Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bước vào Nhà Trắng với cam kết thay đổi bộ mặt nền chính trị Mỹ, chuyển giao lại quyền lực cho người dân và theo đuổi chính sách “America first” (“Nước Mỹ trên hết”), sau hai năm lãnh đạo, Tổng thống Donald Trump không chỉ đang thay đổi nước Mỹ mà còn thay đổi thế giới với nhiều quyết định và chính sách bất ngờ, gây tranh cãi và mang đậm dấu ấn cá nhân.
Với những người chống đối, hai năm vừa qua khẳng định nỗi sợ hãi của họ khi Washington phải đối mặt với nhiều thách thức. Với những người ủng hộ, Donald Trump lại là tổng thống tốt nhất khi “đang làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Nhưng để có cái nhìn cân đối giữa hai xu hướng trên, các dữ liệu cụ thể, các con số và hiệu quả của những chính sách sẽ cho thấy một phần bức tranh sau hai năm Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền.
Nhân sự: Kẻ đến, người đi
Những nhân sự cấp cao của chính quyền Trump đã bị sa thải hoặc từ chức tính đến ngày 27/3/2018. Ảnh: Vox.
Lĩnh vực mà Trump thực sự gây bất ngờ là nhân sự. Các nhân sự trong nội các của Tổng thống Donald Trump lần lượt ra đi trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông với mức độ biến động chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại Mỹ.
Ngoại trưởng Rex Tillerson biết mình bị sa thải qua một dòng tweet của tổng thống , Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci bị buộc thôi việc chỉ sau 10 ngày nhậm chức. Bên cạnh đó là rất nhiều trường hợp được công bố là từ chức, mà gần đây nhất là trường hợp của bà Nikki Haley – Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.
Tuy nhiên, những cái tên kể trên chỉ là một phần nhỏ trong số hàng chục nhân sự từ chức hoặc bị sa thải khỏi chính quyền Donald Trump kể từ khi ông nhậm chức ngày 20/1/2017. Con số này cũng chưa tính đến khả năng Tổng thống có thể sa thải hàng loạt quan chức khác như Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross trong thời gian tới.
Trong một thống kê khác của Brookings thì trong hai năm đầu, trong nhóm quan chức cấp cao nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trong nội các của Tổng thống Trump thì 65% đã ra đi. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 24% thời Barack Obama, 33% thời George W. Bush, và 38% thời Bill Clinton.
Bổ nhiệm hai thẩm phán bảo thủ vào Tối cao Pháp viện
Hai thẩm phán Brett Kavanaugh và Neil Gorsuch do TT Trump bổ nhiệm. Ảnh: Getty.
Là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp, Tối cao Pháp viện với 9 thẩm phán có tiếng nói quyết định trong việc giải thích Hiến pháp cũng như kiểm tra các quyết định của tổng thống và quốc hội. Những quyết định của toà án này có tác động sâu sắc đến xã hội Mỹ, như việc công nhận quyền phá thai của phụ nữ trong sáu tháng đầu (1973) hay hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới (2015).
Sau hai năm cầm quyền, Tổng thống Trump đã có những cơ hội không thể tốt hơn để bổ nhiệm các thẩm phán có cùng quan điểm với ông.
Người đầu tiên là thẩm phán Neil Gorsuch, được bổ nhiệm thay thế cho thẩm phán Antonin Scalia qua đời hồi tháng 2/2018. Động thái này của Tổng thống Trump được giới chính trị bảo thủ hoan nghênh bởi ông Gorsuch có lập trường chống phá thai và chống hợp pháp hóa cần sa.
Khi một thẩm phán khác là Anthony Kennedy xin nghỉ hưu ở tuổi 81 vào tháng 6/2018, Tổng thống Trump một lần nữa lại có cơ hội đưa một thẩm phán bảo thủ thay thế. Người được chọn là ông Brett Kavanaugh, nhậm chức sau khi Thượng viện phê chuẩn với số phiếu sít sao (50-48), khiến cho Tòa án Tối cao giờ đây nghiêng hẳn về phe bảo thủ.
