Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày ông Nguyễn Phú Trọng được bầu và dự kiến nhậm chức Chủ tịch nước, 23-10-2018, trùng với ngày trưng cầu dân ý đưa Ngô Đình Diệm lên ngôi tổng thống năm 1955 và nhiều sự kiện lịch sử thú vị khác.
1955: Trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên ngôi tổng thống
7 giờ sáng ngày 23-10-1955, nhiều đám đông lớn tụ tập xung quanh các phòng bỏ phiếu ở Sài Gòn. Nhiều nhóm sinh viên đi gõ cửa từng nhà để nhắc mọi người đi bầu. Đến 9 giờ, hầu hết các điểm bầu cử đã tạm thời hết phiếu bầu. 10 giờ, hai phần ba số phiếu đã yên vị trong các thùng phiếu.
Trên lá phiếu là hình của hai nhân vật nằm ở trung tâm của lịch sử hiện đại Việt Nam: Quốc trưởng Bảo Đại và và Thủ tướng Ngô Đình Diệm của Quốc gia Việt Nam (State of Viet Nam). Giữa hai hình là một đường bấm lỗ để cử tri tách ra và bỏ hình của người mình muốn bầu vào thùng phiếu. Ở nhiều điểm bầu cử, cán bộ bầu cử tách sẵn hình hai người và cho vào một phong bì, mà về lý thuyết là để giúp quá trình bỏ phiếu nhanh hơn. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là khi cử tri nhận được phong bì đó thì hình của ông Ngô Đình Diệm luôn ở trên.
Đó là những gì mà Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn báo cáo cho Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc trưng cầu dân ý lịch sử đó ở miền Nam Việt Nam, trong một bức điện đề ngày 29-11-1955. Lúc này, theo Hiệp định Geneva, Việt Nam đang tạm chia cắt để chờ tổng tuyển cử thống nhất hai miền.
Trước đó, một chiến dịch tuyên truyền quy mô với băng-rôn, biểu ngữ, tờ rơi, loa phát thanh và nhiều hình thức khác đã được chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm tiến hành rầm rộ. Thông điệp của chiến dịch tuyên truyền này rất rõ ràng: Bảo Đại là kẻ ăn chơi và bán nước; Ngô Đình Diệm là anh hùng cứu tinh sẽ giúp xây dựng một xã hội dân chủ cho người Việt Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm không cho phép bất kỳ một hoạt động tuyên truyền ủng hộ Bảo Đại hay chống Ngô Đình Diệm nào diễn ra.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố vào ngày 26-10, với 98,2% số phiếu về tay Ngô Đình Diệm, chỉ có 1,1% dành cho Bảo Đại, còn lại là phiếu không hợp lệ.
Ngô Đình Diệm chính thức trở thành tổng thống, lập ra một chính thể mới ở phía Nam vĩ tuyến 17, gọi là Việt Nam Cộng hoà (Republic of Viet Nam). Đúng một năm sau, ông Diệm ký ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam Cộng hoà, trong đó ghi rõ: “Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.”
Theo học giả Jessica M. Chapman trong một bài báo đăng trên tạp chí Diplomatic History, giới báo chí quốc tế khi đó đều thống nhất một điểm: đó là một cuộc trưng cầu dân ý phi dân chủ. Ngay cả Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn khi đó cũng nghi ngờ về các con số được công bố và rằng “cuộc trưng cầu dân ý, ở một khía cạnh nào đó, là một trò nhạo báng các thủ tục dân chủ […]”.
Nhưng dù gì đi nữa, Ngô Đình Diệm đã có tám năm trên đỉnh cao quyền lực ở nửa phía Nam của Việt Nam, trước khi bị các tướng lĩnh quân đội ám sát cùng với em trai Ngô Đình Nhu vào ngày 1-11-1963. Di sản của ông là một vấn đề gây tranh cãi lớn khi thành tích cầm quyền của ông lại gắn liền với cái tiếng độc tài gia đình trị.
63 năm sau ngày trưng cầu dân ý đưa Ngô Đình Diệm lên ngôi tổng thống, một nhân vật nữa lại bước lên đỉnh cao quyền lực khi một mình thâu tóm hai vị trí cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam: Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng ngày “đăng quang” của ông Trọng còn trùng với một số ngày đặc biệt nữa trong quá khứ.
1989: Hungary tuyên bố chấm dứt thời kỳ cộng sản
Ngày 23-10-1989, chính thể Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Hungary chấm dứt 40 năm tồn tại của mình bằng phát biểu của vị Tổng thống lâm thời Matyas Szuros: “Kể từ hôm nay, quốc gia của chúng ta tên là Cộng hoà Hungary”.
“Nền cộng hoà Hungary sẽ là một nhà nước độc lập, dân chủ và hợp pháp nơi những giá trị dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện như nhau”, ông nói ngắn gọn.
Biến động to lớn này không đột nhiên xảy ra. Nó là kết quả của 10 tháng cải cách chính trị do đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungary (tức đảng Cộng sản) tiến hành, vốn cho phép tự do hội đoàn và hội họp, cũng như mở cửa biên giới cho người tị nạn Đông Đức tràn vào. Họ cũng tiến hành các hội nghị bàn tròn với phe đối lập để thảo luận về một tiến trình thay đổi chế độ.
Sự kiện ngày 23-10-1989 đánh dấu Hungary bước đầu trở thành một nền dân chủ với một bản hiến pháp cho phép đa đảng và bầu cử cạnh tranh. Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungary cũng chính thức giải thể trước đó hai tuần.
Sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Hungary là một phần của cuộc đổ vỡ của khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô – Đông Âu những năm 1989 – 1991.
1868: Thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản bắt đầu
Lịch sử nước Nhật hiện đại bắt đầu từ ngày 23-10-1868, khi chế độ phong kiến Mạc phủ chấm dứt và Thiên hoàng Minh Trị phục hồi đầy đủ quyền lực.
Trước đó, Hoàng gia chỉ là bù nhìn và không có thực lực chính trị. Lực lượng nắm quyền thực tế ở Nhật từ năm 1603 là một chế độ phong kiến, độc tài quân sự gọi là Mạc phủ Tokugawa.
“Minh Trị” (Meiji) nghĩa là “khai sáng”. Thời kỳ Minh Trị kéo dài 45 năm đã làm thay đổi hoàn toàn nước Nhật, từ một đất nước phong kiến khép kín với thế giới bên ngoài trở thành một cường quốc hiện đại hàng đầu thế giới. Nước Nhật đã gửi người đi phương Tây học hỏi về mọi thứ, cải cách triệt để nền giáo dục, tiếp thu lối sống phương Tây, áp dụng Dương lịch thay vì Âm lịch, hiện đại hoá quân đội, xây dựng một nền quân chủ lập hiến cởi mở hơn và dân chủ hơn, v.v.
Đó cũng đồng thời là quá trình nước Nhật thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và châu Á nói chung để gia nhập hàng ngũ các đế quốc hùng mạnh của thế giới.
Lịch sử nước Nhật từ đó cho đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng luôn nằm ở “chiếu trên” của không chỉ châu Á.
—
Ngày 23-10, ấy vậy mà gắn với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam lẫn thế giới.
Kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, 23-10-2018, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành người quyền lực bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, ngang hàng với Hồ Chí Minh và Lê Duẩn. Ông đang có cơ hội lớn trong tay để đưa lịch sử Việt Nam sang một trang hoàn toàn mới, giống như Ngô Đình Diệm, Matyas Szuros và Thiên hoàng Minh Trị đã làm. Còn việc ông thay đổi đất nước theo hướng nào thì chỉ có tương lai mới trả lời được.