Huyền thoại Donald Trump – Kỳ 3: Fred Trump nhận trợ cấp chính phủ để gây dựng gia tài

Huyền thoại Donald Trump – Kỳ 3: Fred Trump nhận trợ cấp chính phủ để gây dựng gia tài
Donald Trump (trái) và Fred Trump (phải) tại dự án Trump Village năm 1973. Ảnh: Barton Silverman/The New York Times/Redux.

Kinh nghiệm, các mối quan hệ và một chuỗi trợ cấp xây dựng từ chính phủ đã giúp Fred Trump xây lên nền tảng cho sản nghiệp của con trai ông sau này.

Trước khi qua tuổi 20, Fred Trump đã dựng nên và bán được căn nhà đầu tiên của mình. Ở tuổi 35, ông xây dựng hàng trăm căn nhà mỗi năm ở Brooklyn và Queens. Ở tuổi 45, ông đã xây những tổ hợp chung cư căn hộ thuộc loại lớn nhất nước.

Bên cạnh tinh thần làm việc đáng nể – “Ngủ chỉ phí thời gian”, ông thường nói – sự nghiệp thăng tiến này của ông còn nhờ vào khả năng áp dụng khôn ngoan các kỹ thuật xây dựng hàng loạt. Tờ báo Brooklyn Daily Eagle đã gọi ông là “Henry Ford của ngành công nghiệp xây dựng nhà ở”. Ông dựng giàn giáo kéo dài cả một dãy phố để các thợ xây, thỉnh thoảng làm việc hai ca xuyên đêm, xây nên hàng chục dãy nhà chỉ trong một tuần. Những ngôi nhà đó được bán với giá 115.000 đô theo giá trị hiện thời.

Đến năm 1940, tạp chí American Builder (Thợ xây Mỹ) đã chú ý đến ông, dành nguyên hai mặt báo để viết về ông dưới tiêu đề “Show diễn lớn nhất của nhà xây dựng sô-lô” (Biggest One-Man Building Show). Bài báo mô tả về một nhân vật cao ngạo độc lập, trả tiền cho mọi thứ – lương, các trang thiết bị, đất đai – từ cộc tiền dày cộp ông luôn mang theo bên mình, với sự trợ giúp duy nhất đến từ một thư ký chuyên trả lời điện thoại trong một văn phòng chỉ nhỉnh hơn chỗ đậu xe hơi một tẹo. “Ông ấy đóng tất cả các vai, đại lý thu mua, nhân viên thu ngân, ông chủ chi trả, giám sát công trình, kỹ sư xây dựng và giám đốc bán hàng,” bài báo viết.

Trên thực tế, mọi thứ không đơn giản chỉ có vậy. Fred Trump còn dành nhiều năm tiếp cận đi lại với cơ quan chính quyền của Brooklyn, cho tiền, giúp đỡ và kết bạn với nhiều người (như Abraham D. Beame, thị trưởng tương lai), những người có thể giúp cuộc đời xây dựng của ông xuôi chèo mát mái hơn rất nhiều. Ông cũng tập hợp được một đội nhóm thân cận gồm các luật sư bất động sản, các chuyên viên định giá tài sản và các kế toán thuế giúp bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tất cả những điều này – kinh nghiệm dày dạn, sự nhanh nhạy, các mối quan hệ, và sự tập trung cao độ nâng cao hiệu suất xây dựng nhà ở dành cho giới trung lưu – đã đặt ông vào vị trí hoàn hảo để tiếp nhận làn sóng đầu tư của chính phủ cho xây dựng nhà ở. Làn sóng này bắt đầu với New Deal (Thương vụ Mới), chương trình bắt đầu trong Thế chiến II để cấp tập xây nhà ở quân đội, và lên cao trào thời hậu chiến với yêu cầu cấp thiết cung cấp nhà ở cho những người tham chiến trở về. Theo quyển sách của Gwenda Blair, “Gia tộc Trump: Ba thế hệ nhà Xây dựng và một Tổng thống”, Fred Trump là một trong những người nhận được nhiều nhất những khoản vay ưu đãi cho xây dựng từ chính phủ, nhờ vậy trở thành một triệu phú giàu có hơn trước đó nhiều lần.

Chính những khoản vay ưu đãi trên là nguồn suối chảy vào tài sản của Donald Trump. Cuối thập niên 1940, Fred Trump nhận được khoảng 26 triệu đô vay chính phủ để xây dựng hai trong số những dự án lớn nhất của ông, tòa nhà căn hộ Beach Haven, gần Coney Island, Brooklyn, và Shore Haven, cách đó vài dặm. Rồi ông biến các con của mình thành chủ sở hữu của những dự án này.

Khi khoản tiền thuê căn hộ làm dày thêm quỹ tín thác dành cho các con của mình, Fred Trump tiếp tục tìm những con đường khác thênh thang hơn để chuyển dịch tài sản cho các con. Theo các tư liệu gần đây New York Times thu thập được, ông đã xây dựng hoặc mua các căn hộ chung cư ở Brooklyn và Queens và dần dần, một cách kín đáo, chuyển quyền sở hữu cho các con thông qua mạng lưới các tập đoàn và công ty hợp danh. Tổng cộng, Fred Trump tích lũy gần 13 triệu đô dưới dạng tiền mặt và các khoản cho vay, tạo nên một đế chế mini trong đế chế gồm 8 tòa nhà với 1.032 căn hộ mà ông sẽ chuyển toàn bộ cho các con.

Việc chuyển giao bắt đầu trước sinh nhật lần thứ 16 của Donald Trump. Vào ngày 1/6/1962, Fred Trump chuyển giao một khu đất ở Queens cho một công ty mới thành lập. Theo các tài liệu thu thập được, trong khi ông sẽ trở thành chủ tịch của công ty mới này, các con ông sẽ trở thành những chủ nhân của nó. Sau đó ông xây dựng tòa nhà 52 căn hộ Clyde Hall tại đây.

Đó là tiền mát bát vàng cho các đứa trẻ nhà Trump. Cha của họ lo tất cả mọi thứ. Ông mua đất, xây căn hộ và vay tiền ngân hàng. Các nhân viên của ông quản lý tòa nhà. Trong khi đó lợi nhuận chảy vào túi các con ông. Đến đầu thập niên 1970, Fred Trump đã áp dụng các hình thức chuyển giao tương tự cho bảy tòa nhà khác của ông.

Với Donald Trump, điều này có nghĩa là ông nhận được một nguồn thu nhập mới tăng lên nhanh chóng. Khi còn học cấp ba, phần chia lợi nhuận ông nhận được là 17.000 đô mỗi năm tính theo giá trị hiện tại. Nó tăng lên mức vượt hơn 300.000 đô mỗi năm ngay sau khi ông tốt nghiệp đại học.

Fred Trump (trái) và Donald Trump (phải). Ảnh: Getty.

Làm cách nào Fred Trump chuyển nhượng 1.032 căn hộ của mình cho các con mà không phải trả hàng trăm ngàn đô tiền thuế, đó là điều bí ẩn. Kiểm tra lại các tài liệu về tám bất động sản đó không cho thấy chứng cứ nào về việc các con ông đã mua nó công khai. Những tư liệu tài chính mà New York Times có được chỉ tiết lộ rằng tất cả cổ phần trong những tập đoàn và công ty hợp danh lập ra cho đế chế mini của ông, vào thời điểm nào đó, đã được chuyển giao toàn bộ cho các con. Nhưng phần khai thuế của ông chỉ ra ông không trả bất kỳ khoản thuế quà tặng nào cho bảy tòa nhà của mình, và chỉ trả vài ngàn đô cho tòa nhà thứ tám.

Tòa nhà thứ tám đó, Sunnyside Towers, tổ hợp 158 căn hộ tại Queens, là minh họa cho cách thức tiếp cận mèo-bắt-chuột (catch-me-if-you-can) của Fred Trump với Sở thuế vụ, nơi đã liên tục triệu tập ông trong các năm 1950 và 1960 về vấn đề tránh thuế.

Sunnyside được Midland Associates, một công ty hợp danh do Fred Trump lập ra cùng đứng tên với các con, mua lại với giá 2,5 triệu đô vào năm 1968 để thực hiện việc chuyển giao. Theo bản khai thuế năm 1969 của Fred Trump, ông trao cho từng người con của mình 15% cổ phần trong Midland Associates. Dựa trên số tiền mặt dùng để mua Sunnyside, giá trị của món quà này lẽ ra phải đạt 93.750 đô. Thay vào đó, ông kê khai khoản quà tặng đó với giá chỉ có 6.516 đô.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Pennsylvania vào năm 1968, Donald Trump vào làm việc cho cha mình. Fred Trump đặt con vào ghế Phó chủ tịch của hàng chục công ty. Đây cũng là thời điểm Fred Trump gửi điện tín (telegraph) thông báo cho gia đình và các nhân viên của mình một điều đau đớn hiển nhiên: Ông không xem con trai cả, Fred Trump Jr., là người xứng đáng thừa kế trực tiếp gia sản của mình.

