Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Chiều ngày 16/11, giờ Mỹ, vụ đài CNN kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi đến một phán quyết tạm thời với phần thắng thuộc về CNN.
Theo đó, Nhà Trắng buộc phải tạm thời cấp lại thẻ ra vào cho phóng viên Jim Acosta của CNN. Cùng ngày, Jim Acosta đã trở lại Nhà Trắng tác nghiệp như thường lệ, sau chín ngày bị cấm.
Phán quyết của thẩm phán Timothy J. Kelly của Toà liên bang địa hạt Washington D.C nêu rõ, việc Nhà Trắng tước thẻ ra vào của Jim Acosta ngày 7/11 đã không tuân theo các thủ tục chuẩn mực (due process), vi phạm Tu chính án thứ Năm của Hiến pháp Mỹ. Toà chấp thuận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp của CNN về việc được tạm thời phục hồi thẻ ra vào Nhà Trắng cho Jim Acosta trong khi chờ xét xử, đồng thời cho rằng khả năng CNN thắng kiện là khá cao.
Vốn dĩ ngày 7/11, Mật vụ Mỹ đột ngột thu hồi thẻ ra vào Nhà Trắng của phóng viên Jim Acosta, đồng nghĩa với việc ông này không thể tham dự các cuộc họp báo hàng ngày của Nhà Trắng nữa. Quyết định được ban ra chỉ vài giờ sau khi Acosta tranh cãi nảy lửa với Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo.
CNN lập luận rằng việc tịch thu thẻ phải đúng quy trình, nghĩa là phải có thông báo trước, cho CNN được phản hồi và sau cùng khi quyết định phải có văn bản giải thích lý do. Nhà Trắng đã không đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Phán quyết của toà để ngỏ khả năng Nhà Trắng có thể thu hồi thẻ ra vào của bất kỳ phóng viên nào, miễn là phải tuân theo một quy trình hợp lý nào đó. Thẩm phán không đưa ra quan điểm gì về tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất.
Xin lưu ý rằng, đây chỉ là một phán quyết tạm thời trong khi chờ vụ án được xét xử chính thức. Hiện chưa rõ Nhà Trắng có kháng cáo phán quyết này hay không.
Giải thíchCó mấy điều thú vị xung quanh phán quyết này.
1. Thẩm phán Timothy J. Kelly là một đảng viên lâu năm của đảng Cộng hoà, được ông Trump bổ nhiệm vào tháng 9/2017. Ông cũng đồng thời là thành viên của một tổ chức bảo thủ bên Mỹ là Federalist Society (Hội Liên bang) từ năm 2009, vốn có quan điểm chính trị gần gũi với đảng Cộng hoà của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Kelly đã đưa ra một phán quyết độc lập và xử thua cho người từng bổ nhiệm mình.
Hệ thống tư pháp của Mỹ luôn được tiếng là độc lập với hai nhánh còn lại của chính quyền là hành pháp (tổng thống, các thống đốc bang) và lập pháp (quốc hội liên bang và quốc hội tiểu bang). Sở dĩ có được điều này là vì Hiến pháp Mỹ được lập ra dựa trên cơ chế phân quyền (separation of powers) mà các triết gia thời kỳ Khai Sáng Montesquieu và John Locke đã phát triển. Phân quyền không chỉ có nghĩa là chia quyền lực nhà nước ra làm ba, mà còn tạo ra cơ chế để ba nhánh chính quyền kiểm soát và cân bằng lẫn nhau (checks and balances).
Một khi đã được bổ nhiệm, các thẩm phán liên bang (gồm cả Tối cao Pháp viện và các toà liên bang địa hạt) đều nắm quyền trọn đời cho đến khi từ chức hoặc bị phế truất vì có vi phạm nghiêm trọng. Không lo mất chức, các thẩm phán có thể độc lập đưa ra phán quyết của mình.
Cần lưu ý, quy định nhiệm kỳ trọn đời này áp dụng cho hệ thống toà liên bang, còn các bang có những luật lệ riêng của mình, đôi khi rất khác với liên bang.
2. Thẩm phán Timothy J. Kelly đưa ra phán quyết độc lập với cả… quan điểm của chính mình.
Trong phán quyết của mình, ông nói rằng ông có thể không đồng ý với các lập luận của phe nguyên đơn là CNN, nhưng ông vẫn phải tuyên án dựa trên các án lệ trước đó.
“Cho dù tôi có đồng ý [với CNN] hay không, đó chẳng phải là vấn đề. Tôi phải áp dụng án lệ như nó vốn có”, ông nói.
Toà án Mỹ xét xử dựa chủ yếu trên các án lệ, tức là những vụ án tương tự đã được các toà cấp trên xét xử trước đây. Khi phán quyết, toà phải nêu rõ lý lẽ, quan điểm tại sao lại đưa ra phán quyết đó (reasoning). Lý lẽ, quan điểm của các thẩm phán hình thành nên các nguyên tắc pháp lý, bổ sung vào hệ thống pháp luật sẵn có. Đây là truyền thống của các nước theo thông luật (common law) như Anh, Mỹ, Canada, Úc, v.v. Cơ chế này dựa trên nguyên tắc stare decisis, nghĩa là những vụ án có các tình tiết như nhau thì phải được xét xử như nhau.
Toà án ngang cấp có thể áp dụng hoặc lật lại phán quyết của nhau. Tối cao Pháp viện (tức toà tối cao) có thể lật lại phán quyết của tất cả các toà khác và của chính mình.
Bài liên quan: CNN kiện Trump sau khi bị tước thẻ dự họp báo
Từ khoá: