Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tháng 12, vài nghìn học sinh cấp trung học trên cả nước Anh đang run cầm cập, không chỉ vì cái lạnh mùa đông, mà còn vì hồi hộp chuẩn bị cho vòng phỏng vấn vào khoa Luật của một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới: Cambridge.
Hãy cùng Luật Khoa tìm hiểu sơ qua xem vòng phỏng vấn ấy có khó như nhiều người mường tượng không.
Khoa Luật – Đại học Cambridge tổ chức phỏng vấn như thế nào?Trường Đại học Cambridge, giống với một trường đại học cũng lâu đời khác của nước Anh là Oxford, là một trường đại học theo mô hình collegiate, tức là sinh viên trong trường được chia thành nhiều “trường nhỏ” (college) khác nhau.
Nếu bạn là một fan cuồng của Harry Potter thì có thể hiểu mô hình collegiate này một cách dễ dàng hơn: các college chính là các “nhà” riêng lẻ là nơi sinh viên, giáo sư lưu trú, hội họp, và ăn ngủ, chứ không phải là các “trường đại học/cao đẳng” riêng lẻ theo cách hiểu từ tiếng Anh college thông thường.
Trong Harry Potter, các học sinh trường pháp thuật Hogwarts được chia thành bốn nhà (Gryffindor, Slytherin, Ravenclaw, Hufflepuff) thì các sinh viên Cambridge được chia thành 31 college (trong khi Oxford có 38 college).
Mỗi college của Cambridge như vậy sẽ phỏng vấn riêng các ứng cử viên đã nộp đơn xin vào college đó (trong hồ sơ ứng tuyển vào Cambridge bất kể bạn chọn ngành gì thì bạn đều phải chọn cho mình một college trước để xin vào).
Các giáo sư của khoa Luật trường Cambridge đều chia nhau ra ở các college khác nhau nên mỗi college đều có một nhóm nhỏ các giáo sư, giảng viên luật sẽ là những người phụ trách việc tuyển chọn đầu vào ngành luật cho college của mình.
Ví dụ, trường Fitzwilliam College, trường mà cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng học, hiện nay có bốn fellow (dịch nguyên là bạn hữu, trong môi trường học thuật thì là thành viên danh dự của một college, một trường) đều là những giáo sư đầu ngành.
Thường thì một, hai thành viên trong nhóm fellow ngành luật của một college sẽ đảm nhiệm việc tuyển sinh ngành luật cho college mình.
Các vị fellow tuyển sinh đó thông qua các buổi phỏng vấn sẽ tuyển chọn ra năm đến sáu sinh viên từ số lượng hàng chục ứng cử viên, những người vốn đã vượt qua các “vũ môn” trước đó về tiêu chuẩn điểm số và bài kiểm tra “toát mồ hôi hột” Cambridge Law Test.
Năm hay sáu sinh viên được chọn đó sẽ vừa là những sinh viên khoa Luật Cambridge, vừa là những thành viên của Fitzwilliam College trực thuộc Đại học Cambridge.
Vì việc học tại Cambridge được chia ra thành hai hoạt động lecture (nghe giảng) và supervision (các buổi học nhóm nhỏ dưới sự điều hành của một giáo viên) nên các sinh viên luật Cambridge từ nhiều college khác nhau thường sẽ cùng đến giảng đường nghe giảng chung, nhưng sau đó sẽ về lại các college của họ để học supervision cùng các ông bà fellow tai to mặt lớn của college mình, những ông bà nhiều khi khó tính còn hơn thầy Snape trong truyện Harry Potter!
Ông Lý Quang Diệu và vợ, bà Kha Ngọc Chi, khi cả hai người còn là những sinh viên luật trường Cambridge. Ông Lý học Fitzwillam College còn bà Chi học Girton College dành riêng cho nữ giới. Ảnh: straitstimes.com.
