Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Dù chưa có thông báo chính thức, Việt Nam dường như đang là điểm đến hứa hẹn nhất cho cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Câu hỏi đặt ra là: tại sao?
Nhà báo Mike Ives của tờ New York Times có một câu trả lời có vẻ khá hợp lý: vì các bên đều hài lòng với lựa chọn này.
Về phía Mỹ, họ tỏ thái độ cho rằng Việt Nam là một hình mẫu cả về chính trị và kinh tế mà Bắc Triều Tiên nên theo đuổi. Mỹ và Việt Nam từng là kẻ thù, nhưng giờ đây lại là đối tác của nhau. Hai bên bình thường hoá quan hệ từ năm 1995, tròn hai mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 451 triệu đô-la năm 1995 lên đến 52 tỉ đô-la năm 2016, và Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Hàm ý ở đây là Mỹ cũng có thể đối xử với Bắc Triều Tiên như đối xử với Việt Nam hiện nay.
Về phía Triều Tiên, Việt Nam vừa là đồng chí, vừa là anh em. Hai nước có cùng ý thức hệ cộng sản từ sau Thế Chiến II. Triều Tiên từng viện trợ cả người lẫn hàng hoá cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, Việt Nam thì ủng hộ Bắc Triều Tiên trên các diễn đàn quốc tế. Thập niên 1990, Việt Nam còn giúp cứu đói Bắc Triều Tiên bằng cách đổi gạo lấy vũ khí.
Với Hàn Quốc, Việt Nam cũng là cựu thù và giờ đây là đối tác tốt. Kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1992, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc với 62,6 tỉ đô-la kim ngạch hai chiều.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đã ngỏ ý sẽ “làm hết sức để đăng cai cuộc họp này”. Chuyên gia quan hệ quốc tế Lê Hồng Hiệp cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá thành tựu kinh tế của mình và đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề khu vực.
Tuy vậy, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng cảnh báo rằng Mỹ và Hàn Quốc không nên so sánh Bắc Triều Tiên với Việt Nam quá nhiều, vì nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể không thích phải chính thức thừa nhận là đang theo đuổi mô hình của một nước khác, đặc biệt là dưới áp lực nước ngoài.
Chuyên gia Eunjung Lim của Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) cũng ngờ vực khả năng Bắc Triều Tiên hứng thú với mô hình Việt Nam, bởi Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Ông Kim Jong-un có thể sẽ đánh giá mô hình Singapore cao hơn Việt Nam.