Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngoài Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Việt Nam Cộng hoà (VNCH), còn một đối tượng nữa cần phải nghiên cứu trong sự kiện Tết Mậu thân năm 1968: “Việt Cộng”.
Với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người miền Bắc, điều này nghe có thể hơi lạ. Chẳng phải “Việt Cộng” chính là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay sao? Trên thực tế, thuật ngữ này được người miền Nam và người nước ngoài trong cũng như sau cuộc chiến dùng để chỉ một đối tượng khác: Mặt trân Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (hay còn được gọi tắt là Mặt trận Giải phóng, Mặt trận).
Đây là một tổ chức chính trị được VNDCCH lập ra ở miền Nam ngày 20/12/1960, mà theo báo Nhân Dân, là để “nhận lĩnh sứ mệnh đoàn kết và tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân miền nam, các lực lượng yêu nước và kháng chiến trong sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Mặt trận gắn liền với những cái tên nổi tiếng như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát, v.v. Trong Hội nghị Paris năm 1973, Mặt trận là nòng cốt của một bên đàm phán là Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Hầu hết lãnh đạo của Mặt trận, sau ngày 30/4/1975, đều nắm giữ các vị trí cao cấp trong chính quyền Việt Nam, trong đó Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Thị Bình làm tới chức Phó Chủ tịch nước. Bản thân Mặt trận sau đó cũng sáp nhập vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nguyễn Thị Bình, một lãnh đạo cấp cao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, gương mặt đại diện của tổ chức này trên thế giới. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Tính chính danh của Mặt trận phụ thuộc vào cách chúng ta xác định tính chính danh của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Quốc gia Việt Nam (mà sau đó là Việt Nam Cộng hoà).
Với những phân tích ở hai kỳ trước, cả VNDCCH và QGVN-VNCH đều có những lợi thế riêng để bảo vệ tính chính danh hợp pháp của mình. Một cách khách quan, điều này không phải là khó.