cứ luật pháp. Và thứ hai, chính phủ có nghĩa vụ phải chứng minh việc giới hạn là cần thiết và tương xứng với mục đích mà chúng đề ra.
Do đó, các chuẩn mực của Luật Nhân quyền quốc tế – được ghi rõ trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (mà Việt Nam đã tham gia ký kết từ 24/9/1982) – vốn là dùng để giám sát chính phủ các nước trong việc họ có tôn trọng và thực thi các quyền con người của người dân hay không.
Luật Nhân quyền là một “sản phẩm” pháp lý của thế kỷ 20, có thể nói bắt đầu từ khi bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời vào gần 70 năm trước. Vì vậy, Luật Nhân quyền hoàn toàn không giống với luật Hình sự ở điểm, nó không phải là căn cứ pháp luật để dùng vào việc cấm đoán hay cho phép một hành vi nào đó của người dân.
Ngược lại, Luật Nhân quyền luôn luôn khẳng định các quyền con người là do chúng ta vốn mặc nhiên đã có từ khi sinh ra, chứ không phải do bất kỳ một chính phủ nào ban phát cho. Quyền biểu tình nằm trong số các quyền này, và Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng ghi nhận như vậy tại Điều 25.
Vì thế, Luật Nhân quyền trước hết là để đảm bảo mỗi người chúng ta đều có thể khẳng định và thực thi quyền con người của mình. Sau nữa, là “giới hạn quyền lực” của nhà nước trong việc ban hành các điều luật Hình sự của quốc gia, để chúng không vi phạm các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền.
Vậy nên, dựa trên những tiêu chí nói trên về quyền con người, thì quan điểm cho rằng chính quyền có trách nhiệm phải “phòng chống biểu tình”, là hoàn toàn trái với tinh thần và chuẩn mực của luật quốc tế. Hơn nữa, lập luận này còn vi phạm cam kết tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tại Điều 12 Hiến pháp 2013.
Tài liệu tham khảo: