Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Công đoạn điều tra vụ án nữ sinh tên Duyên bị hãm hại tại Điện Biên đã kết thúc với năm bị can bị bắt giữ, tạm giam, chuẩn bị cho các công đoạn tố tụng sau đó.
Đến cuối cùng, vào cái thời khắc sinh tử quan trọng nhất, chỉ có gia đình của nữ sinh và những người dân không liên quan là thật sự làm hết sức mình với hy vọng cứu cô. Gia đình là những người đã tìm thấy manh mối là chiếc xe máy của nạn nhân. Hai người dân khác tìm thấy thi thể của nữ sinh này sau ba ngày cô mất tích. Công an chỉ lập ban chuyên án và “quyết liệt vào cuộc” sau đó.
Nếu gia đình và những người vô can này không làm gì cả, sẽ không có trọng án nào được ghi nhận, và không có ban chuyên án nào được lập ra.
Liệu tôi có đang trách cứ hay đổ lỗi cho Công an Điện Biên về cái chết của cô gái? Tôi chắc chắn không muốn làm như vậy. Tìm kiếm người mất tích không phải là một nghiệp vụ dễ dàng, với nguồn lực tiêu tốn không hề nhỏ. Và sự khó khăn này không phải chỉ tồn tại ở Việt Nam.
Ở Anh, có đến khoản 300.000 người được báo mất tích với lực lượng cảnh sát mỗi năm. Song có đến 80% trong số đó quay trở về khi mà cảnh sát còn chưa kịp can thiệp. Nhưng với 20% còn lại, thống kê trung bình mỗi tuần cũng có 20 người mất tích được phát hiện đã chết vì nhiều nguyên do.
Vậy nên xác thực và tiến hành, phân bổ lực lượng tìm kiếm người mất tích là một ác mộng của giới cảnh sát tại đây.
Trước tiên, cảnh sát phải tìm hiểu xem việc mất tích này có phải là việc vắng mặt có chủ đích hay không (intentional absence), bởi luật pháp Anh yêu cầu tôn trọng quyền tránh mặt hợp lý của bất kỳ cá nhân đủ tuổi trưởng thành nào đối với những người khác.
Nếu không đủ căn cứ lập thành trường hợp nói trên, cảnh sát sẽ lập hồ sơ liên quan đến các tình huống vắng mặt không chủ đích (unintentional absence), bao gồm nhiều lý do khả dĩ như đi lạc, mắc bệnh về sức khỏe tâm thần, bị ép buộc hay bắt cóc.
Sau đó, việc tìm được địa điểm, hoàn cảnh cuối cùng ghi lại sự hiện diện của người mất tích, tìm được người nhận biết để xây dựng biểu thời gian mất tích (missing continuum) là một công việc thử thách, nhưng cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lựa chọn phản ứng phù hợp của cảnh sát.
Dồn lực điều tra, tìm kiếm? Hay vứt hồ sơ để đấy? Liệu cố gắng thật nhiều cũng hoá công cốc thật nhiều hay không?
Rất có thể.
Trong hồ sơ vụ mất tích của Rachel, con gái của bà tìm được nhật ký và tài liệu của mẹ mình ghi lại các ý định tự sát. Sau khi thấy mẹ không trở về như thời gian thường lệ, cô báo với dì của mình, người sau đó báo với cảnh sát Anh.
Cuộc truy tìm tung tích người mất tích nhanh chóng được xếp vào diện rủi ro cao, với sự tham gia của tổ chức chuyên môn là Cơ quan Tham mưu Tìm kiếm Mất tích (POLSA).
Cảnh sát liên lạc với nhà mạng để tìm các số điện thoại đã liên lạc cuối cùng với cô.
Họ kiểm tra nơi cô ở.
Họ liên hệ với ba người bạn đã uống rượu với Rachel vài đêm trước đó để phỏng vấn.
Họ làm việc với bác sĩ riêng của Rachel.
Họ đến nơi cô làm việc để thu thập mẫu vân tay và các thông tin DNA.
Họ kiểm tra dữ liệu từ hệ thống của công ty xe bus và các công ty taxi trong khu vực.
Tất cả được thực hiện chỉ trong 15 tiếng.
Sau 15 tiếng, Rachel được một người quen phát hiện đang lang thang vô định, vì buồn rầu các vấn đề liên quan đến tài chính cũng như tình cảm gia đình.
Chi phí và công sức bỏ ra không để làm gì cả, nhưng trong 15 tiếng đấy, ít ra cảnh sát Anh đã cố gắng hết sức có thể.
Tại Việt Nam, có lẽ là quy trình tiếp nhận thông tin và tìm kiếm người mất tích không hẳn thua kém tại Anh. Nhưng bao nhiêu nghiệp vụ kể trên đã được thực hiện để tìm kiếm cô gái xấu số?
Tôi chưa tìm thấy được quy trình hướng dẫn về nghiệp vụ tìm người mất tích của cơ quan điều tra Việt Nam. Và dù có hình thù thế nào đi chăng nữa, dường như nó đã không được thực hiện một cách toàn tâm toàn ý trong vụ việc đau thương này.
Thứ tôi tìm ra, là khái niệm trọng án và chuyên án, được quy định lần lượt trong Thông tư 28/2014/BCA và Quyết định số 362/2003/QD-BCA (có thể đã hết hạn nhưng không thể tìm ra văn bản thay thế vì đây đều là các văn bản “mật”).
Trọng án là những vụ án hình sự về tội phạm quy định tại các điều 93, 95, 96; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 104, 111, 112, 113, 114, 133, 134, 135 của Bộ luật Hình sự 1999 (bao gồm các tội danh như giết người, hiếp dâm…). Vụ án nào được khởi tố liên quan đến các điều trên đều đương nhiên được đưa vào diện trọng án.
Chuyên án (gồm chuyên án truy xét và chuyên án trinh sát – chúng ta chỉ nói về chuyên án truy xét trong trường hợp này) nhằm tổng hợp nhiều nguồn lực để thực hiện hoạt động điều tra một cách tập trung với nhiều phương tiện kỹ thuật, chiến thuật nghiệp vụ nhằm chứng minh tình tiết, truy bắt tội phạm và đối phó với các vụ án phức tạp, các đối tượng nguy hiểm.
Trọng án và chuyên án là nơi để thể hiện năng lực của điều tra viên, là nơi để trình diễn sức mạnh nghiệp vụ của cơ quan công an, và cũng là nơi để khẳng định tính bình an, ổn định, công lý và công bằng xã hội ở Việt Nam thông qua việc phá giải những vụ án được công luận quan tâm.
Nhưng điểm chung vô tình nhất của hai khái niệm trọng án và chuyên án là gì? Là vụ việc đã xảy ra, và nạn nhân đã bị hại.
Như vụ việc tại Điện Biên. Chỉ khi nạn nhân bị tra tấn suốt ba ngày trời và bị giết hại, trọng án mới hình thành và ban chuyên án mới được lập ra.
Trọng án và chuyên án có lẽ là điểm son sự nghiệp của các cán bộ, chiến sĩ công an tại Việt Nam. Nhưng tôi tin là nó vẫn chưa đủ cho thứ gọi là “sự nghiệp phòng – chống tội phạm” ở quốc gia kỳ lạ này, chưa nói đến trách nhiệm bảo vệ dân chúng và các cộng đồng tại đây.
Câu chuyện Điện Biên khiến chúng ta không khỏi nghĩ đến sáu xác người không danh tính mà đội tìm kiếm vô tình trục vớt được khi đang tìm xác của một nữ bệnh nhân của Thẩm mỹ viện Cát Tường cách đây gần 5 năm.
Họ là ai? Đến nay vẫn chưa ai rõ.
Bao nhiêu người trong số đó đã được báo cáo là mất tích và bị vùi vào mớ tài liệu, sách giấy nhàu nát ở phòng văn thư?
Không có vụ án Cát Tường, có lẽ xác của họ đã vĩnh viễn không được tìm thấy. Và mọi hy vọng tìm lại công lý cho những người này thì gần như không còn giá trị gì, với bất kỳ ai.
Tôi biết rằng đây không phải là một hiện tượng đặc trưng hay duy nhất ở Việt Nam. Cảnh sát ở đâu cũng cần phải cân bằng giữa nguồn lực thực tế, các bằng chứng hiện hữu và nguy cơ xảy ra cho công dân.
Ở Hoa Kỳ, theo bình luận của Kym Pasqualini, nhà sáng lập Trung tâm Hỗ trợ Người thành niên Mất tích (Center for Missing Adults) cũng phải ngán ngẩm nói rằng sức ép của báo chí và công luận mới là những yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất đến quy mô và mức độ đầu tư tìm kiếm, cứu nạn của cảnh sát.
Tuy nhiên, nếu xem xét đến năng lực điều tra và phá các vụ trọng án tại Việt Nam, được báo cáo là khả năng điều tra khám phá lên đến 98.9% ở Hà Nội; hay với con số 88,53% trọng án được phá trên cả nước; cùng với thời hạn phá án phức tạp cùng lắm chỉ kéo dài vài tháng, tôi tin là chuyển một phần năng lực ấy vào việc tìm kiếm người mất tích như vụ việc tại Điện Biên sẽ cứu được thêm rất nhiều nạn nhân vô tội.
Việc phá án thành công một phần sẽ là lời khích lệ cho lực lượng công an Việt Nam, nhưng nó cũng nên là một lời cảnh báo, một lời nhắn nhủ của cộng đồng dành cho họ trong công tác điều tra, tìm kiếm người mất tích, người bị hại, ngay cả khi họ không biết rằng đây có phải là một vụ trọng án hay không.
Nếu vụ án khép lại và ngành công an chỉ dừng lại ở việc khen thưởng, những lời có cánh, những ghi nhận thi đua, thì trọng án hay chuyên án đều quá vô tình.
—
Từ khoá:
mất tích: to disappear (v)
vụ/việc mất tích: disappearance, missing person case (n)
người mất tích: missing person (n)
vắng mặt có chủ đích: intentional absence (n)
vắng mặt không có chủ đích: unintentional absence (n)
biểu thời gian mất tích: missing continuum (n)
điều tra: to investigate (v)
cuộc điều tra: investigation (n)
cuộc điều tra trọng án: serious crime investigation (n)
tìm kiếm: to search (v)
cuộc tìm kiếm: search (n)