Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Họ không thích luật chơi của phương Tây. Thế nên họ tự soạn luật chơi của mình. Phương Tây đã từng chắc mẩm rằng phương cách của Trung Quốc sẽ không thành công. Họ đã chờ đợi để điều đó thành hiện thực. Và họ vẫn đang chờ.
Đó là vào những tháng năm bất định sau khi Mao Trạch Đông qua đời [1976 – ND], rất lâu trước khi Trung Quốc trở thành một nền công nghiệp không gì ngăn cản nổi, và trước khi đảng Cộng sản Trung Quốc gặp thời vận và sẽ phải khiến thế giới thay đổi, có một nhóm sinh viên ngành kinh tế tụ họp nhau tại một khu nghỉ mát trên núi ở ngoại thành Thượng Hải.
Ở đó, trong những cánh rừng tre vùng Moganshan, các trí thức trẻ kia đang vật lộn với một câu hỏi cấp bách: Làm sao để Trung Quốc đuổi kịp phương Tây?
Lúc đó đang là mùa thu năm 1984, và ở phía bên kia địa cầu, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đang hứa với người dân “bình minh sẽ lại về với nước Mỹ”.
Trung Quốc trong khi đó vẫn đang hồi phục sau hàng thập niên rối loạn chính trị và kinh tế. Đã có tiến triển ở khu vực thôn quê, nhưng hơn ba phần tư dân số cả nước vẫn sống trong cảnh bần cùng. Nhà nước quyết định mọi thứ, từ công nhân làm việc gì, cho đến nhà máy sản xuất gì và giá cả mọi thứ ra sao.
Các sinh viên và nhà nghiên cứu nọ đang dự Hội thảo Khoa học Các kinh tế gia trẻ và trung niên. Họ muốn mở dây trói cho các lực lượng kinh tế thị trường nhưng đồng thời lo lắng rằng nền kinh tế sẽ gặp khủng hoảng – một khả năng dễ khiến cho những tay công chức và lý luận tư tưởng của đảng Cộng sản, vốn đang quản lý nền kinh tế, phải lo lắng.
Đến một tối muộn, các nhà kinh tế mới đạt được đồng thuận: các nhà máy nên sản xuất sao cho đủ kim ngạch do nhà nước đặt ra, nhưng nên bán đi những sản phẩm dư họ làm ra với mức giá do chính họ chọn.
Đó là một đề xuất khôn ngoan và táo bạo theo một cách không ồn ào, nhằm tạo ra cạnh tranh với nền kinh tế quản lý tập trung sẵn có.
Đề xuất này kích thích sự tò mò của một vị quan chức đảng trẻ tuổi có mặt trong phòng hội nghị hôm đó. Vị này không có nền tảng kinh tế học. “Trong lúc họ bàn luận vấn đề, tôi đã không nói gì cả”, Xu Jing’an – năm nay 76 tuồi và đã về hưu – nhớ lại. “Tôi lúc đó đang nghĩ, chúng ta có thể làm điều đó như thế nào?”
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh trong một quãng thời gian quá dài, đến nỗi mà bây giờ người ta dễ quên mất rằng cái viễn cảnh nền kinh tế đó hóa thân thành một thế lực toàn cầu đã từng là một viễn cảnh xa vời đến nhường nào. Người ta cũng dễ quên mất rằng nền kinh tế đó đã thăng tiến phần nào bằng những quyết định và động thái mang tính ứng biến, hoặc do liều lĩnh khi tuyệt vọng.
Đề xuất mà ông Xu mang từ khu nghỉ mát trên núi đã sớm trở thành chính sách nhà nước. Đó là một tiến triển sớm và mang tính bước ngoặt trong công cuộc hóa thân ngoạn mục này.
Trung Quốc bây giờ đang dẫn đầu thế giới về số lượng người sở hữu nhà, số lượng người dùng Internet, số sinh viên tốt nghiệp đại học, và theo một vài tính toán, số lượng tỷ phú.
Số người trong cảnh bần cùng bây giờ đã giảm còn ít hơn 1%. Một miền đất lạc hậu từng bị cô lập và nghèo khó, nay đã tiến hóa thành đối thủ cạnh tranh đáng kể nhất của Hoa Kỳ kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trung Quốc ngày nay có thể đã trở nên không còn có thể nhận ra được nữa trong mắt những người Cộng sản lập quốc, nhưng quá khứ vẫn có một sức hút mạnh mẽ. “Du lịch Đỏ” là một ngành công nghiệp lớn.
Trung Quốc đang ít phải lo lắng hơn về việc đuổi kịp phương Tây. Thay vì đó, Trung Quốc đang tìm cách vượt qua phương Tây.
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số người dùng Internet và số sinh viên tốt nghiệp đại học. Giờ họ đang tìm cách đưa người lên mặt trăng.
Đã qua rồi những ngày mà chính phủ quyết định mọi người làm gì và các nhà máy thì sản xuất gì.
Thế giới đã nghĩ là họ sẽ thay đổi Trung Quốc, nhưng thành công của Trung Quốc đã trở nên ngoạn mục đến nỗi Trung Quốc đang làm thay đổi thế giới.
Một cuộc tranh đấu mang tính lịch sử đang diễn ra. Một bên là Chủ tịch nước Tập Cận Bình (Xi Jinping) với một nghị trình quả quyết trên trường quốc tế và những biện pháp thắt chặt kiểm soát trong nước. Một bên là chính quyền Trump đang tiến hành một cuộc chiến thương mại và đang rồ ga chuẩn bị cho khả năng một cuộc chiến tranh Lạnh mới.
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, câu hỏi đang được hỏi những ngày này không còn là làm cách nào để bắt kịp phương Tây nữa, mà là làm cách nào để vượt phương Tây – trong một thời đại có Hoa Kỳ hiếu chiến cận kề.
Các sử gia có thể nhìn thấy những biểu hiện quen thuộc: một quyền lực đang trỗi dậy thách thức một quyền lực sẵn có. Họ cũng có thể thấy một điểm rắc rối quen thuộc: suốt nhiều thập niên qua, Hoa Kỳ đã động viên và hỗ trợ Trung Quốc trỗi dậy. Hoa Kỳ đã làm việc cùng các lãnh đạo và người dân Trung Quốc để xây dựng một mối quan hệ đối tác kinh tế được xem là quan trọng nhất trên thế giới. Một quan hệ đối tác giúp cả hai nước tiến lên phía trước.
