Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời sáng ngày 21/9, để lại một khoảng trống quyền lực trong bộ máy nhà nước.
Người ngay lập tức được nắm quyền Chủ tịch nước là Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, một gương mặt không thực sự quen thuộc với công chúng.
Điều 93 của Hiến pháp quy định: “Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.”
Bà Thịnh được Quốc hội bầu vào vị trí Phó Chủ tịch nước ngày 8/4/2016. Người tiền nhiệm của bà, ông Trần Đại Quang, được bầu làm Chủ tịch nước trước đó sáu ngày, trong một kỳ họp thay đổi nhân sự cấp cao bất thường, diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tháng 5/2016.
Theo website của Văn phòng Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh sinh năm 1959, quê ở tỉnh Quảng Nam. Bà hiện kiêm nhiệm đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long và là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương.
Hồ sơ đại biểu Quốc hội cho thấy bà có bằng Thạc sĩ Xây dựng Đảng, bằng Cử nhân Luật, và bằng Cử nhân Lịch sử.
Bà gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19/11/1979 và hiện là một trong số 178 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan quyền lực bậc nhất của tổ chức này.
Như vậy, bà Thịnh nhiều khả năng sẽ được giữ chức Chủ tịch nước từ nay cho đến kỳ họp Quốc hội tiếp theo, khai mạc vào ngày 22/10. Khi đó, nếu không có sự biến gì quá bất thường, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước mới trong số các đại biểu Quốc hội.
Mặc dù về lý thuyết, bất kỳ đại biểu Quốc hội nào cũng có cơ hội trở thành Chủ tịch nước, nhưng xưa nay, vị trí này luôn do một Uỷ viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ.
Danh sách Uỷ viên Bộ Chính trị. Lưu ý: ông Đinh La Thăng đã bị cách chức và ông Trần Đại Quang đã qua đời. Ảnh: Báo Mới.
Bà Thịnh hiện chỉ là Uỷ viên Trung ương, không phải Uỷ viên Bộ Chính trị. Trừ trường hợp Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và đưa bà vào Bộ Chính trị, thì bà gần như không có khả năng nào được bầu làm Chủ tịch nước.
Thông thường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp trước mỗi kỳ họp Quốc hội hoặc họp bất thường. Chúng ta có thể chờ đến hội nghị trung ương đó để có thể phán đoán chính xác hơn ai sẽ là Chủ tịch nước tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu thành phần Bộ Chính trị không có gì thay đổi từ nay đến kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 thì chúng ta có thể khoanh vùng các ứng cử viên trong số các Uỷ viên Bộ Chính trị hiện nay, bao gồm: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình, Ngô Xuân Lịch, Tô Lâm, Hoàng Trung Hải, và Nguyễn Thiện Nhân.
Tất cả các Uỷ viên Bộ Chính trị đều là đại biểu Quốc hội, thoả mãn điều kiện hiến định về tiêu chuẩn được bầu làm Chủ tịch nước. Tuy nhiên, chúng ta gần như có thể loại trừ ông Đinh Thế Huynh do ông này vắng bóng trên chính trường từ lâu và đã hai năm nay không họp Quốc hội.
Một khả năng có thể xảy ra là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu làm Chủ tịch nước, chính thức nhất thể hoá hai chức danh đứng đầu đảng và đứng đầu nhà nước theo mô hình Trung Quốc.