Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Có một thực tế không mấy khi được nhắc đến là chúng ta đang uống cùng những giọt nước mà các loài khủng long đã uống vài trăm triệu năm trước. Lượng nước có thể sử dụng được cho sự sống không được tạo thêm, không hề tăng lên suốt vài trăm triệu năm qua. Và trong tương lai trước mắt nó sẽ chỉ giảm đi.
Lượng cung không những giữ nguyên mà còn giảm, trong khi nhu cầu sử dụng không ngừng tăng khiến nhiều người dự đoán nước sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến những xung đột lớn giữa các quốc gia lẫn trong nội bộ quốc gia trong những thập niên tới.
Vào ngày 14/2/2019 vừa qua, một vụ tấn công khủng bố liều chết đã diễn ra tại phần lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Vụ đánh bom khiến 40 cảnh sát của Ấn Độ thiệt mạng. Một tổ chức Hồi giáo cực đoan được cho là có mối liên hệ với Pakistan lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Ngay lập tức Ấn Độ lên tiếng cáo buộc Pakistan ngầm giúp đỡ thực hiện vụ khủng bố. Pakistan phủ nhận mọi liên hệ. Ấn Độ tuyên bố sẽ trả đũa.
Một tuần sau đó, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ bắn tiếng trên mạng xã hội Twitter rằng chính quyền nước này sẽ dừng việc chia sẻ nguồn nước với Pakistan. Vào năm 1960, với sự trung gian của Ngân hàng Thế giới (World Bank), hai nước đã ký hiệp ước chia sẻ quyền sử dụng nguồn nước tại sông Indus (Indus Water Treaty). Dòng sông này có các nhánh chảy qua Ấn Độ và Pakistan, là một trong những nguồn cung cấp nước chính cho hai quốc gia. “Hiệp ước Indus” thường được xem là một trong những hình mẫu đáng học hỏi về việc các quốc gia có thể thỏa thuận cùng chia sẻ tài nguyên với nhau, chung sống trong hòa bình và văn minh.
Nhưng đó là khi cơm lành canh ngọt. Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan hiếm khi được xếp vào loại lành và ngọt như vậy.
Đây không phải lần đầu tiên Ấn Độ dùng tài nguyên nước như một thứ vũ khí để (đe dọa) chống lại quốc gia láng giềng. Con sông Indus giữa Ấn Độ và Pakistan cũng không phải ngòi nổ duy nhất cho cuộc chiến nước trên thế giới.
Các con đập đang được xây dựng và lên kế hoạch với mật độ dày đặc dọc sông Mekong. Ảnh: Bloomberg.
Theo thống kê của Pacific Institute, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu các vấn đề phát triển, môi trường và an ninh toàn cầu, những cuộc xung đột có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước đã được ghi nhận từ cách đây 4.000 – 5.000 năm. Tính đến năm 2018, có 655 sự kiện được ghi nhận (sử dụng nguồn nước làm vũ khí tấn công, hoặc xuất phát điểm của xung đột đến từ việc tranh giành nước …). Đó chỉ là con số bề mặt, những sự kiện đã bộc phát ra và được ghi lại trong lịch sử. Trước đó, chắc chắn nhân loại đã có vô số những cuộc xung đột lớn nhỏ khác nhau vì nguồn nước.
Khác với không khí, vốn được phân bổ đồng đều, ai cũng có thể tiếp cận như nhau (đấy là cho tới thời điểm hiện tại, tương lai rất có thể sẽ khác khi nhiều quốc gia đang đối mặt với nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng), nước là một thứ cấp thiết cho sự sống nhưng lại được phân bổ rất không đồng đều.
Có 70% diện tích của trái đất được nước bao phủ, nhưng chỉ có khoảng 2,5% trong số đó là nước ngọt (fresh water) có thể sử dụng được cho sinh hoạt. Ngay cả trong số 2,5% có thể dùng được đó, chỉ có 1% là dễ dàng khai thác sử dụng.
Con số 1% của 2.5% ít ỏi này càng lúc càng giảm xuống khi dân số thế giới bùng nổ (và không có chiều hướng dừng lại), các hoạt động nông nghiệp khai thác quá mức lượng nước tưới tiêu, cùng các hoạt động công nghiệp làm ô nhiễm những con sông lẫn các mạch nước ngầm.
