‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Với việc ông Brett M. Kavanaugh được Tổng thống Donald Trump đề cử và được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm thẩm phán, Tối cao Pháp viện nước này đã bước sang một trang sử mới với lợi thế nghiêng hẳn về khuynh hướng bảo thủ (conservative).
Tối cao Pháp viện, còn được gọi là Toà án Tối cao, tên tiếng Anh đầy đủ là Supreme Court of the United States (SCOTUS). Toà án này có chín thẩm phán. Hiến pháp Mỹ không quy định số lượng thẩm phán mà giao cho Quốc hội quyết định. Trong lịch sử, số thẩm phán của Tối cao Pháp viện dao động từ 5 đến 10 và đã ổn định ở con số 9 kể từ năm 1869 đến nay theo một đạo luật được ban hành vào thời kỳ đó.
Là cơ quan cao nhất của nhánh tư pháp, một trong ba nhánh của chính quyền liên bang Mỹ, Tối cao Pháp viện nắm giữ thẩm quyền tối cao trong việc xét xử và diễn giải Hiến pháp Mỹ. Nó được thiết kế để trở thành một thiết chế độc lập và phi chính trị trong chính quyền Mỹ để kiềm chế hai thiết chế còn lại là Phủ Tổng thống (Nhà Trắng) và Quốc hội (Đồi Capitol).
Để độc lập và phi chính trị, các thẩm phán đều giữ nhiệm kỳ trọn đời. Họ chỉ rời chức vụ khi chết, nghỉ hưu hoặc bị phế truất (rất hạn hữu). Năm thẩm phán gần đây nhất rời khỏi chức vụ khi đã nắm quyền trung bình 27,5 năm. Thẩm phán cao tuổi nhất Tối cao Pháp viện hiện nay là Ruth B. Ginsburg sinh năm 1933, năm nay 85 tuổi và đã nắm quyền 25 năm.
Mặc dù vậy, không ai và không cơ quan nào có thể độc lập và phi chính trị hoàn toàn. Trong suốt lịch sử của mình, Tối cao Pháp viện luôn phản ánh những khuynh hướng chính trị khác nhau và bản thân các thẩm phán cũng luôn chia rẽ về khuynh hướng chính trị cá nhân.
Các tổng thống thường đề cử những người ủng hộ chính sách của mình hoặc gần gũi với khuynh hướng chính trị của mình vào Tối cao Pháp viện. Thượng viện là nơi phê chuẩn các thẩm phán cũng hành xử tương tự, với việc đảng nắm đa số sẽ muốn phê chuẩn một người có lợi cho mình nhất. Bởi vậy, dù được kỳ vọng là độc lập và phi chính trị, Tối cao Pháp viện cuối cùng lại là nơi các thế lực chính trị tìm mọi cách gây ảnh hưởng.
Với cơ chế bổ nhiệm trọn đời, bất kỳ tổng thống nào hay đảng phái nào đưa được người của mình vào Tối cao Pháp viện đều có thể kỳ vọng rằng di sản của mình sẽ ít nhiều được bảo vệ trong hàng thập kỷ sau đó, vì mỗi thẩm phán đều có một phiếu khi quyết định một vụ án.
Chính trị hiện đại thường chia ra làm hai khuynh hướng cơ bản: cánh tả (left wing), hay còn được gọi là liberal (phe tự do); và cánh hữu (right wing), hay còn được gọi là conservative (phe bảo thủ).
Xin có hai lưu ý:
Một, các tên gọi này có thể gây nhầm lẫn rằng chỉ có cánh tả mới ủng hộ tự do còn cánh hữu thì bảo thủ và gia trưởng. Bản thân từ “bảo thủ” trong tiếng Việt vốn mang sắc thái tiêu cực. Sự thực không phải như vậy. Xin đọc thêm bài “Cánh tả, cánh hữu, và Trump” của Phạm Đoan Trang để hiểu rõ thêm.
Hai, chính trị không chia rõ ràng thành tả và hữu như là trắng và đen. Nó là một phổ chính trị với những mức độ đậm nhạt khác nhau và rất nhiều vùng xám, trải dài từ cực tả đến cực hữu.
Theo từ điển Encyclopedia Britannica, cánh tả chú trọng đến phúc lợi xã hội, quyền lợi của người dân lao động và sự kiểm soát của nhà nước đối với những thiết chế chính trị, kinh tế lớn của xã hội. Họ thường có thái độ không thân thiện, thậm chí thù địch với giới tinh hoa giàu có. Chủ nghĩa xã hội là hình thái tiêu chuẩn, còn chủ nghĩa cộng sản là hình thái cực đoan của ý thức hệ này.
Trong điều kiện chính trị Mỹ hiện nay, cánh tả ủng hộ các sắc thuế đánh vào người giàu và doanh nghiệp (high tax), bảo hiểm y tế toàn dân (universal health care), quyền nạo phá thai (abortion), quyền kết hôn của người đồng tính (same-sex marriage), kiểm soát sử dụng súng (gun control), v.v. Đảng Dân chủ đại diện cho khuynh hướng này.
Cũng theo bộ từ điển Encyclopedia Britannica, cánh hữu liên đới đến chủ nghĩa bảo thủ, chú trọng đến tính ổn định của các thiết chế xã hội. Chủ nghĩa phát xít là hình thái cực đoan của khuynh hướng này.
Trong điều kiện chính trị Mỹ hiện nay, cánh hữu ủng hộ việc bãi bỏ hoặc hạn chế các sắc thuế đánh vào người giàu và doanh nghiệp (tax cut), ủng hộ thị trường tự do (free market), phản đối việc nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường, và phản đối các khuynh hướng mà cánh tả theo đuổi như đã kể ở trên. Đảng Cộng hoà đại diện cho khuynh hướng này.
Bảng đánh giá khuynh hướng chính trị của Tối cao Pháp viện Mỹ do hãng Axios thực hiện. Với việc thẩm phán Kennedy từ chức, Kavanaugh được cho là sẽ xác lập khuynh hướng bảo thủ một cách vững chắc cho toà án này. Ảnh: Axios.
Trước khi thẩm phán Anthony Kennedy từ chức vào tháng 7/2018, Tối cao Pháp viện có xu hướng thiên hữu, với năm thẩm phán do các tổng thống của đảng Cộng hoà đề cử. Tuy nhiên, trong số năm người đó, Kennedy đóng vai trò là một nhân tố đặc biệt, có thể xoay chuyển tình thế do ông nhiều lần bỏ phiếu ủng hộ khuynh hướng cánh tả. Điều đó khiến ông ở đâu đó gần điểm trung lập hơn. Người ta gọi ông là “swing justice”, còn lá phiếu của ông là “swing vote”. Tối cao Pháp viện đã ổn định ở tình trạng đó trong khoảng bảy hoặc tám năm qua.
Nhưng nay, với việc Brett Kavanaugh, một người cánh hữu trung kiên, thay thế Anthony Kennedy, tình thế đã thay đổi. Tối cao Pháp viện giờ đây có năm thẩm phán là những người trung thành với chủ nghĩa bảo thủ, tiếng Anh hay dùng cụm từ “solid conservative” để chỉ những người này. Rất ít có khả năng họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ khuynh hướng thiên tả, mặc dù Chánh án John Roberts từng bỏ phiếu ủng hộ một đạo luật chăm sóc sức khoẻ toàn dân của Tổng thống Barack Obama, còn được gọi là Obamacare, hồi năm 2015.
Brett Kavanaugh năm nay mới 53 tuổi, nghĩa là có tiềm năng nắm quyền đến 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Ông học luật ở Đại học Yale và tốt nghiệp năm 1983. Sự nghiệp pháp lý của ông bắt đầu với việc làm trợ lý cho Công tố viên đặc biệt Kenneth Starr, người điều tra Tổng thống của đảng Dân chủ khi đó là Bill Clinton, dẫn đến việc Clinton bị Quốc hội luận tội năm 1999.
Ông từng làm việc tại Nhà Trắng với tư cách là luật sư dưới thời Tổng thống của đảng Cộng hoà là George W. Bush, trước khi được chính Tổng thống Bush bổ nhiệm làm thẩm phán của Toà Phúc thẩm liên bang Quận Columbia vào năm 2006.
Mặc dù bị chính trị chi phối như vậy, nhưng Tối cao Pháp viện Mỹ xưa nay vẫn là cơ quan được đặc biệt tôn trọng ở Mỹ do tính độc lập tương đối của nó so với Phủ Tổng thống và Quốc hội. Các thẩm phán không nhất thiết phải bỏ phiếu có lợi cho vị tổng thống đã đề cử mình và đảng phái đã phê chuẩn mình. Trên thực tế, rất nhiều thẩm phán đã làm người đề cử họ thất vọng tràn trề. Về cơ bản, Tối cao Pháp viện vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực của hai nhánh còn lại của chính quyền liên bang Mỹ.