‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Tôi hay hình dung tử tù là những người đi trên những sợi dây mà chiều dài được tính bằng năm. Khi bản án tử hình được tuyên, nhất là sau phiên tòa phúc thẩm, hành trình đi trên dây của họ bắt đầu.
Khác với những người bị tù giam, tử tù không bao giờ biết sợi dây đó dài bao nhiêu. Dĩ nhiên họ đều biết điểm cuối cùng của sợi dây là ngày thi hành án.
Trên hành trình đó, chúng ta không biết chính xác thứ áp lực mà họ phải chịu. Nhiều tử tù đã không thể đi đến điểm cuối, họ rơi khỏi sợi dây – họ tự tử.
Những người còn lại phải chiến đấu với chính mình. Họ không muốn thời gian trôi nhanh vì sẽ sớm đến ngày thi hành án nhưng lại muốn nó qua mau để sớm đến ngày gặp người thân, mỗi tháng một lần ở trại tạm giam.
Tâm trạng xáo trộn đó không những giằng xé tinh thần của những người tử tù mà còn đối với gia đình của họ. Càng căng thẳng hơn đối với những gia đình mà họ tin rằng người thân của mình bị oan.
Năm ngoái, tôi gặp mẹ của tử tù Hồ Duy Hải ở Hà Nội. Vụ án đã quá nổi tiếng và kéo dài hơn mười năm nay. Bà Loan luôn trong tình trạng phải làm việc gì đó để cứu con. Có khi bà đi từ Long An ra Hà Nội mà không có kế hoạch gì rõ ràng. Kể từ khi Hải bị tuyên án, kêu oan trở thành công việc chính của bà. Một công việc nhiều nước mắt nhất mà tôi từng biết.
Có hai điều mà chúng tôi không thuyết phục được bà Loan. Một là bà phải ăn uống tử tế. Hai là bà nên ngừng mua quà chiêu đãi những người hỗ trợ bà, trong đó có chúng tôi.
Là người mẹ, bà Loan luôn cảm thấy mình có lỗi. Bà không cho phép mình được sống thoải mái trong khi Hải chịu đựng thiếu thốn, bị hành hạ thân xác ở trong tù. Dằn vặt vì điều đó, chúng tôi luôn thấy bà ăn theo kiểu cầm hơi hoặc không ăn.
Năm ngoái, bà Loan ra Hà Nội năm lần, đủ bốn mùa. Quãng đường đi từ Long An ra Hà Nội đã tốn nhiều tiền nhưng lần nào bà cũng mua quà cho những người hỗ trợ bà kêu oan. Khi thì mua nước, khi thì mua bánh kẹo. Chúng tôi rất ái ngại và không muốn nhận những món quà đấy, chỉ mong bà giữ tiền để tiêu.
Bằng cách nào đó, những người như bà Loan cũng đang đi trên dây mà điểm đến sau cùng là con bà được tự do. Sợi dây của bà Loan đang đi song song với sợi dây của Hải, đã dài hơn mười năm và không biết nó còn kéo dài bao lâu nữa.
Kêu oan đã là một hành trình đau khổ. Những người như bà Loan đều chung một tâm trạng là con mình có thể bị tử hình bất cứ lúc nào. Vào một ngày nào đó, những người của toà án có thể đến nhà và thông báo việc thi hành án sẽ được tiến hành trong x ngày nữa, và hỏi gia đình có muốn nhận xác của tử tù hay không.
Nếu không phải là bản án tử hình thì bà đã không phải chịu áp lực lớn đến như vậy. Những gia đình khác kêu oan cho con là tử tù như trường hợp Nguyễn Văn Chưởng hay Lê Văn Mạnh đều sống với cùng một áp lực như vậy.
Đó là trường hợp của những người bị oan. Vậy còn những người đã thực sự phạm tội ác (trong trường hợp phạm tội liên quan đến giết người) thì án tử hình có thực sự công bằng?
Trong ít nhất 15 bản án tử hình được tuyên trong tháng 1 năm nay. Có một người đàn ông tên là Nguyễn Văn Diên ở Kiên Giang bị tuyên án tử hình trong phiên toà sơ thẩm sau khi giết vợ của mình. Hai vợ chồng có ba đứa con, đứa lớn nhất 14 tuổi. Diên ra tay giết vợ trong khi cãi nhau sau một bữa nhậu. Bản án tử hình đã đưa Diên bắt đầu hành trình đi trên dây của mình. Thời gian còn được gặp con của Diên đã bắt đầu đếm ngược.