Trong những thập niên đó, bảy đời tổng thống Mỹ đã đặt giả định, hay đã hy vọng, rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ uốn mình theo những gì được cho là các quy tắc, luật chơi đã có của công cuộc hiện đại hóa: Phồn vinh rồi sẽ tạo ra nhu cầu đòi hỏi tự do chính trị của người dân và đưa Trung Quốc về đội các quốc gia dân chủ trên thế giới. Hoặc là, nền kinh tế Trung Quốc rồi sẽ lụn bại dưới sức nặng của một nền cai trị mang tính chuyên chế và của một hệ thống quan liêu mục nát.
Nhưng cả hai khả năng trên đều không hề xảy ra.
Trái lại, các nhà lãnh đạo Cộng sản của Trung Quốc đã khiến mọi điều mong đợi trở nên trật lất, hết lần này đến lần khác.
Họ chào đón chủ nghĩa tư bản cho dù vẫn gọi mình là những người theo chủ nghĩa Marx. Họ dùng việc đàn áp để duy trì quyền lực nhưng không làm cản trở việc kinh doanh và sáng tạo trong nước. Bị bao vây bởi các thế lực thù địch, họ tránh gây ra chiến tranh, trừ một cuộc chiến ngắn, trong lúc vẫn đang thổi bùng chủ nghĩa dân tộc trong nước. Và họ cai trị trong suốt 40 năm tăng trưởng không ngừng nghỉ, thường là với các chính sách mang tính phi chính thống mà các cuốn sách giáo khoa bảo là sẽ thất bại.
Cuối tháng 9 vừa rồi, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh dấu một cột mốc quan trọng: họ đã tồn tại còn lâu hơn cả Liên Xô. Vài ngày sau đó, nước này ăn mừng kỷ lục 69 năm cầm quyền của đảng Cộng sản. Và có thể là Trung Quốc mới chỉ đang ổn định nhịp chạy cao tốc của họ – một siêu cường mới với một nền kinh tế đang trên đà trở thành một nền kinh tế không chỉ là lớn nhất thế giới, mà còn là lớn nhất với một khoảng cách xa so với những nền kinh tế bên dưới nó.
Thế giới nghĩ rằng họ có thể thay đổi Trung Quốc, và thật sự là họ đã thay đổi Trung Quốc theo nhiều cách. Nhưng thành công của Trung Quốc đã ngoạn mục tới mức khiến họ thay đổi thế giới – và thay đổi cả cách Hoa Kỳ hiểu về việc vận hành của thế giới.
Không có một giải thích dễ hiểu nào về cách mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã làm điều đó như thế nào. Có cả tầm nhìn xa, có cả sự may mắn, cả kỹ năng và một quyết tâm mang tính bạo lực. Tuy nhiên, quan trọng nhất có lẽ là nỗi sợ hãi – một cảm giác về khủng hoảng luôn cận kề mà những người kế tục Mao Trạch Đông (Mao Zedong) không bao giờ rũ bỏ được. Nỗi sợ hãi đó càng tăng lên sau cuộc thảm sát Thiên An Môn [năm 1989 – ND] và sau khi Liên Xô sụp đổ [năm 1991 – ND].
Ngay cả khi họ đã bỏ lại phía sau những thảm họa trong những năm cầm quyền của Mao Trạch Đông, những người cộng sản Trung Quốc vẫn đã nghiên cứu và bị ảm ảnh về số phận của những người đồng minh ý thức hệ của họ tại Moscow. Họ quyết tâm phải tránh những sai lầm của những người đồng minh đó.
Có hai bài học mà những người cộng sản Trung Quốc rút ra được: Đảng cần phải theo đuổi “cải cách” để sống còn – và “cải cách” không bao giờ được phép bao gồm dân chủ hóa.
Trung Quốc đã xoay trở giữa những xung lực đối chọi nhau như thế bấy lâu nay. Giữa việc mở cửa hay khép chặt lại, giữa việc thử nghiệm các thay đổi và kháng cự lại các thay đổi, Trung Quốc đã luôn biết lùi lại trước khi đi quá xa về một hướng nào đó, vì họ sợ phải mắc cạn đâu đó.
Nhiều người đã nói là đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thất bại, rằng là trạng thái căng thẳng giữa việc khai mở và việc trấn áp có thể khiến cho một đất nước rộng lớn như Trung Quốc không thể chịu được. Nhưng trạng thái căng thẳng đó có lẽ lại chính là lý do tại sao Trung Quốc thăng tiến được.
Việc Trung Quốc có tiếp tục thăng tiến được không – trong khi Hoa Kỳ đang tìm cách chặn họ lại – là một vấn đề hoàn toàn khác.
Từ công chức trở thành các nhà tư bản
Không ai trong số những người tham gia hội nghị Moganshan có thể tiên đoán được là Trung Quốc sẽ cất cánh ra sao. Họ càng không thể đoán trước được vai trò của mình trong cuộc bùng nổ tăng trưởng sắp tới. Họ đã trưởng thành trong một thời đại hỗn loạn, trong thế bị cô lập gần như hoàn toàn với thế giới, và với rất ít chuẩn bị cho những thử thách mà họ sẽ phải đối mặt.
Để thành công, đảng Cộng sản Trung Quốc phải sáng tạo lại ý thức hệ của họ và lập trình lại cho những thành viên giỏi giang nhất của họ để tiến hành công việc.
Ông Xu Jing’an là một ví dụ. Ông ta tốt nghiệp chuyên ngành báo chí ngay trước khi Mao tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa bạo lực khiến hàng triệu người bị thanh trừng, ngược đãi và giết hại. Trong những năm Cách mạng Văn hóa [1966-1976 – ND], Xu phải làm công việc chân tay tại một “trường cán bộ” và dạy chủ nghĩa Marx cho một đơn vị quân đội.
