4 hậu quả nhãn tiền khi báo chí ác quỷ hóa nghi phạm

4 hậu quả nhãn tiền khi báo chí ác quỷ hóa nghi phạm

Đưa tin đồng loạt với cùng quan điểm là hiện tượng rất phổ biến trong ngành báo chí Việt Nam. Thông tin giống nhau, đăng cùng một lúc. Nhưng đồng loạt hơn hết là tường thuật về các vụ án mạng.

Bạn thức dậy vào buổi sáng, đọc tin về vụ án mạng xảy ra hôm qua. Vài giờ sau, bạn đọc thêm tin về nghi phạm có thể là ai. Vài ngày tiếp theo, tất cả các tờ báo sẽ đưa tin về nghi phạm với lời nhận tội rất chi tiết hoặc khẳng định người vừa bị bắt là hung thủ.

Bạn sẽ càng tin hơn khi đội điều tra được khen thưởng và cập nhật thêm thông tin về nghi phạm như nghiện ma tuý, từng ở tù, cờ bạc, trộm cướp, thất nghiệp… Rất nhanh sau đó, báo chí sẽ phỏng vấn các luật sư mà hầu như lúc nào luật sư cũng tuyên án ngay cho nghi phạm, hầu hết là án tử. Vụ án có vẻ như được khép lại nhưng những nghi phạm, bị can mới là những người gánh chịu tất cả từ cách đưa tin này.

Kịch bản này lặp lại chính xác đến mức có thể trở thành hướng dẫn đưa tin trong các vụ án mạng.

Vụ án mạng Bưu Điện Cầu Voi (Long An) vào năm 2008 là một ví dụ.

Hồ Duy Hải bị bắt và đã nhận tội giết người với cơ quan điều tra. Một ngày sau đó, báo VietnamNet khẳng định Hải là hung thủ cùng với nhân thân bất hảo của anh như “tham gia cá độ đá banh và vay nợ”, “rời địa phương do cá độ bóng đá và ghi đề”, mượn xe rồi mang đi cầm, nợ nhiều người ở địa phương. Hải kêu oan trong hai phiên toà sau đó. Từ cáo trạng cho đến phán quyết của toà đều cho thấy các dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cho thấy Hồ Duy Hải rất có thể đã bị kết án oan. Hơn mười năm nay anh vẫn phải chờ đợi trong xà lim, không biết khi nào thì bị xử tử.

Một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ cũng không tránh khỏi kịch bản này.

Trong một bài viết của báo Tuổi Trẻ về vụ án nữ sinh bị giết hại ở Điện Biên ngày 20/02/2019, tác giả Lê Kiên đã khẳng định năm bị can là thủ phạm đã giết hại cô gái. Hơn nữa, tác giả đã ác quỷ hoá hình ảnh của nghi phạm với cách diễn đạt đầy cảm xúc: “Thử hỏi, với một đối tượng như thế, có khác nào một con quỷ đội lốt người được thả rông ra ngoài xã hội, việc hắn thực hiện hành vi phạm tội là không thể tránh khỏi” (trích từ bài viết).

Một bài đăng của báo Tuổi Trẻ khẳng định các bị can là hung thủ và yêu cầu trừng phạt họ. Ảnh: Chụp màn hình.

Trong một vụ án giết gia đình năm người ở quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh) vào đầu năm 2018, báo VietnamNet đã loan tin về nghi phạm trước khi người này bị cơ quan điều tra bắt giữ 16 giờ đồng hồ, dựa trên thông tin cung cấp của hàng xóm.

Báo chí đóng vai trò quan trọng để cung cấp thông tin cho người dân về tiến trình điều tra. Điều này là rất cần thiết, vì vụ việc không chỉ liên quan giữ hung thủ và gia đình nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến an toàn của xã hội.

Tuy nhiên, việc đưa tin dồn dập, ác quỷ hoá nghi phạm và chỉ dựa vào thông tin từ cơ quan điều tra là không phù hợp với đạo đức báo chí và để lại ít nhất bốn hậu quả nhãn tiền.

Hậu quả khôn lường 

Thứ nhất, nó ảnh hưởng đến người bị buộc tội. Trong vụ án nữ sinh ở Điện Biên, các báo đã hạn chế dùng từ hung thủ trong bài viết, tuy nhiên, việc chỉ đưa tin chi tiết về lời khai của nghi phạm đã làm cho độc giả có ấn tượng rằng nghi phạm chính là hung thủ thật sự.

Điều này dẫn đến việc đối xử với nghi phạm như một hung thủ thật sự, bao gồm việc phỉ báng, làm nhục nghi phạm, bị can. Người bình thường sẽ bị ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Công việc kinh doanh hay hình ảnh xã hội sẽ bị sụp đổ ngay lập tức. Trong khi đó, nghi phạm có quyền được đối xử như một người vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội, căn cứ theo pháp luật.

Thứ hai, nó ảnh hưởng đến gia đình của người bị buộc tội. Không ai biết sự phẫn nộ của công chúng có thể dẫn đến hậu quả như thế nào.

Trong vụ án sát hại năm người ở Bình Tân năm ngoái, sau khi báo chí đưa tin dồn dập về vụ án mạng, gia đình của nghi phạm phải sống trong lo âu vì sợ bị trả thù. Chị gái của nghi phạm không dám ở nhà cha mẹ mà phải chuyển sang nhà ông bà. Cha mẹ của nghi phạm thì không dám đi đâu xa, công việc mua bán cũng tạm dừng.

Ngay từ giai đoạn điều tra trong vụ án nữ sinh bị giết ở Điện Biên, báo chí đã ác quỷ hoá hình ảnh của nghi phạm như một kẻ tàn ác, không đáng sống cùng với thông tin về nhân thân khá rõ ràng.

Dù bắt đúng hay bắt nhầm thì việc mô tả và đưa tin nghi phạm với hình ảnh của ác quỷ như vậy sẽ ảnh hưởng trước hết đến đến thân nhân của họ, dù những người này có thể chẳng liên quan gì đến vụ án.

Nguyễn Minh Nhựt trong vụ án oan về cướp tài sản ở Cà Mau đã không thể tiếp tục học hết phổ thông vì sự kỳ thị sau gần một năm bị tạm giam, mặc dù gia đình đã chuyển trường cho anh đến một tỉnh khác.

Thứ ba, nó ảnh hưởng đến quá trình điều tra và xét xử. Báo chí đã dẫn dắt công chúng tin rằng nghi phạm là hung thủ thật sự cho nên quá trình điều tra và xét xử sẽ phải chịu một áp lực rất lớn.

Ví dụ như trong vụ án ở Điện Biên, công chúng đã tức giận khi cơ quan điều tra tái khám nghiệm tử thi của cô gái sau khi đã án táng để làm rõ hành vi hiếp dâm trong vụ án.

Vụ án ở Điện Biên có năm bị can. Dù chuyện họ có phạm tội hay không và nếu có thì mức độ phạm tội thế nào vẫn còn chưa rõ ràng thì phần lớn công chúng đều muốn tử hình họ. Điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bản án của toà, và ở nhiều nước nó được coi là hành vi khinh miệt toà án.

Thứ tư, nó tạo thói quen hành xử cảm tính cho công chúng trong các vụ án mạng. Người ta đã quen với việc hung thủ phải nhanh chóng bị bắt giữ và kêu án ngay cho nghi phạm. Chẳng còn ai quan tâm đến bằng chứng, quan tâm đến việc tra tấn, bức cung đối với nghi phạm. Điều này vô tình làm lu mờ các nguyên tắc của ngành tư pháp, quy trình điều tra, quyền của nghi phạm và cuối cùng công lý sẽ đồng nghĩa với ý kiến của đám đông.

***

Trước đến nay chưa có vụ việc nào mà người bị buộc tội kiện ngược lại một tờ báo với cách thức đưa tin bất lợi trong quá trình điều tra và xét xử. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà báo chí vẫn có quyền duy trì cách đưa tin như hiện nay. Báo chí không nên dẫn dắt độc giả trở thành một đám đông đầy cảm tính và không có giới hạn.

Từ khoá:

báo chí: the press (n)
công lý: justice (n)
dư luận: public opinion (n)
điều tra: investigation (n)
áp lực dư luận: public pressure (n)
ác quỷ hoá: to demonize (v), demonization (n)
nghi phạm: suspect, accused (n)
người phạm tội: criminal (n)
khinh miệt toà án: contempt of court (n)
cản trở tư pháp: obstruction of justice (n)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.