Dù chưa có cuộc chiến nào mà các bên tham chiến tuyên bố là vì nguồn nước, nhưng các điểm nóng sẵn sàng bộc phát xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Từ sông Nile nơi Ai Cập phản đối các dự án xây đập của Ethiopia ở thượng nguồn, tới việc hục hặc giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq quanh việc cùng khai thác sông Euphrates – Tigris, hay gần ngay trước mắt là tranh cãi quanh các dự án đập và công trình thủy điện chi chít trên sông Mekong, từ Trung Quốc tới Lào, Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam.
Giống như quan hệ gập ghềnh giữa Ấn Độ và Pakistan, không khó để hình dung một viễn cảnh không xa khi Việt Nam, quốc gia nằm cuối dòng Mekong, có thể bị Trung Quốc hoặc một nước thượng nguồn bất kỳ đe dọa thay đổi hoặc chặn đứng hoàn toàn dòng chảy con sông. Trong khi hai quốc gia Nam Á đã có hiệp ước thỏa thuận về việc sử dụng chung nguồn nước mà vẫn còn nảy sinh xung đột, thì việc Việt Nam và các quốc gia thượng nguồn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận pháp lý quốc tế nào về vấn đề này lại càng làm rủi ro xung đột tăng cao hơn.
Nhìn vào viễn cảnh này nhiều người có thể bi quan cho rằng tình thế của Việt Nam như con gà chờ lên thớt (sitting duck). Trên thực tế, có lên thớt hay không hoàn toàn là do con gà: nằm im chịu trận hay chủ động tìm đường thoát.
Có không ít ví dụ về những quốc gia ở trong tình thế ngặt nghèo hơn nhiều nhưng vẫn đang vững vàng tự nắm giữ số phận của mình.
Israel và Singapore là hai trong số những trường hợp đáng học hỏi.
Một nhà máy khử mặn nước biển thành nước uống ở thành phố Hadera, Israel, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Ảnh: Ariel Schalit/AP.
Israel có nguồn cung cấp nước từ sông Galilee (Sea of Galilee), phần lớn chảy vào từ sông Jordan. Nhưng việc thường xuyên đối mặt với hạn hán kéo dài, và quan hệ căng thẳng xưa nay với các nước Hồi giáo xung quanh khiến cho quốc gia này từ trước khi lập quốc (1948) đã có ý thức rất mạnh về việc phải xây dựng đảm bảo nguồn cung cấp nước cho riêng mình.
Đầu tư nghiên cứu phát triển hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng và các nhà máy khử mặn lọc nước biển là hai trong số những trọng tâm trong chiến lược đảm bảo nguồn nước của người Israel. Tính đến nay họ đã đáp ứng được một nửa lượng nước tiêu thụ qua các hoạt động tái xử lý và khử mặn. Công nghệ kỹ thuật cũng như khả năng quản lý của Israel được xem là đứng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Singapore có phần khó khăn hơn khi không có nguồn cung nước tự nhiên nào (ngoài nước mưa). Họ phải mua nước từ Malaysia qua Thỏa ước Chia cắt (Separation Agreement), một thỏa thuận có hiệu lực đến năm 2061 về việc Malaysia đảm bảo cung cấp lượng nước cố định cho Singapore từ dòng sông Johor. Tuy không đến mức xung đột căng thẳng như Ấn Độ và Pakistan, không ít lần các chính trị gia Malaysia đã dọa hủy bỏ thỏa thuận này, cắt nguồn nước cho người Singapore.
Hiểu rõ tình thế nguy hiểm khi phải phụ thuộc vào người ngoài, chính quyền Singapore từ thời lập quốc của Lý Quang Diệu đã quyết tâm đầu tư tìm giải pháp tự chủ động nguồn nước cho riêng mình. Người Singapore tìm cách tận dụng tất cả những nguồn nước có thể. Họ xây các hồ chứa nước lớn ở khắp đảo quốc để hứng nước mưa, cùng với hệ thống kênh, rãnh, đường ống tận thu lượng nước mưa về các nhà máy xử lý. Họ đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước thải khổng lồ đi ngầm để về các nhà máy xử lý nước, cho ra lượng nước tinh khiết đạt chuẩn để uống mà không cần phải nấu lại. Họ cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng các nhà máy khử mặn nước biển.
