Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Nguyễn Trãi đã mượn ý của Tuân Tử – một triết gia người nước Triệu thời Chiến Quốc – để nói về sức mạnh của lòng dân bằng một câu thơ trong bài Quan Hải: “Lật thuyền mới thấm, dân là nước”. Tuân Tử từng giảng: “Dân cũng như nước, nước có thể chở được thuyền mà cũng có thể làm đắm thuyền”.
Việc dùng hình ảnh nước dâng có thể lật thuyền để mô phỏng mối quan hệ giữa chế độ cai trị – triều đình với những kẻ bị trị – người dân, có lẽ không phải là một chọn lựa ngẫu nhiên của Nguyễn Trãi hoặc thậm chí là của cả Tuân Tử.
Mà phải chăng, điều đó đã phần nào phản ánh một tư tưởng chính trị dựa trên nền văn minh lúa nước? Phải chăng “nước” có thể gây ảnh hưởng đến tính chính danh của bộ máy cai trị trong một xã hội thuần nông nghiệp như Việt Nam? Liệu việc một nhà nước thành công hay thất bại trong việc trị thủy có thể giúp họ lấy được hoặc mất đi tính chính danh ấy hay không?
Huyền sử về tổ tiên có tài trị thủyLịch sử Việt Nam bắt đầu bằng truyền thuyết về tổ tiên có xuất xứ từ loài Rồng với năng lực trị thủy.
Tuy có nhiều ý kiến tranh luận về nguồn gốc và tính xác thực trong chính sử, nhà nước Văn Lang và 18 đời vua Hùng vẫn được các bộ sử Việt Nam nhắc đến như là cội nguồn của người Việt, bắt đầu từ truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ.
Lạc Long Quân được truyền tụng là người đã dạy dân chúng trồng trọt, canh nông và đánh dẹp các loài thủy quái. Sự tích Sơn Tinh – Thủy Tinh thời Hùng Vương thứ 18 càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trị thủy của người Việt cổ, bằng cách tôn vinh người chiến thắng được lũ lụt.
Văn Lang cũng là triều đại đầu tiên mang tính “cha truyền con nối” được ghi nhận ở ta. Theo đó, tính chính danh của cả một thị tộc là họ Hồng Bàng, chứ không chỉ một cá nhân, đã được người dân công nhận và tuân phục để có thể làm vua đến 18 đời. Cho đến tận bây giờ, năng lực chế phục lũ lụt trong thời kỳ sơ khai của người Việt vẫn được dân gian lưu truyền và ghi nhớ. Điều này chắc hẳn đã góp phần khiến cho các vua Hùng và nhà nước Văn Lang luôn có được một vị trí nhất định trong lịch sử Việt Nam, ít nhất là từ khi nước ta bắt đầu chép sử.
Nếu như huyền sử của Việt Nam không nhắc rõ người có tài trị thủy sẽ có được thiên hạ không chỉ cho bản thân, mà còn có thể danh chính ngôn thuận truyền lại cho con cháu, thì sử Trung Hoa lại viết khá chi tiết về điều này. Nhà Hạ – vương triều cha truyền con nối đầu tiên được ghi chép tại Trung Hoa – là do Đại Vũ, một người đã chế phục được sông Hoàng Hà, thiết lập hệ thống đê điều và giúp dân trị lũ lụt, sáng lập.
Các triều đại phong kiến Việt Nam đều đặt nặng vấn đề trị thủySau giai đoạn huyền sử, thì dù có liên quan trực tiếp đến tính chính danh của hệ thống cai trị thời phong kiến hay không, hệ thống đê điều chống lũ tại miền Bắc Việt Nam, và đặc biệt là tại Hà Nội, đã được sử sách ghi nhận là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các triều đại trải dài từ thời Bắc thuộc cho đến đời nhà Nguyễn.
Theo bài viết Lịch sử hình thành hệ thống đê Hà Nội của Tiến sỹ Trần Văn Tư và Kỹ sư Đào Minh Đức thuộc Viện Địa chất (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), thì công trình xây dựng và nâng cấp đê La Thành của chính quyền đô hộ thời nhà Đường từ năm 824 đến 886, có thể được xem là hệ thống đê điều đầu tiên được xây dựng trên các con sông lớn ở Việt Nam.
Trải qua các đời Ngô, Tiền Lê, và đến đời Lý, Trần, các công trình khai thông đê điều lại càng được mở rộng và nâng cấp.
Điển hình là sau khi dời đô về Thăng Long năm 1010, thì đến năm 1077, triều đình nhà Lý đã đắp được những con đê với quy mô lớn, như đê sông Như Nguyệt – sông Cầu dài đến 30km. Theo Việt Nam Sử lược của Sử gia Trần Trọng Kim, vào đời Lý Nhân Tông (1072-1127), triều đình đã khởi công đắp đê Cơ Xá – là con đê đầu tiên của sông Hồng – để giữ cho kinh thành khỏi bị ngập lụt. Việc đắp đê ngăn lụt lội trong và ngoài kinh thành cũng bắt đầu từ đó.
