Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
George Herbert Walker Bush, vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ, vừa qua đời ngày 30/11. Di sản của ông thì còn nhiều tranh cãi (mà có di sản nào không gây tranh cãi), nhưng sự nghiệp chính trị và phong cách lãnh đạo của ông lại khiến nhiều người ở cả hai phe tả – hữu cảm kích.
Người Việt Nam ta quen thuộc với con trai của ông hơn, cựu tổng thống George Walker Bush, người nắm quyền hai nhiệm kỳ từ năm 2001 đến 2009. Ta hay gọi ông này là Bush con, còn ông mới qua đời là Bush cha. Đối với rất nhiều người Việt định cư ở Mỹ, lần đầu tiên họ đi bầu cũng là kỳ bầu cử mà Bush cha trúng cử tổng thống vào năm 1988.
Theo mô tả của cây bút Todd S. Purdum trên tờ The Atlantic, Bush cha là người cuối cùng của kỷ Periclean của Hoa Kỳ (hay cũng được gọi là kỷ nguyên vàng ngay sau Thế chiến thứ Hai). Ông là vị tổng thống Hoa Kỳ cuối cùng từng tham gia trực tiếp vào Thế chiến thứ Hai, thực hiện tổng cộng 58 chuyến bay không kích Nhật Bản tại các căn cứ Thái Bình Dương; một người đặt công việc Tổng thống lên trên hết, không phải chỉ chăm chăm vào bản ngã của mình.
Hiển nhiên, trong lúc còn đương nhiệm, ông Bush đã bị gọi bằng những ngôn từ khó nghe nhất mà các đối thủ chính trị có thể dành cho ông. Một kẻ cứng đầu (stand-pat), một tổng thống cứng nhắc (in-box president), hay một con thú cưng (lap dog) thiếu tầm nhìn. Ông cũng bị cho là một kẻ mù quáng chỉ biết tin tưởng vào những gì mà tổng thống tiền nhiệm Ronald Reagan đã làm, và đi tiếp trên con đường đã được vạch sẵn như thể mình vẫn còn là Phó Tổng thống dưới thời Reagan.
Nhưng nhờ vậy, chúng ta lại có thể thấy được ở ông những phẩm chất quan trọng của hầu hết các tổng thống Hoa Kỳ. Bush tin vào tự do ngôn luận, ông tin vào sự trao đổi đa chiều của dân chủ, cho dù người ta có miệt thị mình như thế nào đi chăng nữa. Bush không nghĩ rằng đó là thứ công kích họ dành cho cá nhân mình, rằng vũ trụ không xoay quanh ông, và con người, đôi khi, rất cố chấp để bảo vệ lý tưởng của họ.
Bush (cha) và Bush (con). Ảnh: Getty Images.
Cách nhìn của Bush về chính trị là một bài học đáng giá cho chính trị Việt Nam, mà đặc biệt dành cho đảng cầm quyền. Ông tin rằng cánh tả – cánh hữu, sự đa nguyên chính trị là cần thiết, vì nó trao cho người ở cả hai phía quyền đối thoại, quyền chửi bới, quyền giải tỏa những bức xúc của mình, nhằm mang lại những thứ tốt đẹp hơn cho xã hội. Mặt khác, ông cũng là một ví dụ không thể rõ ràng hơn cho việc thực hành niềm tin rằng bạn không nhất thiết phải bám lấy lý tưởng chính trị của mình, hãy luôn sẵn sàng để thay đổi và đối thoại. Đây là một trong những lý do có thể giúp nền dân chủ đồng thời có được sự hòa hợp chính trị cần thiết.
Trong cuộc đua đầu tiên của mình vào Thượng viện năm 1964, Bush đã rời bỏ truyền thống Cộng hòa trung lập của gia đình để đồng hành cùng Barry Goldwater trong chiến dịch tranh cử có thông điệp chống lại Đạo luật Quyền Dân sự lừng danh. Đạo luật này được ban hành nhằm xoá bỏ việc phân biệt chủng tộc trong cách dịch vụ ở nơi công cộng và ở nơi làm việc. Phe Cộng hoà trung lập ủng hộ đạo luật này, nhưng ông cho rằng đạo luật này đang xâm hại quyền riêng tư cá nhân, từ đó đi ngược lại tiến trình bình đẳng hóa các sắc tộc ở quốc gia này. Những người chỉ trích cho ông là một kẻ cơ hội khi dùng cách này để kiếm phiếu của cử tri da trắng bảo thủ ở tiểu bang Texas miền Nam Hoa Kỳ. Về sau, trong thư gửi cho các nhóm ủng hộ Do Thái của mình, ông tiếc nuối thổ lộ: “Tôi nên làm gì? Và tôi nên thực hiện nó như thế nào? Tôi muốn chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng không phải bằng cái giá của công lý, không phải bằng phẩm giá của một con người, không phải bằng việc dạy dỗ con cái tôi thứ định kiến mà tôi chưa từng cảm thấy”.
Bốn năm sau, với tư cách là thượng nghị sĩ, ông dũng cảm ủng hộ Đạo luật Nhà ở Bình đẳng 1968 (1968 Fair Housing Act), một đạo luật mà đảng của ông cũng như nhiều người trong khu vực bầu cử của ông rất không bằng lòng.
Năm 1990, với tư cách là tổng thống, Bush ký ban hành các sửa đổi dành cho Đạo luật Không khí sạch và năm 1991, ông cũng là người thúc đẩy cho Đạo luật hỗ trợ người khuyết tật được thông qua. Đây là những đạo luật thuần túy dân sinh mà công chúng ít khi nghĩ rằng một tổng thống của đảng Cộng hòa sẽ quan tâm.