Với việc bổ nhiệm thành công hai thẩm phán bảo thủ lên Tòa án Tối cao, ông Trump đã để lại một dấu ấn lớn trong hai năm đầu nhiệm kỳ của mình. Không chỉ làm hài lòng nhóm cử tri bảo thủ, tổng thống đã góp phần định hình tương lai của nước Mỹ. Thẩm phán Neil Gorsuch (51 tuổi) và Brett Kavanaugh (53 tuổi) đều có thể làm việc cho đến tận năm 2050 và xu hướng bảo thủ của họ sẽ có tiếng nói quyết định trong các vấn đề chính sách xã hội của nước Mỹ, ít nhất là trong hai thế hệ tới.
Chính sách kinh tế
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm TT Trump cầm quyền. Ảnh: Time.
Một tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống 2016 diễn ra, tờ Washington Post có bài viết: “Tổng thống Trump có thể phá hủy kinh tế thế giới (A President Trump could destroy the world economy)”. Một nhân vật có tầm ảnh hưởng khác là cựu bộ trưởng Tài chính Larry Summers thì dự đoán suy thoái kéo dài sẽ bắt đầu sau 18 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ ông Trump.
Nhưng 24 tháng đã trôi qua và nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ tăng trưởng.
Theo hãng tin CNBC, kể từ khi vị tỷ phú địa ốc chính thức trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng hơn 3%. Còn tạp chí Forbes công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ người Mỹ thất nghiệp đã giảm xuống ở mức 3,7% – mức thấp nhất trong gần 50 năm.
Theo số liệu được New York Times đưa ra ngày 2/11, các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm 250.000 việc làm trong tháng 10/2018. Trong quý 3/2018, chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm gần 70% hoạt động kinh tế Mỹ, đã tăng 3,5%, và là mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Các số liệu thống kê khác trong năm 2018 của CNBC cho thấy 3,9 triệu người Mỹ tìm được việc làm kể từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền. Trong thời kỳ tương ứng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, có 2,6 triệu người Mỹ mất việc.
Để mang lại những kết quả trên, ông Donald Trump chủ trương cắt giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát, cộng thêm tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu quân sự nhằm tạo ra một cú sốc nguồn cung đối với nền kinh tế.
Về thuế, Nhà Trắng đã thông qua một kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất từ 35% xuống còn 21%, đồng thời giảm lãi suất cho hàng triệu người. Các biện pháp cắt giảm thuế này có hiệu lực đến năm 2025.
Về quy chế giám sát, Tổng thống Trump đã ra lệnh bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy chế trên diện rộng, từ các quy chế giám sát ngành ngân hàng cho tới các quy chế bảo vệ môi trường mà ông cho là gây thiệt hại tới công ăn việc làm của người dân.
Tuy nhiên, nền kinh tế khỏe mạnh lúc này không có nghĩa là trong khoảng thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển, và thành tích về kinh tế không hẳn sẽ quyết định chiến thắng trong nhiệm kỳ tiếp theo cho tổng thống. Một số báo cáo mới cho thấy một mối đe dọa tiềm tàng là các khoản nợ quốc gia của Mỹ hiện đã tăng thêm hơn 2.000 tỷ USD kể từ khi ông vào Nhà Trắng, lên đến mức 21.974 tỷ USD vào cuối năm 2018.
Khoản nợ chiếm tới 78% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ trong năm tài chính 2018, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1950, phân tích của CNN kết luận.
Nợ quốc gia đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Quốc hội và Tổng thống Barack Obama phê duyệt gói tài trợ kích thích kinh tế để giữ cho nền kinh tế phát triển.
