Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
23:30 đêm, cô bạn người Ý cùng nhà sinh viên với tôi lọ mọ về sau buổi học chiều. Đường từ Metro về nhà mất chừng 20 phút và phải băng qua chân cầu rồi con đường dài không có nhiều nhà dân sinh sống. Tôi hỏi Chiara – tên của cô bạn: “Đi một mình như thế không sợ à?”. Cô ta ngạc nhiên hỏi lại: “Sợ gì cơ mày?”.
“Sợ” là trạng thái thường xuất hiện trong tôi thường xuyên. Những ngày đầu qua Pháp, đi trên vỉa hè thoáng đãng ở Lyon, tôi thi thoảng giật mình thon thót vì sợ có xe máy nào vượt rào giành đường. Nhiều lúc qua đường, tôi vẫn đăm chiêu nhìn bốn bề xem có ai vượt đèn đỏ không. Tuy nhiên, ở Lyon hay Lille hiện tôi đang sống, xe ô-tô, xe tải luôn dừng lại và nhường cho người đi bộ, đi xe đạp ở những điểm giao không có đèn giao thông. Và khi có đèn xanh thì cứ an tâm đi và… đừng sợ!
Từ cấp II, tôi đã phải đạp xe đi học cách nhà gần 10 cây số. Con đường đi học luôn là một vài đoạn có nhà dân và còn lại là những cánh đồng hai bên. Đường xa và thường vắng người nên nhóm bạn chúng tôi vẫn rủ nhau đi chung cũng chỉ để… đỡ sợ.
Buổi trưa sau giờ học đầu năm lớp 7, tôi phải một mình đạp xe về nhà vì bạn bè cùng xã đều phải học lớp bồi dưỡng buổi chiều. Con đường nhựa dài tăm tắp, mình tôi hổn hển với vòng xe. Một tên thanh niên đi lại gần. Chưa kịp phản ứng, hắn ta luồn tay, chạm vào trước ngực rồi nói: “Em ơi!”. Tôi bị đứng lặng và theo phản xạ, đạp xe với vận tốc nhanh nhất có thể. Thay vì đi đường thẳng như mọi ngày về nhà, tôi quẹo xe vào đường làng gần đó và hắn thì biến mất.
Từ ngày đó trở đi, tôi bị ám ảnh với những thanh niên tầm tuổi cấp III như hắn, mặc áo trường nghề, chiếc xe đạp màu xanh sẫm, với cái ba-lô cùng dáng khom lưng. Cũng từ ngày đó, tôi đều phải đi đường vòng qua các làng để về nhà nếu không có bạn bè đi cùng.
Có thể, nhiều người lớn lên tầm trang lứa với những kỷ niệm đạp xe hàng chục cây số như tôi coi chuyện đó là không hiếm. Đó chỉ là câu chọc ghẹo giống như đám thanh niên chăn trâu thường gọi trêu mấy đứa con gái chúng tôi: “Em gì ơi, xinh thế, anh hôn cái nào!”. Hay như chị hàng xóm cúi xuống lấy đồ trong cửa hàng thì anh thanh niên đi xe lướt qua rồi thả lời: “Em ơi, mông to thế!”. Và hẳn là vài thanh niên nghiêm túc sẽ nhảy vào: Được khen, thích thế còn gì!
Cũng là gì bất thường đâu khi ở quê, vẫn có chú hàng xóm gọi chúng tôi và bảo: Hôn chú một cái rồi chú cho kẹo. Hay mấy ông ngồi chơi phỏm vẫn thường có thói quen “sờ cu tí” của thằng nhỏ để lấy hên.
Tôi nhớ như in những câu nói, hình ảnh này từ cách đây hơn chục năm bởi nó khiến tôi thấy không bình thường. Chỉ đến khi có nhận thức, đọc nhiều hơn thì tôi mới gọi được tên nó là “quấy rối tình dục”.
Ồ, đã là quấy rối thì hẳn sẽ có người thấy phiền hà. Nó không chỉ là sự phiền hà giống như hàng xóm hát karaoke tối ngày với cái giọng như “đấm vào tai”. Cái phiền hà này còn ghi lại những chấn thương tâm lý cho người “bị quấy rối” nữa. Vậy, nhẹ hay nặng thì đã có pháp luật ra tay xử phạt!
Sau khi đã nhận thức về hành vi đó, tôi phải tố cáo với cơ quan công quyền. Có đấy, người có hành vi xằng bậy với phụ nữ thì sẽ bị xử phạt lỗi. Hành vi xằng bậy là: “có cử chi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” (Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Tuy nhiên thì nghị định vẫn chưa thực sự rõ ràng và chỉ mặt đặt tên một cách cụ thể thế nào là quấy rối tình dục. Và nếu đã gọi rõ, gọi đúng nó cùng sự nhận thức về vấn đề trong cộng đồng đi lên, liệu chúng ta có dắt tay nhau đến cơ quan pháp lý giải quyết chỉ vì anh ấy “trêu em” rồi “chọc em”? Và anh ấy sẽ nộp phạt với mức giá chưa bằng cái áo sơ mi của em nó? Hay, thay vì dắt tay nhau, chúng ta buông cái bụp, phủi tay và “xin sống vô tư (tâm) cho ngày tiếp theo”?
Vụ việc đau lòng của cô gái Điện Biên khuấy lên hai chữ “an toàn”. Khi những nguy cơ nhỏ tiềm ẩn, chìm nổi rồi “lềnh phềnh” trong cuộc sống, chữ an toàn mất đi và nỗi sợ sẽ kết bạn. Câu chuyện không đơn giản dừng lại ở một cô gái mà là nhiều cô gái, không ít chàng trai và là tất cả chúng ta. Đó là sự vắng bóng của niềm tin ở một xã hội nhiều rủi ro từ trong nhà (thực phẩm bẩn), ngoài đường (giao thông), trên trường (giáo dục) và khu vực sinh sống (môi trường).
Và giờ, tôi trả lời câu hỏi của cô bạn người Ý: “Sợ gì á? Thì sợ… là đi đêm lắm có ngày gặp ma!”. Tuy nhiên, tần xuất xuất hiện của ma là âm vô cực đối với cô bạn có niềm tin và chứng kiến nhiều điều lành, điều đúng trong cuộc đời.
Bạn từng bị quấy rối hay tấn công tình dục? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn và góp phần thay đổi thực trạng này. Xin gửi bài tại đây.
Luật Khoa đảm bảo giữ kín danh tính tác giả.