Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Không chỉ có người Việt Nam mới thấp thỏm về tương lai chính trị của Trung Quốc. Đất nước đông dân, rộng lớn và ngày càng giàu có này đang trở thành tâm điểm của cả thế giới khi ai cũng phải tính đến họ trong chiến lược phát triển của mình.
Vậy điều gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc trong những thập niên tới? Một số học giả trên thế giới đưa ra ba kịch bản.
Kịch bản thứ nhất: Dân chủ hoá
Cheng Li, Giám đốc Trung Tâm Trung Quốc John L. Thornton của Viện Chiến lược Brookings, nhấn mạnh rằng, dân chủ nghĩa là phải đảm bảo thể chế tam quyền phân lập, pháp quyền, quyền con người, trong đó tự do báo chí, tự do hội đoàn. Đây là những yếu tố cơ bản của một nền dân chủ.
Liệu Trung Quốc có đang tiến đến con đường dân chủ hoá không?
Về xã hội, Trung Quốc đang dần tập trung phát triển các ngành công nghệ cao và chuyển dịch các ngành công nghiệp nặng sang những nước nghèo hay đang phát triển với nguồn nhân công giá rẻ. Kể từ năm 2013, 250 triệu dân ở nông thôn được di dời vào các khu đô thị mới và trở thành người thành phố. Các khu đô thị mới được hình thành như một chiến dịch chuẩn bị cho việc trở thành một cường quốc và xóa bỏ phân biệt giàu nghèo. Kết quả là ngày càng nhiều người ở các khu đô thị mới này cố tìm việc ở các xí nghiệp hoặc ngành dịch vụ. Tỉ lệ đô thị hóa được dự báo sẽ tăng nhanh chóng từ 39% (2002) đến 60% (2025).
Tờ Nhân Dân nhật báo nhấn mạnh, “việc tái định cư này sẽ là một trong những làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử nhân loại”, kéo theo đó là số lượng sinh viên đại học sẽ ngày càng tăng mạnh (7,4 triệu năm 2015, gấp hai lần một thập kỷ trước đó, dự đoán sẽ tăng đến 300% vào năm 2030). Tỉ lệ sử dụng điện thoại và Internet hiện nay của Trung Quốc đã là cao nhất thế giới.
Chính phủ Trung Quốc dự đoán đến năm 2020, Trung Quốc đại lục sẽ trở thành một xã hội giàu có và không phân chia giai cấp, dựa trên chỉ số GDP trên đầu người. Bảng báo cáo của công ty tư vấn McKinsey dự đoán rằng vào năm 2025, tầng lớp trung lưu sẽ có khoảng 520 triệu người (một nửa dân số Trung Quốc). Tầng lớp trung lưu tăng cao sẽ thúc đẩy việc cải cách chính trị và dẫn đến dân chủ hoá.
Về chính trị, sau thời Mao Trạch Đông nắm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên linh hoạt và có trách nhiệm hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo hiện nay cũng đã được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Hơn thế, nhiều du học sinh Trung Quốc trở về và được tuyển dụng ngay vào bộ máy chính quyền với các chức vị cao và quan trọng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy những giá trị dân chủ trong nội bộ của Đảng.
Một thay đổi chính trị quan trọng nữa là cơ chế kiểm soát và cân bằng (checks and balances) ngày càng trở nên chặt chẽ trong chính thể độc tài của Trung Quốc. Lãnh đạo nhà nước không còn có vị thế độc tôn và quyết định tất cả như dưới thời Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình mà tồn tại hai phe rõ ràng – dân túy và tinh hoa. Tất nhiên, hoàn cảnh chính trị hiện nay trong nội bộ đảng đang có thay đổi lớn khi Tập Cận Bình quyết tâm thâu tóm quyền lực và trở thành Chủ tịch nước suốt đời sau khi đã thay đổi Hiến pháp vào năm 2017.
Tập Cận Bình đang tập trung quyền lực và có thể trở thành chướng ngại vật cho tiến trình dân chủ hoá Trung Quốc? Ảnh: AP.
Dù sao đi nữa, Bộ Chính trị của đảng đã bắt đầu sử dụng và làm quen với các khái niệm như “dân chủ nội bộ” (inner-party democracy) nhằm nhấn mạnh rằng đảng hiện nay đã bắt đầu từ bỏ mô hình tập quyền, và cho phép kiểm soát và tạo thế cân bằng quyền lực giữa các bên.
Vậy Trung Quốc sẽ dân chủ hóa bằng cách nào: từ trên xuống (top-down) như Đài Loan hay từ dưới lên (bottom-up) như Hàn Quốc?
