Ví dầu Qua có “đạo” riêng …

Ví dầu Qua có “đạo” riêng …

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ vừa có cuộc gặp gỡ báo chí trong những ngày vừa qua sau năm năm không tiếp xúc với giới truyền thông. Sau khi các bài viết về cuộc gặp này được đăng tải, thì mạng xã hội tiếp tục dấy lên nhiều luồng quan điểm, ý kiến khác nhau về những lời phát biểu của ông. Trong đó, một lần nữa, việc ông tìm thấy một niềm tin tôn giáo mới kể từ khi “nhập Thiền” lại được trình bày trên các trang báo với một màu sắc khá lung linh, huyền bí. Điều này phần nào khiến cho nhiều người đặt nghi vấn về tình trạng sức khỏe tâm thần của ông Vũ.

Xét về mặt ông Vũ là một người của công chúng trong nhiều năm, cũng như ông đã và vẫn dùng truyền thông để quảng bá cho thương hiệu và sản phẩm của mình, tôi cho rằng việc công chúng có ý kiến đánh giá về ông là chuyện đương nhiên. Họ có quyền nghi ngờ năng lực, thậm chí là chế giễu ông và niềm tin mới tìm được của ông. Đó là một phần của xã hội dân chủ, đa nguyên, và mọi công dân đều có quyền tự do biểu đạt.

Song song với quyền tự do biểu đạt của công chúng, tôi cũng cho rằng, ông Vũ có quyền chọn cho mình một niềm tin tôn giáo của riêng ông, cho dù nó không “chính thống” và có thể là có phần kỳ lạ. Tuy vậy, có một số bài báo viết về ông Vũ trong những ngày gần đây lại mang đến cho người đọc cảm giác tiêu cực về niềm tin tôn giáo của ông.

Vụ việc của ông Vũ không phải là trường hợp đầu tiên hay duy nhất tại Việt Nam mà một cá nhân hay tập thể gặp phải sự chê bai, nhạo báng, thậm chí có khi là công kích vì niềm tin tôn giáo của mình từ giới truyền thông. Đã có những bài báo chỉ trích linh mục Công giáo, các tu sĩ Phật giáo, rồi đến học viên Pháp Luân Công và gần đây nhất là Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Và vì một số tờ báo ở Việt Nam còn là “cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước” (Điều 4, Luật Báo chí 2016), nên tôi buộc phải thắc mắc và tìm hiểu về thái độ của đảng Cộng sản nói riêng và của nhà nước Việt Nam nói chung, đối với quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân. Đặc biệt là trong những trường hợp có liên quan đến các tôn giáo không chính thống, không hoặc chưa được cấp phép.

Số phận một tôn giáo “lạ” tại Việt Nam sau năm 1975

Tại Việt Nam, nhiều tôn giáo mới đã xuất hiện và phát triển trong vòng hai thế kỷ qua, đặc biệt là tại miền Nam Việt Nam.

Những nghiên cứu của hai giáo sư, Lukas Pokorny và Franz Winter, trong sách Sổ tay về những phong trào tôn giáo mới ở Đông Á (Handbook of East Asian New Religious Movements), đã liệt kê một số tôn giáo mới, được hình thành từ cuối thế kỷ 18 cho đến khoảng đầu thế kỷ 20 tại miền Nam Việt Nam. Trong số đó, đã có những tôn giáo trở thành phổ biến trong xã hội ngày nay, như Cao Đài và Hòa Hảo. Tuy nhiên, cũng có những tôn giáo khác, xuất phát cùng thời điểm, đã bị nhà nước hiện nay xem là “mê tín dị đoan” và hoàn toàn bị cấm sau năm 1975.

Tôi xin đơn cử câu chuyện về số phận của đạo Dừa tại miền Nam. Theo một bài viết trên báo An ninh Thế giới online ngày 18/9/2015, thì đạo Dừa bị chính quyền “bức tử” cùng với người sáng lập ra nó, là ông Nguyễn Thành Nam, vào năm 1990.

