Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vụ án cô gái giao gà bị giết hại ở Điện Biên đang ám ảnh rất nhiều người. Chúng ta vừa xót thương cho cô gái, gia đình của cô vừa lo sợ cho sự an toàn của xã hội.
Bắt hung thủ luôn là ưu tiên hàng đầu trong các vụ án mạng. Cái ác phải bị trừng phạt để trả lại sự an toàn cho xã hội và công lý cho gia đình nạn nhân. Những người phạm tội phải bị trừng phạt và những ai vô tội phải được tha bổng.
Tuy vậy, sự phẫn nộ của công chúng trong vụ án cùng với cách đưa tin dồn dập, bất lợi cho các bị can đã làm lu mờ quyền của nghi phạm, bị can.
Cần nhớ rằng, ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau hơn 10 năm ngồi tù oan về tội giết người chỉ khi hung thủ ra đầu thú. Cũng chỉ khi hung thủ ra đầu thú sau 17 năm, ông Huỳnh Văn Nén mới được minh oan. Ông Hàn Đức Long cũng chỉ được minh oan sau hơn mười năm mang thận phận tử tù trong khi hung thủ vẫn còn chưa tìm ra. Những trường hợp khác rơi vào bế tắc như vụ án của Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng hay Lê Văn Mạnh đều không chắc chắn họ là hung thủ thật sự.
Những nguyên nhân thường thấy trong các vụ án oan là quyền của nghi phạm không được đảm bảo. Các án oan sẽ ít xảy ra, hung thủ sẽ bị trừng phạt cũng như khẳng định năng lực của ngành tư pháp.
Nghi phạm có quyền bình đẳng trước pháp luật và được bảo vệ như nhau bởi pháp luật. Không có bất kỳ sự kỳ thị nào. Một quan chức hay một người dân bình thường đều phải được xét xử một cách công bằng như nhau bởi một toà án độc lập, vô tư và có năng lực. Năm bị can sát hại cô gái giao gà không vì phạm tội nghiêm trọng hơn mà bị đối xử khác biệt.
Nghi phạm có quyền được thông báo về quyền của mình ngay sau khi bị bắt, bao gồm quyền có đại diện pháp lý, khám bệnh và trị bệnh, thông báo cho người thân bạn bè về việc bị bắt giữ, và làm sao tận dụng những quyền này.
Năm bị can vẫn có thể nhận mình là hung thủ của vụ án nhưng vẫn có quyền giả định là họ vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, căn cứ vào luật pháp. Mặc dù đây là một quyền tuyệt đối nhưng cơ quan công quyền vẫn thường xuyên xâm phạm. Thường thấy là cơ quan điều tra mớm lời nhận tội của nghi phạm cho báo chí với thái độ chắc chắn về hành vi phạm tội. Tuy nhiên, lời nhận tội của nghi phạm không phải là tất cả. Đừng quên là ông Nguyễn Thanh Chấn hay ông Hàn Đức Long đều nhận tội trong quá trình điều tra vì bị tra tấn và ép cung.
Một điều mà ít được nói đến là sự khen thưởng đối với đội điều tra. Hành động này của cơ quan công quyền đã khẳng định các bị can là hung thủ của vụ án, gián tiếp vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. Điều này cũng tạo ra một áp lực đối với cơ quan điều tra vì khó mà có thể sửa sai nếu phát hiện họ đã bắt nhầm người.
Quyền được bào chữa cũng thường xuyên bị cơ quan chức năng xâm phạm dẫn đến nhiều vụ án oan sai. Trong các vụ án hình sự, các bị cáo có thể lựa chọn tự bào chữa hay nhờ luật sư do mình lựa chọn, hoặc yêu cầu toà án chỉ định luật sư.
Trong vụ án này, nếu năm bị can không có luật sư của riêng mình thì toà án phải chỉ định luật sư bào chữa miễn phí dù họ có từ chối. Các bị can có quyền yêu cầu luật sư của mình tham gia vào tất cả quá trình điều tra vì tính chất nghiêm trọng của vụ án với mức án có thể dẫn đến án tử cho các bị can.
Cơ quan điều tra thường cản trở quyền bào chữa của các nghi phạm. Họ thường trì hoãn việc cho nghi phạm, bị can tiếp xúc với luật sư với lý do là đang trong quá trình điều tra. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định Viện Kiểm sát có thể chỉ cho phép luật sư tham gia vào sau quá trình điều tra trong trường hợp cần giữ bí mật đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.