Nếu theo mô hình của Đài Loan thì dân chủ hóa có thể xảy ra khi lãnh đạo đảng chấp nhận nhường quyền hay thoái vị. Liệu điều này có khả năng xảy ra không khi tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc đã góp phần gia tăng quyền lực và vị thế độc tôn của ĐCSTQ? Tầng lớp trung lưu cũng e ngại những hệ quả của việc dân chủ hóa sẽ ảnh hưởng đến chén cơm của chính bản thân.
Tuy vậy, mô hình dân chủ Đài Loan đã từng lan đến đại lục vào những năm 1980. Các giá trị dân chủ được tuyên truyền thông qua truyền thông và tự do thông thương dưới thời Đặng đã dẫn đến việc tầng lớp sinh viên và trung lưu đã tham gia đông đảo trong cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Tất nhiên, phong trào này đã bị dập tắt một cách đẫm máu do không có một nhận thức chung cũng như những người tham gia không muốn lật đổ ĐCSTQ mà chỉ thể hiện chính kiến về tình trạng tham nhũng và bất công trong xã hội.
Sự trỗi dậy của xã hội dân sự và các quan điểm đa nguyên trong tầng lớp trung lưu trí thức đang gây ra nhiều áp lực lên nhà nước Trung Quốc. Các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự không còn bị cấm đoán ở đại lục, mặc dù còn bị kiểm soát chặt chẽ. Theo Bộ Nội vụ, có tổng cộng 604.300 tổ chức xã hội đã đăng ký tính đến năm 2014. Trong số đó, có 310 nghìn tổ chức xã hội, 295 nghìn doanh nghiệp xã hội và 4.364 quỹ từ thiện.
Việc Quốc Dân Đảng ở Đài Loan tiến hành dân chủ hoá dẫn đến mất dần quyền lực khiến cho ĐCSTQ lo ngại. Họ sẽ cố gắng níu giữ những lợi ích chính trị và kinh tế nhằm tạo ra một tầng lớp trung lưu trung thành, khiến cho tiến trình dân chủ hoá chậm hơn.
Vì vậy, hình thức dân chủ hoá từ trên xuống sẽ cho phép tầng lớp lãnh đạo và người dân (ở đây là tầng lớp trung lưu) từ từ thích nghi để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trước khi tiến hành dân chủ hóa, tránh trường hợp bạo lực và nội loạn xảy ra. Một yêu cầu cần thiết nữa là tầng lớp lãnh đạo phải cam kết rõ ràng với các giá trị dân chủ và nghiêm chỉnh thực thi nó.
Mô hình Hàn Quốc hay một cuộc cách mạng sẽ bùng nổ khi tầng lớp trung lưu ngày càng trở nên đông đảo và yêu cầu cải cách trong các vấn đề xã hội và chính trị. Nếu Trung Quốc đạt được bước thứ ba của Hiện đại hóa khi tình hình chính trị không ổn định và nỗi ám ảnh về các khủng hoảng về kinh tế – xã hội đang gia tăng nhanh chóng thì tầng lớp trung lưu sẽ trỗi dậy để đòi lại những quyền lợi cơ bản như phong trào dân chủ ở Hàn Quốc. Larry Diamond, học giả chính trị học của Đại học Stanford, đồng ý rằng, ĐCSTQ cũng đang lâm vào thế lưỡng nan về chính trị, “từ chối cải cách hoặc đối mặt với biểu tình. Cải cách hay mất đảng.”
Điều kiện tiên quyết cho một cuộc chuyển đổi ôn hoà từ dưới lên là phải có sự hợp tác giữa ĐCSTQ và lực lượng đối lập (đại diện là tầng lớp trung lưu), tương tự như lúc Hàn Quốc tiến hành cải cách chính trị. Đây là điều không dễ mà có được ở một nơi chưa từng có kinh nghiệm dân chủ nào như Trung Quốc đại lục.
Hiện trường một vụ nổ bom gần Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cuối tháng 7/2018. Ảnh: Standard Media.
Kịch bản thứ hai: Nội loạn kéo dài
Việc chuyển tiếp thể chế có thể dẫn đến bạo lực và hỗn loạn. Cheng Li lưu ý rằng, “tình trạng hỗn loạn kéo dài có liên quan nhiều đến những thách thức nhân khẩu học mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong những năm sắp tới.”
Sự phân cách giàu nghèo đang trở thành một vấn đề đau đầu. Tham nhũng, tranh chấp ruộng đất, môi trường xuống cấp, khủng hoảng y tế, bất ổn xã hội và tai nạn lao động xảy ra tràn lan.
Thêm vào đó, nạn thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại (6,9% năm 2015 so với những năm trước). Khi dân số tăng thêm khoảng 955 triệu vào năm 2025 thì chính quyền trung ương sẽ không có khả năng tạo thêm việc làm cho tất cả mọi người.
