Hoa Kỳ và lịch sử đảo chính ở Nam Mỹ

Hoa Kỳ và lịch sử đảo chính ở Nam Mỹ
Nhà độc tài quân sự Augusto Pinochet lên nắm quyền ở Chile năm 1973 sau một cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn. Ảnh: Ozy.com.

Lược dịch từ bài Why the Threat of U.S. Intervention in Venezuela Revives Historical Tensions in the Region của tạp chí Time, ngày 25/01/2019.


Đứng trên ban công Dinh Tổng thống hôm thứ Tư, 23/01, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cảnh báo về phản ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

“Chúng tôi không muốn quay trở lại thế kỷ 20, thời kỳ gắn với sự can thiệp của các thế lực nước ngoài. Hoa Kỳ đang âm mưu tạo ra một cuộc đảo chính và sau đó dựng lên chính phủ bù nhìn để bảo vệ lợi ích của họ ở Venezuela”.

Dưới chế độ Maduro, Venezuela bị cho là đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nhà lãnh đạo theo đường lối xã hội chủ nghĩa này cáo buộc những rắc rối của đất nước là do sự phá hoại kinh tế ngầm từ phía Hoa Kỳ. Cáo buộc này khơi gợi lại nỗi đau về một thời kỳ lịch sử đẫm máu ở châu Mỹ Latin. Khi Washington đã công khai công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaidó là tổng thống lâm thời của Venezuela, mặt khác không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào nước này, tất nhiên Maduro chẳng thể bỏ lỡ cơ hội lặp lại đoạn “điệp khúc” quen thuộc của mình.

Mỹ đang có thái độ rất cứng rắn trong vấn đề Venezuela. Ảnh: NBC News.

Đạo diễn chính trị

Maduro nói rằng bằng cách thúc đẩy Guaidó lên nắm quyền, “Hoa Kỳ dự tính sẽ cai trị Venezuela từ Washington”. Trên thực tế, Washington đã có lịch sử can thiệp chính trị vào các nước châu Mỹ Latin từ giữa thế kỷ 20.

Trong những thập kỷ 1950, 1960 và 1970, các phong trào xã hội ở châu Mỹ Latin bắt đầu thách thức sự phân chia giai cấp vốn tồn tại dưới chế độ thực dân. Các phong trào cánh tả và đảng dân túy giành được sự ủng hộ, đôi khi thậm chí là quyền lực, ở một số quốc gia gồm Brazil, Argentina, Nicaragua và Bolivia. Năm 1970, tại Chile, Salvador Allende đã trở thành tổng thống theo chủ nghĩa Marxist đầu tiên được bầu cử dân chủ trên thế giới.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ cho rằng sự phát triển như vậy ở phía Nam là mối đe dọa đối với cán cân quyền lực toàn cầu. Các lực lượng vũ trang Mỹ muốn bảo vệ các doanh nghiệp và tài sản của họ trong khu vực Mỹ Latin. Họ cũng lo sợ các nước láng giềng ngả về phía Liên bang Xô Viết hoặc noi gương Cuba sau khi quốc gia này thực hiện cuộc cách mạng nhằm loại bỏ quyền lực nước ngoài.

Để ngăn chặn điều đó xảy ra, Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng một loạt biện pháp can thiệp. Trong những năm 1960, các quan chức Bộ Ngoại giao và đặc vụ Cục Tình báo Trung ương (CIA) liên tục tham gia mật thiết vào quá trình đào tạo và hỗ trợ lực lượng an ninh Guatemala, những người đã giết hại hàng ngàn thường dân trong cuộc nội chiến giữa phiến quân cánh tả chống lại chính phủ cánh hữu.

Vào những năm 1970, tại Chile, CIA cố gắng ngăn chặn bước tiến của Allende, đồng thời hỗ trợ cho một nhà độc tài quân sự cánh hữu là Augusto Pinochet nhằm lật đổ Allende. Chế độ Pinochet sau này đã sát hại 3.065 dân thường và truy bức gần 40.000 người khác.

Những năm 1980 tại Nicaragua, Hoa Kỳ hậu thuẫn phiến quân Contra cánh hữu lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa Sandinista, dẫn đến một thập kỷ xung đột bạo lực.

Tại Venezuela, vào năm 2002, Hoa Kỳ cũng từng ngầm chấp thuận một nỗ lực đảo chính chống lại người tiền nhiệm của Maduro là Hugo Chavez. CIA đã tiết lộ rằng chính quyền George W. Bush biết trước kế hoạch của phe đối lập nhưng không chia sẻ thông tin với Chavez. Chavez đã bị phế truất trong vòng chưa đầy 48 giờ và chỉ có thể giành lại quyền lực khi nhận được sự ủng hộ áp đảo từ quần chúng cũng như những người trung thành trong quân đội.

Eugene Hasenfus, một lính thuỷ Mỹ phụ trách vận chuyển vũ khí của chính phủ Mỹ cho lực lượng đối lập Nicaragua bị quân đội nước này bắt vào năm 1986. Ảnh: Tico Times.

