Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhân cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới tại Hà Nội, 100 nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động xã hội và tổ chức dân sự xã hội người Việt đã gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump một bức Thư ngỏ.
Tuy thư ngỏ nêu trên gây cho người đọc cảm giác không biết các tác giả của nó thực ra muốn nói gì, song không phải ngẫu nhiên mà nó ra đúng vào ngày 17 tháng Hai năm 2019, ngày kỉ niệm 40 năm Chiến tranh Biên giới Việt-Trung, và nhấn mạnh nguy cơ Việt Nam bị tham vọng bành trướng của Trung Quốc đe dọa. Nếu tôi hiểu không sai, cuối cùng đấy là một thông điệp đơn giản nhưng vì những lý do nào đó khó nói thẳng: các trí thức Việt Nam mong được Ngài Tổng thống, His Excellency Donald Trump, người “đóng vai trò dẫn dắt trong tư cách người đứng đầu quốc gia hùng mạnh nhất và tiên tiến nhất” của thế giới tự do, lưu ý giúp đỡ để Việt Nam chống Tàu, bởi rút cuộc thì quyền lợi của Việt Nam và Hoa Kỳ là tương đồng, Ngài giúp chúng tôi cũng chính là bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ.
Tôi khó có thể chia sẻ thông điệp đó.
1. Không chỉ riêng vì lợi ích của Việt Nam, điều kiện quan trọng nhất để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở toàn bộ khu vực Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình là sự vững mạnh của cộng đồng các nước dân chủ tự do toàn thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Song cộng đồng này đang lâm vào một cuộc khủng hoảng lịch sử; bị chia rẽ sâu sắc; một số liên minh quan trọng bị rạn vỡ; một số cam kết nền tảng bị hủy bỏ; một số định chế rường cột bị hoài nghi và công kích; sự ưu việt của thể chế dân chủ pháp quyền bị mai một sức hấp dẫn, trọng lượng quốc tế của toàn thể cộng đồng bị suy giảm. Donald Trump chính là hiện thân của cuộc khủng hoảng ấy. Ông ta là kết quả nhưng không là đáp án. Ông ta là một tai nạn, một vụ nổ cầu chì khi hệ thống chính trị của nền dân chủ quá tải; điểm tích cực duy nhất ở đó là nó như một cú ngã bệnh đích đáng, khiến cái cơ thể chính trị rất giàu sức đề kháng của Hoa Kỳ được thanh lọc cần thiết và kích thích thay đổi. Với tất cả lo ngại, tôi vẫn tin rằng có thể mất trọn một thập niên hay hơn nữa và phải trả những cái giá rất đắt, cuối cùng cộng đồng dân chủ thế giới sẽ vượt qua giai đoạn thử thách khắc nghiệt này để tự đổi mới; song Donald Trump không phải là giải pháp mà là vấn nạn ở tầng cao nhất, và hy vọng vào ông ta không khác gì gửi gắm tương lai vào con bệnh thay vì vào một nền y học tiến bộ.
2. Một hệ quả của điều kiện nói trên là khả năng kiềm chế các chính quyền độc tài trên thế giới, trong đó Việt Nam luôn có mặt, và Trung Quốc đóng vai trò trưởng thượng. Donald Trump, vị tổng thống chỉ tuyệt đối nhất quán ở sự bất nhất khôn tả của mình, đã vô số lần bày tỏ thiện cảm, thậm chí lòng ngưỡng mộ, sự sốt sắng hợp tác và thậm chí sẵn sàng che chắn với các nhà độc tài cả hạng nhất lẫn hạng nhì trên thế giới, từ Putin đến Erdogan, từ Mohammed bin Salman đến Viktor Orbán, từ Tập Cận Bình đến Kim Jong-un, và tất nhiên cả với các nhà độc tài ở Ba Đình. Hiển nhiên ông ta có thể quay ngoắt 180 độ để sỉ vả cũng chính những đối tượng ấy trong một cơn đồng bóng lúc 5 giờ sáng mất ngủ bằng lời lẽ rất thô bỉ mà Hiến pháp Hoa Kỳ bất khả ràng buộc, bởi với tất cả sự thận trọng trước những khả năng thoái hóa của con người, các nhà lập quốc của đất nước vĩ đại này không thể hình dung một kịch bản như vậy. Tôi cũng không thể hình dung giới đấu tranh dân chủ Việt Nam, vì mấy lời đãi bôi tình thế của Trump nhắm vào phiên bản chủ nghĩa xã hội ở Cuba hay Venezuela, nói dzậy mà hổng phải dzậy, lại kỳ vọng vào một Tổng thống Mỹ mù tịt về các định chế dân chủ, tưởng mình là một le Roi Soleil, một Thái dương Vương; gọi báo chí tự do nước mình là “kẻ thù của nhân dân”, khinh thường quyết định của các thẩm phán độc lập, hô hoán đòi tống đối thủ chính trị vào tù, đuổi việc bất kỳ ai dám trái ý mình và hành xử như một tay anh chị sẵn sàng vặn cổ “đứa nào dám chơi tao”. Donald Trump là nỗi hổ thẹn của thế giới tự do và cơ hội của thế giới độc tài. Với tất cả tham vọng vô độ, việc ông ta vẫn không thể lạm dụng các quyền năng to lớn của chức vụ tổng thống Mỹ để cai trị như một nhà độc tài hay thậm chí phát-xít là nhờ ở sự vững chắc của các cơ chế phân bố quyền lực và các định chế dân chủ pháp quyền Hoa Kỳ. Chỗ dựa của những người Việt yêu dân chủ là các cơ chế và định chế đó chứ không phải His Excellency đương nhiệm.
3. Cả hai cuộc chiến, Việt-Mỹ và Việt-Trung, đều cho thấy sự lắt léo biến hóa của các liên minh quyền lợi trên sân chơi thế giới mà Việt Nam chỉ là một trái bóng trong chân các siêu cầu thủ. Mỹ có thể chống Tàu đến người Việt cuối cùng như đã từng ngược lại; và Mỹ cũng có thể, như tròn 40 năm trước, vừa bịt tai này để không phải nghe tiếng súng ở biên giới Việt-Trung, vừa dỏng tai kia để nghe ngóng mọi động tĩnh ở Quảng trường Đỏ. Mỹ vào miền Nam Việt Nam vì quyền lợi của mình và của thế giới tự do, rồi lại rút khỏi đó cũng vì chính những quyền lợi ấy. Ý tưởng về sự tương đồng quyền lợi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện tại là một slogan tốt cho những cuộc gặp gỡ vô thưởng vô phạt, có lảy Kiều và rất nhiều hình ăn phây, song nó không liên quan gì đến thực trạng thế giới hiện tại, trong đó cuộc tranh hùng của hai đế chế, một đang tại vị và một đang trỗi dậy, là một vòng xoáy nuốt chửng quyền lợi của tất cả các quốc gia khác. Giữa cơn mê Make America Great Again của Trump và Giấc mộng Trung Hoa của Tập, một đất nước không có gì để đặt lên bàn cân ngoài xương máu nhân dân như Việt Nam thì chỉ giữ cho mình được đôi phần tỉnh táo là đã có phúc lớn. Còn lại, ở cấp độ những lợi ích dễ thương lượng hơn, dĩ nhiên Ngài Tổng thống với đam mê tột đỉnh là khoe tài cán của cá nhân mình trong các cú deal thượng thặng sẽ tiếp tục cảnh báo rằng an ninh quốc gia Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi gần 35 tỉ dollar thâm hụt thương mại với Việt Nam, giới cần lao Mỹ đang rên xiết bởi trò ngoại thương unfair của người Việt, người Việt đang cướp công ăn việc làm và thu nhập của người Mỹ. Nhưng không sao, Việt Nam chỉ cần mua máy bay quân sự tốt nhất thế giới của Mỹ, tên lửa tốt nhất thế giới của Mỹ, tàu chiến tốt nhất thế giới của Mỹ và một số thứ cực kỳ nhất, vĩ đại nhất thế giới của Mỹ nữa là chúng ta có một big deal hoàn hảo. America first. Việt Nam không nhất thì bét.
4. Cuối cùng, tôi cho rằng dù thế nào cũng không nên tuyên bố rằng 96 người và 4 tổ chức xã hội ký tên vào bức thư ngỏ này phát ngôn cho “ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài“. Chúng ta nên thận trọng với ham muốn làm chủ tập thể.
Berlin, 19/2/2019