Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Hôm thứ Năm, ngày 21/3/2019, hai cựu quan chức cao cấp của chính phủ Philippines đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về tội ác chống lại loài người do gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng ở Biển Đông, trang Rappler đưa tin.
Trong đơn kiện gửi tới Văn phòng Công tố viên của ICC, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales, nguyên lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines, thay mặt cho hàng trăm ngàn ngư dân và người dân nước này, cáo buộc ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao Trung Quốc đã phạm tội “gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng, gần như tàn phá vĩnh viễn môi trường biển trên khắp các quốc gia.”
Họ nói rằng thiệt hại về môi trường xảy ra khi ông Tập Cận Bình và các quan chức khác thực hiện “kế hoạch mang tính hệ thống của Trung Quốc nhằm chiếm lấy Biển Đông”.
Ông Del Rosario, bà Morales và các ngư dân viết trong đơn kiện: “Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác đã có những hành vi vi phạm luật quốc tế khi gây ra tổn hại nghiêm trọng cho (a) nhóm những người quốc tịch Philippines, những người phụ thuộc vào việc đánh bắt cá để kiếm sống, và (b) cho các thế hệ cư dân ven biển hiện tại và tương lai của các quốc gia ở Biển Đông, bao gồm cả những người mang quốc tịch Philippines, bằng cách đẩy nhanh sự sụp đổ nghề cá và do đó dẫn tới tình trạng thiếu lương thực ở một số quốc gia”.
“Mặc dù được công bố rộng rãi, những hành động vô nhân đạo và tàn bạo này của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông và trong lãnh thổ Philippines vẫn chưa bị trừng phạt, và chính xác chỉ ICC mới có thể bắt họ chịu trách nhiệm với người Philippines và cộng đồng quốc tế. Chỉ ICC mới khiến Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp”.
Manila sở hữu quyền đối với một phần của các vùng biển này, được gọi là Biển Tây Philippines.
Tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) ở Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ việc Trung Quốc đòi hỏi “quyền lịch sử” trên những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ “đường chín đoạn” ở Biển Đông mà Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố ngày 15/8/1951.
Trong phán quyết của mình, PCA kết luận, “mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các ‘đảo’ ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng “độc quyền kiểm soát” các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.”
Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia và Đài Loan là những nước có các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông.
Hai cựu quan chức cao cấp Philippines gửi lá đơn nói trên cho Tòa án Hình sự Quốc tế từ ngày 15/3, tức chỉ hai ngày trước khi Manila chính thức rút khỏi hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế hôm 17/3/2019.
ICC là tòa án hình sự quốc tế thường trực, độc lập đầu tiên của cộng đồng quốc tế. Tòa án có thẩm quyền điều tra và xét xử các cá nhân chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng nhất như: tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội xâm lược.
Năm 2016, ICC ra tuyên bố mới, cho biết tòa án này sẽ bắt đầu thụ lý và xét xử cả những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp. ICC nhấn mạnh hành động hủy hoại môi trường và chiếm đoạt đất đai có thể dẫn tới việc khởi tố các vụ án về tội ác chống lại loài người.
Hiện số quốc gia thành viên của Quy chế Rome là 123, trong đó không có Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Singapore, và Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp không là thành viên của ICC, một quốc gia cũng có thể phải chịu ảnh hưởng của việc thực hiện thẩm quyền của tòa án. Trường hợp phổ biến là nếu công dân của nước đó phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia là thành viên của ICC thì hành vi này thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án.
Một trường hợp nữa là hành vi phạm tội diễn ra trên lãnh thổ một nước không phải thành viên của ICC, nhưng lại do công dân của một nước thành viên tiến hành, thì ICC vẫn có thẩm quyền xét xử công dân đó.
Thông qua các diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhiều quốc gia đã thúc giục Việt Nam gia nhập Quy chế Rome nhưng Việt Nam chưa có phản ứng đáng kể nào.
—
Từ khóa:
Tòa án Hình sự quốc tế: International Criminal Court
Quy chế Rome: Rome Statute
sự cam kết: commitment (n)
ngư dân: fisherman (n)
tàn phá: to devastate (v)
thiệt hại về môi trường: environmental damage (np)
tội ác chống lại loài người: crimes against humanity (np)