Guaidó khác gì với các lãnh đạo đối lập mà Hoa Kỳ hậu thuẫn trong thế kỷ 20?

Có những khác biệt cơ bản giữa những gì đã xảy ra trong thập niên 60, 70, 80 và tình hình thực tế hiện nay.

Đầu tiên là tình hình nhân đạo ở Venezuela. Ngay sau khi Maduro lên nắm quyền vào năm 2013, giá nhiên liệu toàn cầu giảm cùng với sự quản lý kinh tế có nhiều sai phạm nghiêm trọng đã khiến đất nước xã hội chủ nghĩa giàu dầu mỏ này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhiều người không thể mua được thực phẩm cũng như dịch vụ y tế cơ bản. Hơn ba triệu người, 1/10 dân số Venezuela, quyết định rời bỏ đất nước. Tình trạng giam cầm tùy tiện và đàn áp bạo lực trở thành chuyện thường ngày khi chế độ Maduro nhận được hỗ trợ của quân đội.

Một điểm khác biệt quan trọng thứ hai là nhà lãnh đạo đối lập Guaidó, người thuộc đảng Dân Ý, không có kế hoạch trở thành tổng thống lâu dài của Venezuela. Theo hiến pháp Venezuela, khi nhà lãnh đạo Quốc hội nắm quyền lực trong tình huống như thế này, ông phải kêu gọi bầu cử trong vòng 30 ngày.

Thứ ba, Guaidó dường như có sự ủng hộ của phần đông các tầng lớp nhân dân Venezuela. Hàng chục ngàn người đã hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình của Guaidó hôm 23/01 và ủng hộ ông lên làm tổng thống. Những người lưu vong Venezuela ở các quốc gia khác cũng tổ chức các cuộc tuần hành đứng về phía Guaidó.

Ông Juan Guaidó, lãnh đạo đảng Dân Ý, phát biểu trước những người ủng hộ ở Venezuela, ngày 13/1/2019. Ảnh: Reuters.

Hoa Kỳ có can thiệp quân sự để giúp Guaidó nắm quyền?

Hôm 30/01, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Donald Trump khẳng định tất cả các quan điểm của Mỹ đối với cuộc khủng Venezuela đã rõ ràng. Vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, các quan chức chính quyền của Trump đã gặp gỡ những người đấu tranh ở Venezuela để thảo luận về kế hoạch đảo chính, nhưng Mỹ quyết định không hỗ trợ vật chất cho họ, theo The New York Times. Nhiều người, bao gồm Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, ủng hộ can thiệp quân sự vào Venezuela.

Mặt khác, cũng tồn tại những khuyến cáo mạnh mẽ chống lại một động thái như vậy. Quân đội Venezuela đã cam kết hỗ trợ Maduro và các chiến lược gia nói rằng đối đầu với họ có thể sẽ rất tốn kém, dài hơi và vô ích, hoặc có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiếm đóng quân sự.

Một cựu quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc phụ trách giám sát các hoạt động tại Nam Mỹ nói với Vox rằng “chẳng có lí do chính đáng nào” để Hoa Kỳ cố gắng hất cẳng Maduro.

Trên Twitter, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders nhắc nhở bài học lịch sử về sự can thiệp của Hoa Kỳ trong khu vực Mỹ Latin. Ông lên tiếng chống lại chế độ độc tài của Maduro, nhưng mặt khác không ủng hộ việc Washington tích cực hỗ trợ để thay đổi chế độ đó. “Chúng ta không được đi vào con đường đó một lần nữa”, Sanders nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia dự đoán rằng thái độ căng thẳng mà Venezuela dành cho các nhân viên ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ khiến Nhà Trắng phải thực hiện một số hành động nhất định. Với việc Maduro ra lệnh cho họ rời khỏi Venezuela và Hoa Kỳ không công nhận chính quyền của Maduro, một số nhân viên đại sứ quán đang chờ đợi cảnh báo an ninh ở Caracas. Bộ trưởng Pompeo cho biết: “Hoa Kỳ sẽ có những hành động thích đáng cho những ai đe doạ đến sự an toàn và an ninh của toà đại sứ Mỹ cũng như toàn thể nhân viên của chúng tôi”.

Nội bộ Venezuela cũng có nhiều ý kiến xoay quanh phong trào phản kháng công khai. Các cuộc biểu tình có thể nhanh chóng bị lực lượng an ninh dập tắt, ít nhất 14 người đã chết trong các cuộc tuần hành vào ngày 30/01. Guaidó có thể bị bắt giữ như hàng trăm nhà hoạt động chính trị khác kể từ khi Maduro bắt đầu nắm quyền. Nhưng, nếu phong trào biểu tình phát triển đủ lớn, đến mức quân đội không thể kìm hãm thì các nhà phân tích cho rằng khi đó, binh lính thuộc lực lượng vũ trang có thể sẽ từ chối nhận mệnh lệnh từ các sỹ quan cao cấp trung thành với Maduro, và cuối cùng buộc quân đội phải ngưng hỗ trợ Maduro.

Có hay không sự tham gia của Hoa Kỳ, tương lai của Venezuela sẽ được quyết định trong vài tuần tới.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.