Trong lịch sử, năm 2014 chứng kiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao nhất trong nhiệm kỳ của ông Obama, nhưng chiến thắng ở cuộc bầu cử giữa kỳ lại thuộc về phe Cộng hòa khi họ có thêm Thượng viện và tiếp tục nắm giữ cả lưỡng viện cho đến hết năm 2018.
Có một điều cũng cần lưu ý khi so sánh Trump và Obama: ông Obama thừa hưởng từ ông Bush (con) một nền kinh tế đang trên đà rơi tự do và lún sâu vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái (1929-1933); còn Trump nhận lại từ Obama một nền kinh tế đã phục hồi và đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Hàng loạt nhân sự thân tín bị kết án
Hàng loạt nhân sự cao cấp nhất của bộ máy tranh cử của TT Trump đã bị toà án kết tội. Ảnh: New York Times.
Vấn đề quốc nội được quan tâm đặc biệt là cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller nhằm vào cáo buộc ông Donald Trump thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Cuộc điều tra này bắt đầu từ tháng 5/2017, với mục đích truy tìm đường dây mối nhợ giữa Uỷ ban tranh cử của ứng cử viên Trump với chính quyền Nga, sau khi các cơ quan tình báo Mỹ đều khẳng định chính quyền Nga đã can thiệp trực tiếp và thao túng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 – cuộc bầu cử mà ông Trump đã giành chiến thắng trước Hillary Clinton.
Ông Trump một mực phủ nhận cáo buộc này và liên tục công kích cuộc điều tra. Tuy nhiên, sau gần hai năm, công tố viên đặc biệt Robert Muller đã truy tố hàng chục người ra toà, trong đó, hàng loạt cộng sự thân tín nhất của ông Trump đã bị kết án.
Nổi bật trong số đó có cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn về tội khai man (đã nhận tội), cựu luật sư riêng Micheal Cohen (3 năm tù về tội khai man), và cựu trưởng ban tranh cử Paul Manafort (tội gian lận tài chính, cản trở công lý,…). Lời khai của những người này ngày càng bất lợi cho Tổng thống Trump khi nó chứng tỏ ông đã nói dối về mối quan hệ giữa ông và chính quyền Nga, cũng như những dự án kinh doanh của ông ở Nga.
Cuộc điều tra này vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2019.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
TT Mỹ Donald Trump trong cuộc họp song phương với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hôm 1/12/2018 ở Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AFP Photo/Pablo Martinez Monsivais.
Ngay từ khi tranh cử, Tổng thống Trump đã tỏ rõ sự không hài lòng với thâm hụt thương mại lên tới hơn 300 tỷ USD hàng năm giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc từ lâu đã áp dụng những luật chơi không công bằng trong thương mại song phương và điều này là không thể chấp nhận.
Khác với hai người tiền nhiệm là George W. Bush và Barack Obama, những người có ý định thành lập một hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) để gây sức ép buộc Trung Quốc cải cách nền kinh tế, Trump ngay lập tức rút nước Mỹ khỏi hiệp định này trong tuần đầu tiên của nhiệm kỳ.
Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khởi đầu ngày 22/3/2018 khi ông Trump tuyên bố áp dụng mức thuế 50 tỷ USD cho hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những gì Mỹ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Danh sách thuế quan trọng tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch Made in China 2025, bao gồm các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin và robot. Nó cho phép tổng thống có thẩm quyền đơn phương áp dụng tiền phạt hoặc các hình phạt khác đối với một đối tác thương mại nếu được cho là không công bằng và gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Mỹ.
Ngày 6/7/2018, Donald Trump cho áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc, dẫn đến việc Trung Quốc đáp lại với các mức thuế tương tự đối với các sản phẩm của Mỹ.
Chính quyền Trump cho biết thuế quan là việc cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong tháng 8 năm 2017, chính quyền Trump đã mở một cuộc điều tra chính thức về các vụ tấn công vào tài sản trí tuệ của Mỹ và các đồng minh của mình. Nạn trộm cắp này ước tính gây tổn thất cho Mỹ khoảng 600 tỷ đô la một năm.
