Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã tự quảng bá về mình với hình ảnh của một tỉ phú tự thân. Tuy nhiên, điều tra của tờ New York Times chỉ ra rằng ông đã nhận được số tài sản trị giá ít nhất 413 triệu USD theo giá hiện thời, từ đế chế bất động sản của người cha, mà phần nhiều trong số đó là kết quả các hoạt động lách thuế trong thập niên 1990.
Theo điều tra của tờ Times, Tổng thống Trump đã tham gia vào các kế hoạch lách thuế mờ ám trong suốt thập niên 1990, trong đó có những hành vi lừa đảo rõ ràng, giúp bơm căng đáng kể gia sản ông nhận được từ cha mẹ mình.
Ông Trump đã thắng cử chức tổng thống với tuyên bố mình là tỉ phú tự thân, và từ lâu ông luôn khẳng định cha ông, nhà thầu xây dựng huyền thoại của thành phố New York, Fred C. Trump, gần như không giúp đỡ gì cho ông về mặt tài chính.
Nhưng điều tra của New York Times qua một lượng tài liệu ghi chép lớn về các khoản khai thuế và báo cáo tài chính bí mật đã tiết lộ rằng, ông Trump đã nhận được khoản tài sản tương đương ít nhất 413 triệu đô theo giá trị hiện thời từ đế chế bất động sản của người cha. Việc này bắt đầu từ khi ông còn là trẻ sơ sinh và kéo dài cho tới tận ngày hôm nay.
Phần lớn số tiền này đến từ việc ông Trump đã giúp đỡ cha mẹ mình lách thuế. Các giấy tờ và những cuộc phỏng vấn cho thấy ông và các anh chị em lập ra công ty bình phong để che giấu hàng triệu đô quà tặng từ cha mẹ. Số liệu chỉ ra rằng ông Trump đã giúp đỡ cha mình né hàng triệu đô tiền thuế. Ông cũng giúp đỡ trong việc lập ra chiến lược định giá cổ phần bất động sản của cha mẹ mình thấp hơn thực tế hàng trăm triệu đô trong quá trình khai thuế, để khi số tài sản này chuyển cho mình và các anh chị em, số thuế phải nộp lại được cắt giảm đáng kể.
Những việc làm trên gần như không gặp trở ngại nào từ Sở Thuế vụ. Cha mẹ của đương kim tổng thống, ông Fred và bà Mary Trump, đã chuyển hơn 1 tỉ đô tài sản cho con cái, mà theo mức thuế 55% vào thời điểm đó đánh lên quà tặng và thừa kế, lượng thuế nhà nước thu được phải đạt ít nhất 550 triệu đô.
Thay vì đó, theo các tài liệu nộp thuế, gia đình Trump đã nộp tổng cộng 52,2 triệu đô, khoảng 5%.
Tổng thống đã từ chối tất cả những yêu cầu từ New York Times để bình luận về điều tra đặc biệt này. Charles J. Harder, một luật sư của ông Trump, đã gửi một bản thông cáo vào thứ hai (ND: một ngày trước khi bài báo được xuất bản), một ngày sau khi New York Times gửi bản mô tả chi tiết những thông tin đã thu thập được. Bản thông cáo ghi “Những cáo buộc về gian lận và trốn thuế của tờ New York Times là 100% sai sự thật, và gây tổn hại lớn đến danh tiếng của người khác… Không có sự gian lận hay trốn thuế nào cả. Những cáo buộc sai này dựa trên những chứng cứ cực kỳ không chính xác.”
Tìm cách tách biệt ông Trump ra khỏi các hoạt động liên quan đến thuế vụ của gia đình, ông Harder nói tổng thống đã giao những công việc đó cho người thân và những chuyên gia thuế. “Tổng thống Trump hầu như không liên quan gì đến những vấn đề này… Những thành viên khác trong gia đình Trump đã phụ trách các hoạt động trên, bản thân họ cũng không phải chuyên gia và dựa hoàn toàn vào các chuyên gia có chứng nhận để đảm bảo mọi việc đều theo đúng khuôn khổ pháp luật.”
Em trai của tổng thống, ông Robert Trump, thay mặt gia đình Trump đã đưa ra thông cáo sau:
“Người cha kính yêu của chúng tôi, ông Fred C. Trump, đã qua đời vào tháng 6/1999. Người mẹ yêu quý của chúng tôi, bà Mary Anne Trump, qua đời vào tháng 8/2000. Tất cả những yêu cầu khai thuế về quà cáp và tài sản đều được điền đầy đủ, và những khoản thuế được yêu cầu đều được trả. Các hồ sơ tài sản của cha chúng tôi được đóng lại vào năm 2001 và được Sở Thuế vụ và các cơ quan thuế của bang New York kiểm tra, còn các hồ sơ tài sản của mẹ chúng tôi được đóng lại vào năm 2004. Gia đình chúng tôi không có bình luận gì thêm về những vấn đề này, vốn đã xảy ra khoảng 20 năm trước, và hi vọng nhận được sự tôn trọng về quyền riêng tư cho cha mẹ đã mất của chúng tôi, xin Chúa ban phước lành cho họ.”
Điều tra của tờ New York Times đã nêu lên những câu hỏi mới về việc ông Trump từ chối công bố báo cáo thuế thu nhập của mình, điều đi ngược với thông lệ hàng chục năm qua của các tổng thống Mỹ. Theo các chuyên gia thuế, khó có khả năng ông Trump sẽ bị định tội vì đã giúp đỡ cha mẹ mình trốn thuế khi những việc này đã diễn ra quá lâu và quá thời hạn xử lý. Tuy nhiên, việc xử phạt dân sự cho các hành vi gian lận thuế thì không có thời hạn.
Những kết quả điều tra đến từ các cuộc phỏng vấn với những nhân viên cũ, các cố vấn của ông Fred Trump cùng với hơn 100.000 trang tài liệu mô tả hoạt động bên trong và lợi nhuận khủng từ đế chế của ông. Những tài liệu này bao gồm nguồn lấy được công khai, từ các khoản vay và giấy tờ sở hữu, các hồ sơ di chúc, báo cáo công bố tài chính, tài liệu hoạt động theo luật và các hồ sơ tòa án.
Cuộc điều tra cũng lấy nguồn từ vài chục ngàn trang các tài liệu bí mật, như báo cáo tài khoản ngân hàng, kiểm toán tài chính, sổ sách kế toán, báo cáo chi trả các khoản tiền mặt lớn, các hóa đơn và những tờ chi phiếu đã bị hủy. Đáng kể nhất, các tư liệu bao gồm hơn 200 báo cáo khai thuế từ Fred Trump, các tập đoàn, những công ty hợp danh (partnership) và các quỹ khác nhau của ông. Trong khi những tài liệu này không bao gồm các phần kê khai thuế cá nhân của tổng thống, cũng không tiết lộ gì nhiều về các hoạt động kinh doanh gần đây ở trong và ngoài nước của ông, vài chục bản khai thuế của các doanh nghiệp, các công ty hợp danh và quỹ tín thác cho chúng ta cái nhìn công khai đầu tiên về thu nhập mà ông đã nhận được từ những công ty khác nhau của gia đình qua nhiều thập kỷ.
