Luật An ninh mạng khép lại cánh cửa kêu cứu duy nhất của phụ nữ?

Luật An ninh mạng khép lại cánh cửa kêu cứu duy nhất của phụ nữ?

Ngày 1/10/2018, trang Facebook SOL-VNU Confessions loan báo một thông tin đặc biệt: Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường đã bị Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sau hàng loạt đơn tố cáo nhắm vào vị giảng viên trẻ này.

Đây là điều đã được nhiều sinh viên và cựu sinh viên Khoa Luật chờ đợi từ lâu, bất chấp những nỗ lực phản đối của ông Cường.

Nguồn cơn bắt đầu từ bốn tháng trước đó, khi trang Facebook có khoảng 20 nghìn người theo dõi này bắt đầu đăng tải những thông tin tố cáo một giảng viên của Khoa nhắn tin tán tỉnh một nữ sinh viên. Lập tức, động thái này được nhiều sinh viên và cựu sinh viên của Khoa Luật ủng hộ. Nhiều nữ sinh viên tiếp tục cung cấp thêm thông tin cho Ban quản trị trang và dần dần, dư luận mới biết rõ vị giảng viên bị tố cáo là Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường, với các cáo buộc quấy rối tình dục, gạ tình đổi điểm và trù dập nữ sinh viên.

SOL-VNU Confessions là một trang Facebook của cộng đồng Khoa Luật, được lập ra trong trào lưu “tự thú” trên mạng của sinh viên Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Khởi phát là một phong trào đậm chất nghịch ngợm và mang tính giải trí của sinh viên, các trang confessions dần trở thành nơi sinh viên tố cáo nhà trường, trong đó có cả giảng viên.

Hơi nóng từ mạng xã hội không dừng lại ở đó, khi vào tháng 6, cộng đồng Khoa Luật kêu gọi nhau ký một kiến nghị thư trên mạng, đề nghị Khoa ghi nhận sự việc và tiến hành thanh tra. Kiến nghị này do Trần Anh Đức, cựu sinh viên Khoá 57 của Khoa khởi xướng và thu hút tới gần 6.000 chữ ký.

Với việc một số giảng viên công khai ủng hộ những người tố cáo, vụ việc này đã được Khoa Luật xử lý rốt ráo và kết luận rằng có cơ sở để khẳng định ông Cường chủ động nhắn tin với các sinh viên nữ trong Khoa, trong đó các nội dung tin nhắn có thể hiện cách ứng xử chưa đúng mực trong mối quan hệ giữa nhà giáo và người học. Các nội dung tố cáo về việc gạ tình đổi điểm, làm nữ sinh viên mang thai đều được Khoa kết luận là chưa đủ cơ sở để khẳng định. Tiến sĩ Cường vẫn phản đối các quyết định của Khoa Luật nhưng vụ việc đến nay không có thêm diễn biến gì mới.

Đây được coi là một thắng lợi của cộng đồng mạng xã hội trong việc bảo vệ nữ giới trước vấn nạn quấy rối tình dục. Không mấy ai gọi nó là phong trào #metoo của Việt Nam, nhưng có lẽ chưa từng có một vụ việc nào ở Việt Nam gần với #metoo đến như vậy.

Mọi thứ đã khởi đầu trên Facebook, do cộng đồng Facebook thúc đẩy và sau cùng giành được thắng lợi trên thực tế.

Dù có nhiều yếu tố bên trong mà người ngoài khó có thể nhận biết và phân tích tường tận, có một sự thật rằng mạng xã hội và các công cụ Internet đang mở ra một thời kỳ @ cho khiếu nại – tố cáo, hiệu quả hơn rất nhiều lần so với hệ thống quan liêu đang tồn tại.

T.D tố cáo anh rể Minh Tiệp trên Facebook. Ảnh: 24h.com.vn.

Dùng Facebook tố cáo anh rể bạo hành

Cũng khởi đầu từ cuối tháng 5/2018 như vụ Khoa Luật, nhưng việc em T.D (15 tuổi) lên Facebook tố cáo anh rể đánh đập mình được dư luận chú ý nhiều hơn, do nhân vật bị tố cáo là một người nổi tiếng: biên tập viên, người dẫn chương trình Minh Tiệp của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Em T.D kể trên Facebook rằng anh rể đã đánh đập em nhiều lần trong suốt năm năm, từ lớp 6 đến hết lớp 10, kèm theo một số hình ảnh thương tích trên mặt. T.D cũng tố cáo anh rể từng bạo hành vợ.

Làn sóng dư luận dâng cao, Minh Tiệp và người nhà của T.D lên tiếng phủ nhận thông tin này, mặc dù bố vợ Minh Tiệp xác nhận anh này từng bạt tai T.D.

Ba ngày sau, VTV thông báo tạm dừng phân công công việc cho Minh Tiệp, chờ xác minh của cơ quan chức năng. Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội) cũng lên tiếng vào cuộc khẩn cấp để xác minh và can thiệp theo luật. Ngay cả Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng tuyên bố đang “hợp tác chặt chẽ” với chính phủ Việt Nam trong vụ việc này.

Rất tiếc, vụ việc này chìm xuồng kể từ đó và không có thông tin nào thêm trên báo chí.

Có ba vấn nạn mà phụ nữ thường phải đối mặt: quấy rối tình dục, bạo hành và phân biệt đối xử.

Báo cáo Quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với Phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2010 cho biết, có 58% phụ nữ từng bị chồng bạo hành, khoảng ¼ phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết con của mình từng bị bạo hành do chồng gây ra. Trong khi đó, CARE – một tổ chức quốc tế chuyên về quyền phụ nữ – cho biết, “87% nữ giới được khảo sát tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xác nhận họ đã bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng. Tại trường học, 31% nữ sinh cho biết họ đã bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng và trên các phương tiện công cộng.”

Tuy vậy, số lượng nạn nhân khổng lồ này gần như im hơi lặng tiếng trước bất công mà bản thân phải chịu đựng. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, hầu hết phụ nữ bị bạo hành (87%) “chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền và một nửa số phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực chưa từng nói với bất cứ ai về vấn đề mà mình phải hứng chịu”.

Trong bối cảnh các công cụ chính thống như tư pháp (toà án, công an), hành chính (Cục Trẻ em), lập pháp (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân), tổ chức xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em) không được tận dụng, phụ nữ lại tìm đến một công cụ hoàn toàn mới mẻ nhưng tỏ ra hiệu quả hơn rất nhiều: Facebook.

Ngay cả một bà mẹ trẻ, 16 tuổi, tại một vùng thôn quê ở Quảng Bình cũng biết dùng Facebook để tố cáo hành vi bạo hành của chồng. Cô đăng tin lên Facebook vào đầu tháng 10 và ngay lập tức công an xã và huyện đã vào cuộc.

Một câu chuyện thành công khác là việc bà mẹ Trương Nam Thi sử dụng Facebook làm kênh truyền thông đắc lực để tố cáo cựu giám đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Khắc Thuỷ về tội dâm ô với con gái cô. Các bài viết của cô trên Facebook thường thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt like (thích) và hàng trăm lượt share (chia sẻ). Dưới sức ép rất lớn của cộng đồng Facebook, vụ án cuối cùng đã đi đến hồi kết với bản án ba năm tù giam dành cho thủ phạm vào tháng 6/2018.

Tuy nhiên, cánh cửa kêu cứu đầy hữu hiệu này rất có thể sẽ khép lại một khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Kịch bản Facebook và Google rút khỏi Việt Nam giờ đây không còn xa vời nữa. Ảnh: SBTN.

Bức tử mạng xã hội

Bản chất của Luật An ninh mạng là việc ngàng công an giành lấy quyền kiểm soát tuyệt đối trên không gian Internet. Xưa nay, Internet là không gian tương đối tự do của người dùng Việt Nam do sự phát triển của công nghệ vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền nói chung và ngành công an nói riêng. Nay, với Luật An ninh mạng, công an có thể bức tử không gian tự do ít ỏi còn sót lại này.

Chiến lược kiểm soát của Luật An ninh mạng là nắm đầu những kẻ có tóc: các công ty cung cấp dịch vụ trên Internet.

Nhưng không phải kẻ có tóc nào cũng là đối tượng chủ yếu mà Luật An ninh mạng nhắm đến, bởi xưa nay, các công ty nội địa đã luôn nằm trong tầm kiểm soát của công an. Kẻ công an cần khuất phục nhất là các công ty nước ngoài như Facebook, Google, Apple, v.v.

Bằng cách ép các công ty này mở văn phòng và lưu dữ liệu người dùng ở Việt Nam, chính quyền có thể yêu cầu các công ty này giao nộp dữ liệu riêng tư của người dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước và yêu cầu họ hợp tác với chính quyền để kiểm duyệt nội dung trên mạng.

Quy định này đặt các công ty nước ngoài vào một thế lưỡng nan: tuân thủ thì đi ngược lại với giá trị tự do mà họ theo đuổi, còn không tuân thủ thì sẽ bị Việt Nam chặn truy cập, dẫn đến mất lượng người dùng và doanh thu từ Việt Nam.

Dù kịch bản nào sẽ xảy ra trong thời gian tới, người dùng Internet Việt Nam cũng sẽ hoặc là mất đi các nền tảng trực tuyến quen thuộc như Facebook, Youtube, WordPress do dịch vụ bị chặn, hoặc là chấp nhận tiếp tục sử dụng nhưng bị lộ thông tin cá nhân bất cứ lúc nào. Điều này sẽ ngăn cản người dùng, trong đó có phụ nữ, sử dụng mạng xã hội để tố cáo tiêu cực và đấu tranh chống lại nạn bạo hành và xâm hại tình dục.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.