Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Tôi không hối hận vì đã quyết định tham gia. Đó là một cuộc phiêu lưu lớn”.
Martin Palous kể lại như vậy về một trong những sự kiện trọng đại nhất trong đời ông hơn 40 năm về trước: ký tên vào Hiến chương 77. Cùng tham gia với ông còn có nhà văn Vaclav Havel, người sau này trở thành Tổng thống Cộng hoà Séc, và 240 người khác.
Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa khi đó “cần một sự đoàn kết mang tính con người“.
“Trách nhiệm của chúng tôi là bảo vệ quyền của người khác. Ta không thể im lặng trong những tình huống như vậy”, vị cựu Đại sứ Cộng hoà Séc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc nói.
Hiến chương 77 mà Palous đề cập tới, là một văn kiện và một phong trào dân quyền ra đời ngày 6-1-1977, và có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử Tiệp Khắc (Czechoslovakia).
Trong suốt 13 năm tồn tại của mình, Hiến chương 77 không chỉ là một phong trào đấu tranh chính trị nhằm lật đổ chính quyền độc tài cộng sản ở Tiệp Khắc, không phải là một tổ chức xã hội dân sự với một tôn chỉ nhất định, không phải là một tờ báo với chỉ một ưu tiên chính sách, Hiến chương muốn hình thành cả một nền văn hóa công dân song song, dồi dào sức sống và không bị chính quyền kiểm duyệt.
Câu chuyện của Hiến chương 77, trên thực tế, nhen nhóm từ gần mười năm trước đó.
Đó là vào năm 1968, chính phủ Tiệp Khắc “cảm nắng” các tư tưởng cấp tiến phương Tây và cố gắng đưa ra những cải cách lớn nhằm tạo nên “chủ nghĩa xã hội nhân bản” (“socialism with a human face”) tại quốc gia mình. Song tham vọng và cảm hứng về một mùa xuân Praha của người dân Tiệp Khắc nhanh chóng bị Hồng quân Liên Xô dập tắt. Những nhà lãnh đạo Soviet thấy rằng phong trào đổi mới của Tiệp Khắc sẽ là làn sóng domino không mong muốn, làm ảnh hưởng đến quyền lực của Soviet nói riêng và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu nói chung. Người Nga tin rằng chỉ bằng cách mang quân đàn áp, nhân dân Tiệp Khắc sẽ tiếp tục đồng thuận sống dưới một xã hội mà họ đã luôn sống – xã hội chủ nghĩa ngoại quốc và độc tài đảng phái.
Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà một bộ phận người dân Tiệp Khắc nhận ra đất nước mình đang sống có vấn đề, và một tinh thần đồng thuận chung phi chính trị dần dần được hình thành.
Tháng 12 năm 1976, ban nhạc rock Plastic People of the Universe bị bắt và kết án từ 8 đến 18 tháng tù vì tội danh phá rối trật tự công cộng. Trong thực tế, hài hước hơn, họ bị bắt vì thể loại nhạc rock mà họ theo đuổi, với mái tóc dài đậm chất The Beatles, tên gọi bằng tiếng Anh và phong cách ăn mặc quá Tây Âu. Sự kiện này như giọt nước làm tràn ly cho những bất công và phi lý mà người dân Tiệp Khắc đang phải chịu đựng, và Hiến chương 77 ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Hiến chương 77 thường không được xem là một văn bản chính trị đối lập, mà là một tuyên ngôn chung của tinh thần công dân, với sự góp mặt ban đầu của 242 cá nhân, bất kể lý lịch, quan điểm chính trị hay nghề nghiệp với 235 cá nhân người Czechs, sáu người Slovaks, trong đó có nghệ sĩ, trí thức, đảng viên xã hội chủ nghĩa hay tín đồ Đạo Thiên chúa, và cả những thành viên cộm cán của phong trào Mùa xuân Praha 1968.
Mỗi nhóm có những mối quan tâm và ưu tiên khác nhau, nhưng họ biết cách bỏ qua những bất đồng để tìm đến một mối quan tâm chung, là bắt buộc chính phủ Tiệp Khắc phải có trách nhiệm với hệ thống pháp luật do chính họ ban hành và những cam kết quốc tế mà họ tham gia. Đặc biệt, trong thời điểm đó phải kể đến cam kết của Tiệp Khắc trong Hiệp định Helsinki (Helsinki Accords), một hiệp ước quốc tế nhấn mạnh đến nhân quyền và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tư bản lẫn xã hội chủ nghĩa ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Hiển nhiên, như mọi phong trào đấu tranh, sẽ luôn có những nỗ lực xét lại. Có người cho rằng do Hiến chương 77 quá chú trọng vào đạo đức chính trị và chứa đựng những đòi hỏi pháp lý cực kỳ cao, khó thu hút sự tham gia đông đảo và tích cực của số đông công chúng. Số lượng thành viên ký tên vào Hiến chương cũng chỉ trên dưới một nghìn. Dù dựa mình vào nền tảng của hệ thống pháp luật quốc tế, nhưng quan hệ của các thành viên Hiến chương với nhiều chính phủ hay tổ chức nước ngoài cũng không thật sự mạnh mẽ, họ gần như không nhận được sự hỗ trợ hay mối quan tâm đặc biệt nào từ cộng đồng phương Tây.
