‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Xin được bắt đầu bằng việc kể lại những câu chuyện cũ.
Năm 2016, sau hai năm ròng rã hòa giải, Tòa án Nhân dân TP. Thái Bình đưa ra phán quyết cuối cùng về việc một cụ bà nộp đơn ly hôn chồng với lý do: cả đời người chồng chưa hề một lần rửa bát.
Ở tuổi 86, bà cụ được sống lại cuộc đời độc thân tại một viện dưỡng lão hiện đại ở Hà Nội, nơi bà trả tiền dịch vụ cho những nhu cầu cuộc sống của mình và không phải rửa bát cho ai thêm một lần nào nữa, nếu bà không muốn.
Ở hồ sơ một phiên tòa ly hôn khác, có người vợ ngoài 70 tuổi nói: “Tòa không cho tôi ly hôn thì tôi xin được từ chối quyền làm vợ ông ấy. Vì tôi không còn tôn trọng ông ấy nữa”.
Làm vợ, làm chồngCó lẽ tỷ suất người đọc của làng báo Việt Nam, trong một tuần vừa qua, đã đạt đủ chỉ tiêu cho cả năm 2019. Vụ ly hôn tốn nhiều giấy mực và dung lượng 4G của vợ chồng chủ sở hữu tập đoàn café Trung Nguyên đã phủ sóng hết mọi ngóc ngách của đời sống báo chí và không gian mạng, làm bật tung những tranh cãi và tạo ra hàng trăm câu trích dẫn mang phong cách “đắc nhân tâm”.
Người ta vốn chỉ quen nghe tới con số ngàn tỷ gắn với nợ công và ngân sách bị thất thoát. Tuy nhiên giờ đây, công chúng đã thấy dãy số ấy… gần với mình hơn, vì nó thuộc về một vụ ly hôn công khai. Chúng ta không mấy ai có cơ hội bước vào hàng ngũ gây thất thoát ngàn tỷ ngân sách nhà nước, nhưng chỉ cần tới tuổi kết hôn, chịu kết hôn, tức là bạn có cơ hội đứng trước một cuộc chia đôi tới… từng cây tăm nếu ly dị. Bạn có cơ hội nói về đạo lý và quyền làm chồng, quyền làm vợ. Ai cũng hăng hái bình luận, ai cũng góp phần chia sẻ, ai cũng thấy bóng hình mình trong cuộc chia tay ngàn tỷ này.
Người vợ trong phiên tòa được mô tả là một người phụ nữ hiện đại, đòi quyền bình đẳng với người chồng, đòi quyền mưu cầu hạnh phúc; tuy nhiên lại có một câu kết hết sức Á Đông: “Một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con, còn mình đi tạo lập cái mới”.
Còn người chồng, vốn quan niệm “vợ phải ra vợ chồng phải ra chồng, nam ở trên nữ ở dưới”, “20 năm không quan tâm tới tiền bạc”, thì đề xuất chia tài sản cho mình bảy, vợ ba.
Những lời tranh luận rất gay gắt đều hướng tới những định kiến ngầm: là nam giới thì không tranh giành với nữ giới, là người chồng thì ý chí vượt lên trên những tính toán tiền bạc nhỏ mọn của người vợ; và là nữ giới thì không được đòi hỏi gì nhiều, đừng quá tham vọng, phải cúi đầu đứng sau chồng.
Chưa hết. Hàng trăm tỷ đồng mỗi năm chúng ta đổ ra cho cuộc chiến bình đẳng giới bỗng nhiên bị vị chủ toạ phiên toà xổ toẹt. Chẳng như cách người ta thường nghĩ về các vị thẩm phán, ông đóng cùng một lúc rất nhiều chức năng khác nhau: một chuyên viên hòa giải của hội phụ nữ (“chị xin lỗi mẹ chồng đi, xin lỗi mất gì đâu”), một nhà tư vấn quỹ đầu tư (“con chị trưởng thành rồi, anh V. có thể đưa cháu về làm trợ lý, sau này là tổng giám đốc”), một chuyên gia tư vấn tâm lý trị liệu (“tôi và mọi người ở đây thấy ông V. là người thông minh. Ông đủ sức khỏe gánh vác điều đó”). Tất cả đều để vun đắp cho sự nghiệp một người đàn ông, danh dự của gia đình người chồng, và vỗ về người phụ nữ an phận làm bà hoàng để (chí ít ra) con mình còn được làm hoàng tử.
Cách áp dụng pháp luật của vị chủ tọa cũng tiêu biểu cho cách làm việc thường gặp của các thẩm phán Việt Nam: “tôi đọc hồ sơ thấy ông V. không ngoại tình”. Nghĩa là hồ sơ cho thấy ông V. rất tốt, tôi tin hồ sơ.
Thử tra cứu trên Google từ khóa “most expensive divorce settlements of all time” (các vụ ly hôn tốn kém nhất mọi thời đại), sẽ ra được 14.100.000 (mười bốn triệu một trăm ngàn) kết quả trong 0.63 giây. Đấy là câu chuyện của thế giới, và cũng không thiếu những vụ ly hôn khiến toàn cầu nín thở theo dõi.
Còn theo thống kê của ngành tòa án Việt Nam, con số các vụ ly hôn tại Việt Nam tăng đều hằng năm như tăng trưởng GDP của quốc gia, và có một tỷ lệ là: 70% người chủ động nộp đơn ly hôn là người vợ. Theo một khảo sát từ năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại cả ba miền với 900 mẫu khảo sát, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Những con số này có lẽ sẽ chỉ thay đổi nếu Việt Nam thừa nhận hôn nhân đồng giới, một thành trì truyền thống và đạo đức xã hội khác.
Cơn mơ bình đẳng còn dở dangPhản ứng xã hội những ngày này là rất hấp dẫn, khi chúng ta đang chứng kiến một loạt những tuyên ngôn từ các giới khác nhau.
Là đàn ông, chúng ta mạnh dạn tuyên bố: Nếu ly hôn, tôi sẽ ra đi với hai bàn tay trắng, để lại mọi thứ cho vợ con, ai lại làm vậy với mẹ các con mình.
Là phụ nữ, những nhà nữ quyền mạnh mẽ với tuyên ngôn: đã qua rồi thời đại chồng trên vợ dưới, chúng ta phải có quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của riêng mình.
Trong vụ việc trên, người chồng đề nghị cấp dưỡng 10 tỷ/năm cho bốn người con. Thử đặt giả thiết ngược lại, người vợ là người cấp dưỡng để chồng nuôi bốn con (nếu con chịu ở với cha). Nếu một người đàn ông nào tại Việt Nam bị cộng đồng xung quanh biết được mình được nhận trợ cấp từ vợ, có lẽ anh ta sẽ gục ngã vì những lời đàm tiếu trước khi kịp nhận đến tháng trợ cấp thứ hai, dù anh ta có toàn quyền được hưởng những điều ấy.
Cơn mơ bình đẳng giới không phải chỉ dành cho phụ nữ, người đàn ông cũng cần được chợp mắt trong giấc mộng này, vì quyền con người của mỗi một cá thể là như nhau. Những dây leo định kiến mọc trên thành trì đạo lý, ngủ sâu trong mỗi con người lại như được ánh sáng tươi mới chiếu vào, và thỏa thuê bật dậy hít hà những mạch ngầm mà bình thường không dám tuôn trào. Chỉ có những dịp này ta mới nói, vì ta đã có tấm bia để đỡ dùm. Và vì chúng ta có quá ít không gian văn minh để nói với nhau về quyền từ chối những định kiến đặt lên vai mình, và quyền để làm một con người hạnh phúc. Ta lại chỉ có mạng xã hội trong tay.
Người viết có thử tìm hiểu về tập tính săn mồi của loài đại bàng, xem con cái có ở tổ chờ con đực mang mồi về không – như lời chủ tọa dẫn chứng. Ngoài việc không tìm được chứng cứ xác thực, và với sự biến đổi môi trường dẫn tới nguồn thức ăn cạn kiệt, tập tính của các loài đều thay đổi, con nào cũng phải đi săn. Nếu có loài nào cố giữ những tập tính đã quá lạc hậu, thì đó có thể chỉ là con người.