Trong lúc đó, tầng lớp trung lưu thành thị đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường tồi tệ, bao gồm ô nhiễm không khí, tình trạng thiếu nước sạch và mưa acid. Các chuyên gia môi trường tin rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với 20 đến 30 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khu vực sống mỗi năm vì hiểm họa môi trường mỗi năm từ năm 2025. Hơn thế, hệ thống y tế công cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho tất cả người Trung Quốc. Khoảng 45% dân cư thành thị và 80% dân cư nông thôn không có bảo hiểm y tế.
Thay vì tiến hành cải cách đều đặn, ĐCSTQ sẽ chỉ thực hiện một cách từ từ và thận trọng. Mặc dù Bắc Kinh cho phép doanh nhân tham gia vào nội bộ đảng và tư nhân hóa một số doanh nghiệp nhà nước nhưng lãnh đạo cũng tiếp tục đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ cũng như phong trào nông dân, đồng thời khuyến khích chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy. Chủ nghĩa tân phát-xít (neo-fascism) sẽ dẫn đến khiến chính thể hiện nay tự huỷ hoại và và làm gia tăng tốc độ sụp đổ của ĐCSTQ. Từ đó, Trung Quốc đại lục sẽ rơi vào sự hỗn loạn và bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội.
Dù Tập Cận Bình đang ráo tiết chống tham nhũng nhưng nhiều ý kiến cho rằng chiến dịch này chỉ nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị của Tập hơn là cải cách chính trị. Gordon Chang, một phóng viên người Mỹ gốc Hoa, cho rằng người dân đang dần trở nên mất kiên nhẫn với Tập khi có tới 280 nghìn cuộc biểu tình xảy ra vào năm 2014, kể cả đánh bom liều chết và tấn công vào các cơ quan nhà nước. Một cuộc đảo chính có thể là một kết quả không thể nào tránh khỏi khi các cải cách chống tham nhũng của Tập không thể giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội.
Minxin Pei, chuyên gia chiến lược về Trung Quốc của trường Claremont McKenna, phân tích rằng, Đảng Cộng sản không có khả năng cải cách vì việc điều hành nhà nước được xây dựng nên từ các nhóm tư bản thân hữu (crony-capitalism) và di sản của Đặng Tiểu Bình còn khá lớn khi xây dựng một chính phủ độc đảng độc tài để kiến tạo những thành tựu vuợt bậc về kinh tế. Khi chính phủ hoạt động không hiệu quả thì quân đội sẽ bắt đầu chia rẽ vì lợi ích và một cuộc nội chiến sẽ xảy ra. Nạn cướp bóc sẽ bùng lên khắp cả nước.
Rõ ràng, đảng không muốn bạo loạn xảy ra, vì vậy lãnh đạo sẽ giao thêm quyền lực cho công an và gia tăng việc giám sát và quản lý bằng cách xây dựng phần mềm theo dõi và lắp đạt camera giám sát (CCTV) mọi nơi để theo dõi và chấm điểm công dân. Đồng thời, họ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng nhằm xoay chiều dư luận hướng vào vấn đề Biển Đông và Đài Loan nhằm khuyến khích chủ nghĩa dân tộc. Từ đó, đảng có thể tạo nên một phong trào yêu nước và yêu đảng trong xã hội, cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước – người dân. Thêm vào đó, không như văn hóa phương Tây, dân chúng Trung Quốc cũng hi vọng có một cuộc cải cách toàn diện nhưng phải dựa trên nền chính trị độc tài cũ chứ không phải thay đổi hoàn toàn và hi sinh chén cơm để có một nền dân chủ tự do.
Kịch bản thứ ba: Chính thể độc tài mới
Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể chấp nhận một chính thể pháp quyền tham vấn (consultative rule of law), chấp nhận tư pháp độc lập, chấp nhận đa nguyên nhưng không có bầu cử cạnh tranh. Có thể lãnh đạo Bắc Kinh sẽ học hỏi mô hình của Singapore – bán dân chủ, nửa độc tài.
Tuy nhiên, mô hình thể chế độc tài này có thể hiệu quả ở Singapore nhưng chưa chắc đối với Trung Quốc. Lý Quang Diệu, người sáng lập ra Singapore hiện đại, giải thích rằng dân chủ là rào cản cho sự phát triển, vì thế, chế độ độc tài là cần thiết cho sự thịnh vượng quốc gia. Khi ĐCSTQ chấp nhận chuyển tiếp sang mô hình Singapore, tầng lớp trung lưu và bất đồng chính kiến sẽ đòi hỏi một nền dân chủ hoàn toàn thay vì bán dân chủ.
Tài liệu tham khảo: