Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tập Cận Bình (Xi Jinping) có thể phải chiếm Đài Loan trước khi các cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan và Mỹ diễn ra trong năm 2020. Bởi sau đó, cơ hội sử dụng vũ lực có thể sẽ không còn nữa.
Đó là nhận định của hai học giả Peter Gries and Tao Wang của khoa Chính trị học, Đại học Manchester (bang Indiana, Hoa Kỳ) trong bài báo “Will China Seize Taiwan?” (Liệu Trung Quốc sẽ chiếm Đài Loan?) đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 15/01/2019. Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu với bạn đọc nội dung của bài báo nói trên.
Chiếm Đài Loan và tham vọng đế vương của Tập Cận Bình“Trung Quốc sẽ thống nhất, và nhất định sẽ thống nhất. Đây là đòi hỏi tất yếu cho sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới”, hãng tin Bloomberg dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping). Ông Tập đồng thời cảnh báo sẽ quyết liệt chống lại những nỗ lực thúc đẩy độc lập cho Đài Loan, và Bắc Kinh không loại trừ phương án sử dụng vũ lực để “thu hồi” hòn đảo này.
Đưa Đài Loan quy phục dưới chính quyền Bắc Kinh có lẽ là mục tiêu quan trọng nhất mà Chủ tịch Tập Cận Bình muốn hiện thực hóa.
“Điều duy nhất giúp Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc vĩ đại nhất lịch sử là biến Đài Loan trở thành một phần của Trung Quốc đại lục. Nếu làm được điều đó, ai dám nói ông ta xếp sau Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình?”, Shen Dingli, học giả ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan (Thượng Hải, Trung Quốc), phân tích trên trang Quartz hồi năm 2018.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trên tàu khu trục Trường Sa (Changsha) ngày 12/4/2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng – Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trở nên căng thẳng từ đầu năm 2016 – thời điểm bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) trúng cử tổng thống Đài Loan. Nhà lãnh đạo đảng Dân Tiến chủ trương thúc đẩy dân chủ và bác bỏ chính sách “Một Trung Quốc”. Nghi ngờ chính quyền bà Thái muốn tuyên bố độc lập, Bắc Kinh đã liên tục tiến hành diễn tập không quân và hải quân ở khu vực quanh đảo Đài Loan với sự tham gia của các khí tài hiện đại nhất.
Không chỉ răn đe bằng sức mạnh quân sự, Bắc Kinh còn ra sức cô lập Đài Loan trên trường quốc tế nhằm chặt bớt “vây cánh” của Đài Bắc. Mới đây, với việc Cộng hòa Dominica “phản Đài, theo Trung” sau 77 năm nhận viện trợ từ Đài Loan, số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc chỉ còn 19 nước [đến nay chỉ còn 17 nước – ND]. Trung Quốc cũng gây áp lực buộc các hãng hàng không thay thế tên gọi “Đài Loan” thành “Đài Loan, một tỉnh của Trung Quốc” (Taiwan, Province of China). Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan sang định cư và đầu tư tại Hoa lục với rất nhiều ưu đãi.
Trước năm 2019, không thiếu những dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình đang nghiêng về ý định cứng rắn với Đài Loan. Có lần, Chủ tịch Trung Quốc đã nói với mọi người rằng ông “rất ấn tượng về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chiếm giữ Crimea”, một nhân vật ở Bắc Kinh nói với phóng viên Evan Osnos vào năm 2015. “[Putin] đã chiếm giữ một mảnh đất và những nguồn tài nguyên lớn” và đối mặt với rất ít sự kháng cự từ phương Tây.
Sức ép từ phía Bắc Kinh khiến tổng số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc chỉ còn 17 nước. Ảnh: Ouest-France.
Mặc dù Trung Quốc không ngừng tập trận trên eo biển Đài Loan, Đài Bắc vẫn luôn tự nhủ rằng “Bắc Kinh sẽ không tấn công”. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố năm 2017: “Tập Cận Bình sẽ không kích động một cuộc chiến tranh có khả năng kéo Nhật Bản và Hoa Kỳ vào cuộc”.