Một góc nhìn khác từ giới quan sát, chiến tranh thương mại được cho là một khía cạnh trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính quyền Trump ngày càng lo ngại về các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông, sáng kiến Vành đai và Con đường hay các hành vi thương mại bất bình đẳng cũng như tình trạng ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và gián điệp mạng.
Giới phân tích và các nhà bình luận đã tranh luận sôi nổi về việc ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này và ảnh hưởng mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu. Các nhà nghiên cứu đứng trên những góc nhìn khác nhau khiến cho cuộc tranh luận vẫn chưa thể ngã ngũ và không thể chốt lại được Mỹ hay Trung Quốc sẽ thua trong cuộc chiến này.
Chưa thể biết được kết quả cuối cùng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nhưng việc làm của Tổng thống Trump cho thấy một thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc so với những người tiền nhiệm.
“Nước Mỹ trên hết” khiến đồng minh hoang mang
Thủ tướng Đức Angela Merkel đối thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày thứ hai hội nghị G7 ở La Malbaie, ngày 9/6/2018. Ảnh : Bundesregierung/Jesco Denzel/Handout via REUTERS.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đã phá vỡ các chuẩn tắc quốc tế, dẫn tới bế tắc trong soạn thảo chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng Đỉnh G7 tại Quebec, Canada năm 2018.
“Kẻ gây rối” ở đây, theo Politico, chính là Donald Trump. Từ các quy tắc thương mại đến biến đổi khí hậu, từ ngân sách quốc phòng đến thỏa thuận hạt nhân Iran, tổng thống Mỹ đã phá vỡ sự đồng thuận giữa Hoa Kỳ và các đồng minh vốn đã tồn tại từ thời người tiền nhiệm Barack Obama trở về trước.
Chính quyền Trump gây căng thẳng với hầu hết các đồng minh khi quyết định áp thuế nhập khẩu nhôm, thép lên tới 10% và 25% với Liên minh Châu Âu (EU), Canada và Mexico.
Một số các quốc gia chịu ảnh hưởng cũng đã đáp trả bằng cách áp thuế nhằm vào nhiều mặt hàng nhập từ Mỹ. Lãnh đạo sáu nước còn lại trong G7 muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại và cố thuyết phục Tổng thống Trump rằng việc áp các khoản thuế mới sẽ gây tác hại cho chính nền kinh tế Mỹ và cho tăng trưởng thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn kiên quyết đòi các nước đối tác phải nhập hàng hóa của Mỹ nhiều hơn nữa.
Những tình tiết tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2018 đã phần nào phản ánh căng thẳng liên quan đến thương mại đang đe dọa, phủ bóng đen lên quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống.
Đến tháng 7/2018, thế giới một lần nữa chứng kiến sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi Tổng thống Trump gọi các thành viên khối phòng thủ chung này là những kẻ ăn bám vào sức mạnh của Mỹ, và dọa sẽ “đường ai nấy đi” nếu các nước không chi thêm ngân sách quốc phòng.
Tổng thống Trump đã không ngại ngần công khai gọi EU là “kẻ địch”, và hưởng ứng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, là mối đe dọa trực tiếp đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong bài phát biểu hôm 4/12/2018 cũng đã chỉ trích Liên Hợp Quốc, EU, Ngân hàng Thế giới, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngoại trưởng của Tổng thống Trump cho rằng tầm nhìn của châu Âu về chủ nghĩa đa phương là sai lệch và sẽ thất bại.
Tuy thường xuyên có khác biệt, nhưng trong bảy thập kỷ hợp tác từ sau Thế chiến 2, châu Âu chưa bao giờ đối mặt với một nước Mỹ công khai chống lại liên minh này đến vậy.
Cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông cáo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh, Singapore, ngày 12/06/2018
REUTERS/Jonathan Ernst
Nhiều nhà quan sát đã đi xa đến độ bắt đầu nói đến hành trình mở cửa của Triều Tiên sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Kim Jong Un – Donald Trump kết thúc ở Singapore hồi tháng 6/2018.
Trên một phông nền chưa từng được bày ra trước đó với quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên dựng xen lẫn, Tổng thống Donald Trump cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un bắt tay nhau trên một hòn đảo nhỏ ở phía Nam Singapore. Cả thế giới nhìn vào, từ Mỹ đến Seoul, từ Tokyo đến Bắc Kinh.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều đầu tiên trong lịch sử đã kết thúc bằng một tuyên bố bị một số người chỉ trích là mơ hồ, nhưng tín hiệu tích cực mà nó mang lại ngay lập tức kéo theo một loạt những niềm lạc quan rằng Triều Tiên đã sẵn sàng thay đổi.
Mặc dù ông Trump phải nhận nhiều chỉ trích ở nước Mỹ về việc đã không áp đặt những mốc thời gian cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa, nhưng mọi thứ có vẻ đang đi đúng hướng vào lúc này. Tổng thống Moon Jae In đã gặp lãnh đạo Kim Jong Un một lần nữa tại Bình Nhưỡng và mối quan hệ liên Triều đang dần được cải thiện.
Chỉ hơn một năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump, người thường có những phát ngôn hiếu chiến, lại được gắn liền với một cốc mốc lịch sử trong quá trình mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, một điều mà những người tiền nhiệm của ông không đạt được.
Công nhận Jerusalem
TT Trump thăm Jerusalem ngày 22/5/2017. Ảnh: REUTERS/Jonathan Ernst.
Một trong những sự thay đổi mạnh nhất trong chính sách của chính quyền Donald Trump tại khu vực Trung Đông là quyết định dời đại sứ quán Hoa Kỳ ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, theo đó công nhận thành phố đầy tranh cãi này là thủ đô của nhà nước Do Thái Israel.
Cộng đồng quốc tế hiện không nước nào công nhận chủ quyền của Israel trên Jerusalem, tin rằng tình trạng của thành phố này nên được giải quyết qua các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan.
Năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Lãnh sự quán Jerusalem và yêu cầu Đại sứ quán Mỹ ở Israel chuyển từ Tel Aviv đến Jerusalem. Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ sau đó như Bill Clinton, George W. Bush hay Barack Obama do lo sợ xung đột leo thang giữa Palestine và Israel nên đã trì hoãn kế hoạch này.
Quyết định của Trump đã hoàn thành lời hứa trong chiến dịch và làm hài lòng những người bảo thủ của đảng Cộng hòa và các cử tri Do Thái cánh hữu. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi tuyên bố của ông Trump là một “cột mốc lịch sử”.
Nhưng các đồng minh phương Tây của Washington như Anh, Pháp và Đức chỉ trích động thái này. Thậm chí quyết định của Tổng thống Trump được cho là đã vấp phải sự phản đối từ chính trong nội bộ nước Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng phản đối quyết định này.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới đồng thời cảnh báo động thái này sẽ chọc giận cộng đồng Hồi giáo và đe doạ hòa bình thế giới.
Theo các nhà phân tích, tình hình khu vực vốn đang nóng sẽ càng nóng và phức tạp hơn với những diễn biến khó lường, nhất là ở Syria, Yemen, Iraq, nơi mà Mỹ vẫn đang đóng quân.
***
Trump vẫn là tổng thống duy nhất sau Thế chiến II chưa vượt qua được cột mốc 50% tỷ lệ ủng hộ trong công chúng. Điều này cho thấy nội bộ nước Mỹ vẫn đang chia rẽ sâu sắc.
Nhưng về phần mình, Tổng thống Mỹ đã có những dấu ấn nhất định trong hai năm đầu của nhiệm kỳ, và những đánh giá của các cử tri về năng lực của ông này sẽ được tiết lộ vào cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2020.