Cũng theo cụ Trần Trọng Kim, đến thời Trần thì việc đắp đê lại càng được chú trọng hơn. Năm 1244, Trần Thái Tông cho đắp đê ở các lộ hai bên bờ sông Hồng, gọi là Đỉnh Nhĩ đê và đặt chức quan Hà đê chánh phó sứ gồm hai viên để trông coi việc đê điều hằng năm. Nếu đê đắp vào ruộng của dân, thì triều đình chiếu theo giá ruộng mà bồi thường cho chủ đất. Không chỉ ở sông Hồng, triều đình còn cho đắp và nâng cấp các tuyến đê ở các sông khác, như sông Đuống, sông Đà, và sông Đáy để chống chọi lại các trận lũ lớn hằng năm.
Vào thời Hậu Lê, phương thức trị thủy của nhà Trần vẫn được tiếp tục áp dụng, cũng như nhà nước đã cho đắp thêm các đê mới. Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ thế kỷ 17, sự thay đổi về kết cấu tự nhiên của châu thổ sông Hồng do lượng phù sa gia tăng khiến dòng chảy biến chuyển, đã khiến cuộc đối đầu giữa con người và thiên nhiên tại đây càng thêm khốc liệt.
Việc trị thủy, vì thế, nếu chưa được ghi nhận rõ ràng ở các triều đại trước, thì có vẻ đã dần trở thành một điều kiện tiên quyết cho tính chính danh của nhà nước trong vòng 300 năm qua tại miền Bắc Việt Nam. Điều này được thấy khá rõ từ những gì được ghi chép lại vào triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Nhà Nguyễn – thăng trầm theo các cơn lũTheo một bài viết đăng trên trang Trung tâm Lưu trữ Quốc gia của Thạc sĩ Hoàng Nguyệt, trích dẫn châu bản triều Nguyễn về việc trị thủy, thì từ đời Lê Trung Hưng trở đi, nước ta vì chiến loạn liên miên nên tình hình kinh tế, xã hội, chính trị bất ổn. Việc đê điều tại Bắc Thành – tức là 11 trấn phía Bắc, tương đương khu vực Bắc bộ ngày nay – đã bị bỏ bê, trễ nãi.
Vì vậy, ngay sau khi thống nhất đất nước và đăng cơ vào năm 1802, Gia Long đế đã lập tức cho sửa và đắp đê. Một năm sau đó, nhà vua còn có chuyến thị sát đê Hà Nội và “chuẩn chi ngay 80.400 quan tiền tu sửa và đắp thêm bảy đoạn đê mới”.
Đến năm 1809 nhà Nguyễn lại đặt ra chức quan Đê chính Bắc Thành để chuyên coi về đê điều Bắc bộ. Ngoài ra, còn đặt thêm quy định là cứ vào tháng Mười âm lịch hàng năm, các quan, phủ, huyện, trấn phải lần lượt đến kiểm tra lại đê để xem xét việc sửa đắp. Nếu có sửa đắp thì sẽ khởi công vào tháng Giêng, và từ tháng Hai đến tháng Tư là phải xong.
Việc đê điều, trị thủy vẫn được các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức hết sức chú trọng, giám sát và đôn đốc. Đến thời Tự Đức, “khối lượng của hệ thống đê Bắc Thành được đắp mới dưới triều Nguyễn đã bằng tất cả các triều trước cộng lại”. Hơn nữa, còn thêm được hệ thống thoát lũ, phân lũ ở phần hạ lưu, trung du sông Hồng.
Có thể nói các vị vua đầu triều Nguyễn hiểu rất rõ việc lợi hại của công tác hộ đê ở Bắc Thành tuy đã dời kinh đô vào miền Trung. Bởi vì nếu triều đình để xảy ra vỡ đê, lụt lội, thì tính chính danh của vương triều mới khó mà có thể thu phục nhân tâm người đất Bắc.
Vua Minh Mạng còn đặc biệt nghiêm khắc với các quan viên trong vấn đề trị thủy, và từng ra chiếu dụ rằng: “Đắp đê là chống nước lụt cho dân yên ở, quan hệ lợi hại không nhỏ”. Các quan viên chịu trách nhiệm đê điều khi phạm lỗi đều bị nghiêm trị, từ cách chức cho đến bị đánh cả trăm đòn, hay dù đã chết cũng vẫn bị thu lại bằng cấp và sắc phong trước kia.
