Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hôm nay, Chủ Nhật, 24/3, Thái Lan tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên nhằm khôi phục chính quyền dân sự sau 5 năm trì hoãn kể từ cuộc đảo chính quân sự lật đổ nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra năm 2014, CNN đưa tin.
Chính quyền Thái Lan Prayut Chan-ocha đã hoãn cuộc bầu cử nhiều năm nay, viện lý do cần phải có hòa bình và trật tự sau nhiều tháng biểu tình trên đường phố. Những lần thất hứa của chính quyền quân sự khiến nhiều người Thái tức giận và thất vọng.
Hơn 93000 điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước Thái Lan đã được mở vào ngày Chủ Nhật. Theo luật bầu cử mới, cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ áp dụng “Hệ thống bầu cử hỗn hợp”. Lá phiếu của cử tri bỏ sẽ là ba trong một, trong đó bao gồm bầu 400 hạ nghị sỹ khu vực, cùng với 100 hạ nghị sĩ do các đảng phái đề cử để thành lập Hạ viện. Cơ quan này và thượng viện Thái Lan gồm 250 người do chính quyền quân sự bổ nhiệm sẽ chọn ra thủ tướng mới.
Hồi tháng 12/2018, chính quyền quân sự Thái Lan dưới sức ép của các phe đối lập và cộng đồng quốc tế đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các hoạt động chính trị, cho phép các đảng phái khác nhau tiến hành chiến dịch tranh cử.
Cùng thời gian, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 24/2/2019, nhưng sau đó chính phủ quân sự đã đề nghị hoãn lại đến tháng 3/2019, bày tỏ lo ngại các hoạt động tranh cử sẽ trùng với những hoạt động chuẩn bị cho lễ đăng quang của Quốc vương Maha Vajiralongkorn, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn, 66 tuổi, lên ngôi không lâu sau khi vua cha qua đời vào năm 2016 sau thời gian trị vì 70 năm, nhưng ông chưa chính thức đăng quang vì phải để tang một thời gian dài.
Các nhà quan sát xem cuộc tổng tuyển cử năm nay là cuộc giằng co giữa thể chế dân chủ và chế độ quân sự. Cuộc bầu cử sẽ chứng kiến sự cạnh tranh giữa Thủ tướng Prayut Chan-ocha đại diện cho đảng quân đội Palang Pracharat, đảng Pheu Thai với ứng cử viên Sudarat Keyuraphan, đảng Hướng tới Tương lai và đảng Dân chủ.
Một cuộc mít-ting vận động tranh cử của đảng đối lập Pheu Thai trước ngày bầu cử. Ảnh: China Daily.
Đương kim Thủ tướng Prayut sẽ thắng cử?Đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha vốn là một tướng quân đội. Ông lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 và sau đó tự tuyên bố “rời khỏi quân đội” để hợp thức hóa việc nắm quyền, nhằm thể hiện cho thế giới thấy ở Thái Lan không có chính quyền quân sự.
Giới quan sát quốc tế cho rằng, thực chất quân đội vẫn đứng sau lưng ông Chan-ocha trong quyết định điều hành đất nước.
“Cánh tay” đắc lực của quân đội trong trong hoạch định chính sách là Hội đồng Hòa bình và Trật tự (NCPO) – một cơ quan được lập ra sau cuộc đảo chính với thành viên đều là tướng tá quân đội. Ngay khi mới ra đời, NCPO đã tuyên bố nắm quyền kiểm soát, lãnh đạo đất nước Thái Lan cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. Người đứng đầu NCPO suốt bốn năm qua không ai khác chính là Prayut Chan-ocha.
Kể từ trở thành thủ tướng, Prayut Chan-o-cha đánh dấu 5 năm cầm quyền của mình với việc gia tăng đàn áp những nhà bất đồng chính kiến.
Lấy lý do “duy trì trật tự, tránh tái diễn tình trạng bạo động chính trị trên đường phố”, Prayut đã ban hành lệnh “cấm hoạt động chính trị”, bao gồm cả việc họp mặt và vận động cử tri. Lệnh cấm này chỉ được dỡ bỏ vào tháng 12/2018 do những chỉ trích dữ dội việc quân đội kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chính trị ở Thái Lan.