Không chỉ vậy, Bush cũng hoàn thành công việc dang dở của Ronald Reagan với kỹ thuật hạ màn hoàn hảo. Chúng ta đã từng nghe nói đến câu nói nổi tiếng của Reagan rằng: “Ông Gorbachev! Hãy phá hủy bức tường này”; nhưng chính Bush mới là người chủ chốt thương thảo với Gorbachev trong nỗ lực chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Khác với kỳ vọng của nhiều chính trị gia là Hoa Kỳ sẽ hành động một cách mạnh mẽ để ủng hộ các phong trào ly khai, dân chủ hóa đang dâng cao ở Đông Âu, Bush tạo cơ hội cho các chính quyền ở đây xoay sở và tự thay đổi. Ông đồng thời kết hợp với kỹ năng ngoại giao sẵn có từ trước để thuyết phục và duy trì mối quan hệ với các chính quyền của khối xã hội chủ nghĩa. Đây đều là những kỹ năng giúp cho giai đoạn chuyển tiếp dân chủ ở Đông Âu không nguy hiểm và không bất ổn như người ta từng lo ngại.
Những vị tổng thống Hoa Kỳ được bầu ra để bảo vệ niềm tin vào các giá trị tự do, không phải để bảo vệ cho quyền lợi độc nhất của đảng phái chính trị của mình hay tư tưởng phe phái tả – hữu. Từ Bush cha đến người kế nhiệm là Bill Clinton, họ biết thương thảo, nhượng bộ, đối thoại và chấp nhận; luôn làm việc trên nền tảng bình đẳng và tôn trọng. Đấu tranh giữa hai phe phái không phải lúc nào cũng dẫn đến lộn xộn và bế tắc chính trị.
Tổng thống Bush cha (ngồi) cùng các cựu tổng thống và đệ nhất phu nhân tại lễ tang phu nhân của ông, bà Barbara Bush, tháng 4/2018. Ảnh: Reuters.
Bản thân cuộc đời Bush cha cũng là một ví dụ không thể rõ ràng hơn về sự đa dạng và phức tạp của con người, rằng sẽ là sai trái khi nhìn con người chỉ bằng lăng kính giai cấp, lăng kính tư tưởng hay những thể dạng khái quát hóa khác.
Trưởng thành và lớn lên trong một gia đình đại tư bản giàu có từ thời ông nội của mình qua kinh doanh đường sắt, nó không khiến Bush có tư tưởng kẻ cả của một giai cấp bề trên, mà tạo nên niềm tin vào sự đóng góp và giúp đỡ ngược lại cho cộng đồng. Với sự kiện quân Nhật đánh bom Trân Châu Cảng, ông tạm dừng kế hoạch học đại học của mình tại Yale và tình nguyện tham gia vào Hải quân Hoa Kỳ với tư cách là một phi công. Trở về như một anh hùng chiến tranh, Bush học tập và đóng góp hết sức mình cho các hoạt động cộng đồng ở địa phương.
Năm 1990 – 1991, trên cương vị tổng thống, Bush buộc phải phá vỡ lời hứa “không tăng thuế” kinh điển của mọi chính trị gia đảng Cộng hòa, trong một nỗ lực đàm phán với Quốc hội nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách. Dù đây được coi là biện pháp cứu vãn nền kinh tế đang trên đà suy thoái, tăng thuế vẫn là đòn tự sát chính trị, bởi những người ủng hộ đảng Cộng hoà khó có thể tha thứ cho một tổng thống như vậy.
Bush nhanh chóng mất đi sự ủng hộ của người dân và thua trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với Bill Clinton vào năm 1992, một người mà rất nhanh sau đó trở thành người bạn thân thiết của ông. Đối với Bush, tất cả không phải vì thứ lý tưởng chính trị xa vời, mà là vì trách nhiệm của ông với những người xung quanh, và những cử tri đã từng tin tưởng ông. Bush bộc bạch: “Vấn đề của tôi là cảm giác phải khiến cho người dân bầu ra tôi thất vọng, phải khiến những người xung quanh tôi thất vọng… Tôi đã từng cảm thấy rất nặng nề vào thời gian ấy. Bây giờ tôi vẫn cảm thấy điều đó”.
Bush kết thúc bốn năm nhiệm kỳ của mình và trở về với cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện và tôn giáo. Ông vẫn trung thành với niềm tin chính trị cánh hữu của mình. Ông từng phát biểu: “Chúng ta là quốc gia của những cộng đồng tự do”. Như một chính trị gia chân chính của đảng Cộng hòa, ông cho rằng chính phủ không phải là thứ tạo ra sự giàu có của các quốc gia. Nhưng ông cũng biết rằng niềm tin cá nhân đó không phải lúc nào cũng được hoan nghênh, hay quan trọng hơn, nó không phải luôn luôn đúng. Đó là lý do chúng ta thấy rất nhiều chính sách và hành động cấp tiến mang dáng dấp cánh tả được Bush khởi động trong thời kỳ ông cầm quyền.
Cánh tả – cánh hữu tại Hoa Kỳ, đối với người Việt chúng ta, đến một chừng mực nào đó cũng chỉ là chuyện người ngoài. Chúng là biểu tượng tốt cho một xã hội cởi mở. Chừng nào Việt Nam còn từ chối đối thoại, chừng nào chúng ta còn tin rằng bỏ tù những người không suy nghĩ giống như ta là cần thiết, thì sự phát triển kinh tế và tiến bộ văn hóa tại Việt Nam cũng chỉ là thời vụ mà thôi.