Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tổng quan lịch sử về lực lượng Cảnh sát Quốc gia của Việt Nam Cộng hoà và Công an Nhân dân của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cảnh sát Quốc gia của Việt Nam Cộng hoàKhái niệm cảnh sát xuất hiện sớm ở Việt Nam, từ khi ta còn là thuộc địa của Pháp. Đến năm 1954, thực hiện một số quy định của Hiệp định Geneva, miền Nam Việt Nam mới chính thức có lực lượng Cảnh sát Quốc gia (CSQG) độc lập, do người Việt trực tiếp điều hành và quản lý.
Trong một khoản thời gian ngắn ban đầu, mô hình của CSQG khá tương tự với mô hình cảnh sát Pháp – French Metropolitan Police, có trách nhiệm gìn giữ trị an và đối phó với tội phạm. Lực lượng này nằm dưới sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, với các Giám đốc Nha cảnh sát địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp với bộ trưởng.
CSQG bao gồm cảnh sát được đào tạo bài bản bổ sung cho lực lượng chung, kết hợp với các đội Hiến binh (Gendarmerie), có trách nhiệm chuyên trách bảo vệ các thành phố lớn và thủ phủ địa phương. Đội Hiến binh cũng học từ mô hình của Pháp mà ra. Mô hình được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia sau các cuộc chinh phạt Napoleonic, và kéo dài đến tận ngày nay. Đội Hiến binh có tính quân sự cao và được trang bị đầy đủ hơn cảnh sát thông thường.
Các cảnh sát chuyên trách hình án tương tự như French Compagnies Républicaines de Sécurité (CRS) cũng được chú trọng xây dựng, song đặc biệt nhất phải kể đến lực lượng dân quân không chuyên, có thể được triệu tập để kiểm soát bạo động và duy trì trật tự trị an nếu bất ổn xã hội xảy ra trên diện rộng. Với đỉnh điểm nhân lực có khi đến hơn 15.000 người, đây cũng là nguồn cung quân nhân có qua đào tạo cơ bản cho quân đội.
Mô hình này kéo dài được khoảng một năm thì có những thay đổi cơ bản. Năm 1955, ông Ngô Đình Diệm từ chối thực hiện một phần quan trọng trong Hiệp định Geneva là thực hiện tổng tuyển cử cả hai miền Nam Bắc và đánh bại Hoàng đế Bảo Đại trong một cuộc trưng cầu dân ý bất ngờ ở miền Nam Việt Nam. Tháng 10 năm 1955, Việt Nam Cộng hòa chính thức được thành lập và lực lượng CSQG bắt đầu mang dấu ấn của Ngô Đình Diệm nhiều hơn.
Một trong những dấu ấn cụ thể nhất, là việc ông Diệm trao quyền kiểm soát CSQG cho em trai mình – ông Ngô Đình Nhu. Về mặt lập pháp và kiểm soát quyền lực, đây là một quyết định đáng bị lên án. Tuy nhiên, xét trong tình hình chính trị phức tạp, chủ nghĩa lãnh chúa quân sự cát cứ ngay bên trong miền Nam Việt Nam và các yếu tố chiến tranh với Bắc Việt, quyết định này là có thể hiểu được.
Dẫu vậy, xét mặt chủ quan, bản chất của CSQG vẫn bị thay đổi khá nhiều.
Đầu tiên, một đội cảnh sát mật vụ được bổ sung để theo dõi các nhóm bất đồng chính kiến. Nhiều nhóm nhận nhiệm vụ thâm nhập các tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội dân sự, xây dựng mạng lưới thông tin tình báo và báo cáo lên trên về bất kỳ ai có thể trở thành kẻ thù của hai anh em nhà họ Ngô. Không chỉ vậy, nhiều nhà quan sát còn đặt vấn đề về tính độc lập và thân hữu của chính phủ ông Diệm khi bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Nhu, cũng có tiếng nói trong việc kiểm soát CSQG.
Vào tháng 11 năm 1963, với cuộc đảo chánh lật đổ và giết hại cả Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, lực lượng CSQG được độc lập ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, họ cũng bị buộc phải đóng một vai trò quân sự quan trọng hơn khi các nhóm nổi loạn vũ trang Marxist, Phật giáo… tại miền Nam bắt đầu trỗi dậy. Năm 1965, đỉnh điểm quân số của CSQG là tầm 41.000 sĩ quan (khoảng 0,2% dân số miền Nam Việt Nam).
Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động dân chủ, hội họp của người dân miền Nam vẫn có thể diễn ra bình thường dưới sự giám sát của lực lượng này. Trong đó, rất nhiều phong trào bùng nổ trên quy mô lớn như phong trào sinh viên học sinh hay phong trào văn nghệ phản chiến. Mặt khác, các hoạt động đa nguyên, đa đảng phái vẫn diễn ra khá bình thường.
Bức hình tai tiếng của Tổng Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan, năm 1968. Ảnh: AP.
Trong trận Tết Mậu Thân 1968, khi mà lực lượng quân đội chính quy quân lực Việt Nam Cộng hòa và các cố vấn quân sự Hoa Kỳ chủ yếu đóng tại các khu vực ngoại ô và nông thôn, lực lượng CSQG là nòng cốt chính để chặn đứng các mũi tiến công và nổi dậy của quân nhân phe cộng sản miền Bắc vốn có khả năng chiến đấu vượt trội. Tuy nhiên, những nỗ lực và thành quả của CSQG gần như bị lãng quên trên trường quốc tế sau khi Tổng Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia lúc đó – ông Nguyễn Ngọc Loan (thường gọi là tướng Loan, dù ông này không có hàm tướng), xử tử một thành viên của phe cộng sản ngay trước ống kính truyền hình – báo chí Hoa Kỳ.