Điều đáng nói là trong suốt hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam (1954-1975), dù rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng chẳng “vừa mắt” gì giáo chủ Nguyễn Thành Nam (khi mà ông này luôn cổ súy cho “hòa bình dân tộc” và đòi giải giáp quân đội), nhưng đạo Dừa vẫn được phép hoạt động hoàn toàn tự do.

Chính quyền Ngô Đình Diệm tuy từng áp dụng lệnh giám sát đối với ông Nam và các tín đồ của ông, nhưng việc cấm đạo Dừa hành đạo là hoàn toàn không có. Thậm chí, Cậu Hai Nguyễn Thành Nam còn đứng ra tranh cử tổng thống miền Nam Việt Nam vào năm 1967.

Thế nhưng, chính quyền “cách mạng” sau năm 1975 đã xóa sổ đạo Dừa của Nguyễn Thành Nam và ghép tôn giáo này vào danh sách các hoạt động “mê tín dị đoan”.

Ông Nam bị bắt đi học tập cải tạo, cũng như bị đánh giá là người mắc bệnh tâm thần, hoang tưởng. Cơ sở thờ phụng của ông đã bị chính quyền dỡ bỏ, ngăn cấm ông hành đạo và truyền đạo. Những giáo dân theo ông cũng bị ép phải bỏ đạo. Trong một lần vì xảy ra tranh chấp với chính quyền liên quan đến việc truyền giảng đạo Dừa dẫn đến xô xát, mà ông Nam đã qua đời do té ngã ở tuổi 81 vào ngày 12/5/1990.

Tất cả những thông tin tôi vừa nêu ở trên là tổng hợp từ hai bài báo được đăng trên tờ An ninh Thế giới vào năm 2015. Tiêu đề của cả hai bài viết về đạo Dừa đều bắt đầu bằng cụm từ “chuyện quái dị”.

Đạo Dừa có thể mang lại cảm giác lạ lẫm và khó hiểu cho nhiều người khi các giáo đồ tin vào cả Chúa lẫn Phật, cũng như cổ xúy cho một tôn giáo đại đồng và suy tôn Cậu Hai Nguyễn Thành Nam như một đấng thánh. Rõ ràng là ông Nam và các giáo dân của ông có thể rất khác biệt với số đông chúng ta về mặt tư tưởng và trong cách thờ phụng, nhưng điều đó có đủ là lý do để nhà nước không cho phép họ thực thi niềm tin của mình?

Số phận của đạo Dừa coi như là đã chấm dứt vào năm 1990. Thế nhưng, dù đã gần 30 năm sau đó, thì thái độ của nhà nước đối với những tôn giáo “ngoài luồng” có vẻ vẫn không thay đổi. Vụ án Hội đồng Công án Bia Sơn với những tín đồ của Ân Đàn Đại đạo – một tôn giáo cũng được hình thành từ trước 1975 tại miền Nam Việt Nam – được mang ra xét xử năm 2013. Bản án tù chung thân cho người sáng lập – ông Phan Văn Thu – và tổng cộng hơn 300 năm tù giam cho các tín đồ, đã cho thấy họ cũng chịu chung số phận với đạo Dừa.

Và cho đến tận năm 2015, một tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Bộ Công an vẫn dùng từ “quái dị” để hình dung một tôn giáo. Thế nên, điều này càng khó có thể thuyết phục rằng, Việt Nam hiện nay là một nhà nước thế tục như chính quyền vẫn tự khẳng định.

Cậu Hai-Nguyễn Thành Nam, giáo chủ đạo Dừa năm 1969. Ảnh: Lance Nix, Flickr.

Nhà nước Việt Nam có “thế tục” hay không?

Xét về mặt pháp luật và thể chế, nhà nước Việt Nam tự cho rằng họ là một chế độ thế tục.

Nguyên tắc đầu tiên của một nhà nước thế tục, là các tổ chức tôn giáo phải tách bạch với chính quyền.

Thứ đến, trong một nhà nước thế tục, người dân có quyền lựa chọn bất kỳ niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng nào theo ý của mình mà không bị cản trở, ngăn cấm. Ngay cả khi một người chọn không tin vào gì cả – những người vô thần – thì họ cũng có quyền làm điều này. Đó chính là tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tư tưởng và tín ngưỡng của công dân – vốn là một quyền con người được Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền công nhận tại Điều 18. Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng công nhận quyền này tại Điều 24.

Đương nhiên, những hành vi kêu gọi bạo lực nhân danh tôn giáo không nằm trong phạm vi bài viết, vì đó là hành vi phạm pháp trong mọi xã hội. Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng là để bảo vệ tư tưởng của một người trong xã hội, chứ không phải là những hành động quá khích hay bạo lực, đặc biệt khi nó gây thương vong cho người khác.

Có lẽ khó có ai nói về tự do tôn giáo và sự quan trọng của việc bảo vệ niềm tin, tín ngưỡng của một người rõ ràng cho bằng Thomas Jefferson, một trong những tổ phụ lập quốc của Hoa Kỳ:

 

“Tôi, cũng như quý vị, tin rằng tôn giáo là vấn đề riêng tư giữa một cá nhân và Thượng đế, rằng một người không cần phải giải thích với bất kỳ ai về niềm tin hay cách thức mà anh ta thờ phụng, và rằng các quyền lực chính đáng của một nhà nước chỉ có thể vươn đến các hành vi của một người chứ không phải là những suy nghĩ của anh ta” – Thomas Jefferson (Thư gửi Hội thánh Danbury năm 1802).

Đối chiếu với các nguyên tắc nói trên, liệu Việt Nam có thực là nhà nước thế tục hay chưa?

Tôi e câu trả lời là “vẫn chưa”.

Như đã nói ở trên, một nhà nước thế tục không chỉ độc lập với các tổ chức tôn giáo. Mà quan trọng hơn, nhà nước đó không ngăn cản hay kiểm soát việc người dân chọn niềm tin tâm linh cho bản thân họ. Tức là nhà nước phải có một vai trò hoàn toàn trung lập đối với mọi tôn giáo, cũng như phải đối xử với các loại đức tin (và cả người không có đức tin gì) một cách bình đẳng như nhau.

Thế nên, việc một nhà nước với quyền lực kiểm soát chặt chẽ tất cả các “cơ quan ngôn luận của cơ quan đảng, cơ quan nhà nước” như Việt Nam, mà lại để các cơ quan này đăng tải những thông tin bài xích, châm biếm, chê bai và đôi khi là cả thóa mạ niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng của công dân, thì thái độ của nhà nước đấy đối với vấn đề tôn giáo đã không còn trung lập nữa.

Mà nếu không có thái độ trung lập với tôn giáo, thì đó không thể là một nhà nước thế tục. Một nhà nước “không thế tục” sẽ mang đến nguy cơ là người dân không còn quyền thực thi tự do tôn giáo và tín ngưỡng theo ý của mình. Đặc biệt là trong những trường hợp mà niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của họ thuộc về nhóm thiểu số, và có vẻ khác lạ với các chuẩn mực thông thường hay các tôn giáo chính thống.

Sở dĩ quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo là một trong những quyền con người mà các nhà nước trên thế giới buộc phải tôn trọng, vì nó góp phần cổ xúy cho một xã hội đa nguyên và bình đẳng. Là nơi mà mọi tư tưởng đều được dung nạp nếu nó không gây hại đến người khác, dù có khác biệt so với các chuẩn mực của số đông.

Một xã hội chấp nhận sự khác biệt, đặc biệt là trong đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo, là một nơi mà tính khoan dung được đề cao. Và đó cũng là một phần mà tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền muốn hướng đến.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.