Sau khi Mao chết, Xu được thuyên chuyển đến một viện nghiên cứu nhà nước vốn có nhiệm vụ chấn chỉnh nền kinh tế. Công tác đầu tiên của ông ta là tìm cách trao thêm quyền tự quyết cho các nhà máy. Đây là chủ đề ông ta hoàn toàn không biết gì. Tuy thế, Xu vẫn làm và ông đã có một sự nghiệp làm chính sách xuất sắc. Ông giúp tạo dựng thị trường chứng khoán đầu tiên của Trung Quốc tại Thâm Quyến (Shenzhen).
Trong số các thành viên trẻ tuổi khác của hội nghị Moganshan có Zhou Xiaochuan (Chu Tiểu Xuyên), người sau này lãnh đạo ngân hàng trung ương Trung Quốc suốt 15 năm; Lou Jiwei (Lâu Kế Vĩ), người từng điều hành quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc và mới đây vừa rời chức bộ trưởng tài chính; và Wang Qishan (Vương Kỳ Sơn), một chuyên gia chính sách nông nghiệp, người rồi sẽ leo đến chức vị cao hơn tất cả các thành viên khác của hội nghị.
Ông Vương Kỳ Sơn lãnh đạo ngân hàng đầu tư đầu tiên của Trung Quốc và giúp lèo lái nước này ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á [1997 – ND]. Trong vai trò thị trưởng Bắc Kinh, ông ta giúp thành phố này tổ chức kỳ Olympic năm 2008. Sau đó, ông ta điều hành cuộc đánh dẹp tham nhũng trong giới quan chức cấp cao mới đây của đảng. Giờ đây, ông là Phó Chủ tịch nước với uy quyền chỉ đứng sau lãnh đạo đảng Tập Cận Bình.
Sự nghiệp của những người tham gia hội nghị Moganshan làm nổi bật lên một khía cạnh trong quá trình đi lên của Trung Quốc: Nó biến các cán bộ công chức thành những nhà tư bản.
Những tay cán bộ từng là rào cản cho tăng trưởng đã trở thành những động cơ cho tăng trưởng. Những vị quan chức từng cống hiến cho công cuộc đấu tranh giai cấp và kiểm soát giá cả bắt đầu theo đuổi các khoản đầu tư và thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân. Giờ đây, ngày nào cũng có một vị lãnh đạo quận, thành phố hay huyện nào đó của Trung Quốc đang vận động đầu tư vào địa phương mình, như ông Yan Chaojun đã làm ở một diễn đàn doanh nghiệp hồi tháng 9 vừa rồi.
“Sanya,” ông Yan nói, đề cập đến thị trấn du lịch miền Nam mà ông lãnh đạo, “phải là một vị quản gia tốt, một bảo mẫu tốt, một lái xe tốt, và một nhân viên vệ sinh tốt cho doanh nghiệp, và đón chào đầu tư từ các công ty nước ngoài.”
Công cuộc sáng tạo lại ý thức hệ như thế là một công cuộc phi thường. Công cuộc đó đã không hề được Liên Xô nghĩ đến. Cả ở Trung Quốc và Liên Xô, các bộ máy hành chính đồ sộ theo kiểu Stalin đều đã bóp nghẹt tăng trưởng. Các quan chức trong các bộ máy đó vận dụng những quyền uy không kiểm soát của họ để ngăn chặn các thay đổi nào đe dọa các đặc quyền đặc lợi của họ.
Mikhail Gorbachev, vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, đã cố phá bỏ vòng kiềm tỏa của những bộ máy hành chính đó lên nền kinh tế, bằng cách khai mở hệ thống chính trị.
Hàng thập niên sau, giới quan chức Trung Quốc vẫn đang tham dự những lớp học nghiên cứu tại sao nỗ lực đó của Gorbachev lại là một sai lầm. Đảng còn sản xuất một loạt phim tài liệu năm 2006 về đề tài này rồi phân phối thành các đĩa DVD đóng dấu mật cho quan chức các cấp để họ xem.
Sợ phải mở cửa về mặt chính trị nhưng cũng không muốn đứng yên, đảng đã tìm một con đường khác. Con đường đó tiến chậm rãi và đi theo cái khuôn mẫu của thỏa hiệp đạt được ở Moganshan – thỏa hiệp cho phép nền kinh tế tập trung được yên ổn trong khi cũng cho phép một nền kinh tế thị trường sinh sôi nảy nở và tăng trưởng vượt qua nền kinh tế tập trung đó.
Từ một nước nghèo khó và chậm tiến, Trung Quốc bây giờ là đối thủ cạnh tranh đáng chú ý nhất của Hoa Kỳ. Wuhan, từng là một thị trấn ven sông, nay đã phát triển thành một thủ phủ với hơn 10 triệu dân.
Một doanh nhân khởi động trước khi bước vào một trận đánh gôn qua video tại khách sạn mà ông ta xây ở Kunming (Côn Minh).
Thu nhập tăng đã biến Trung Quốc thành một quốc gia của người tiêu dùng.
Tại các thành phố như Thượng Hải, học sinh Trung Quốc có kết quả học tập tốt hơn các bạn đồng lứa trên thế giới.
Các kinh tế gia phương Tây từng nghi ngờ các sáng kiến được đưa ra dưới bộ máy hành chính cứng nhắc của Trung Quốc. Họ đã bị chứng minh là sai.
Các lãnh đạo đảng gọi cách tiếp cận đi chậm rãi và mang tính thử nghiệm này là “đi qua sông bằng cách dò chân trên những hòn đá” – ví dụ, cho phép nông dân trồng trọt và bán sản phẩm của họ, trong khi vẫn giữ sở hữu nhà nước với toàn bộ đất đai; gỡ bỏ các giới hạn đầu tư tại các “khu kinh tế đặc biệt”, trong khi vẫn giữ các giới hạn đó trên các phần còn lại của đất nước; hay bước đầu tiến hành tư nhân hóa bằng cách bán các cổ phần thiểu số trong các doanh nghiệp nhà nước trước.
“Đã có người phản đối”, ông Xu kể. “Làm hài lòng cả những nhà cải cách và những người đối đầu cải cách là cả một nghệ thuật.”