Như vậy, cùng với nước sông mua từ Malaysia, thay vì chỉ có một, người Singapore đã xây dựng được bốn nguồn cấp nước cho mình mà họ gọi là “Bốn vòi nước quốc gia” (The Four National Taps). Mục tiêu của họ là trước khi thỏa thuận mua nước từ Malaysia hết hạn vào năm 2061, Singapore sẽ hoàn toàn tự chủ được nguồn nước cho mình.
Từ việc đi học hỏi các nước khác để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khử mặn, Singapore trở thành hình mẫu mà chính những nước đó phải quay lại học tập làm theo.
Tuy là hai nước thường được đem ra làm mô phạm cho việc quản lý sử dụng nước, Israel và Singapore vẫn luôn tự nhấn mạnh với công dân của mình về tình thế nguy cấp (thiếu nước) mà bất kỳ lúc nào họ cũng có thể gặp phải. Các chương trình truyền hình, nội dung giáo dục về tiết kiệm nước, giảm bớt lượng nước sinh hoạt của mỗi cá nhân được nhắc đi nhắc lại thường xuyên. Họ làm mọi cách để đảm bảo tất cả, từ lãnh đạo đến người dân, luôn ý thức được rằng nước sẽ là thứ quyết định vận mệnh sống còn trong tương lai.
Những năm 1960, Singapore từng trải qua giai đoạn thiếu hụt nước sạch trầm trọng. Ảnh: PUB
So với Singapore và Israel, xét về lợi thế nước nói riêng và tài nguyên nói chung, Việt Nam không khác gì trọc phú.
Nhưng giống như mọi tay trọc phú khác, có rất ít người Việt Nam, từ các cán bộ lãnh đạo giàu có đến những người dân nghèo nhất, có khái niệm về sự khan hiếm nước và việc phải tiêu dùng tiết kiệm. Chỉ có những người ở các khu vực miền Trung, nơi thường xuyên chịu hạn hán, là cảm nhận ý thức rõ rệt về ý nghĩa của nguồn nước.
Đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử ở miền Tây Nam Bộ vào năm 2015-2016 là một chỉ dấu cảnh báo. Nhưng một khi không có giải pháp tự chủ nguồn nước, bớt phụ thuộc vào lòng tốt của các nước thượng nguồn như hiện tại, những tiếng chuông cảnh báo như trên sẽ sớm trở thành tiếng dế kêu hàng ngày.
Tất nhiên, chúng ta có thể rung đùi ngồi chờ thêm những trận hạn mặn lịch sử tiếp theo, hay một công trình thủy điện lớn ở thượng nguồn Mekong làm chặn dòng chảy, sau đó mới tính đến việc tự chủ nguồn nước.
Thông thái như người Israel cũng phải chờ đến đợt hạn hán kéo dài từ năm 1998 – 2002 mới tập trung đầu tư lớn mở rộng hệ thống khử mặn nước biển. Tầm nhìn xa của các lãnh đạo Singapore cũng đến từ việc thường xuyên bị Malaysia đe dọa cắt nguồn nước.
Việt Nam cũng có thể lựa chọn học theo cách khó khăn đó, chờ đến khi lửa sát vào mông mới giật mình đứng dậy chạy. Chỉ có điều với một thứ cấp thiết cho sự sống như nước, việc chủ quan ngồi chờ này không khác gì con ếch trong chiếc nồi nước được đun sôi.
Israel và Singapore là những con ếch được thả vào chiếc nồi đang sôi, biết nóng nên nhảy ra ngay tìm đường thoát. Việt Nam lại đang ở trong chiếc nồi đun sôi từ từ, vẫn mới chỉ toát mồ hôi, còn chưa thấy nóng lắm không việc gì phải nhảy vội.
Cho đến khi nồi đã sôi, con ếch muốn nhảy e là không còn kịp.
—
Từ khóa:
hạn hán: drought (n)
tính trạng thiếu nước sạch: water shortage (n)
xung đột: conflict (n)
khử mặn: to desalinize (v)
tài nguyên: resource (n)