Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Hơn một năm trước, Chánh án Toà án Nhân dân Tối Cao, Nguyễn Hoà Bình, đã làm một việc hơn hẳn những người tiền nhiệm khi khai trương một trang mạng để người dân có thể đọc các bản án, quyết định của các thẩm phán.
Việc cho người dân đọc các bản án, tài liệu của toà án là chuyện đương nhiên ở rất nhiều nước dân chủ, nhưng đối với ông Bình thì “đây là một quyết định rất dũng cảm của TAND Tối cao”.
Vậy quyết định “dũng cảm” này một năm qua đã đi đến đâu?
Quy định vậy chứ không phải vậy
Ông Nguyễn Hoà Bình nhậm chức Chánh án TAND Tối cao vào tháng 4/2016 khi vừa thôi chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đến tháng 02/2017, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán về công bố các bản án, quyết định của ngành Toà án trên cổng thông tin điện tử được thông qua.
Chỉ năm tháng sau đó, website congbobanan.toaan.gov.vn đã đi vào hoạt động với 838 bản án được công bố.
Nếu chỉ đọc nội dung của nghị quyết nói trên, thì chúng ta dễ có xu hướng cho rằng hầu như phần lớn những bản án và quyết định của các thẩm phán sẽ được công bố trên mạng.
Nhưng thực tế thì không phải vậy.
Theo nguồn tin mà Luật Khoa tạp chí tiếp cận được, không phải các bản án đều được công bố, chỉ có một số bản án được được đưa lên, gọi là các “án điểm”. Đó là những bản án được dư luận quan tâm, hoặc có thể dùng để rút kinh nghiệm trong xét xử các vụ sau.
Website của TAND Tối cao nơi công bố các bản án, quyết định của toà án. Ảnh: Chụp màn hình.
Chúng tôi được biết một toà án cấp quận ở Hà Nội giải quyết một năm khoảng 1,500 – 1,700 vụ việc. Tuy nhiên, khi chúng tôi đối chiếu các bản án được công khai trên website thì chỉ có khoảng hơn 300 bản án được công bố trong một năm qua, tức là chỉ có khoảng 1/5 tổng số vụ việc.
Các bản án có thật sự được công bố đúng theo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hay không, thì chỉ nội bộ ngành Toà án mới biết vì số liệu thống kê các vụ việc ở các tòa án là “lưu hành nội bộ”.
Không có các số liệu thống kê để đối chiếu thì người dân không có cách nào giám sát trách nhiệm công khai, minh bạch của ngành tòa án. Nghị quyết này của Hội đồng Thẩm phán tưởng chừng giúp ngành tòa án tăng cường độ công khai, minh bạch trong xét xử nhưng cũng chỉ là tự làm và tự giám sát.
Ác mộng của các thư ký tòa án
Việc số hóa một bản án không đơn giản như những gì chúng ta thấy khi truy cập vào một bản án trên trang mạng nói trên.
Nguồn tin của chúng tôi cho biết thêm, lâu nay các tòa án không lưu trữ hồ sơ vụ án trên máy tính mà hoàn toàn chỉ lưu bản giấy. Cho nên, việc số hoá các bản án để đăng lên website của TAND Tối cao là rất tốn thời gian. Trong khi đó, quy trình số hóa một bản án là khá phức tạp đối với thư ký tòa án, khi đa số chỉ có kỹ năng tin học ở mức nhân viên văn phòng.
Quy trình số hóa một bản án có khi tốn cả một buổi trong ngày. Đầu tiên, thư ký phải mở bản án và đánh máy lại, rồi tải một tập tin có chứa phần mềm số hóa bản án từ TAND Tối cao về máy tính. Tiếp theo, họ nhập bản án vào phần mềm này để bắt đầu mã hóa dữ liệu, rồi gửi lại tập tin nói trên cho TAND Tối cao. Nếu trong quá trình mã hóa xảy ra lỗi, thư ký phải thực hiện lại từ đầu.
Một tòa án cấp quận ở Hà Nội có từ 15 – 17 thẩm phán, và số lượng thư ký có thể tương đương hoặc ít hơn. Điều này có nghĩa là một thư ký có khi phải làm việc cho hai hoặc ba thẩm phán, nên việc số hoá các bản án là công việc khá mất thời gian, và ít được họ ưu tiên.
Việc công khai các bản án có thể là giấc mơ đẹp của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, nhưng trong thực tế lại là cơn ác mộng của các thư ký đã quá tải với khối lượng công việc hiện tại.
Thư ký trong phiên toà xét xử vụ án hoa hậu Phương Nga ngày 27/06/2017 tại TAND TP.HCM. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Thông tin nghèo nàn của các bản án
Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, một luật sư có nhiều năm tranh tụng ở TP.HCM cho rằng, việc công bố các bản án cho công chúng một mặt giúp tuyên truyền kiến thức pháp luật, khi người dân có thể biết những sự việc tương tự sẽ được xét xử như thế nào. Ngoài ra, việc này còn giúp cho các quyết định của thẩm phán trở nên công bằng hơn, khi mà họ phải suy xét kỹ lưỡng về phán quyết của mình vì nó sẽ được mọi người biết đến.
Một bản án hình sự thông thường có bốn phần:
(1) Thông tin về các bên tham gia phiên tòa, bao gồm các thông tin của Hội đồng xét xử, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, bị hại, người đại diện của bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
(2) Nội dung của vụ án là tóm tắt hồ sơ điều tra, quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên toà về vụ án.
(3) Nhận định của tòa án về vụ án.
(4) Quyết định của tòa án về bản án cho bị cáo, và kiến nghị các bên liên quan.
Tuy nhiên, cũng theo vị luật sư này, nội dung bản án hiện nay không đảm bảo đủ thông tin để công chúng có thể giám sát việc xét xử của các thẩm phán. Đó là vì phần trình bày luận điểm của luật sư về vụ án thường không được nêu ra cụ thể, mà thay vào đó là quan điểm của Viện Kiểm sát, quyết định của thẩm phán nên không đảm bảo công bằng và khách quan.
Vấn đề này cũng được đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu ra khi bắt đầu công bố các bản án, quyết định của toà án. Ông Nghĩa cho rằng, việc công bố bản án như hiện tại mới chỉ là bước đầu gây áp lực để các thẩm phán xét xử công bằng hơn, “vì theo nguyên tắc công khai, minh bạch thì ngay cả những biên bản phiên tòa cũng phải công khai. Bởi có như vậy thì mọi hoạt động của tòa án, từ việc thẩm vấn, tranh tụng, thẩm tra chứng cứ… mới được bộc lộ ra hết”.
Ngay từ ngày khai trương website, ông Nguyễn Hoà Bình đã tuyên bố việc công bố các bản án, quyết định của toà là “một giải pháp đột phá trong chiến lược cải cách tư pháp nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa”.
Vì sao cần công khai các bản án?
Để đảm bảo tính công bằng trong xét xử, một trong những nguyên tắc chung không thể thiếu của toà án là công khai. Các phiên toà phải được xét xử một cách công khai, tức là mọi người được tự do tham gia. Xử kín là một hình thức chỉ được áp dụng trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, ví dụ như có liên quan đến bí mật quốc gia hay ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục.
Việc xét xử công khai buộc toà phải tuân thủ pháp luật nhằm đưa ra phán quyết công bằng, dựa trên lập luận có cơ sở pháp lý của các bên trong phiên toà và phải cho thấy tính khách quan của tòa án.
Việc xét xử công khai cũng nhằm bảo vệ cho quyền của bị cáo. Khi việc xét xử được giám sát bởi nhiều bên – đặc biệt là công luận – thì tòa càng phải đảm bảo quyền được xét xử công bằng. Quyền này bao gồm quyền có luật sư, quyền được đưa ra các chứng cứ để bảo vệ cho mình, hoặc phiên toà không được xét xử một cách quá chóng vánh, v.v.
Việc tiếp cận các bản án, tài liệu của toà án còn giúp công dân có thêm thông tin khi đưa ra các quyết định. Nó có thể là những vấn đề rất đơn giản và cá nhân; ví dụ như để xem thông tin về một công ty có dính líu đến các rắc rối pháp lý hay không trước khi đầu quân cho họ; hay thậm chí chỉ là để biết thêm thông tin về một cá nhân sắp trở thành đối tác trong công việc; hoặc có thể dùng trong những việc to lớn hơn như vạch trần tham nhũng của các quan chức.
Trong một phóng sự điều tra gần đây của đài Al Jazeera, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế của Cambodia Vibol Kong đã “cứng họng”, khi phóng viên của đài trưng ra bằng chứng từ dữ liệu công cộng của chính phủ và Toà án Tối cao của bang Victoria, Úc. Theo đó, Kong đã vi phạm luật của Úc khi làm giám đốc của một công ty tại đây nhưng dành toàn bộ thời gian làm việc ở Cambodia. Ngoài ra, Kong cũng dính líu đến hoạt động trốn thuế và rửa tiền lên đến 15 triệu đô-la, cũng như sở hữu khối tài sản hàng triệu đô-la ở miền Đông Nam nước Úc.
Tài liệu tham khảo: