Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Những ngày này, ba tuần sau vụ trọng án nữ sinh bị hãm hại ở Điện Biên, dư luận vẫn chưa hết phẫn nộ. Những ức chế và giận dữ đều dồn nén vào một tâm điểm: phải xử tử những kẻ phạm tội ác man rợ càng nhanh càng tốt.
Đối với dư luận, dường như đó là luồng sáng duy nhất cho công lý. Thậm chí với họ, những kẻ này có chết cả trăm lần cũng không đền hết tội.
Nhưng liệu bắt những kẻ đó chết trăm lần có thực sự đem lại thứ công lý chúng ta mong muốn?
Ở một chiều hướng khác, dư luận ở Anh và Mỹ những ngày qua sôi lục bục với việc tranh cãi về số phận những cô gái trẻ, những người vài năm trước đã bỏ trốn theo tiếng gọi của tổ chức IS (Islamic State – Nhà nước Hồi giáo tự xưng).
Các cô gái này muốn được về nhà, cùng với những đứa trẻ mới sinh ra của họ. Nhưng những người ở “nhà” thì không nghĩ vậy. Khi các video phỏng vấn Shamina Begum, người Anh, và Hoda Muthana, người Mỹ, được đưa lên Facebook, đa số các bình luận đều thể hiện một thái độ rõ ràng: không chấp nhận những người này quay về nước.
Chính quyền cũng ngả theo hướng đó, khi đưa ra quyết định thu hồi quốc tịch và cấm cửa những cô gái này. Loại bỏ ngay lập tức những “người xấu” có vẻ luôn là giải pháp vừa an toàn vừa nhanh gọn, lại hợp ý đám đông nhất.
Ở một phương diện nào đó, nó cũng hợp tâm trạng của dư luận đối với trọng án ở Điện Biên.
Chưa cần đến việc báo chí khắc họa hình ảnh những nghi phạm như ác quỷ, chỉ cần một phút đặt mình trong vị trí của người nhà nạn nhân, hay can đảm hơn, đặt mình trong chính vị trí của người bị hại, tưởng tượng ra những chi tiết kinh khủng nhất, cũng quá đủ để người ta có cảm giác những kẻ thủ ác này không xứng đáng được hưởng bất kỳ thứ công lý nào trên đời.
Từ khi chưa bắt được nghi phạm, đến khi bắt được và chưa khởi tố, gần như tất cả các phương tiện truyền thông đều đồng loạt xác quyết những kẻ này “khó thoát khỏi án tử hình”. Giống như việc cắt đứt vĩnh viễn đường quay về của những cô gái IS, loại bỏ cách ly những kẻ tàn ác này khỏi cuộc sống là một quyết định được đa số đồng tình.
Nhưng liệu nó có đem lại công lý, và công bằng thật sự?
Đó là một câu hỏi ngớ ngẩn ngu đần. Giết người đền mạng là đạo lý từ xưa. Huống hồ với loại tội ác còn ghê tởm hèn hạ hơn cả giết người như vậy, còn gì hiển nhiên hơn. Phải lấy mạng kẻ ác để trả lại công lý.
Vấn đề là, công lý cho ai?
H. Auden từng nói, “giết người là loại tội ác duy nhất mà ở đó bên bị hại bị tước bỏ sự tồn tại, và xã hội phải nhập vai của nạn nhân để yêu cầu hoặc sự đền tội, hoặc tha thứ.”
Tưởng tượng nếu ta có thể nói chuyện được với người chết, và chính họ sẽ quyết định việc những kẻ hại mình có đáng bị trừng phạt hay không. Trong cái thế giới vừa lý tưởng và ảo tưởng đó, sẽ rất khó cho những ai luôn bám lấy nguyên tắc “không ai có quyền tước lấy mạng sống của người khác” một khi chính nạn nhân (đã chết) lên tiếng “tôi muốn công lý!”.
Tất nhiên, thế giới chúng ta đang sống không lý tưởng như vậy (ảo tưởng thì vẫn dư). Chúng ta không thể nói chuyện với người chết (dù là vài chục ngàn năm qua có vô số người nhận mình có “siêu năng lực” đó). Người chết không thể lên tiếng đòi quyền lợi cho mình.
Nhưng giả sử họ đòi quyền lợi đó trước khi bị dập tắt tiếng nói? Nếu trước khi chết họ để lại di nguyện, rằng nếu họ bị giết hại tùy tiện (arbitrarily; phân biệt với những hành động “không tùy tiện”), kẻ thủ ác phải đền mạng tương ứng? Chúng ta sẽ phải ứng xử thế nào? Tôn trọng quyền được sống của một người được chứng minh xác thực là đã tùy tiện tước đi mạng sống của kẻ khác, hay tôn trọng yêu cầu đòi công lý của một người đã bị kẻ đó tước đi quyền sống?
Câu trả lời là… không ai biết.
Luật pháp chưa có quy định nào về việc thi hành án tử theo di nguyện nạn nhân đã chết, và có thể sẽ không bao giờ có quy định đó. Ngay cả khi có luật về điều trên, ngoài những tranh cãi không dứt về bản án, sẽ lại phát sinh vô số tranh luận về tính xác thực của di nguyện, ý nghĩa câu từ trong đó, thời điểm lập ra, hay cả độ minh mẫn sáng suốt của người lập ra nó, v.v.
Rồi cả trường hợp di nguyện chấp nhận tha thứ nhưng người nhà của nạn nhân không đồng ý? Hoặc ngược lại, người nhà nạn nhân muốn tha thứ nhưng di nguyện đã lỡ ghi là phải đòi công lý?
Bất kể có thêm quy định gì trong luật, những tranh luận, hay tranh cãi, sẽ không bao giờ chấm dứt. Không chỉ vì nó liên quan đến sinh mạng của con người.
Vì chính tranh luận là nền tảng của công lý.
Có một suy nghĩ phổ biến rằng công lý, hay công bằng, là một món ăn được nấu sẵn, dọn sẵn trên bàn, chỉ việc tới gắp bỏ vào miệng. Không có bao nhiêu thứ ảo tưởng nào trên đời nguy hại hơn thế.
Công lý là nguyên liệu, nấu nó ra sao, thành món gì, ngon hay dở tệ, ăn được hay ói ra, hoàn toàn do những người nấu.
Những người chống lại việc thi hành án tử mỗi khi lập luận rất hay nhập nhằng hai thứ: bảo vệ quyền sống của con người và bảo vệ những người bị tử hình oan uổng. Có thể đối với họ hai thứ đó là một, rằng cho dù có hay không có án oan, nguyên tắc vẫn là không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác (thông qua án tử hình). Nhưng đối với những người khác, việc nhập hai điều này trong một khiến cho suy nghĩ ủng hộ án tử lung lay đáng kể. Làm sao có thể ủng hộ nếu như cứ chín người bị kết án tử hình thì lại có một người bị oan (số liệu ở Mỹ)?
Sẽ như thế nào nếu hệ thống tư pháp tiến bộ đến mức không còn án oan? Liệu có còn bao nhiêu lý do nghe lọt lỗ tai để chống lại việc loại bỏ khỏi xã hội những con người tệ hơn cả cầm thú đó?
Sự nhập nhằng này một phần đến từ sự nhập nhằng của những người ủng hộ án tử, hoặc bất kỳ hình phạt nhanh-gọn-lẹ nào, xem đó là liều thuốc vạn năng của công lý.
Chính những người luôn muốn công lý phải được thực thi nhanh nhất có thể (bằng án tử) lại là những người vô trách nhiệm nhất với công lý.