Các kinh tế gia người Mỹ đã tỏ ra ngờ vực. Họ lập luận là các lực lượng kinh tế thị trường cần phải được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng; nếu không thì bộ máy hành chính có thể huy động lực lượng để ngăn cản các thay đổi cần thiết. Sau một chuyến thăm Trung Quốc năm 1988, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Milton Friedman đã nói chiến lược của đảng là “một lời mời gọi tham nhũng và không hiệu quả”.
Nhưng Trung Quốc đã có một lợi thế lạ lùng trong cuộc chiến chống lại các phản kháng từ bộ máy hành chính. Tăng trưởng kinh tế kéo dài của nước này hình thành sau một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử đất nước, cuộc Cách mạng Văn hóa. Cuộc cách mạng đó đã hủy hoại bộ máy cán bộ viên chức của đảng và để lại một mớ hỗn độn.
Thực tế là, việc chuyên quyền quá lố của Mao đã dọn đường cho người kế vị ông ta là Đặng Tiểu Bình, để ông Đặng có thể dẫn dắt đảng đi theo phương hướng rộng mở một cách căn cơ hơn.
Phương hướng rộng mở đó bao gồm việc gửi nhiều thế hệ các quan chức trẻ tuổi của đảng sang Mỹ và các nơi khác để học cách vận hành các nền kinh tế hiện đại. Thi thoảng họ đăng ký học tại các trường đại học, thi thoảng họ tìm việc làm, và thi thoảng họ đi những chuyến “du học” ngắn ngày. Khi trở về nước, đảng tạo điều hiện cho họ thăng tiến và sắp xếp cho những đảng viên khác học hỏi từ họ.
Cùng lúc đó, đảng đầu tư vào giáo dục, mở rộng cửa vào các trường học và trường đại học, và giải quyết hoàn toàn tình trạng mù chữ trong nước. Nhiều nhà phê bình chú trọng vào các điểm yếu của hệ thống Trung Quốc – việc đặt nặng thi cử và học thuộc lòng, các ràng buộc chính trị, và tình trạng phân biệt đối xử với sinh viên đến từ các vùng nông thôn. Tuy nhiên, Trung Hoa đại lục giờ đây hàng năm cho ra lò nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và kỹ sư hơn hẳn các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cộng lại.
Tại các thành phố như Thượng Hải, học sinh Trung Quốc đang có kết quả học tập tốt hơn các bạn đồng trang lứa trên thế giới. Thế nhưng, với nhiều phụ huynh, thế vẫn là chưa đủ.
Bởi vì sự giàu có mới đạt được của họ, cộng thêm truyền thống đặt nặng khoa cử như là một con đường tiến thân trong xã hội, cùng với hệ thống thi cử tuyển chọn vào đại học cực kỳ cạnh tranh của nhà nước, phần lớn các sinh viên còn đăng ký học tại các khóa học thêm ngoài giờ học chính khóa. Thị trường các khóa học thêm này hiện có giá trị 125 tỉ đô-la Mỹ, theo một nghiên cứu mới đây. Con số này bằng một nửa ngân sách quân đội hàng năm của chính quyền Trung Quốc.
Một giải thích khác cho sự chuyển mình của đảng nằm ở cơ chế vận hành của bộ máy hành chính.
Các nhà phân tích thỉnh thoảng nói rằng Trung Quốc đã đón chào cải cách kinh tế trong khi phản kháng lại các cải cách chính trị. Nhưng trong thực tế, đảng đã đưa ra nhiều thay đổi sau khi Mao chết. Những thay đổi đó chưa tới mức cho phép bầu cử tự do hay cho phép các tòa án độc lập. Nhưng những thay đổi đó vẫn là rất đáng kể.
Ví dụ, đảng đã bắt đầu áp dụng giới hạn nhiệm kỳ và tuổi về hưu bắt buộc, giúp cho việc loại bỏ các quan chức bất tài trở nên dễ dàng hơn. Đảng cũng cải tiến các báo cáo nội bộ dùng để đánh giá các lãnh đạo địa phương nào muốn thăng chứng hay nhận thêm lương thưởng, tập trung nội dung các báo cáo đó hoàn toàn vào các mục tiêu kinh tế rõ rệt.
Những thay đổi có vẻ nhỏ đó đã có những ảnh hưởng to lớn. Chúng tiêm vào hệ thống chính trị một liều trách nhiệm giải trình cũng như một liều tinh thần cạnh tranh. Yuen Yuen Ang, một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Michigan (Mỹ) giải thích như thế. “Trung Quốc đã tạo ra một cơ cấu lai tạp đặc thù,” Ang nói, “một nền chuyên chính với các đặc tính dân chủ.”
Trong khi nền kinh tế thăng hoa, các quan chức với đầu óc hoàn toàn tập trung vào tăng trưởng thường phớt lờ ô nhiễm môi trường tràn lan, các vi phạm tiêu chuẩn lao động, cũng như các nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc men bị nhiễm bẩn. Họ được tưởng thưởng bằng các nguồn thu thuế cao, cùng các cơ hội làm giàu cho bạn bè, người thân và cho chính họ.
Đã có một làn sóng các quan chức từ bỏ bộ máy nhà nước để kinh doanh. Qua thời gian, giới tinh hoa trong đảng đã tích lũy được một lượng tài sản khổng lồ. Lượng tài sản đó càng làm chắc chắn hơn sự ủng hộ của giới tinh hoa trong đảng dành cho việc tư nhân hóa nền kinh tế họ từng kiểm soát.
Khu vực kinh tế tư nhân giờ đây sản xuất ra 60% tổng sản lượng kinh tế của cả nước. Khu vực tư nhân cũng mang lại việc làm cho 80% người lao động tại các thành phố và thị trấn. Khu vực tư nhân cũng tạo ra 90% số lượng công việc mới trên thị trường, như một quan chức cấp cao nói trong một phát biểu vào năm ngoái. Như thường lệ, các viên chức hành chính đứng tránh sang bên.
“Tôi đơn giản là không phải gặp họ cho dù là chỉ một lần trong năm,” James Ni, chủ tịch và nhà sáng lập công ty Mlily – một nhà sản xuất thảm tại miền Đông Trung Quốc, cho biết. “Tôi đang tạo ra công ăn việc làm, tạo ra tiền đóng thuế. Tại sao họ phải làm phiền tôi?”