Fred Jr., lớn hơn Donald 7 tuổi rưỡi, cũng đã làm việc cho cha từ sau khi tốt nghiệp. Theo các phỏng vấn từ người thân và nhân viên cũ, mối quan hệ giữa hai người không mấy tốt đẹp. Fred Trump thường xuyên công khai chế giễu con mình vì quá tốt bụng, quá hiền lành, quá lười, quá thích uống rượu. Ông nhăn mặt trước sở thích bay lượn và âm nhạc của con, không hiểu nổi vì sao con mình lại dành quá ít sự quan tâm cho công việc kinh doanh của gia đình. Donald, chứng kiến sự thất vọng cùng cực của cha, chủ động tô điểm mình trở thành hình mẫu đối lập với Fred Jr. – một kẻ rắn rỏi tự tin với bản năng sát thủ. Phần thưởng của Donald là được cha mình cho thừa kế giấc mộng đế vương.

Fred Trump bắt đầu thực thi những bước đi chỉ giúp cho một mình Donald Trump tiến thân, dạy ông bí kíp xây dựng với những khoản vay ưu đãi rẻ rề từ chính phủ. Vào năm 1972, hai cha con lập ra công ty hợp danh để xây nên cao ốc cho người lớn tuổi tại East Orange, N.J. Nhờ vào các khoản trợ cấp chính phủ, công ty hợp danh này nhận được gần 7,8 triệu đô tiền vay lãi suất gần bằng không, bao hết 90% chi phí xây dựng. Fred Trump trả phần chi phí còn lại.

Nhưng theo các tư liệu, con trai ông nhận được hầu hết các lợi ích tài chính từ đó. Ngoài phần phân chia lợi nhuận và chi phí tư vấn, Donald Trump được trả tiền để quản lý tòa nhà, dù việc quản lý này do nhân viên của Fred Trump thực hiện. Donald cũng bỏ túi khoản tiền mà người thuê nhà phải trả để thuê máy điều hòa. Đến năm 1975, Donald Trump nhận được tương đương với giá trị hiện thời 305.000 đô mỗi năm từ tòa nhà này.

Fred Trump cũng ủn thêm một chân cho người con thông qua phần đầu tư của ông, đầu thập niên 1970, vào việc phát triển xây dựng còn đang lộn xộn ở Starrett City tại Brooklyn. Đây là dự án nhà ở được trợ cấp lớn nhất của chính phủ vào thời điểm đó. Khoản đầu tư này, với hứa hẹn sẽ được miễn một phần thuế cực lớn, được dành riêng cho Fred Trump. Sau này ông sẽ sử dụng phần lỗ khi đầu tư vào Starrett City để khai né đi phần thuế phải đóng cho lợi nhuận từ đế chế của mình.

Fred Trump đầu tư 5 triệu đô vào đây. Một công ty hợp doanh khác, lập ra cho các con của ông, đầu tư thêm 1 triệu đô nữa, giúp tránh thuế cho các con của Trump trong suốt những thập kỷ tiếp theo. Nó đã giúp Donald Trump không phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập nào vào năm 1978 và 1979. Nhưng Fred Trump cũng đã ủy nhiệm cho con mình bán một phần nhỏ cổ phần của ông ở Starrett City, một thương vụ ngọt ngào đem tới hơn 1 triệu đô giá trị hiện tại cho Donald Trump dưới dạng “chi phí tư vấn”. Tất cả số tiền từ các chi phí tư vấn, phí quản lý, tiền thuê nhà, đế chế mini và lương lậu giúp Donald Trump hiển nhiên trở nên giàu có từ rất lâu trước khi ông bán căn hộ Manhattan đầu tiên của mình. Theo tìm hiểu của New York Times, đến năm 1975, ở tuổi 29, Donald đã nhận tổng cộng gần 9 triệu đô theo giá trị hiện tại từ cha mình.

Giàu có, đúng vậy. Nhưng vẫn còn là khoảng cách xa so với hình ảnh mà Donald Trump lẫn cha của mình muốn tạo dựng cho con.

(Còn nữa)

Bài tóm tắt: Huyền thoại về ‘tỉ phú tự thân’ Donald Trump
Kỳ 1: Vén màn đế chế gia tộc Trump
Kỳ 2: Cha giàu và triệu phú 8 tuổi


Bài viết này nằm trong loạt bài giới thiệu phóng sự điều tra đặc biệt của tờ New York Times về quá trình làm giàu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là phóng sự dựa trên hơn 100.000 tài liệu, hồ sơ, sổ sách tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình Trump từ những năm 1970. Bên cạnh đó, New York Times cũng tiến hành phỏng vấn hàng loạt nhân viên cũ của công ty gia đình Trump và các học giả, chuyên gia về thuế. Tổng thống Trump từ chối đề nghị phỏng vấn của tờ Times, còn luật sư của ông thì bác bỏ toàn bộ cáo buộc gian lận thuế và trốn thuế mà phóng sự nêu ra.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.