Vậy các giáo sư, giảng viên của mỗi college sẽ phỏng vấn ứng cử viên như thế nào?Tùy mỗi nhóm fellow tự sắp xếp. Có college sẽ phỏng vấn hai lần. Cũng có college sẽ cần ba lần phỏng vấn sinh viên.
Trong một bài báo trên tờ The Guardian, cô Claire Fenton-Glynn – một giảng viên luật Cambridge chia sẻ rằng các college sẽ có một khuôn khổ chung:
“Các ứng cử viên sẽ được hai fellow khác nhau phỏng vấn hai lần… Một phiên phỏng vấn sẽ là về một trích đoạn sách luật mà ứng cử viên đã được cho đọc ngay trước khi phỏng vấn. Phiên phỏng vấn thứ hai sẽ theo dạng tự do hơn, ứng cử viên sẽ được hỏi về nhiều tình huống pháp luật giả định khác nhau.”
Cô Fenton-Glynn cũng đưa ra một ví dụ câu hỏi phỏng vấn: Đi trong khuôn viên trường Cambridge sẽ thấy rất nhiều các bãi cỏ để bảng cảnh báo “Đừng dẫm lên cỏ”, vậy nếu không có ai xung quanh có thể thấy bạn đang làm gì, thì bạn có đi lên cỏ không?
Người giảng viên sẽ hỏi thúc ứng viên thêm bằng cách đưa ra các kịch bản khác nhau: nếu người sinh viên đang đi gấp tới buổi phỏng vấn sắp muộn? Nếu người sinh viên nhìn thấy một ai đó đang bị nghẹt thở gần chết ở phía bên kia bãi cỏ? Họ có dám “vì đại cục bỏ qua tiểu tiết” luật pháp không? Nếu họ tự cho mình quyền phớt lờ pháp luật thì có những lý do xác đáng nào cho quyền đó?
Chu choa, nghe thấy cao xa quá ta?
Thực tế là các college của Cambridge trong các tài liệu quảng bá hay tài liệu hướng dẫn tuyển sinh đều nói rằng họ không đòi hỏi các ứng cử viên phải có kiến thức pháp luật, luật học, hay triết học pháp lý hầm bà lằng gì đó trước khi được phỏng vấn (dù gì thì dựa vào yêu cầu điểm số cao, và việc ứng cử viên vượt qua được bài kiểm tra Cambridge Law Test đã cho thấy người ứng cử viên đó là một học sinh trung học có một chút tư duy vững vàng cho việc học luật).
Cô Fenton-Glynn cũng xác nhận điều này: Các giáo viên Cambridge không tìm kiếm kiến thức pháp luật, hay phát kiến luật học từ ứng cử viên. Họ cũng không quan tâm là ứng cử viên trả lời đúng hay sai. Nhiều câu hỏi thực tế không có câu trả lời đúng sai. Thứ họ tìm kiếm từ ứng cử viên là khả năng đọc hiểu, nắm bắt vấn đề; khả năng phân tích vấn đề; và khả năng tư duy phản biện (critical thinking).
Một giảng viên luật Cambridge khác là thầy Henry Mares cũng giải thích thêm trên một bài viết từ trang Medium:
“Nói ngắn gọn là chúng tôi trước nay vẫn luôn, và trong tương lai vẫn sẽ, tìm kiếm những câu trả lời nhiều suy tư, thể hiện có trình độ, và nghe có lý, chứ không phải là những câu trả lời đúng: buổi phỏng vấn là một buổi tập tìm cách trả lời câu hỏi, thay vì là một buổi sát hạch lý thuyết.”
Thư viện Squire dành riêng cho khoa Luật trường Đại học Cambridge. Ảnh: Cambridge.
Qua hai bài viết trên trang Medium, ở đây và ở đây, thầy Henry Mares cũng chia sẻ nhiều câu hỏi phỏng vấn khác.
