Đọc ‘Chốn vắng’ của Dương Thu Hương
Dương Thu Hương là một trong những nhà văn nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là
Vài giờ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Đặng Thị Nhung, con gái của tử tù Đặng Văn Hiến hỏi tôi: “Chủ tịch nước mất rồi vụ bố em người sau lên làm họ có xem xét lại không anh?”
Tôi không biết chắc chắn câu trả lời, có thể có hoặc có thể không. Điều đó tuỳ thuộc vào tân Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Giây phút ông Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Chủ tịch nước cũng lúc quyền sống của Đặng Văn Hiến hay hàng trăm tử tù khác được đặt vào tay của ông.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, Chủ tịch nước có quyền ân xá đối với tử tù cũng như đặc xá đối tù nhân nói chung.
Tử tù Đặng Văn Hiến bắn chết ba công nhân của Công ty Long Sơn vào sáng ngày 26-10-2016, khi công ty cho người bố ráp nhà, phá hoại vườn cây của gia đình. Các luật sư bào chữa cho Hiến đều cho rằng hai phiên toà đã không xem xét đến xung đột về đất đai đã kéo dài nhiều năm mà chính quyền địa phương không thể giải quyết dẫn đên đỉnh điểm là xảy ra án mạng.
Trong số những tử tù khác thì có ba vụ việc đã kéo dài hơn 10 năm nay mà ông Trọng nên xem xét ân giảm: vụ án Lê Văn Mạnh bị kết án hiếp dâm và giết bé gái 14 tuổi ở Thanh Hoá, vụ án Nguyễn Văn Chưởng bị kết án giết thiếu tá công an ở Hải Phòng và vụ án Hồ Duy Hải bị kết án giết hai nữ nhân viên bưu điện ở Long An.
Hai tuần trước, ông Nguyễn Trường Chinh – bố của Nguyễn Văn Chưởng, bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của Hồ Duy Hải, và bà Nguyễn Thị Việt – mẹ của Lê Văn Mạnh, đã lang thang khắp Hà Nội để ghi hình cho cuốn phim ngắn của nghệ sĩ Thịnh Nguyễn. Trong phim, cả ba tự mặc cho mình những thứ quần áo chẳng giống ai. Họ cố tỏ ra kỳ cục và lố lăng để thu hút sự chú ý của công chúng.
Từ trái qua phải: bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hải), ông Nguyễn Trường Chinh (bố của Chưởng) và bà Nguyễn Thị Việt (mẹ của Mạnh). Ảnh: Thịnh Nguyễn.
“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để kêu oan cho con bằng bất cứ giá nào”, ông Chinh nói trong buổi ghi hình.
Ông Chinh từ Hải Dương ra Hà Nội hàng tháng để nộp đơn kêu oan cho con. Mỗi lần như vậy, ông chỉ có đủ tiền để ăn bánh mì. Kể từ lúc Chưởng bị bắt, nhà cửa, ruộng vườn đều đã được bán đi để kêu oan cho con. Sức khoẻ của mẹ Chưởng ngày càng suy sụp vì những lần gào thét, ngồi hàng giờ dưới cái rét của Hà Nội, hay vạ vật qua đêm trên vỉa hè.
Cả ba gia đình đã trả giá rất nhiều trong hơn mười năm kêu oan cho con, nhà cửa, ruộng vườn, sức khoẻ, tinh thần và cả niềm tin vào chính quyền đang ngày càng khánh kiệt.
Chắc hẳn ông Trọng không quên lời ông nói trong lễ bế mạc một hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10/2017: “… cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Một lần gần đây, tôi đi in tài liệu giúp gia đình của Hồ Duy Hải, nhân viên cửa tiệm nhìn thấy ảnh của Hải là nhận ra ngay vụ án vì anh đã nhiều lần thấy mẹ của anh vạ vật kêu oan trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.
Công chúng vẫn hay thắc mắc vì sao trong nhiều năm vẫn luôn thấy những ông bà quen thuộc này kêu oan cho con. Vì sao những vụ án của Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn kết thúc có hậu nhưng ba gia đình này vẫn phải hoài kêu oan.
Mười năm qua, Hải, Mạnh, Chưởng bị biệt giam vì những tội ác mà có thể họ chưa bao giờ gây ra, còn gia đình họ luôn sống trong cảm giác có thể mất con bất cứ lúc nào.
Hồ Duy Hải bị bắt hai tháng sau khi hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (Long An) bị giết vào tháng 1/2008. Trong hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, Hải đều kêu oan. Anh kêu oan với bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp vào năm 2015. Hải nói với bà Nga là do thua độ bóng đá, cảm thấy áp lực, và anh không nhớ đã làm gì hôm xảy ra án mạng. Hải cũng cho rằng sở dĩ anh viết được bản tự khai chi tiết là vì nghe một công an xã kể lại nên nhớ. Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp đã nhấn mạnh bằng chứng ngoại phạm của Hải không được xem xét, những vật chứng không được thu thập trực tiếp ngay hiện trường, một số vật chứng khác còn được điều tra viên mua từ chợ.
Bà Lê Thị Nga viết trong báo cáo rằng việc kết tội Hồ Duy Hải “chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm” và “cần phải xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này”. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì bà Nga có thể làm được cho gia đình.
Trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng, các nhân chứng đã không thể ra toà chứng minh tư cách ngoại phạm cho Nguyễn Văn Chưởng do áp lực từ cơ quan điều tra. Trước đó, em trai của Chưởng, Nguyễn Trọng Đoàn bị bắt và truy tố vì tội “che giấu tội phạm”. Cơ quan điều tra chỉ dựa trên bằng chứng duy nhất là lời nhận tội của Chưởng và đồng phạm để kết án.
Theo ông Chinh, bố của Chưởng, gia đình thu xếp cho luật sư xuống gặp Chưởng ở trại tạm giam nhưng phải đến lần thứ bảy thì trại giam mới cho phép luật sư vào gặp.
Bà Nguyễn Thị Việt ở khúc sông nơi xảy ra án mạng mà vì đó Lê Văn Mạnh bị truy tố và tuyên án tử hình. Ảnh: Thịnh Nguyễn.
Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh, ngoài việc làm ruộng vẫn hàng ngày mò cua, bắt ốc trên chính con sông vốn là hiện trường vụ án xảy ra vào tháng 3/2005 mà vì đó Mạnh bị buộc tội hiếp dâm và giết chết một cô bé 14 tuổi. Trước khi bị truy tố trong vụ án này, Mạnh đang bị tạm giam ở Thanh Hoá về tội cướp tài sản. Một bạn tù đã báo cáo với cơ quan điều tra về việc Mạnh gửi thư về nhà thú nhận là thủ phạm trong vụ án hiếp dâm và giết người kể trên.
Tuy nhiên, trong bảy phiên toà bao gồm cả phiên giám đốc thẩm, Lê Văn Mạnh không nhận tội, cho rằng anh đã bị bức cung nhục hình và bị bạn tù ép viết lá thư nhận tội gửi về nhà.
Kể từ ngày 23-10-2018, bốn bản án tử hình được dư luận quan tâm này đã nằm ngay ngắn trên bàn của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong thời kỳ tại nhiệm (2011 – 2016) đã ký ân giảm án tử hình cho 179 tử tù [1]. Việc xem xét lại bốn bản án tử hình này không chỉ là việc sống còn đối với các gia đình mà còn có thể mang lại niềm tin cho công chúng đối với việc thực thi công lý ở nước ta.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Công an, Báo cáo Tổng kết 05 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự trong Công an Nhân dân (2011 – 2016), trang 10.