Trong 5 năm giới quân sự cầm quyền, bất bình đẳng gia tăng, tăng trưởng kinh tế suy giảm, quản lý nhà nước suy yếu. Thủ tướng Chan-Ocha muốn dân chúng tin tưởng vào viễn cảnh Thái Lan sẽ vươn lên để trở thành trung tâm của “hành lang kinh tế Đông Nam Á”, nhưng xem ra vương quốc Đông Nam Á đang trở thành “quốc gia bất bình đẳng”.
Các nhà phân tích cho rằng việc Thủ tướng Chan-Ocha “sở hữu” 250 thượng nghị sĩ cùng tham gia bỏ phiếu bầu thủ tướng với Hạ viện đang được bầu là một lợi thế “chắc thắng” của đảng Palang Pracharat, vì chỉ cần thêm 126 Hạ nghị sĩ nữa là đảng này có thể thành lập được chính phủ của mình.
Thủ tướng Prayut Chan-ocha nói rằng nếu ông giành chiến thắng, ông sẽ đưa đất nước trở lại “nền dân chủ”.
Lãnh tụ Thanathorn Juangroongruangkit của đảng đối lập Future Forward chụp ảnh selfie với ủng hộ viên ở Bangkok, ngày 20/2/2019. Ảnh: REUTERS/Soe Zeya Tun.
Cơ hội nào cho phe đối lập?Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy vẫn còn nhiều người trung thành với đảng đối lập Pheu Thai ở vùng trung tâm phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan, bất chấp việc đảng này bị cấm sử dụng tên hoặc hình ảnh của Thaksin hoặc em gái Yingluck, cả hai cựu thủ tướng nổi tiếng (mặc dù cả hai bị kết án vắng mặt với cáo buộc tham nhũng và đang sống lưu vong).
Theo nhiều nhà quan sát, đảng Pheu Thai (đảng Vì Người Thái) chịu ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin vẫn rất có thể sẽ giành chiến thắng. Pheu Thai giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử dân chủ từ năm 2001 đến nay.
Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2016, do tập đoàn quân sự dựng lên, đã dành cho quân đội quyền kiểm soát nhà nước. Thủ tướng sẽ do Quốc hội lưỡng viện chỉ định, trong lúc Thượng viện do chính giới quân sự bổ nhiệm. Nói cách khác, cho dù chiến thắng áp đảo tại Hạ viện, đảng Pheu Thai buộc phải tham gia vào “một liên minh” với giới quân sự để điều hành đất nước.
Nếu người dân bỏ phiếu đông đảo chống lại tập đoàn quân sự, thì giới tinh hoa (có quan hệ mật thiết với hoàng gia) với quyền lực kinh tế áp đảo của mình sẽ vào cuộc, tạo lập liên minh giữa nhiều đảng phái chính trị, để nắm quyền.
Một nhân vật mới xuất hiện trên chính trường Thái được cho là đối thủ mà tướng Chan–Ocha không nên xem thường là Thanathorn Juangroongruangkit, một doanh nhân 40 tuổi, lãnh đạo đảng Hướng tới Tương Lai (Future Forward), một đảng đang lôi cuốn tầng lớp thanh niên, sinh viên Thái.
Đảng Dân chủ, đối thủ chính và là đảng lớn thứ hai sau Pheu Thai, và đảng cỡ trung Bhum Jai Thai, đã loại trừ khả năng gia nhập liên minh do Thủ tướng Prayuth lãnh đạo – mặc dù họ vẫn để ngỏ lựa chọn hợp tác với đảng của ông.
Từ khóa
cuộc bầu cử: election (n)
đảng đối lập: opposition party (np)
cuộc đảo chính quân sự: military coup (np)
chế độ quân chủ: monarchy (n)
sự thống trị của quân đội, chế độ quân phiệt: military rule (np)
sự chỉ trích: criticism (n)
hiến pháp: constitution (n)
Hạ viện: House of Representatives, House of Parliament (n)
Thượng viện: Senate, Upper House (n)
thủ tướng: prime minister (np)
nền dân chủ: democracy (n)