Rõ ràng Diên là một người nguy hiểm cho xã hội, bằng chứng là anh đã ra tay tàn ác đối với vợ của mình. Nhưng nếu đó không phải là một bản án tử hình thì Diên vẫn còn có cơ hội được gặp con, được nhìn con khôn lớn. Dĩ nhiên, những đứa con của Diên cũng sẽ không mất đi cơ hội được gặp cha của mình. Các con của anh cũng sẽ không phải chịu nỗi đau mất cha sau nỗi buồn mất mẹ.
Trong những trường hợp giết người khác, gia đình nạn nhân yêu cầu bản án nặng nhất cho kẻ thủ ác là điều dễ hiểu. Những liệu có đáng để yêu cầu một bản án tử hình? Nó có thể đóng lại cánh cửa đau buồn đối với gia đình nạn nhân nhưng lại mở ra cánh cửa đau buồn cho gia đình của tử tù.
Lắm lúc tôi nghĩ làm tử tù đã khổ nhưng làm tử tù ở Việt Nam lại càng khổ hơn. Nếu một người chuẩn bị phạm tội mà biết tử tù ở Việt Nam bị đối xử như thế nào thì chắc họ đã chọn phạm tội ở một đất nước khác.
Tyron Cozy, một tử tù người Nam Phi phạm tội buôn lậu ma túy vào Việt Nam, là một ví dụ. Gia đình của Tyron ở Nam Phi rất eo hẹp về tài chính nên đã nhờ tôi đến thăm và gửi đồ dùng cho anh. Mặc dù đã nỗ lực tìm cách thăm Tyron nhưng tôi đều thất bại. Quy định quản lý tử tù ở Việt Nam là nghiêm khắc quá mức thậm chí là quá đáng.
Tyron chỉ được phép gặp người thân, ngoài phạm vi đó thì phải có giấy ủy quyền hợp pháp từ người thân. Điều này thì cũng chưa có quy định cụ thể nên tùy vào cách chính quyền diễn giải. Hơn hai năm qua, Tyron không có cuộc thăm gặp nào ngoài cuộc gặp với nhân viên của đại sứ quán.
Tôi cũng suy nghĩ rằng chỉ có mấy khả năng để gặp được anh, không may là tôi không rơi vào trường hợp nào cả. Một là phải quen biết với trại tạm giam để họ tin tưởng rằng tôi không làm gì ảnh hưởng đến phiên tòa phúc thẩm và tinh thần của Tyron, hoặc ly kỳ hơn là không có âm mưu tổ chức một cuộc vượt ngục nào. Hai là tôi phải là một luật sư được gia đình ủy quyền và có giấy phép bào chữa trong vụ án này. Ba là phải là một phóng viên của một tờ báo nhà nước thì mới thăm gặp được.
Tệ hơn việc hạn chế thăm gặp là tòa án đã chỉ định một luật sư miễn phí không biết nói tiếng Anh cho anh. Số tiền được tòa hỗ trợ bào chữa không đủ để luật sư trang trải chi phí đi lại. Chỉ riêng điều này thôi đã đủ để nói rằng án tử cho Tyron là hoàn toàn bất công.
Ở những quốc gia không còn án tử hình thì hình phạt tù chung thân không ân xá được tuyên cho những người mà toà án xét thấy không còn khả năng thay đổi.
Trong khu vực, Campuchia và Philippines đã không còn tuyên án tử hình từ lâu. Malaysia cũng đã tạm dừng thi hành án cho tất cả tử tù và chuẩn bị xoá bỏ hình phạt này.
Mặc dù chưa bỏ án tử hình nhưng Myanmar đã chuyển đổi án tử hình sang hình phạt chung thân cho tất cả các tử tù. Kể từ năm 2009, Thailand chỉ xử tử một trường hợp vào năm ngoái. Ca thi hành án tử hình gần đây nhất của Lào và Brunei lần lượt là vào năm 1989 và 1957.
Trong khi đó, Việt Nam đã xử tử 85 người chỉ trong năm ngoái. Chính phủ vẫn xem số liệu về án tử hình là bí mật quốc gia và chỉ công bố nhỏ giọt.
Những người tử tù sẽ không còn đi trên dây nữa nếu nhà nước ban hành một lệnh hoãn thi hành án cho tất cả các tử tù trong năm 2019 và tiến tới xoá bỏ án tử hình. Điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính phủ.
Năm mới, tôi ước mong một Việt Nam không còn án tử hình.