Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Những người theo dõi cuộc điều trần của Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, trước Ủy ban Giám sát Hạ viện Hoa Kỳ vào tối qua 27/2/2019 (theo giờ Việt Nam) đều có cảm giác mình đang xem một trận bóng đá, nơi hai đội thi nhau tấn công qua lại suốt hơn bảy tiếng đồng hồ.
Michael Cohen là cựu luật sư của Trump suốt hơn 10 năm, đã nhận tội và bị kết án ba năm tù vào tháng 12/2018 vì các tội danh liên quan đến việc vi phạm các quy định tài chính trong chiến dịch tranh cử của Trump (dùng tiền tranh cử mua chuộc sự im lặng của những cô gái tố cáo có quan hệ tình dục với Trump), và nói dối trước Quốc hội về dự án xây dựng cao ốc của Trump có liên quan đến người Nga.
Cohen thú nhận ông phải trả giá vì đã “trung thành mù quáng” với Donald Trump. Và giờ ông muốn “chuộc tội”, chấp nhận yêu cầu của Hạ viện ra điều trần để “kể sự thật”.
Chủ tịch Uỷ ban Elijah Cummings, người từng kề vai sát cánh với mục sư Martin Luther King trong phong trào Dân quyền Mỹ những năm 1960, tổng kết sau một ngày kịch tính, “tôi không biết liệu người ta có còn tin anh (Cohen) hay không”, nhưng “nếu đất nước này không cho những ai phạm lỗi cơ hội để thay đổi cuộc đời mình, sẽ có rất nhiều người mắc kẹt không tìm được đường ra.”
Những lời của Cohen có thuyết phục được những người vẫn luôn thề sống chết với Tổng thống Trump hay không không phải là vấn đề quan trọng nhất. Bất kể những tiết lộ đó là về chuyện Trump đã chỉ đạo thế nào việc dùng tiền tranh cử bịt miệng những cô người mẫu, cùng với các chi phiếu làm bằng chứng (hành vi vi phạm pháp luật mà trước đó Trump luôn khẳng định “không biết gì cả”), hay chuyện Trump nói “không biết gì” về các cuộc gặp với người Nga trong tòa cao ốc của mình vào năm 2016 trong chiến dịch tranh cử, nhằm tìm cách liên kết hạ bệ ứng viên của đảng Dân chủ (Cohen tiết lộ Trump nhận được báo cáo về nó ít nhất hai lần trước khi cuộc gặp diễn ra), hoặc chuyện Trump chỉ đạo thổi phồng tài sản của mình để nằm trong danh sách các tỉ phú giàu nhất của tạp chí Forbes, và “đại hạ giá” cũng những tài sản đó để tránh nộp thuế, hay chuyện có vẻ vô thưởng vô phạt như Trump cảnh cáo kiện những trường học cũ nếu dám tiết lộ thành tích học tập “siêu hạng” của mình.
Vấn đề quan trọng nhất, đối với những người muốn tìm hiểu chân tướng về tất cả mớ lùng bùng này, đó là sự thật cuối cùng cũng được trao cho cơ hội lên tiếng.
Tất nhiên sẽ là ảo tưởng, và sai lầm, nếu chỉ lấy lời của một người làm bằng chứng chống lại người khác, cho dù có vật chứng đi kèm, đặc biệt là khi người tố cáo đã có thành tích bất hảo trước đó. Nhưng đây là lần đầu tiên một người trong “băng của Trump” được gọi ra điều trần công khai trước Quốc hội để trả lời về những thắc mắc nhức nhối bấy lâu. Và chắc chắn đó không phải người cuối cùng. Những cái tên được Cohen nhắc đến, những cộng sự khác của Trump, và cả người nhà của ông, sẽ được xướng lên trong thời gian tới.
Phiên điều trần căng thẳng của Micheal Cohen trước Uỷ ban Giám sát của Hạ viện, với các đảng viên Dân chủ và Cộng hoà đấu qua đấu lại. Ảnh: Your News Now.
Vì sao phải chờ tới bây giờ mới bắt đầu yêu cầu những nhân vật này ra điều trần? Tại sao không làm sớm hơn?
Là vì chỉ sau khi phe Dân chủ giành được đa số ở Hạ viện (sau bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2018), họ mới có đủ thẩm quyền yêu cầu triệu tập những người có liên quan đến điều trần. Trước đó, trong suốt thời gian đảng Cộng hòa nắm giữ đa số cả lưỡng viện, không có bất kỳ động thái nào từ Quốc hội để làm cho ra lẽ những lùm xùm nghi vấn này.
Đa số những người Cộng hòa vẫn xác quyết với niềm tin: phải bảo vệ người theo phe của mình đến cùng. Đây không phải đặc điểm riêng của Cộng hòa. Nhiều người của đảng Dân chủ cũng thuộc lòng lối tư duy đó.
Tính phe phái (partisanship) là một đặc trưng nổi bật của nền chính trị Mỹ.
Trong phiên điều trần này, mỗi khi dân biểu Dân chủ lên tiếng đều hỏi xoáy vào những thông tin về Trump, thì dân biểu Cộng hòa tới phần của mình lại dành phần lớn thời gian đả kích tư cách cá nhân người làm chứng Cohen.
Điều tương tự cũng diễn ra ở những phiên điều trần trước đó, gần đây nhất là vụ việc ứng viên cho vị trí thẩm phán của Tối cao pháp viện Brett Kavanaugh và người tố cáo ông tấn công tình dục Christine Blasey Ford cùng ra điều trần ở Thượng viện. Các dân biểu thuộc hai đảng lần lượt hoan hô “người phe ta”, xỉa xói “người phe địch”, và không ngần ngại trao cho nhau những lời chỉ trích thẳng thừng nhất. Có những lúc người xem, đặc biệt ở những nước như Việt Nam, cảm giác ngột ngạt khó thở thay cho họ.
Nhưng người Mỹ thì lại quá quen với việc này. Thẳng thừng không giữ kẽ, công khai không che giấu, bảo vệ tới cùng thứ mình tin tưởng, đó là những yêu cầu của cử tri, và các dân biểu chỉ đơn giản đang đại diện cho những người đã bầu mình lên. Họ đòi hỏi quyền lợi cho cử tri của mình, cho dù đòi hỏi đó có thỏa đáng hay không. Họ giận dữ cho những bức xúc của cử tri, cho dù bức xúc đó có hợp lý hay chưa.
Giống như một trận bóng đá, hai đội thi nhau bộc lộ hết tất cả những gì mình có trên sân bóng. Thứ làm người xem chán ghét nhất không phải là một trận đấu dở, mà là một trận đấu giả, nơi các cầu thủ dàn xếp, đóng kịch, bán độ, diễn theo kịch bản.
Cũng giống như trong trận bóng, ngoài mục tiêu chiến thắng cho phe mình, mọi người đều ý thức đề cao tinh thần chơi đẹp (fair-play). Chiến thắng sẽ bị la ó nếu giành được bằng những thủ đoạn xấu xa. Ở chính trường Mỹ, nếu chọn phe (partisanship) là để chiến thắng, thì hợp tác (bipartisanship) là một kiểu chơi đẹp giống vậy.
Họ biết rằng đến cuối ngày, nếu không hợp tác thì sẽ không có kết quả gì tốt đẹp.
Sự hợp tác này thể hiện ngay từ cách các dân biểu tôn trọng tuyệt đối quyền được lên tiếng của người khác, dù rằng họ chống đối gay gắt từng câu từng chữ từng ngụ ý trong những lời đó.
“Tôi phản đối những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh”, đây là lời của Evelyn Beatrice Hall, một nhà văn người Anh (chứ không phải của Voltaire như nhiều người nhầm lẫn). Nó được xem là một trong những kim chỉ nam hành xử cho tất cả những con người tự do, văn minh. Nguyên tắc này không phải chỉ trao cơ hội cho người khác, mà đó là nguyên tắc bảo vệ cơ hội lên tiếng của chính mình.
Khi đóng lại phiên điều trần của Cohen, Chủ tịch Elijah Cummings đã hi vọng đây là bước đầu tiên để có “một Michael Cohen tốt hơn, một Donald Trump tốt hơn, một nước Mỹ tốt hơn, và một thế giới tốt hơn”, đơn giản vì “chúng ta tốt hơn thế này nhiều!”.
Một khi vẫn còn bảo vệ đến cùng quyền được lên tiếng, bất kể tiếng nói đó đối nghịch hoàn toàn với mình, và quyền được biết sự thật, bất kể sự thật đó chói tai gai mắt đến mức nào, người Mỹ, hay người dân ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, sẽ luôn có cơ hội đó: trở thành những người “tốt hơn thế này nhiều”.
—
Từ khoá:
điều trần: hearing (n)
Hạ viện: House of Representatives (n)
tính phe phái: partisan (adj)
lưỡng đảng: bipartisan (adj)
quyền được nói: right to speech (n)
tự do ngôn luận: freedom of speech (n)
ý kiến bất đồng: dissent (n)
người bất đồng chính kiến: dissident (n)