Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Sau nhiều ngày xác minh vụ việc nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy tại chung cư Golden Palm, ngày 18/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã đóng lại vụ việc với quyết định xử phạt hành chính 200 ngàn đồng đối với người đàn ông thực hiện hành vi “thả dê” cô gái.
Quyết định xử phạt được căn cứ vào Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, áp dụng cho người thực hiện hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, có mức phạt tiền từ 100 đến 300 ngàn đồng.
Đây cũng là mức phạt tương đương với hành vi tiểu tiện nơi công cộng theo Điểm d, Điều 7, của Nghị định này. Cũng tại quy định này, mức phạt trung bình 200 ngàn đồng còn được áp dụng cho các hành vi để gia súc, gia cầm hay động vật nuôi phóng uế nơi cộng cộng; không thực hiện việc quét dọn rác xung quanh nhà; hay để nước chảy ra khu tập thể, v.v.
Trong khi đó, ở một vụ việc khác hồi năm 2011, một cô gái đang học lớp 12 “vung tay trúng má cảnh sát giao thông” thì bị coi là một hành vi bạo lực tát vào má cảnh sát giao thông, sau đó bị kết án 9 tháng tù giam. Hoặc trường hợp hai thanh niên giả vờ mua bánh mì trị giá 45 ngàn đồng rồi bỏ chạy thì bị kết án 8 – 10 tháng tù về tội cướp tài sản với tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm”.
Cử chỉ thô bạo hay tấn công tình dục?Nội dung quyết định xử phạt hành chính của công an quận Thanh Xuân có vẻ không tương xứng với bản chất hành vi được cammera an ninh ghi lại.
Theo đó, vào khoảng 22h ngày 4/3, một người đàn ông (sau này được xác định là Đỗ Mạnh Hùng) cùng đi chung thang máy với một một cô gái. Ngay lập tức ông ta có các hành vi sàm sỡ một cách bạo dạn. Dù cô gái liên tục phản ứng né tránh, nhưng ông ta quyết thực hiện hành vi xông vào ôm và đè hôn cô gái.
Hành vi này không còn được xem là “cử chỉ trêu ghẹo” mà nó là một hành vi “tấn công tình dục”. Tức người đàn ông này dùng bạo lực khống chế nạn nhân là cô gái trẻ để thực hiện hành vi ôm hôn, thõa mãn dục vọng của mình.
Trong tình huống này, chẳng may thang máy bị kẹt, cửa không tự động mở ra để cô gái thoát thân, có thể hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn.
So sánh hành vi trong vụ việc này với các hành vi đặc trưng cơ bản của tội xâm phạm tình dục, chẳng hạn như hiếp dâm, có thể thấy hành vi này bước đầu mang dấu hiệu của một vụ hiếp dâm, đó là tấn công bạo lực trong sự kháng cự của nạn nhân để thực hiện hành vi ôm hôn lên các vùng nhạy cảm trên cơ thể nạn nhân, dù ý định giao cấu trong trường hợp này là chưa thể xác định.
Một hành vi bước đầu của tội phạm cưỡng hiếp đã không được cơ quan chức năng khởi tố vụ án để tiến hành điều tra tư pháp, mà lại xác định hành vi này như câu chuyện gà vịt phóng uế phổ biến thường ngày qua mức xử phạt hành chính 200 ngàn đồng.
Việc diễn giải sai lệch về hành vi rồi sau đó đi đến kết luận sai bản chất vụ việc, đôi khi được cơ quan chức năng sử dụng như là một biện pháp nhằm tránh truy cứu trách nhiệm hình sự cho đối tượng. Có thể điểm lại một số trường hợp tiêu biểu như cảnh sát hình sự “gạt tay trúng má” phóng viên, hay cảnh sát giao thông “đá người vi phạm” làm té ngã người đi đường.
Từ những vụ việc này cho thấy cơ quan chức năng dường như có cách hành xử thiếu lẽ công bình và sự chuẩn mực cần có khi đánh giá tính pháp lý qua từng sự việc. Nguyên tắc của một nền pháp quyền là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, các hành vi có mức độ nguy hiểm như nhau thì phải chịu những mức độ trừng phạt tương đương nhau. Trái với lẽ thường này chỉ khiến cho hình ảnh của cơ quan công quyền trở nên tuỳ tiện, thậm chí vô pháp.