Trong thực tế, việc chỉ định luật sư chỉ mang tính hình thức, không bào chữa hiệu quả cho bị cáo. Điển hình như trường hợp của Tyron Coeztee, người Nam Phi bị tuyên án tử hình vì vận chuyển trái phép chất ma tuý vào Việt Nam. Tyron được toà án bổ nhiệm một luật sư không thể giao tiếp tiếng Anh và không hỗ trợ phiên dịch cho luật sư trong quá trình điều tra. Liên quan đến quyền được bào chữa, các bị can cũng có quyền đảm bảo thời gian và phương tiện thoả đáng, bao gồm việc tiếp cận luật sư mà không bị can thiệp, kiểm duyệt.
Một quyền khác mà cơ quan hức năng hay cản trở là quyền được gặp thân nhân. Quyền này thường được xem là vật trao đổi. Nếu nghi phạm nhận tội thì họ sẽ được gặp người thân. Ngược lại, việc gặp người thân sẽ bị hạn chế. Trong vụ án oan ở Cà Mau, Lê Minh Nhựt bị tạm giam khi mới 16 tuổi và không được gặp gia đình trong sáu tháng vì anh không nhận tội.
Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến án oan là nghi phạm, bị can bị tra tấn, bức cung. Điều này đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phá án “thần tốc” của cơ quan chức năng. Các bị can trong vụ án giết hại cô gái có quyền được đối xử nhân đạo, không bị tra tấn, biệt giam trong khi bị giam giữ. Quyền này bao gồm việc được đảm bảo thức ăn, nước uống, vệ sinh, thuốc men, quần áo, thực hiện các nghi lễ tôn giáo… Các bị can, luật sư, thân nhân của họ có quyền khiếu nại với cấp cao hơn bất kỳ lúc nào phát hiện cơ quan chức năng đối xử tàn bạo, tra tấn, biệt giam hay các hình thức đối xử không nhân đạo khác.
Các bị can, bị cáo có quyền bác bỏ các bằng chứng có được nhờ các biện pháp không hợp pháp, trừ khi chúng là bằng chứng để chống lại hành vi vi phạm nhân quyền, cũng như quyền không bị ép phải nhận tội hoặc phải khai bất lợi cho bản thân. Nếu các bị can do bị ép cung, dùng nhục hình, đối xử tàn bạo hay các hình thức vi phạm quyền con người khác mà khai nhận tội thì chúng không được xem là bằng chứng trong mọi giai đoạn của quá trình tố tụng.
Cơ quan chức năng phải thông báo cho nghi phạm, bị can về lý do bị bắt giữ, và các cáo buộc nhằm vào mình để chuẩn bị bào chữa và có quyền khiếu nại về lý do bắt giữ. Khi được thông báo lý do bắt giữ, họ có quyền chấp nhận hay bác bỏ các cáo buộc cũng như có quyền giữ im lặng.
Trên đây là một số quyền cơ bản của các bị can, bị cáo trong quá trình điều tra cũng như xét xử. Ngoài ra còn có rất nhiều quyền khác, mà bạn đọc có thể tham khảo Sổ tay Theo dõi việc Xét xử trong Tố tụng Hình sự của Uỷ ban Luật gia Quốc tế.
Việc bảo vệ quyền của các nghi phạm, bị can trong vụ án không được xem là bênh vực cho tội ác mà là đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội và tôn trọng nhân quyền.
—
Từ khoá:
vô tư, không thiên vị: impartiality
độc lập: independence (n), independent (adj)
có năng lực: competent (adj)
phân biệt đối xử: discrimination (n)
định kiến, thành kiến: prejudice (n)
oan sai: miscarriage of justice (n)
án oan: wrongful case/conviction (n)
quyền được xét xử công bằng: right to (a) fair trial (n)
quyền được trợ giúp pháp lý: right to legal assistance (n)
quyền được bào chữa: right to defence (n)
quyền được có đủ thời gian và phương tiện hỗ trợ thỏa đáng để chuẩn bị cho việc bào chữa: right to adequate time and facilities for the preparation of a defence (n)
quyền không bị biệt giam: right not to be held incommunicado (n)
quyền được phủ nhận/ bác bỏ tính hợp pháp của việc bắt giữ: right to challenge the lawfulness of detention (n)
quyền được đối xử nhân đạo và không bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ: right to humane treatment and not to be tortured while in detention (n)
suy đoán vô tội: presumption of innocence (n)
quyền kháng cáo, kháng án, chống án: right to appeal (n)
quyền được sửa sai: right to remedy (n)