Các câu hỏi ví dụ này (dĩ nhiên sẽ không được dùng lại nữa) đều thú vị và có thể làm cả những luật sư dày dặn kinh nghiệm bối rối.
Chúng ta tạm cùng “toát mồ hôi” với loạt câu hỏi ví dụ dưới đây:
“1. Hãy nhìn vào định nghĩa sau đây về tội mưu sát: ‘một người phạm tội mưu sát nếu anh ta cố ý gây ra cái chết của một người khác’.
Bạn nghĩ ‘cố ý’ ở đây có nghĩa gì?
Vậy theo định nghĩa này thì tôi có phạm tội không nếu tôi làm nổ tung một cái máy bay tôi sở hữu ngoài biển để đòi tiền bảo hiểm, đồng thời giết viên phi công trên máy bay đó?
Tôi có tội không nếu tôi bỏ thuốc độc vào trà của một người, với hy vọng thuốc độc sẽ giết anh ta, nhưng thuốc đó chỉ gây chết người trong 0.005% trường hợp dùng thuốc, thì tôi có ‘cố ý’ giết anh ta không?
Nếu tôi phải mổ tách một cặp sinh đôi dính liền mà nếu không mổ thì cả hai đều chết còn nếu mổ thì một trong hai phải chết, thì tôi có phạm tội giết người không?
Một khái niệm khó khác là ‘gây ra’: bạn có thể hình dung ‘gây ra’ ở đây nghĩa là gì không?
Nếu tôi đang lái xe chở một người bạn đi chơi, tôi chợt nói “Hôm nay trời đẹp ghê” và người bạn đó bỗng nhiên chẳng hiểu vì sao lại nghĩ rằng tôi đang có ý định giết anh ta nên mới nói như thế, và thế là anh ta mở cửa nhảy ra trong khi xe đang chạy, anh ta bị thương tới mức tử vong: tôi có gây ra việc chấn thương của anh ta không?
Nếu một nạn nhân từ chối nhận tiếp máu vì nạn nhân đó kỳ thị các bác sỹ người Australia (và không tìm ra được các bác sỹ người nước khác ở đó) và nạn nhân đó chết thì ai có tội?
Khác biệt giữa hai kịch bản chúng ta vừa nói là gì?
Nếu tôi đâm một người, một bác sỹ có thể cứu mạng người đó, nhưng vị bác sỹ dùng nhầm thuốc và người đó suy tim mà chết thì ai có tội?
Sẽ ra sao nếu có động đất ngay lúc người đó vừa đến bệnh viện và bệnh viện sập, giết chết người đó, thì tội tôi là gì?”
Vượt qua vòng phỏng vấn vào trường Luật Cambridge thế nào?Sau khi bạn đã lau ráo mồ hôi vì loạt câu hỏi “xoắn não” nói trên thì xin hãy bình tĩnh tâm can! Bạn hoàn toàn có thể vượt qua vòng phỏng vấn vào trường Luật Cambridge nếu bạn muốn, và có sự chuẩn bị chắc chắn.
Đầu tiên dĩ nhiên là điểm trung học phải cao đã, và phải vượt qua Cambridge Law Test.
Sau đó, hãy làm theo vài lời khuyên từ các giảng viên luật Cambridge:
Một sinh viên luật Cambridge cũng có vài lời khuyên bổ ích trên trang Lawyer Portal:
Chúc bạn may mắn!
Tài liệu tham khảo:
—
Từ khoá:
Tuyển sinh đại học: university admission, college admission
Trường “nhỏ” trong hệ thống một trường đại học bao gồm nhiều trường (collegiate) của Đại học Cambridge: college
Bạn hữu, trong môi trường học thuật thì là thành viên danh dự của một college, một trường: fellow
Buổi giảng, bài giảng: lecture
Các buổi học nhóm nhỏ dưới sự điều hành của một giáo viên: supervision
Tư duy phản biện: critical thinking