(Nguồn tại Encyclopedia of the Vietnam War: A Political, Social, and Military History với các từ khóa Public Security, National Police, Ngo Dinh Nhu, Ngo Dinh Diem)
Công an Nhân dân của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt NamĐối với miền Bắc, ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất lực lượng Cảnh sát (thuộc Pháp) và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ thuộc Bộ Nội vụ. Mô hình này có vẻ khá tương tự với Nha Cảnh sát trong miền Nam.
Tuy nhiên, với giai đoạn 1948 – 1953, tổ chức bộ máy của Công an Nhân dân ở miền Bắc có ba lần điều chỉnh, Nha Công an được đổi tên gọi thành Thứ Bộ Công an, sau là Bộ Công an. Như vậy, khác với mô hình VNCH, chính phủ Bắc Việt chính thức hình thành một Bộ độc lập quản lý vấn đề an ninh công cộng.
Ngoài đặc điểm gắn liền với các hoạt động quân sự của lực lượng quân đội Bắc Việt, lực lượng Công an cũng có vai trò chủ động tích cực trong việc gìn giữ trật tự trị an và diệt địa chủ, mà họ tự gọi là “phá tề, trừ gian, diệt ác”. Ở miền Nam, tiền thân của lực lượng Công an Nhân dân gồm có Ban Bảo vệ An ninh Xứ ủy (sau là Ban An ninh Trung ương Cục) và Ban An ninh các cấp.
Sau 1975, Bộ Công an ngày càng lớn mạnh và trở thành một trong những siêu bộ đáng gờm nhất của bộ máy chính trị Việt Nam. Bộ là một cách tay đắc lực để hoàn thành chỉ tiêu “đánh tư sản miền Nam” ngay sau 1975 cho đến tận những năm 1990.
Hiện nay, người dân Việt Nam có thể thấy bóng dáng của công an trong gần như mọi quan hệ xã hội. Từ vấn đề quản lý nhân khẩu – hộ khẩu, thường trú – tạm trú, xe máy – xe ô tô, văn hóa – văn nghệ, hội họp, dân sinh .v.v. Có thể nói, xã hội Việt Nam đã hình thành văn hóa công an từ lúc nào không hay biết.
Công an bắt người biểu tình Nguyễn Chí Đức tại Hà Nội, ngày 17/7/2011. Ảnh: AP.
Hầu hết những cấp quyền lực công an đều có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động dân sự của người dân.
Công an xã, là lực lượng không chính quy trong bộ máy này, nhưng cũng là lực lượng xông xáo nhất trong việc can thiệp vào đời sống và sinh hoạt xã hội của người dân. Từ việc thường xuyên gửi thư mời làm việc không căn cứ cho bất kỳ cá nhân tổ chức nào bình luận không vừa mắt cho đến dùng cơ chế tạm trú – tạm vắng để quấy rối nhiều nhà hoạt động dân sự.
Trong khi đó, các cơ quan trung ương như Cục An ninh Chính trị Nội bộ, Cục An ninh Văn hóa – Tư tưởng, Cục An ninh mạng,… cũng đang dần mở rộng chân rết của mình ra các lĩnh vực khác. Với sự ra đời và chuẩn bị có hiệu lực của Luật An ninh mạng, với vai trò được chỉ mặt đặt tên ghi trong luật, Bộ Công an chính thức nắm quyền sinh sát một phần quan trọng của đời sống người dân Việt Nam hiện đại.
Mặt khác, quy mô của Bộ Công an Việt Nam hiện nay nếu so với thời kỳ đỉnh cao của VNCH trong thời chiến cũng như so sánh trời và vực. Chỉ tính số lượng tướng trong ngành, có đến 205 hàm cấp tướng, bằng ½ so với hàm cấp tướng bên Bộ Quốc Phòng, trong khi VNCH không cấp hàm tướng cho lãnh đạo thuộc Tổng nha Cảnh sát. VNCH chỉ coi cảnh sát là các nhân viên công vụ dân sự thông thường. Tình hình chỉ thay đổi sau khi chiến sự Việt Nam trở nên căng thẳng và Tổng thống Thiệu quyết định cải tổ ngành Cảnh sát Quốc gia, chuyển đổi nhân sự quân đội – cảnh sát qua lại với nhau. Mô hình cấp bậc của quân đội từ đó cũng được du nhập. Song số lượng tướng thuộc Tổng nha Cảnh sát (hay Bộ Tư lệnh Cảnh sát sau 1971) vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Riêng về số lượng cán bộ – chiến sĩ, theo nhiều nghiên cứu hiện nay, đã có hơn 1,2 triệu người trong ngạch chính thức, và thậm chí thêm 5 triệu thành viên thuộc dạng dân phòng, dân quân tự vệ bán quân sự được trả lương. Để dễ hình dung, con số này chiếm đến 11,7% khối người đang trong độ tuổi lao động ở Việt Nam.
cảnh sát quốc gia: national police
công an nhân dân: the people’s public security
Bộ Công an: Ministry of Public Security
Việt Nam Cộng hoà: The Republic of Vietnam
Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: The Socialist Republic of Vietnam