Cách đây 24 thế kỷ, khi bị đưa ra tòa để kết tội truyền bá những tư tưởng đạo đức “sai trái”, đến phần biện luận dành cho mình, triết gia Socrates đã trả lời “Tôi không thể biện hộ … Các anh sẽ tự thuyết phục chính mình rằng tôi có tội”. Hai mươi tư thế kỷ sau, điều tương tự vẫn diễn ra mỗi ngày.
Chúng ta luôn muốn thứ hình phạt nghiêm khắc và nhanh nhất để “giành lại công lý” cho nạn nhân. Thứ công lý “giành được” này, bất kể theo cách gì, hoàn toàn là quan hệ riêng giữa kẻ phạm tội và nạn nhân (cùng người thân của nạn nhân). Sự thật là, nó không liên quan tới chúng ta.
Thứ liên quan tới chúng ta là trách nhiệm, làm sao để những cái xấu cái ác này không còn lặp lại.
Bằng cách ủng hộ những hình phạt hà khắc, ta tự huyễn hoặc mình đã làm đủ trách nhiệm. Ta xem nó là cây đũa thần, quét qua một phát mọi thứ xấu xa sẽ bị loại bỏ.
Có hình phạt nào sẽ ngăn chặn được một người đi ăn cướp, hay thậm chí giết người khác để giành miếng ăn, nếu anh ta bị bỏ đói ba ngày không có gì cho vào mồm? Có hình phạt nào sẽ ngăn được một người châm lửa đốt cả nhà hàng xóm, nếu chính quyền địa phương dung túng cho những người đó cướp đất cướp nhà cướp toàn bộ sản nghiệp của anh ta?
Các hình phạt chỉ là những chiếc bình chữa cháy. Tác dụng của chúng là dập tắt lửa sau khi lửa đã xuất hiện. Không ai dùng bình chữa cháy để thay cho những viên gạch xây nhà.
Đảm bảo cho lửa không bao giờ xuất hiện chỉ có những con người, hay nói chính xác hơn, là những con người có trách nhiệm.
Trách nhiệm sẽ không bao giờ xuất hiện khi người ta chỉ muốn có những giải pháp đơn giản, gọn lẹ.
Việc chính quyền Anh và Mỹ cấm cửa các công dân IS của mình trở về là một giải pháp rất đơn giản, gọn lẹ. Nó giúp họ phủi tay toàn bộ trách nhiệm. Họ không cần lo về vấn đề an ninh khi những người này trở về. Họ nghĩ là mình sẽ an toàn hơn nhiều với giải pháp này.
Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về các công dân bị bỏ rơi đó? Khi người Anh bảo sẽ thu hồi quốc tịch của Begum, lấy lý do cha mẹ của cô là người Bangladesh nên cứ qua đó, lập tức chính quyền Bangladesh lên tiếng “chúng tôi cũng sẽ không nhận”. Rất có thể những cô gái này sẽ lại được một tổ chức cực đoan khác “tuyển dụng”, và trở thành kẻ tử vì đạo nổi tiếng của chúng.
Thay vì đưa về điều tra, xét xử, kết án, bỏ tù theo luật, việc hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm cũng không giúp gì được người Anh và Mỹ hiểu thêm lý do vì sao những cô gái trẻ này lại hành động như vậy, từ đó biết cách đề phòng ngăn ngừa với vô số những trường hợp “tiềm năng” khác.
Và như một tiền lệ tốt đẹp, những công dân của các nước khác sau này qua Anh, Mỹ phạm tội bị trục xuất, các quốc gia đó liệu có thể hủy quốc tịch của những kẻ tội phạm, khỏi phải nhận về để đỡ rách việc?
Tương tự, việc chỉ chăm chăm tập trung vào yêu cầu phải có án tử hình dành cho những nghi phạm/ tội phạm vô nhân tính lại khiến chúng ta quên đi trách nhiệm của chính mình.
