‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Đóng cửa chính phủ (government shutdown) là một khái niệm hết sức xa lạ đối với người dân Việt Nam. Ở Việt Nam ta chỉ có cơ quan văn phòng đóng cửa ngày thứ Bảy, Chủ nhật, chứ chính phủ thì quyết không bao giờ đóng cửa.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu hiện tượng chính trị thú vị này.
“Đóng cửa chính phủ” là gì?Hiểu đơn giản, chính phủ sẽ phải đóng cửa khi Hạ viện hoặc Thượng viện Hoa Kỳ không phê chuẩn thêm ngân sách hoạt động cho chính phủ. Hiểu nôm na là phía Quốc hội không cấp thêm tiền thì chính phủ không trả lương cho viên chức và chi trả các chi phí vận hành được.
Điều này có thể xảy ra do các bất đồng về chính sách thu chi giữa tổng thống, người đứng đầu nhánh hành pháp và Quốc hội, vốn nắm giữ quyền sinh sát về tài chính cho hoạt động của nhánh hành pháp.
Thẩm quyền này được ghi nhận rõ trong phiên bản gốc của Hiếp pháp Hoa Kỳ nhằm bảo đảm nguyên tắc “no taxation without representation” (không có chính thể đại diện, không đánh thuế). Vì vậy, dù nói rằng Tổng thống là “ông trùm” của nhà nước Hoa Kỳ, Quốc hội lại có tiếng chủ chốt trong việc kiểm soát chính sách và hoạt động của chính phủ.
Nếu họ cho rằng các chính sách công của chính phủ có vấn đề, và việc phân bổ ngân sách hiện tại không hiệu quả, cả hai viện của Quốc hội đều có quyền thể hiện quan điểm của mình bằng con đường tài chính. Ngược lại, chính phủ cũng có thể đóng cửa như là một công cụ đàm phán với Quốc hội để yêu cầu cơ quan này chấp thuận các dự toán tài chính của mình.
Cụ thể hơn, khi Hạ viện không thể thống nhất với Thượng viện và Tổng thống (hay ngược lại) trong việc thông qua một hoặc nhiều đạo luật thuộc 12 đạo luật tài chính đặc biệt (12 appropriations bills), do 12 tiểu ban chuyên trách thuộc Hạ viện soạn thảo hằng năm và cấp ngân sách hoạt động dành cho 12 nhóm cơ quan chính phủ liên bang tương ứng; nguy cơ đóng cửa chính phủ có thể diễn ra.
12 tiểu ban và các nhóm cơ quan này bao gồm:
Điểm cần lưu ý ở khái niệm “đóng cửa chính phủ” là không phải toàn bộ các cơ quan chính phủ liên bang sẽ “nghỉ khỏe” không làm việc. Chỉ có những những cơ quan phụ trợ, không mang tính thiết yếu thì hoạt động mới được xem xét tạm dừng. Các cơ quan khác thực hiện chức năng căn bản và quan trọng của chính phủ liên bang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc bình thường, dù có thể họ sẽ không được thanh toán đúng hạn tiền lương cho những ngày làm việc này.
Vì vậy, nhận định của Tổng thống Trump trên Twitter đe dọa rằng đợt đóng cửa chính phủ 2018 sẽ gây ra mối hại to lớn cho quân đội là chưa chính xác, vì quân sự được xem là một chứng năng nhà nước thiết yếu và hầu hết các đơn vị quân sự vẫn tiếp tục thực thi nhiệm vụ của mình trong giai đoạn chính phủ đóng cửa.
Ai chịu ảnh hưởng?Theo thống kê chính thức của đợt đóng cửa chính phủ dưới thời Tổng thống Barack Obama, người chịu ảnh hưởng lớn nhất là các nhân viên cung cấp loại hình dịch vụ liên bang không cấp thiết. Chẳng hạn như người lao động làm việc tại các công viên quốc gia, nhà tưởng niệm quốc gia, nhân viên thực hiện thủ tục hộ chiếu và hồ sơ thị thực, nhân viên quản trị các trang web chính phủ, v.v… Họ sẽ được cho tạm nghỉ trong giai đoạn này, cùng với việc tiền lương bị trừ tương ứng cho số ngày nghỉ.
Có khoảng 850.000 nhân viên thuộc nhánh hành pháp Hoa Kỳ rơi vào diện này vào năm 2013.
Một số vị trí chắc chắn không bị ảnh hưởng bao gồm tổng thống, các chức danh do tổng thống bổ nhiệm và những thành viên Quốc hội. Những dịch vụ của Cơ quan Bưu chính Liên bang, Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải Liên bang, Cơ quan Kiểm soát Không lưu Liên bang cũng là những dịch vụ gần như một trăm phần trăm nằm trong vùng an toàn.
Trên lý thuyết, người dân Mỹ sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn từ hiện tượng chính trị này. Ngoài các dịch vụ công cơ bản do chính quyền tiểu bang cung cấp, những người muốn nhận phúc lợi do chính phủ cung cấp trong phạm vi hệ thống an sinh xã hội (social security), chương trình Medicare và phiếu thực phẩm (food stamp) sẽ vẫn tiếp tục được hỗ trợ. Tuy nhiên, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp nông nghiệp, yêu cầu hoàn thuế cũng như phúc lợi cựu chiến binh đều có thể trễ hạn so với thông thường.
Chúng đã được giải quyết như thế nào?Mỗi lần chính phủ đóng cửa đều gắn liền với một tình huống chính trị nhất định.
Hiện nay, ngay trước Giáng sinh, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đóng cửa chính phủ như là một cách phản đối việc Hạ viện và Thượng viện không thể thống nhất đồng ý cấp ngân sách xây dựng bức tường ngăn cách Hoa Kỳ và Mexico (hơn 5 tỷ đô-la Mỹ). Bức tường này được cho là nhằm giảm thiểu tình trạng di dân trái phép từ Mexico và là một trong những lời hứa tranh cử chủ chốt của ông này vào năm 2016.
Khi chính phủ đóng cửa, các bên sẽ phải cân nhắc, xem xét lợi ích chung và đàm phán thỏa hiệp. Thật ra đây đã là lần thứ ba trong năm 2018 mà chính quyền Tổng thống Trump đóng cửa. Lần đầu tiên là vào tháng 1, chính phủ đóng cửa hết ba ngày, chủ yếu để các bên tranh luận về ngân sách cho chương trình Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA) – vốn dùng để hỗ trợ trẻ em bị đưa một cách bất hợp pháp vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Lần thứ hai vào tháng Hai, việc đóng cửa chỉ diễn ra trong đúng một ngày, do tranh luận liên quan đến việc tăng ngân sách cho hoạt động quân sự, cứu nạn thiên tai nhưng lại không bao gồm chương trình DACA.
Vào lần chính phủ đóng cửa năm 2013 kéo dài 16 ngày, với dự luật Chăm sóc Y tế Toàn dân (Obamacare) là tâm điểm do nhiều thành viên đảng Cộng hòa không vừa lòng với dự thảo đạo luật. Kết quả là một số chỉnh sửa được ghi nhận trong đạo luật.
Lần đóng cửa dài nhất lịch sử Hoa Kỳ là 21 ngày, từ 16/12/1995 tới 6/1/1996. Nguyên do của nó không có gì quá đặc biệt. Trong dự thảo chính sách liên quan đến xây dựng mục tiêu ổn định ngân sách 7 năm của Tổng thống khi đó là Bill Clinton, ông sử dụng dự báo tài chính rất lạc quan do một cơ quan hành pháp soạn thảo (Office of Management and Budget Forecasts). Các thành viên đảng Cộng hòa ở cả hai viện thì lại muốn Clinton sử dụng dự báo của một cơ quan thuộc Quốc hội là Congressional Budget Office’s Economic Forecasts (CBO) để đảm bảo tính khách quan. Đến cuối cùng, cả hai bên nhượng bộ, Quốc hội thì không quá khắt khe với dự thảo, còn Bill Clinton thì chấp thuận tham vấn và sử dụng báo cáo từ cơ quan CBO của Quốc hội.
Nhìn chung, người viết không cho rằng việc chính phủ đóng cửa là điều gì đó kinh khủng, thể hiện sự bế tắc chính trị, sự lộn xộn trong tổ chức nhà nước Hoa Kỳ như một số chính khách Việt Nam mô tả. Một cơ quan dân cử “có móng có vuốt” vẫn tốt hơn là một Quốc hội bảo sao gật đấy như ở nước ta.
—
Từ khoá:
đóng cửa chính phủ: government shut down
quốc hội: congress, parliament, national assembly
thượng viện: senate
thượng nghị sĩ: senator
hạ viện: house of representatives
hạ nghị sĩ, dân biểu: representative, member of the house
tổng thống: president
ngân sách: budget
cơ quan liên bang: federal agency
nhân viên liên bang: federal employee
thông qua một đạo luật: to pass a bill/law/act
đảng Dân chủ: Democratic Party
đảng Cộng hoà: Republican Party
Chính phủ Mỹ đóng cửa: Tại sao và Như thế nào