Các năm gần đây, chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tìm cách khẳng định quyền uy của đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Ông cũng đỡ đần cho các doanh nghiệp nhà nước bằng các khoản trợ cấp trong khi vẫn duy trì các rào cản chống lại cạnh tranh từ nước ngoài. Tập cũng đã ủng hộ các yêu cầu bắt các công ty Mỹ phải trao công nghệ cho Trung Quốc nếu muốn thâm nhập vào thị trường nước này.
Bằng các việc làm đó, Tập đang đánh cược rằng là nhà nước Trung Quốc rồi sẽ thay đổi nhiều đến mức nó nên đóng một vai trò chủ đạo trong nền kinh tế – rằng là nhà nước Trung Quốc có khả năng xây dựng và điều hành các “quán quân quốc doanh” đủ năng lực cạnh tranh vượt trội so với Hoa Kỳ trong công cuộc giành kiểm soát các ngành công nghiệp công nghệ cao của tương lai. Tuy nhiên, các việc làm đó cũng đã làm kích động một phản ứng chống đối từ Washington.
“Mở cửa”
Trong tháng 12 này, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 40 năm từ khi bắt đầu tiến hành các chính sách “cải cách và mở cửa” vốn đã làm thay đổi Trung Quốc. Các màn tuyên truyền đắc thắng đã bắt đầu, với ông Tập đặt chính mình vào trung tâm sân khấu, như thể đang nhảy một điệu nhảy mừng chiến thắng cho cả nước.
Tập là vị lãnh đạo đảng quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Tập là con trai của một vị quan chức cấp cao từng phục vụ Đặng. Tuy nhiên, cho dù cũng có quấn quanh mình các di sản của Đặng, thì Tập vẫn tự làm mình khác biệt theo một cách đặc biệt: Đặng động viên đảng mình tìm kiếm trợ giúp và các nguồn chuyên môn từ nước ngoài, trong khi Tập lại rao giảng việc tự lực tự cường và cảnh báo về các mối nguy đến từ “các thế lực thù địch ngoại quốc”.
Nói cách khác, Tập có vẻ ít dung túng hơn cho phần “mở cửa” trong câu khẩu hiệu của Đặng.
Trong các rủi ro mà đảng chấp nhận trong cuộc theo đuổi tăng trưởng của họ, có lẽ rủi ro lớn nhất là cho phép đầu tư nước ngoài, thương mại nước ngoài và các tư tưởng nước ngoài. Đó là một canh bạc mạo hiểm của một đất nước từng bị cô lập như thể Bắc Hàn ngày nay. Và canh bạc đó đã thành công theo một cách khác thường: Trung Quốc đã tận dụng được làn sóng toàn cầu hóa cuốn qua khắp thế giới, và đã trở thành công xưởng của thế giới.
Việc Trung Quốc đón chào mạng Internet, trong các giới hạn nhất định, đã giúp biến nước này thành một nước đi đầu về công nghệ. Các tư vấn ngoại quốc cũng giúp Trung Quốc chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, xây dựng hệ thống pháp lý, và tạo ra được các công ty hiện đại.
Đảng bây giờ lại thích tường thuật câu chuyện theo một lối khác, trình bày cuộc bùng nổ tăng trưởng kinh tế như là “nở ra từ đất đai Trung Quốc”, và chủ yếu là nhờ sự lãnh đạo của đảng. Nhưng lối tường thuật này che mờ đi một trong những điều trớ trêu nhất về sự trỗi dậy của Trung Quốc – chính những kẻ cựu thù của Bắc Kinh đã giúp cho sự trỗi dậy đó trở thành hiện thực.
Tập Cận Bình vẫn cho thấy rằng ông không từ bỏ cái mà ông gọi là “công cuộc trẻ hóa quốc gia Trung Hoa.” Trên đây là cửa sổ ngắm toàn cảnh từ đỉnh Tháp Thượng Hải, tòa nhà cao thứ nhì của thế giới.
Một đại hội đảng Cộng sản. Ông Tập có vẻ tin rằng Trung Quốc đã thành công ở mức đủ để đảng trở lại quá khứ chuyên quyền của họ.
Trung Quốc tận dụng được làn sóng toàn cầu hóa và trở thành công xưởng của thế giới. Trên đây, một biển quảng cáo tìm lao động công nhật ở Thâm Quyến (Shenzhen).
Một nhân viên ngành thiết kế thời trang tại một triển lãm đồ cưới tại Bắc Kinh. Anh ta có thể đang tranh thủ nghỉ ngơi. Trong khi đó, chẳng ai còn gọi Trung Quốc là người khổng lồ say ngủ nữa.
Các tấm pin mặt trời đang được lắp đặt trên một công trình xây dựng nhà ở cao 47 tầng. Trung Quốc đã thành công bằng cách để yên cho nền kinh tế kế hoạch tập trung tồn tại trong khi cho phép một nền kinh tế thị trường sinh sôi nảy nở và phát triển vượt qua nền kinh tế kế hoạch tập trung kia.
Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, vốn thường được các nhà tuyên truyền của đảng tô vẽ như là những kẻ thù hiểm ác, đã trở thành những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Hai nước này là những nguồn cung lớn về viện trợ kinh tế, đầu tư, và kiến thức chuyên môn cho Trung Quốc.
Thế nhưng, những người thật sự làm thay đổi luật chơi chính là những người như Tony Lin, một giám đốc nhà máy đến Trung Hoa đại lục lần đầu tiên vào năm 1988.
Ông Lin sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, hòn đảo tự trị nơi mà bên thua cuộc trong cuộc nội chiến Trung Quốc [1946-1949 – ND] đã chạy đến. Khi còn là học sinh, ông ta từng được dạy rằng Trung Quốc chính là kẻ thù.
Tuy nhiên, vào những năm cuối thập niên 1980, nhà máy sản xuất giày thể thao mà ông ta làm chủ tại miền Trung Đài Loan đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công, trong khi khách hàng lớn nhất của nhà máy này là hãng Nike thì đang đề xuất chuyển một phần việc sản xuất sang Trung Quốc.