Từ dấu hỏi đặt ra cho cơ quan điều tra, liệu họ có làm đủ trách nhiệm hay vô tâm để xảy ra thảm án mới chịu huy động lực lượng? Đến trách nhiệm của công dân, liệu chúng ta đã giám sát tốt chính quyền, buộc họ phải hành động khẩn cấp trước an nguy của người dân?
Và nếu quy định luật pháp hiện tại không đủ để ngăn ngừa các trường hợp tương tự, chúng ta phải làm gì? Đưa ra những yêu cầu nào để sửa luật? Hay lập những đội tình nguyện tìm kiếm và giải cứu (search & rescue) tại địa phương để khi cần có thể huy động nhân lực ngay lập tức?
Rồi trách nhiệm của chúng ta đối với tình trạng nghiện ma túy? Làm cách nào để giảm bớt số người nghiện? Làm sao để họ không tái nghiện? Làm thế nào để tạo công ăn việc làm cho họ?
Và những việc nhỏ nhặt khác như làm gì để đảm bảo an toàn cho mọi người khi đi lại ban đêm? Có cần phải thêm đèn đường ở những nơi trời tối? Có cần tăng thêm trạm gác?
Có vô số thứ cần mổ xẻ để đảm bảo không còn những nạn nhân tiếp theo.
Liệu việc hăm hở đòi trừng phạt những nghi phạm kia có đảm bảo được điều đó, hay nó chỉ đóng lại một chương thảm kịch, mở ra một chương mới-như-cũ, để rồi tất cả lại lặp lại, chỉ chờ một thảm kịch khác?
Nếu bạn cho những yêu cầu trên là quá nhiều, và chỉ là việc của những kẻ bao đồng, thì bạn không sai chút nào. Chỉ có điều, thế giới này thay đổi, tốt đẹp hơn, là nhờ vào những người bao đồng như vậy.
Bạn có thể kết nối với bất kỳ ai ở phía bên kia của địa cầu, tiếp cận với kho tàng tri thức vô tận của nhân loại là nhờ vào mạng internet mà những kẻ bao đồng đã nghĩ ra để liên kết cả thế giới với nhau.
Bạn có thể yên tâm ngồi trong nhà không sợ cứ năm phút lại có nhóm người nào đó tới đạp cửa đòi “mượn đồ” là vì đã có luật quy định bảo vệ tài sản riêng cũng như tính mạng của bạn; những thứ luật mà những kẻ bao đồng đã đấu tranh, dùng máu và tính mạng của mình để lập thành.
Nếu chọn lựa không muốn làm kẻ bao đồng, thì điều ít nhất bạn có thể làm cho thế giới này, hay cho công lý, là đừng cản trở những người bao đồng. Đừng chụp mũ họ, đừng tước đi quyền được tranh luận của họ.
Lev Tolstoy từng nói “mọi chân lý đều giản dị”. Sự “giản dị”, hay đơn giản, rất thường bị hiểu lầm thành “dễ dàng”. Giản dị và dễ dàng là hai khái niệm hoàn toàn khác xa nhau.
Những ai bỏ công sức trách nhiệm ra để đấu tranh cho điều gì có thể nhìn thấy sự giản dị trong chân lý của họ. Những người lười biếng không muốn có trách nhiệm, đặc biệt với những việc không phải của mình, lại luôn tìm kiếm sự dễ dàng.
Công lý, cũng như chân lý, đều không phải là đồ ăn sẵn.
Nó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là thứ dễ dàng.
—
Từ khoá:
công lý: justice (n)
dư luận: public opinion (n)
áp lực dư luận: public pressure (n)
ác quỷ hoá: to demonize (v), demonization (n)
nghi phạm: suspect, accused (n)
báo chí: the press (n)
án tử hình: death penalty, capital punishment (n)
giết người: to murder (v)
nạn nhân: victim (n)
hình phạt: punishment, penalty (n)
tội phạm: offence (n)
người phạm tội: criminal (n)
tranh luận: to debate (v), debate (n)
trách nhiệm: responsible (adj), responsibility (n)