Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đôi khi, cái giá phải trả cho nền dân chủ rất đắt. Lịch sử đã chứng minh rằng tại một số quốc gia, quân đội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thiết lập chế độ dân chủ, và tình thế chính trị của Venezuela chính là minh chứng cho điều đó.
Tác giả Michael Albertus của tờ New York Times nhận định, nếu phe đối lập Venezuela muốn vừa “dân chủ hóa” đất nước Mỹ Latin, vừa tránh được sự can thiệp trực tiếp từ các thế lực bên ngoài, con đường tốt nhất có lẽ là cam kết dành cho quân đội những ưu đãi hấp dẫn nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ.
Trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, Venezuela đóng vai một đồng minh thân thiết , đồng thời đặt mua số lượng lớn vũ khí từ Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, cố Tổng thống Hugo Chávez đã phá vỡ mối quan hệ giữa Caracas và Lầu Năm Góc để xích lại gần hơn với Cuba. Ông cũng bắt đầu trao quyền lực cho giới sĩ quan – chính sách tiếp tục được thực hiện dưới thời Tổng thống Maduro. Đến lượt Juan Guaidó, bước đầu tiên mà chính phủ do ông đứng đầu thực hiện là thông qua Luật Ân xá cho phép miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những quân nhân ủng hộ chế độ dân chủ, nhưng như thế dường như vẫn chưa đủ. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino López cùng giới lãnh đạo quân sự cấp cao của Venezuela công khai tuyên bố ủng hộ ông Maduro. López tuyên bố ông Guaidó là “đại diện cho mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia và trật tự công cộng”, mặt khác khẳng định quân đội sẽ trung thành với Hiến pháp.
Khi nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong chế độ, quân đội thường sẽ đưa ra những đòi hỏi rất cao đối với các phe phái chính trị, ví dụ như yêu cầu chính quyền mới đảm bảo ân xá, kiểm soát kinh tế theo hướng có lợi cho họ. Thông thường, các đặc quyền này được thỏa thuận bảo vệ về mặt chính trị thông qua điều khoản hiến pháp để cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra một cách êm đẹp, đồng thời khiến thỏa thuận rất khó bị đảo ngược. Trường hợp của Chile, Indonesia, Myanmar và Pakistan là những ví dụ điển hình.
Đằng sau tuyên bố của mình, quân đội Venezuela có thể đang chờ đợi một lời đề nghị béo bở hơn. Dưới thời Hugo Chávez – và sau đó là Maduro, họ đã nhận được quá nhiều lợi ích về kinh tế, một trong số đó là quyền kiểm soát “viên ngọc quý” của Venezuela – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PDVSA).
Tổng thống Venezuela tự phong, Juan Guaido kêu gọi quân đội “đứng về phía nhân dân” cuộc họp báo tại thủ đô Caracas, ngày 25/01/2019. REUTERS/Carlos Garcia Rawlins
Quân đội Venezuela cũng kiểm soát hệ thống cảng, chỉ huy hoạt động xuất nhập khẩu, các dự án nhà ở công cộng, đồng thời điều hành dịch vụ khai thác và dầu mỏ. Họ thậm chí nhúng tay vào hoạt động buôn lậu ma túy, rửa tiền và kinh doanh bất hợp pháp. Chúng tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho tầng lớp chóp bu trong quân đội Venezuela giữa lúc “lính quèn” vẫn đang phải chiến đấu với nạn đói.
Nếu Maduro ra đi, lợi ích kinh tế của quân đội Venezuela sẽ bị đe dọa. Một cuộc tổng tuyển cử mới có thể mang lại cho phe đối lập cơ hội kiềm chế sức mạnh quân đội. Trước viễn cảnh chẳng mấy sáng sủa đó, lời hứa ân xá của ông Guaidó là chưa đủ.
Chile, năm 1970. Nghị sĩ theo đường lối Marxist Salvador Allende Gossens của Đảng Xã hội dẫn đầu liên minh Đoàn kết Bình dân (Unidad Popular, UP) đắc cử. Allende chủ trương “đoàn kết quốc tế” về mặt ngoại giao, quốc hữu hóa nhiều doanh nghiệp – nhất là các mỏ đồng đỏ, cải tổ kinh tế, hạn chế thành phần tư hữu cùng nhiều cải cách thiên tả khiến Chile lâm vào tình trạng khủng hoảng. Lạm phát phi mã khiến nhiều cuộc đình công của công nhân, giáo chức, sinh viên và thương gia nổ ra. Ngày 11/09/1973, phe quân đội đảo chính, nã pháo vào dinh tổng thống. Allende phải tự tử.
Năm 1980, Pinochet được bầu làm tổng thống với nhiệm kỳ tám năm theo Hiến pháp mới. Kiểm soát chính trị được nới lỏng dần vào cuối thập niên 1980 cùng lúc chính phủ chủ trương thực hiện mô hình kinh tế thị trường. Đầu tư quốc ngoại và quốc nội tăng trưởng giúp nền kinh tế Chile hồi phục dần. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1988, nhân dân Chile phản đối Pinochet khi ông dự định đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ thổng thống nữa. Tháng 12/1989 ứng cử viên Patricio Aylwin của liên danh Đảng Dân chủ Thiên Chúa cùng 17 đảng phái khác được bầu làm tổng thống, mở đầu thời kỳ chuyển tiếp của Chile về nền chính trị dân chủ.
Tại Myanmar, quân đội nước này đã “thiết kế” một Hiến pháp có lợi cho họ, và sau đó thông qua hàng loạt đạo luật để bảo vệ lợi ích riêng ngay trước quá trình dân chủ hóa, bao gồm việc cho phép Bộ Quốc phòng nắm giữ các nhà máy sản xuất vốn trước đó thuộc Bộ Công nghiệp. Các tập đoàn quân sự, tiêu biểu là Tập đoàn Kinh tế Myanmar, điều hành một phần lớn các hoạt động kinh doanh như nhập khẩu viễn thông và xăng dầu.
Đòi hỏi tương tự cũng xảy ra ở Pakistan khi các tướng lĩnh cầm quyền đã giành lấy đất đai, trang trại, kiểm soát hoạt động nhà ở và hoạt động công nghiệp, chuyển quyền sở hữu sang Bộ Quốc phòng. Quân đội Pakistan hiện là tập đoàn kinh doanh lớn nhất đất nước.
Nhìn từ quá khứ, có thể thấy mô hình chuyển đổi dân chủ thông qua thuyết phục, dành ưu đãi cho quân đội không phải là không có vấn đề. Myanmar và Pakistan là những minh chứng rõ ràng. Lực lượng quân đội quá tự do và hùng mạnh đứng bên cạnh chế độ dân chủ có thể sẽ khiến tình trạng độc tài tái diễn.
Mặc dù mô hình này chưa “quyến rũ” được quân đội Venezuela, sự thỏa hiệp có lẽ là cách hợp lý nhất để phe đối lập tiến tới dân chủ mà không bị nước ngoài can thiệp. Hơn nữa, nhiều quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Đài Loan đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang thể chế dân chủ thông qua con đường này.
Hiện tại, quân đội Venezuela chưa bắt giữ Guaidó. Điều đó khiến chúng ta có thể nghĩ đến việc họ vẫn đang chờ đợi những tín hiệu mới, ưu đãi và hấp dẫn từ vị tổng thống lâm thời tự xưng được nhiều quốc gia công nhận này.
—
Từ khoá:
nền dân chủ: democracy (n)
phe đối lập: the opposition (n)
cuộc đảo chính quân sự: military coup
luật ân xá: amnesty law
thỏa thuận chuyển giao: transition deal