Ông Lin gạt nỗi sợ hãi của mình sang một bên và lên đường. Những gì ông tìm thấy đã làm ông ngạc nhiên: một lực lượng lao động lớn và sẵn sàng làm việc, các quan chức địa phương thì háo hức với tư bản và phương pháp sản xuất tới mức họ đề xuất cho ông Lin dùng một nhà máy quốc doanh và được hưởng miễn thuế năm năm.
Ông Lin dành cả thập niên tiếp theo sau đó bay đi bay lại ở miền Nam Trung Quốc, có khi ông ở đó hàng tháng trời và chỉ trở về nhà trong vài dịp nghỉ để gặp vợ và các con. Ông xây dựng và vận hành năm xưởng giày thể thao, bao gồm xưởng cung ứng lớn nhất của Nike tại Trung Quốc.
“Các chính sách của Trung Quốc rất tuyệt,” ông Lin hồi tưởng lại. “Chúng giống như những miếng bọt biển hút nước, hút tiền, hút công nghệ, hút mọi thứ.”
Ông Lin là một phần của những dòng thác lũ đầu tư đổ vào Trung Quốc từ những người dân gốc Hoa tại Hong Kong, Đài Loan, Singapore và nhiều nơi khác. Dòng thác lũ đầu tư này cho Trung Quốc một lợi thế hơn hẳn các nước đang phát triển khác. Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng, nếu như không có những cộng đồng người Hoa ở hải ngoại thì công cuộc chuyển mình của Trung Hoa đại lục đã có thể bị ngừng trệ ở mức giống các nước như Indonesia hay Mexico.
Thời điểm cải cách cũng rất có lợi cho Trung Quốc. Nước này mở cửa đúng lúc Đài Loan đang tăng trưởng vượt trội trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Trung Quốc đã hưởng lợi không chỉ từ nguồn tiền đến từ Đài Loan, mà cả từ nguồn kinh nghiệm quản trị, công nghệ và các mối quan hệ khách hàng sẵn có trên toàn thế giới của Đài Loan. Thực tế là Đài Loan đã khởi động chủ nghĩa tư bản trong lòng Trung Quốc rồi gắn kết nước này vào nền kinh tế toàn cầu.
Chẳng lâu sau đó, chính quyền Đài Loan bắt đầu lo lắng là họ đang dựa dẫm quá nhiều vào kẻ cựu thù và cố gắng chuyển đầu tư sang các nơi khác. Nhưng đại lục vẫn quá rẻ, quá gần, luôn có chung ngôn ngữ và nguồn cội, quá thân thuộc. Ông Lin đã cố mở nhà máy tại Thái Lan, Việt Nam và Indonesia nhưng vẫn luôn quay lại Trung Quốc.
Đài Loan bây giờ thấy bản thân họ đang ngày càng phụ thuộc vào một Trung Quốc hùng mạnh, một Trung Quốc vốn đang thúc đẩy một cách cứng rắn hơn việc thống nhất Đài Loan với Trung Quốc. Tương lai hòn đảo này đang bất định.
Những nỗi khổ sở như của Đài Loan có ở mọi nơi trên thế giới. Nhiều nước đang suy nghĩ lại về cách mà họ đã quá vội vàng chào đón Bắc Kinh bằng giao thương và đầu tư.
Nỗi ân hận lớn nhất có lẽ chính là của Hoa Kỳ, nước đã đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước đã trở thành khách hàng lớn nhất của Trung Quốc để rồi bây giờ đang cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ hàng loạt. Một quan chức đã gọi tình cảnh này là “cuộc chuyển nhượng của cải lớn nhất trong lịch sử.”
Nhiều người ở Washington dự đoán rằng giao thương sẽ mang lại thay đổi chính trị. Có việc đó, nhưng nó không xảy ra ở Trung Quốc.
“Mở cửa” cuối cùng đã làm tay nắm quyền lực của đảng trở nên mạnh mẽ hơn thay vì yếu đi. Tuy nhiên, cơn sốc chứng kiến Trung Quốc vươn lên thành một nhà xuất khẩu khổng lồ thì vẫn đã đến với các thị trấn có nhà máy trên toàn thế giới.
Tại Hoa Kỳ, các nhà kinh tế nói rằng ít nhất hai triệu việc làm đã biến mất vì việc Trung Quốc vươn lên như thế. Nhiều việc làm trong số đó là tại các địa phương đã bầu cho Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Đàn áp có chọn lọc
Trong một bữa trưa tại một câu lạc bộ tư nhân hạng sang trên tầng 50 của một tòa cao ốc trung tâm Bắc Kinh, một trong những trùm bất động sản thành công nhất của Trung Quốc đã giải thích tại sao ông ta từ bỏ công việc tại một phòng nghiên cứu chính phủ sau sự kiện đàn áp phong trào dân chủ của sinh viên tại Thiên An Môn.
“Việc đó dễ,” Feng Lun nói. Ông ta là chủ tịch hội đồng quản trị của Vantone Holdings, công ty này quản lý một danh mục bất động sản trị giá nhiều tỉ đô-la trên toàn thế giới. “Một ngày tôi thức dậy và thấy mọi người đã chạy hết. Thế là tôi cũng chạy.”
Feng kể rằng, cho đến trước khi quân đội nổ súng bắn sinh viên tại Thiên An Môn, ông đã có kế hoạch dành cả sự nghiệp làm nhân viên nhà nước. Trái lại, bởi vì đảng đã cố đẩy ra ngoài bất kỳ ai từng cảm thông với phong trào sinh viên, Feng đành tham gia vào dòng cựu quan chức di tản từ bộ máy hành chính ra ngoài làm kinh doanh vào những năm 1990.
“Hồi đó, nếu bạn tổ chức một cuộc họp mặt và bảo chúng tôi kinh doanh, chả ai trong chúng tôi sẽ nghe hết,” Feng nhớ lại. “Vậy nên sự kiện kia đã vô tình gieo hạt giống cho nền kinh tế thị trường.”
Thành công của đảng thường có khuynh hướng “kéo cưa lừa xẻ” như thế.
Cuộc vận động ủng hộ dân chủ năm 1989 là thời điểm đảng có khả năng tự do hóa chính trị nhất kể từ lúc Mao chết. Cuộc đàn áp tiếp theo sau đó là lúc mà đảng đi xa nhất về hướng đối nghịch tự do hóa chính trị, về phía đàn áp và kiểm soát.
Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, nền kinh tế ngừng trệ và tình trạng đóng băng có vẻ càng chắc chắn. Tuy nhiên, ba năm sau đó, Đặng Tiểu Bình đã dùng chuyến du hành xuống miền Nam Trung Quốc của ông ta để chèo kéo đảng mình quay lại “cải cách và mở cửa” một lần nữa.
Nhiều người đã bỏ việc nhà nước như ông Feng bất ngờ thấy họ đang là những người tiên phong trong công cuộc thay đổi quốc gia từ bên ngoài chính quyền, trong vai trò là thế hệ các doanh nhân tư nhân đầu tiên của Trung Quốc.
Bây giờ thì ông Tập Cận Bình đang lèo lái đảng mình trở lại con đường đàn áp cũ, xiết chặt kiểm soát lên xã hội, tập trung quyền lực vào tay mình và sắp đặt cho bản thân ông ta cai trị Trung Quốc trọn đời, bằng cách loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước.
Liệu đảng có thả lỏng giống như họ đã từng làm vài năm sau Thiên An Môn không? Hay pha bẻ lái lần này là bẻ lái mãi mãi? Nếu là bẻ lái mãi mãi thì nó có ý nghĩa gì với điều thần kỳ kinh tế mang tên Trung Quốc?
Có một nỗi lo sợ là ông Tập sẽ tìm cách viết lại công thức thành công của Trung Quốc, thay thế việc đàn áp có chọn lọc bằng một hình thức đàn áp nặng nề hơn.
Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã xoay chuyển giữa lựa chọn mở cửa và lựa chọn đàn áp, bao gồm việc đàn áp cộng đồng người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) thiểu số.
Từ sự kiện phong trào Thiên An Môn, chính quyền đã luôn cảnh giác và tìm cách dập tan mọi mối đe dọa tiềm năng. Trên đây, camera giám sát tại Bắc Kinh.
Đường tàu hỏa cao tốc lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã làm thay đổi cách người dân nước này di chuyển. Hình trên là tại Hangzhou (Hàng Châu) với các khách đi tàu ngồi chờ ngoài một ga tàu.
Khi Trung Quốc mở cửa, nông dân được phép trồng và bán sản phẩm của họ trong khi nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu đất đai. Trên đây, các nhà kính đầy rau cải thìa và bắp cải vàng nằm xen kẽ với các công trình đầu tư và sân gôn.
Khi Mao cầm quyền, nhiều người Trung Quốc có học bị gửi đến các “trường cán bộ”, nơi họ phải lao động chân tay. Tháng Năm vừa rồi, các nhân viên môi giới bất động sản trong hình này ra ngoài chạy bộ buổi sáng – một phần trong các hoạt động xây dựng đội ngũ của công ty họ.
Đảng đã luôn cảnh giác và tìm cách dập tắt mọi hiểm nguy tiềm tàng – một đảng đối lập chớm ra đời, một phong trào tâm linh nhiều người ủng hộ, hay cả một nhà bất đồng chính kiến đoạt giải Nobel Hòa Bình.
Tuy nhiên, ngoài một vài các ngoại lệ lớn ra thì nhìn chung đảng cũng tìm cách thoái lui khỏi đời sống của người dân và cho họ đủ tự do để giữ cho nền kinh tế phát triển.
Mạng Internet là một ví dụ về cách đảng đắc lợi từ việc tìm một điểm cân bằng. Đảng cho cả nước lên mạng trong khi để lộ ra rất ít ý nghĩa của việc lên mạng này, sau đó đảng gặt hái các lợi ích kinh tế trong khi vẫn kiểm soát độ lan tỏa của những thông tin nào có hại cho đảng.
Năm 2011, đảng đối mặt một cơn khủng hoảng. Sau một vụ tai nạn tàu cao tốc tại miền Đông Trung Quốc, hơn 30 triệu thông điệp phê phán việc xử lý tai nạn chết người đó của đảng lan tràn rên các mạng xã hội – nhanh hơn tốc độ kiểm tra của những người kiểm duyệt.
Đám quan chức chính quyền trong cơn hoảng sợ đã nghĩ đến việc đóng cửa luôn mạng xã hội nhiều người dùng là Weibo – phiên bản Twitter của Trung Quốc – nhưng họ cũng đã lo sợ về phản ứng của công chúng với hành động đóng cửa đó.
Cuối cùng, giới quan chức để cho Weibo vẫn hoạt động nhưng đầu tư vào việc thắt chặt kiểm soát và ra lệnh bắt các công ty khác cũng phải thắt chặt kiểm soát.
Việc dàn xếp này có hiệu quả. Giờ đây, nhiều công ty bổ nhiệm hàng trăm nhân viên làm các công tác kiểm duyệt – và Trung Quốc đã trở thành người khổng lồ trên không gian mạng toàn thế giới.
“Cái giá của việc kiểm duyệt là khá ít ỏi so với giá trị rất lớn do mạng Internet tạo ra,” Chen Tong, một nhà tiên phong trong ngành Internet, nói. “Chúng tôi vẫn có được các thông tin chúng tôi cần để phát triển kinh tế.”
“Thời đại mới”
Trung Quốc bây giờ không phải là nước duy nhất đã cân bằng được các mong muốn của một nền chính trị chuyên quyền với các nhu cầu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, họ đã làm được việc cân bằng đó lâu hơn, với cấp độ lớn hơn, và với các kết quả mang tính thuyết phục hơn nhiều nước khác.
Câu hỏi bây giờ là làm cách nào họ có thể duy trì mô hình hiện nay trong khi Hoa Kỳ đã trở thành một địch thủ thay vì là một đối tác.
Cuộc chiến thương mại mới chỉ bắt đầu. Và cuộc chiến đó không đơn thuần chỉ là một cuộc chiến thương mại. Các tàu chiến và máy bay quân sự Hoa Kỳ đang thách thức Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Hoa Kỳ làm việc này càng ngày càng nhiều hơn trong khi Trung Quốc đang tăng dần chi tiêu quân sự. Và Washington thì đang vận động chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới. Hoa Kỳ đang cảnh báo rằng các khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dành cho các nước trên thế giới luôn đi kèm nhiều ràng buộc.