Những tiết lộ từ các chứng cứ này cho thấy một sự trái ngược hoàn toàn so với tiểu sử tài chính mà tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thường rao trong các quyển sách, các show truyền hình và những hoạt động chính trị của ông. Trong phiên bản về cuộc đời làm giàu của mình, ông Trump là bậc thầy về thương thuyết, người đã tách khỏi hoạt động kinh doanh “bé tẹo” của cha mình, hô biến từ 1 triệu đô tiền vay của người cha (“Tôi còn phải trả lại tiền cho ông ấy cùng với lãi suất nữa!”) thành đế chế 10 tỉ đô với tên của Trump được gắn lên những khách sạn, cao ốc, casino, các hãng bay và những sân golf trên khắp thế giới. Trong phiên bản của Trump, bản năng nhạy bén và trí tuệ đã luôn giúp ông vượt qua các thời khắc khó khăn. Fred Trump chỉ đơn thuần là cổ động viên.
“Tôi đã tự tay dựng nên tất cả mọi thứ của mình”, ông Trump đã nói như vậy. Đó cũng là thông điệp từ lâu được thổi bùng lên nhờ những bài viết hăng hái ăn theo của báo đài, trong đó có cả tờ New York Times.
Hẳn nhiên trước đây từng có những phóng viên, người viết tiểu sử như Wayne Barrett, Gwenda Blair, David Cay Johnston và Timothy L. O’Brien, đã chất vấn phiên bản câu chuyện này của Trump, đặc biệt là việc tự tuyên bố giá trị tài sản lên đến 10 tỉ đô. Họ đã mô tả những cách thức mà ông Trump núp bóng các mối liên kết ngân hàng của cha mình để đặt chân vào thị trường bất động sản ở Manhattan. Họ chọc thẳng vào tuyên bố về khoản vay 1 triệu đô, đưa ra các bằng chứng rằng trên thực tế ông đã vay 14 triệu. Họ kể về việc Fred Trump đã từng giúp con mình trả 3,5 triệu đô tiền ứng trước cho nhà thầu (bond payment) cho dự án sòng bạc Atlantic City bằng cách bỏ tiền ra mua các con chip đánh bạc (casino chip) ở đó.
Tuy vậy, điều tra này của New York Times về hoạt động tài chính của gia tộc Trump có quy mô và chi tiết chưa từng có. Nó cho cái nhìn đầy đủ đầu tiên về các gia tài được thừa kế cùng những khoản thuế né được mà qua đó đảm bảo một cuộc sống ngồi mát ăn bát vàng cho Donald J. Trump. Báo cáo này chỉ rõ rằng ở tất cả những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, tình hình tài chính của ông Trump luôn gắn cuộn mật thiết, và phụ thuộc vào tài sản của cha mình.
(Còn nữa)
Bài tóm tắt: Huyền thoại về ‘tỉ phú tự thân’ Donald Trump
Kỳ 2: Cha giàu và triệu phú 8 tuổi
Kỳ 3: Fred Trump nhận trợ cấp chính phủ để gây dựng gia tài
Kỳ 4: Fred Trump và nỗ lực gây dựng hình ảnh tỉ phú tự thân cho con trai
Kỳ 5: Khủng hoảng và tấm lưới an toàn của cha
Kỳ 6: Thổi phồng và bóp xẹp giá trị tài sản
Kỳ 7: Khi Donald muốn sửa di chúc của cha
Kỳ 8: Dòng tiền chảy qua lỗ hổng thuế quan
Kỳ 9: Phù phép giá trị bất động sản
Kỳ 10: Chia tách cổ phần
Kỳ 11 và hết: Cáo chung của một cơ đồ
Bài viết này nằm trong loạt bài giới thiệu phóng sự điều tra đặc biệt của tờ New York Times về quá trình làm giàu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là phóng sự dựa trên hơn 100.000 tài liệu, hồ sơ, sổ sách tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình Trump từ những năm 1970. Bên cạnh đó, New York Times cũng tiến hành phỏng vấn hàng loạt nhân viên cũ của công ty gia đình Trump và các học giả, chuyên gia về thuế. Tổng thống Trump từ chối đề nghị phỏng vấn của tờ Times, còn luật sư của ông thì bác bỏ toàn bộ cáo buộc gian lận thuế và trốn thuế mà phóng sự nêu ra.