Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày 05 tháng 12 vừa qua, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) – một trong những lãnh đạo chóp bu của tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, Huawei, đồng thời cũng là con gái của người sáng lập tập đoàn này – đã bị bắt giữ tại Canada. Vụ bắt giữ này diễn ra theo yêu cầu dẫn độ từ phía chính phủ Hoa Kỳ, ngay giữa lúc tình hình căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo nhiều nguồn tin, bà Mạnh có thể bị bắt liên quan đến các hoạt động giao dịch và hỗ trợ tài chính dành cho nhiều đối tác Iran, một trong những đối tượng đang bị chính phủ Hoa Kỳ cấm vận gắt gao nhất. Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu tiên quan chức Hoa Kỳ chỉ trích và tấn công Huawei. Chỉ vừa tháng 8 này, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng (Defense Authorization Act), trong đó có một phần nội dung cấm cơ quan công quyền Hoa Kỳ cũng như các nhà thầu có thực hiện dự án công cho Hoa Kỳ sử dụng thiết bị Huawei hay ZTE.
Dẫn độ trong tiếng Anh là extradite (động từ) và extradition (danh từ).
Theo từ điển The Palgrave Macmillan Dictionary of Diplomacy, extradition là quá trình mà một quốc gia chấp thuận dẫn giải cá nhân đang bị truy nã, bị cáo buộc phạm tội hoặc đã bị kết tội để trao trả theo yêu cầu của một quốc gia khác.
Do đặc tính liên quốc gia của mình, khái niệm dẫn độ thường được nhắc đến nhiều nhất trong các hiệp định song phương hoặc kể cả đa phương nếu vấn đề có liên quan đến các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật quốc tế về dẫn độ chủ yếu vẫn tồn tại thông qua các hiệp định song phương.
Về mặt nguồn gốc, từ extradition không thuần tính Latin như nhiều khái niệm pháp lý quốc tế khác. Được du nhập vào ngôn ngữ Anh từ tiếng Pháp, và được cho là sản phẩm sáng tạo của Voltaire vào năm 1833, bằng cách ghép tiền tố Latin “ex” (gần nghĩa với từ “out” trong tiếng Anh) và hậu tố “traditionem” (có thể hiểu là chuyển giao, bàn giao – “to hand over”), từ extradition nhanh chóng được người Anh phổ biến ra khắp nơi trên thế giới, kể cả các thuộc địa của họ.
Extradition có một lịch sử phong phú, bắt đầu với thỏa thuận trao trả phạm nhân hồi thế kỷ thứ 13 trước Công Nguyên giữa vua Ai Cập Ramses II và vua Hattusili III của đế chế Hittiles (vùng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Sau đó, đế chế La Mã cũng cho phép việc trao đổi kẻ bị truy nã, phạm nhân giữa các tỉnh trực thuộc. Năm 1174, vua Henry II của Vương quốc Anh và vua William xứ Scotland cũng cùng thống nhất một văn bản ghi nhận nghĩa vụ trao trả những kẻ bị cáo buộc phạm tội phản quốc.
Thỏa thuận dẫn độ xuyên quốc gia đầu tiên trên thế giới thời hiện đại thường được cho là xuất hiện dưới dạng của một điều khoản trong Jay Treaty 1794 giữa một Hoa Kỳ vừa mới độc lập và đế chế Anh nhằm giải quyết một số vướng mắc công pháp và tư pháp, mà đặc biệt là tự do thương mại, còn sót lại giữa hai bên sau cuộc chiến.
Tuy nhiên, dẫn độ vẫn chưa trở thành một điều khoản pháp lý chính thống được quan tâm cho đến tận giữa thế kỷ 19, khi mà sự phát triển của phương tiện giao thông giúp cho việc tội phạm trốn thoát khỏi thẩm quyền của quốc gia xét xử ngày càng dễ dàng hơn. Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu trong việc ký kết hiệp định dẫn độ song phương với 108 hiệp định đang có hiệu lực. Còn Colombia thì được xem là quốc gia năng nổ nhất trong hoạt động này với trung bình bốn nghi can bị dẫn độ về Hoa Kỳ mỗi tuần – chủ yếu là tội phạm liên quan đến chất kích thích hướng thần trái pháp luật.
Khác biệt với định hướng ban đầu của các hiệp định dẫn độ là tập trung vào tội danh chính trị, phản quốc… pháp luật quốc tế hiện đại nhận thấy một xu hướng thay đổi cơ bản. Đạo luật Dẫn độ Belgian (Belgian Extradition Act 1833) của vương quốc Bỉ là đạo luật quốc gia đầu tiên trong lịch sử chính thức loại bỏ có dụng ý hành vi phạm tội chính trị ra khỏi các yêu cầu dẫn độ. Điều 6 của đạo luật này ghi nhận: “Đối với các hiệp định mà chính phủ Bỉ tham gia trong tương lai, chúng cần ‘ghi nhận rõ ràng rằng cá nhân nước ngoài không thể bị dẫn độ để tiếp tục bị trừng phạt, truy tố vì các tội danh chính trị, hay các thực tế khác liên quan đến tội danh tương đương.’”
Ngoại lệ này dần được công nhận rộng rãi hơn tại nhiều quốc gia và đến nay đã được xem là một thông lệ chung trên thế giới. Về mặt logic, đây cũng là điều hợp lý, bởi vì dẫn độ chỉ có thể vận hành nếu hành vi được yêu cầu dẫn độ được xem là tội phạm ở cả hai quốc gia. Đối với những tội phạm mang tính chất chính trị vì không phải quốc gia nào cũng có cùng góc nhìn về loại tội phạm này. Tội phạm có khung hình phạt tử hình cũng rất có thể bị từ chối dẫn độ.
Vụ bắt giữ và khả năng dẫn độ bà Mạnh được cho là có động cơ chính trị và Trung Quốc đang phản đối quyết liệt yêu cầu Canada không thực hiện yêu cầu dẫn độ từ phía Hoa Kỳ. Đáp trả, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ khẳng định Tổng thống Trump không được biết trước về vụ việc. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ độc lập xử lý hồ sơ và vụ việc đã qua nhiều cấp độ kiểm tra, giám sát trước khi tiến hành và yêu cầu cơ quan chức năng Canada phối hợp.
Bạn đọc muốn tìm hiểu về dẫn độ và các hiệp định song phương có liên quan mà Việt Nam ký kết có thể dùng từ khóa “hiệp định tương trợ tư pháp” với nhiều thông tin thú vị.
—
Từ khoá:
Bắt: to arrest
Vụ/việc bắt giữ: arrest
Tạm giam: to detain
Vụ/việc tạm giam: detention
Hiệp định song phương: bilateral treaty
Hiệp định đa phương: multilateral treaty
Công pháp quốc tế: international public law
Tội phạm chính trị: political crimes
Động cơ chính trị: political motivation
Án tử hình: death penalty, capital punishment
Bộ Tư pháp: Department of Justice (Mỹ, Canada, Hong Kong), Ministry of Justice (Anh, Nhật, Việt Nam), Attorney-General’s Department (Úc), Office of Attorney General (Norway, Colombia).