Cả hai nước có thể vẫn sẽ đạt được một số dàn xếp hòa giải nhất định. Nhưng cả hai phe tả và hữu của Mỹ hiện nay đều đang nhìn Trung Quốc như là một quốc gia cổ xúy cho một dạng trật tự thế giới khác với cái trật tự thế giới kiểu Hoa Kỳ. Dạng trật tự thế giới của Trung Quốc suy tôn các giá trị chuyên chế và phá hoại cạnh tranh công bằng. Sự đồng thuận đó giữa hai phe phái tại Mỹ là rất hiếm trong bối cảnh nước này đang bị chia rẽ sâu sắc về nhiều thứ khác, bao gồm cả câu hỏi là Hoa Kỳ đã vận dụng quyền lực của họ trên trường quốc tế trong những thập niên qua như thế nào – và nước này nên vận dụng quyền lực thế nào hiện nay.
Ông Tập, trái lại, không cho thấy dấu hiệu nào của việc từ bỏ cái mà ông gọi là “công cuộc trẻ hóa quốc gia Trung Quốc.” Một số người thuộc phe ông Tập đã nóng lòng muốn thách thức Hoa Kỳ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và họ xem các chính sách của chính quyền Trump hiện nay là bằng chứng cho điều họ đã luôn nghi ngờ – rằng Hoa Kỳ đang quyết tâm kìm Trung Quốc xuống.
Đồng thời, đang có những lo âu rộng khắp về thái độ gay gắt mới với Hoa Kỳ như thế, bởi vì Hoa Kỳ từ lâu vẫn luôn khơi gợi sự ngưỡng mộ lẫn ganh tị tại Trung Quốc, và bởi vì còn có một cảm giác day dứt là công thức thành công của đảng có lẽ đang trở nên ít được bảo đảm hơn.
Sự giàu sang đã làm người Trung Quốc mong đợi nhiều hơn, công chúng muốn có nhiều hơn chỉ là tăng trưởng kinh tế. Họ muốn không khí sạch sẽ hơn, thức ăn an toàn hơn, thuốc men, chăm sóc y tế tốt hơn, trường học ít tham nhũng hơn và bình đẳng hơn.
Đảng đang vất vả trong việc đạt được những thứ đó, và đã có một số thay đổi nội dung trên các báo cáo nội bộ dùng để đánh giá năng lực các lãnh đạo địa phương nhưng các thay đổi này có vẻ hoàn toàn không đủ.
“Vấn đề cơ bản là, tăng trưởng vì ai?” ông Xu, vị quan chức về hưu, người đã viết báo cáo Mogansha, nói. “Chúng tôi vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.”
Tăng trưởng kinh tế đang bắt đầu chậm lại. Việc này có thể tốt hơn cho nền kinh tế về lâu dài nhưng nó đang làm giảm mức độ tin cậy của công chúng dành cho chính quyền. Đảng đang đầu tư nhiều hơn vào kiểm duyệt để kiểm soát các thảo luận lien quan đến những thử thách mà quốc gia phải đối mặt: bất bình đẳng thu nhập tăng cao, các mức nợ nguy hiểm, và một dân số đang già đi.
Ông Tập cũng đã tự mình xác nhận rằng đảng phải thích nghi. Ông tuyên bố rằng đất nước đang bước vào một “thời đại mới” vốn cần những phương pháp mới. Nhưng công thức giải quyết của ông Tập phần lớn là quay lại việc đàn áp, bao gồm tạo ra các trại tập trung lớn dành cho người Hồi giáo thiểu số.
“Mở cửa” đã bị thay thế bằng một làn sóng đẩy mạnh ra nước ngoài, với những khoản cho vay lớn mà các nhà phê bình miêu tả là những khoản cho vay nặng lãi và là những nỗ lực tranh giành ảnh hưởng – hoặc nỗ lực can thiệp – vào chính trị của các nước khác. Trong nước, việc thử nghiệm đang nhường chỗ cho việc coi trọng tính chính thống chính trị và kỷ luật.
Thực tế là ông Tập có vẻ đang tin rằng Trung Quốc đã thành công tới mức đủ để đảng có thể quay lại một tư thế chuyên quyền mang tính tập quán hơn – và để sống còn và vượt qua Hoa Kỳ thì việc quay đầu này là việc phải làm.
Chắc chắn là đảng vẫn đang nắm thế chủ động. Trong bốn thập niên qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã luôn nhanh hơn gấp 10 lần so với Hoa Kỳ, và hiện nay tốc độ tăng trưởng vẫn đang nhanh gấp đôi. Đảng có vẻ đang nhận được sự ủng hộ rộng khắp của công chúng, và nhiều nơi trên thế giới người ta đang cảm thấy bị thuyết phục rằng Hoa Kỳ của ông Trump đang dần rút lui trong khi thời đại của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu.
Nói đi cũng phải nói lại, Trung Quốc luôn có cách làm trật đi mọi mong đợi.
—
Philip P. Pan là Biên tập viên Châu Á của báo New York Times. Ông là tác giả cuốn “Out of Mao’s Shadows: The Struggle for the Soul of a New China” (Thoát khỏi bóng Mao: Cuộc đấu tranh cho Linh hồn của một Trung Hoa mới”. Ông đã sống và viết báo ở Trung Quốc được hai thập niên.
Jonathan Ansfield và Keith Bradsher tham gia đóng góp vào bài này từ Bắc Kinh. Claire Fu, Zoe Mou và Iris Zhao đóng góp nghiên cứu từ Bắc Kinh, và Carolyn Zhang đóng góp từ Thượng Hải.
—
Từ khoá:
quyền lực đang trỗi dậy: rising power
quy luật hiện đại hoá: rule of modernization
tự do chính trị: political freedom
dân chủ hoá: democratization
cải cách: to reform
nhà tư bản: capitalist
tính chuyên chế: authoritarian
sự kiểm duyệt: censorship
sự tham nhũng: corruption
sự đàn áp: repression
cuộc khủng hoảng tài chính: financial crisis
thoả hiệp: to compromise