Song đó cũng là những thứ làm nên thành công của Hiến chương 77 trong lịch sử Tiệp Khắc. Hiến chương không có mục tiêu biến mình trở thành một phong trào vận động được đông đảo quần chúng ủng hộ, được hưởng ứng hay ca tụng một cách rộng khắp. Hiến chương cũng không kỳ vọng biến các thành viên của mình trở thành các nhà chính trị hay nhà hoạt động xã hội được người người ngưỡng mộ. Hiến chương là những tri thức, những chuẩn mực, những thấu hiểu tối thiểu đến bình dị mà một công dân bình thường kỳ vọng ở chính quyền của mình:
“Hàng chục nghìn nông dân của chúng ta đang bị cấm canh tác trên chính cánh đồng của mình chỉ bởi lý do đơn giản rằng họ không có đồng quan điểm với những chính sách, chủ trương chính thống. Họ đang bị phân biệt đối xử, bị quấy rối bằng nhiều phương thức khác nhau bởi các cấp chính quyền và các thiết chế công.
Bị tước đi những quyền tự vệ pháp lý căn bản của mình, chúng ta đang phải sống trong một xã hội Apartheid tư tưởng… Trong khi hàng trăm ngàn công dân khác của chúng ta đang bị trừng phạt và chung sống với nỗi lo sợ thất nghiệp hay các biện pháp trừng phạt khác nếu họ dám nói ra điều gì đó trái ý với chính quyền.”
Trong suốt 13 năm lịch sử tồn tại của mình, nhóm Hiến chương 77 xuất bản gần 600 tài liệu, từ báo cáo tổng hợp vi phạm nhân quyền đến những thành tích yếu kém của chính quyền trong các vấn đề về giáo dục, môi trường, sức khỏe và nhà tù. Vậy nên, theo nhiều nhà nghiên cứu, Hiến chương 77 trước hết phá hủy thế độc quyền thông tin của chính phủ.
Không chỉ vậy, các thành viên của Hiến chương 77 bắt đầu thách thức một cách công khai các chính sách phi lý của chính quyền như việc phá hủy các tượng đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái trong thời kỳ diệt chủng, tình cảnh của người dân gốc Romani, đòi hỏi quyền tìm hiểu về lịch sử, v.v.
Hiến chương 77 che lấp chủ nghĩa cá nhân, tham vọng chính trị và sự tị nạnh hơn thua trong chính cộng đồng bất đồng chính kiến, biến những quan điểm và tiếng nói đấu tranh thành tiếng nói chung. Họ gợi mở những cuộc tranh luận thực chất cho quốc dân, tài trợ cho những buổi thảo luận ngầm, phát hành sách bị cấm, lập các tòa soạn báo – tạp chí không chính thức hay thậm chí tổ chức những buổi biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ bất hợp pháp… Tất cả chỉ để truyền cảm hứng cho một môi trường trao đổi chung, đại đồng và không phân biệt đối xử cho công dân ở mọi giai tầng.
Hiến chương chưa bao giờ được ca tụng trên các quảng trường với hàng chục nghìn người tham gia. Nhiều năm dài, các thành viên ít ỏi của Hiến chương bị bỏ mặc với lý tưởng và niềm hy vọng ít ỏi mà họ có. Nhưng cho đến nay, khi bạn hỏi ai là thành phần bất đồng chính kiến quan trọng nhất trong lịch sử cộng sản của hai quốc gia tách ra từ Tiệp Khắc (Cộng hoà Séc và Slovakia) chúng ta sẽ có câu trả lời là Hiến chương 77.
Hiến chương 77 không cực đoan, không quá mạnh bạo trong ý tưởng, không phải lúc nào cũng có những hoạt động được quan tâm nhất, nóng hổi nhất, thời sự nhất, nhưng nó là một phần không thể thiếu của lý tưởng tập thể (collective ideology) của những quốc gia sau này.
Hiến chương 77 là câu chuyện của những người hoạt động và đấu tranh không phải vì họ nghĩ rằng mình sẽ thay đổi được điều gì ghê gớm. Họ đấu tranh vì họ cho rằng đó là điều đúng đắn cần phải làm, là niềm tin chung mà mọi người dân cần có được.
Họ không phân thắng bại với nhau chỉ vì một nhà đấu tranh từng là một đảng viên, họ không chê bai những người dân khác là “lên đồng tập thể”, là “thiếu tri thức”, “bị vắt mũi”… Hiến chương 77 tìm một chuẩn mực cho tinh thần công dân thật sự trong tương lai, xây dựng một nền văn hóa cộng đồng tôn trọng lẫn nhau, có trách nhiệm và có tri thức.
Suy ngẫm về di sản của Hiến chương 77, Palous cho rằng, đó là “khởi đầu của lịch sử đương đại của chúng tôi. Khi nào thì lịch sử đương đại bắt đầu? Tôi nghĩ rằng nó bắt đầu từ chính chúng ta, khi chúng ta bắt đầu đặt ra những câu hỏi về bối cảnh và góc nhìn lịch sử”.
“Di sản của Hiến chương 77 là ở chỗ nó không phải chỉ là một khoảnh khắc trong lịch sử, mà là một thách thức về việc tiếp tục đặt ra những câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra vào năm 1977 ở Tiệp Khắc”, ông nói.