Tuy vậy, việc vỡ đê điều vẫn xảy ra, và còn xảy ra thường xuyên hơn so với các triều đại trước đó.
Vì như đã nói ở trên, kết cấu tự nhiên của lưu vực sông Hồng thay đổi đáng kể từ thế kỷ 17 do rừng ở cả Việt Nam lẫn vùng Vân Nam – Trung Hoa bị tàn phá ngày càng nhiều, khiến cho lượng phù sa trong nước sông gia tăng theo dòng chảy. Một thống kê được trích dẫn trong sách Thiên Nhiên Việt Nam (XB năm 1977, 142-143) của tác giả Lê Bá Thảo cho biết, trong vòng 150 năm, từ 1831 đến 1959, châu thổ sông Hồng đã tiến ra biển 19km, tức là khoảng 161m một năm. Trong khi giai đoạn từ 1471 đến 1830, chỉ là 21m một năm.
Điều này đồng nghĩa là các thảm họa thiên nhiên hai bên bờ sông cũng trở nên nghiêm trọng hơn do dòng nước hạ lưu xoay chuyển, và việc trị thủy trở thành một nan đề cho cả triều Nguyễn vào nửa cuối thế kỷ 19, lẫn chính quyền thuộc địa của người Pháp sau đó.
Trong thế kỷ 19, nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận, con số các vụ vỡ đê tại miền Bắc Việt Nam gia tăng đáng kể so với một thế kỷ trước đó, gấp 10 lần hoặc còn hơn thế, tạo ra những bất ổn xã hội và chính trị. Theo tác giả Vũ Đức Liêm – giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nôi – thì một số tài liệu cho biết, “lụt và nạn đói là nguyên nhân trực tiếp của bốn cuộc nổi dậy thời Gia Long, 11 cuộc thời Minh Mạng, một cuộc thời Thiệu Trị và ba cuộc thời Tự Đức, trên tổng số 400 cuộc nổi dậy trong vòng 60 năm.”
Đến thời Pháp thuộc, nạn vỡ đê tại Hà Nội càng xảy ra thường xuyên hơn và gây ra lũ lụt liên miên, dẫn đến một số ý kiến không đánh giá cao phương pháp quản lý đê điều của người Pháp tại Việt Nam. Đáng chú ý nhất là trận lụt năm 1913 do vỡ 30 đoạn đê, và trận lụt năm 1915 do vỡ 48 đoạn đê, đã gây tổn thất rất lớn đến mùa màng của người dân.
Tính chính danh của triều đình vào cuối đời nhà Nguyễn và của chính quyền bảo hộ trong thời kỳ Pháp thuộc có còn hay đã mất, hoặc là nhiều hay ít, chắc mỗi người chúng ta đều có câu trả lời của riêng mình.
***
Qua việc các triều đại trong lịch sử Việt Nam đều coi trọng công tác mở rộng và nâng cấp hệ thống đê điều và phòng chống lũ lụt, có thể thấy các nhà nước phong kiến đều có nhận thức rất cao về nguy cơ từ vùng trũng thấp của hạ lưu sông Hồng đối với quyền lực chính trị của mình.
Ngày nay, tại Việt Nam, các vùng đất ngập nước, vùng đồng bằng và rừng đã bị phá huỷ đáng kể để xây dựng đường xá, nhà cửa tại lưu vực các dòng sông trong thế kỷ 20. Vì thế, có thể nói hiểm họa về lũ lụt tại Việt Nam càng lớn hơn so với bất kỳ thời kỳ phong kiến nào trong lịch sử.
Trận lụt năm 1971 tại Hà Nội từng được đánh giá là một trong những thảm họa lũ lụt lớn của nhân loại trong thế kỷ 20. Trận lụt gần đây nhất tại thủ đô trong năm 2018 tiếp tục chứng minh mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng của lũ lụt tại vùng châu thổ sông Hồng.
Tổ chức sông ngòi quốc tế (International Rivers Organization) đã lên tiếng cảnh báo trong cẩm nang “Hướng dẫn hoạt động cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc xây đập”. Theo đó, việc khai thác tràn lan các vùng tài nguyên thiên nhiên mà không có kế hoạch khôi phục sẽ khiến cho lũ lụt ngày càng trầm trọng. Cũng theo tổ chức này, thì việc xây dựng các đập nước chống lũ không phải là phương pháp tối ưu để giải quyết lũ lụt. Điều cần làm là các biện pháp bảo vệ và phục hồi vùng lưu vực và tạo ra các hệ thống báo lũ hữu hiệu.
Năng lực trị thủy của nhà nước hiện nay cũng đứng trước những thử thách mới, và liệu điều này có ảnh hưởng như thế nào đến tính chính danh của họ cũng là điều mà sử sách sẽ tiếp tục ghi nhận.
Tài liệu tham khảo: