Câu chuyện anh lái xe container đang tạm thời lắng dịu khi mà Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam có một quyết định nhanh chóng và thông minh là rút hồ sơ vụ án xem xét lại, một mặt có thể xem xét vấn đề áp dụng pháp luật, mặt khác cũng trấn an dư luận, giảm nhiệt cho tòa Thái Nguyên.
Tuy nhiên, bỏ qua nội dung của vụ án đã được giới luật gia và luật sư xem xét nhiều khá nhiều, một vấn đề khác lại trỗi dậy: công lý đám đông.
Người viết nhận thấy nhiều cá nhân, mà chủ yếu làm trong ngành tòa án, đang than vãn rằng xử án thế này sao không thành lập Tòa trên mạng, bên nào nhiều like hơn thì thắng, ai nhận biểu tượng “phẫn nộ” nhiều thì bị tuyên có tội. Và hiển nhiên điều lo ngại của họ không sai, nhưng người viết cũng nhận thấy rằng quan điểm này không hoàn toàn đúng trong tình hình tư pháp Việt Nam hiện nay.
Cần thừa nhận rằng công lý đám đông tự phát (mob justice) cực kỳ nguy hiểm. Cũng có thể nói công lý đám đông không bảo vệ được công lý nào cả. Tòa án là một hệ thống bảo vệ công lý lâu đời, được hình thành và phát triển dựa trên những lý thuyết công bình nhất định tương ứng với từng thời đại.
Cho đến ngày nay, hầu hết các tòa đều được trang bị những nguyên tắc nhân quyền và dân quyền căn bản như suy đoán vô tội (presumption of innocence), quyền im lặng (right to silence) hay chuẩn mực tố tụng (due process) nhằm bảo đảm rằng quy trình xét xử và kết quả xét xử không chỉ là một bản án có quyền lực nhà nước, mà còn là một bản án bảo đảm được nhân quyền, quyền lợi của công dân và sự bình ổn, sự đồng thuận chung của xã hội dành cho chính thể.
Thêm vào đó, thứ quan trọng đối với tòa không phải là cảm xúc về sự bất công, là quan điểm về công lý. Họ dựa vào sự thật – chứng cứ (facts) và pháp luật (law). Với một số trường hợp lịch sử, mà đặc biệt là trong hệ thống pháp luật thông luật, lẽ công bình (equity) còn được sử dụng để đưa ra phán quyết. Tòa án, vì vậy, thường được xây dựng như là biểu tượng của sự bình đẳng và sự thống nhất ý chí của xã hội, dù nền tảng chính trị của xã hội đó có phân cực đến đâu (Hoa Kỳ làm một ví dụ cụ thể).
Nói cách khác, một quốc gia hiện đại – một cộng đồng văn minh không thể tồn tại nếu không có tòa án. Đó là một sự thật không thể bàn cãi.
Về công lý đám đông, hãy tưởng tượng rằng một ngày nào đó bạn đi chợ mua thịt về cho gia đình, vừa ra khỏi chợ thì một đám đông đuổi theo bắt bạn lại và cáo buộc bạn ăn cắp. Không có thời gian giải thích, không được ai phán xử, không theo thủ tục quy trình, bạn bị đám đông đánh đấm cho hả giận. Đây là một ví dụ khá đơn giản nhưng rất toàn diện cho công lý đám đông. Không khó để tưởng tượng nên một bầu không khí u ám và nặng nề thế nào khi phải sống trong một xã hội nơi số phận con người bị những đám đông như thế quyết định.
Công lý đám đông đôi khi cũng được tích hợp vào trong mô hình tư pháp nhà nước với xu hướng dân túy cực đoan và tàn độc.
Ngay chính tại Việt Nam, Cải cách Ruộng đất 1953 – 1956 là một ví dụ rõ ràng của công lý đám đông. Người dân bị phân chia thành các nhóm, các tầng lớp khác biệt; những tòa án đặc biệt được lập ra, nhuộm đỏ màu bạo lực bằng công cụ đấu tố từ công chúng. Sự công bình, minh bạch và thủ tục tố tụng quy chuẩn tối thiểu của hệ thống tư pháp do đó hoàn toàn biến mất. (Bạn đọc có thể xem thêm thông tin về Cải cách Ruộng đất qua bài viết này)
Hay cuộc Cách mạng Pháp lừng danh năm 1789, với Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền, cũng không xóa được vết nhơ lịch sử của Kỷ Kinh hoàng (Reign of Terror). Cuộc tấn công chiếm pháo đài Bastille được ghi nhận là một cuộc cách mạng hỗn loạn đến tàn nhẫn, với đầu của những viên cai ngục bị chặt và cắm cọc diễu hành trong niềm vinh dự của những người thi hành. Maximilien Robespierre (được mệnh danh The Incorruptible – Người không thể tha hóa) – một trong những người lãnh đạo của cách mạng Pháp, cũng là kiến trúc sư trưởng của Kỷ kinh hoàng.
Ông là người đấu tranh quyết liệt để yêu cầu hành hình Vua Louis. Đến sau khi được bầu vào Hội đồng An toàn Công cộng (Committee of Public Safety) năm 1793, chiến dịch khủng bố bằng công lý đám đông bắt đầu. Chỉ chưa đầy một năm, 300.000 “kẻ thù cách mạng” bị bắt giữ, 10.000 người chết trong nhà tù, 17.000 người bị xử tử bằng các máy chém lê khắp nước Pháp. Tháng 6 năm 1794, khi Robespierre được thống nhất chọn làm Chủ tịch Quốc hội, một đạo luật mới ra đời chính thức đình chỉ quyền được xét xử bởi một phiên toà công khai và quyền trợ giúp pháp lý, những quyền mà Phá duy trì ngay cả trong thời phong kiến. Chỉ trong một tháng sau đó, thêm 1.400 nạn nhân nữa bị xử tử với máy chém qua tội danh “kẻ thù nhân dân”.
Với những ví dụ cụ thể trên, chúng ta có lẽ đã thấy được một xã hội, một cộng đồng cần một thiết chế tư pháp công bằng và độc lập như thế nào. Song, từ khóa quan trọng nhất là “công bằng” và “độc lập”. Có tòa án, nhưng tòa án đó không công bằng hay độc lập thì cũng không có giá trị mấy đối với sự yên bình và đồng thuận của xã hội.
Nếu những thẩm phán có thể bị dễ dàng mua chuộc, nếu công lý được xây dựng để nghiêng về kẻ mạnh, nếu cơ quan hành pháp có thể dễ dàng kiểm soát hội đồng xét xử, nếu tôn chỉ chính trị là mạch sống và vận động của tòa án, khó có thể nói chúng ta có một hệ thống tư pháp công bằng và độc lập. Và tòa Việt Nam nói riêng, cũng như toàn bộ hệ thống công quyền của Việt Nam nói chung, không nổi tiếng lắm với việc độc lập và công bằng.
Đối với những vụ án dành cho các tù nhân lương tâm, chưa một tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng nào được các cơ quan tư pháp Việt Nam áp dụng. Từ việc giải thích pháp luật đến phân tích cấu thành tội phạm, từ tranh tụng tại tòa đến quy chuẩn dành cho bị can, bị cáo… tất cả đều không thể hiện được tinh thần tư pháp mà chúng ta kỳ vọng.
Trong khi đó, đối với những vụ án, vụ tranh chấp thông thường, cảm nhận tham nhũng bên trong người dân chắc chắn cũng rất cao. Điều này được thể hiện rõ qua nhiều chỉ số về tham nhũng hay cảm nhận tham nhũng của các tổ chức quốc tế. Thực tế thì niềm tin của công dân Việt Nam vào hệ thống tòa án, đặc biệt đối với những vụ án mang tính chất pháp luật công cũng không còn bao nhiêu.
Như vụ án dâm ô trẻ em của ông Nguyễn Khắc Thủy, vốn có hình phạt nhẹ nhàng cho qua với 18 tháng tù treo; phải nhờ vào tiếng nói của cộng đồng mà giữ hình phạt 3 năm tù giam cho ông này. Ngay cả việc đưa ông Thủy ra xét xử cũng là một nỗ lực không nhỏ của phụ huynh bé gái bị hại và tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng.
Hay trong vụ án của tử tù Hồ Duy Hải với nhiều tình tiết oái oăm như con dao chứng cứ được mua ngoài chợ, cộng đồng cũng chính là bộ phận đưa ra tiếng nói rõ ràng nhất để tạo áp lực cho các cơ quan tư pháp xem xét lại và hoãn việc thi hành án tử hình.
Có thể không liên quan lắm, nhưng mới đây việc cơ quan công quyền tại Cần Thơ tịch thu hàng nghìn viên đá quý và kim cương sau khi bắt tại trận một giao dịch trị giá…100 USD cũng làm dấy lên làn sóng bất bình của dư luận, và kết quả cuối cùng là Cần Thơ quyết định trao trả lại những viên đá quý đã tịch thu.
Hiển nhiên, chúng ta cần hạn chế sự tham gia quá khích của công luận vào quá trình hoạt động của cơ quan tư pháp, đây là điều cấm kỵ đối với việc xây dựng nhà nước của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, khi mà ngay bản thân những cơ quan này không thể hiện, không chứng minh được sự độc lập, sự công bình của mình, tiếng nói của đám đông không phải là thứ công lý đám đông mù quáng, nó là ý kiến chính đáng của công chúng (legitimate public opinion), cần được xem xét và phải được xem xét.
Tại Việt Nam, dù nhiều “học giả” hay cho rằng cư dân mạng Việt Nam hay “lên đồng”, hay “hùa theo”, hay “bầy đàn”, tôi nhận thấy hầu hết các độc giả Việt Nam chọn lọc thông tin rất tốt. Những vụ việc mà cư dân mạng quyết định can thiệp cho đến nay đều có nền tảng pháp lý và nền tảng công bình đi theo sau đó (dù đáng tiếc rằng hầu hết các vụ án chính trị đều bị bỏ qua). Đó không phải là dấu hiệu của công lý đám đông, đó là báo hiệu của một cộng đồng mệt mỏi tìm kiếm một hệ thống thay thế cho mô hình giải quyết tranh chấp và bảo vệ công lý hiện tại mà thôi.