Nhiều người khác trong đảng Dân Tiến cho rằng “Trung Quốc quá yếu”. “Trung Quốc có quá nhiều vấn đề nội bộ để có thể xúc tiến chiếm Đài Loan”, giáo sư Fan Shih-Ping phân tích năm 2017.
Quốc Dân Đảng (Kuomintang) – đảng đối lập lớn nhất ở Đài Loan, có cái nhìn “màu hồng” về Bắc Kinh và bác bỏ khả năng Trung Quốc xâm chiếm hòn đảo. “Sẽ không có vấn đề gì”, cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) tuyên bố hồi năm ngoái. “Ngày nay, chiến lược hàng đầu của Bắc Kinh là trỗi dậy hòa bình”, nhà báo Huang Nian viết vào tháng Tư. “Thống nhất bằng vũ lực sẽ làm ‘trật bánh’ chiến lược này”.
Sự tự mãn đó dẫn đến việc Đài Loan bỏ bê lực lượng vũ trang của mình. Quân đội Đài Loan đang thiếu nhân lực trầm trọng. Năm 2018, một quyết định của Đài Loan khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ đã hủy bỏ chính sách nhập ngũ bắt buộc. Hoa Kỳ đã khuyến nghị Đài Loan xem xét lại chính sách này. “Đó là một sai lầm”, các quan chức của Hoa Kỳ kết luận. Trong cuộc thăm dò vào tháng 4/2018, hơn 40% người Đài Loan nói rằng họ “không tự tin chút nào” về việc quân đội có thể bảo vệ được Đài Loan. Khoảng 65% người dân tự nhủ rằng Trung Quốc sẽ không thực hiện hành động quân sự, và chỉ 6% tin rằng một cuộc tấn công là rất có thể xảy ra.
“Nước Mỹ trước tiên” sẽ bỏ rơi Đài Loan?Việc các lực lượng vũ trang Đài Loan đang suy yếu đã làm tăng sự phụ thuộc về mặt quân sự của Đài Loan vào Hoa Kỳ, trong lúc nhiều người ở Bắc Kinh đang đặt câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Học thuyết “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump thuyết phục được nhiều người Trung Quốc rằng một Hoa Kỳ theo chủ nghĩa biệt lập ngày nay sẽ không đến để bảo vệ Đài Loan. “Mỹ sẽ hy sinh Đài Loan”, Hoàn cầu Thời báo khẳng định năm 2017.
Trong nhiều thập kỷ, chính sách “răn đe kép” của Hoa Kỳ đã giúp ngăn chặn xung đột ở eo biển Đài Loan. Washington cảnh báo Bắc Kinh không được tấn công một cách vô lý, nhưng trấn an các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Còn đối với chính quyền Đài Bắc, Hoa Kỳ nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ nước này, miễn là họ không khiêu khích Bắc Kinh bằng cách tuyên bố độc lập. Chính sách này đã giúp Đài Loan được hưởng tự do trên thực tế và giúp ngăn chặn một cuộc chiến với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã làm đảo lộn sự cân bằng tinh tế đó. Chính quyền Trump đang bắt đầu nói về việc xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc”, mà theo đó Hoa Kỳ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan, đặc biệt là bán vũ khí và các công nghệ mới, giúp Đài Loan có thể tự chế tạo tàu ngầm.
Bắc Kinh sau đó đã nổi giận. Tập Cận Bình từ chối nói chuyện với Trump cho đến khi tổng thống Mỹ tái cam kết chính sách “Một Trung Quốc”. Vào tháng 02/2017, Trump đã đầu hàng. “Trump đã thua trong cuộc chiến đầu tiên với Tập Cận Bình”, học giả Bắc Kinh Shi Yinhong nói với New York Times. “Ông ta bị xem như một con hổ giấy.”
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 03/12/2016 trong văn phòng tại Đài Bắc. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, quan hệ hai bờ eo biển đã leo thang căng thẳng đáng kể khi Mỹ thông qua Đạo luật Lữ hành Đài Loan cho phép các quan chức Mỹ chính thức công du và trao đổi với phía Đài Loan, đồng thời các tàu chiến Mỹ được phép cập cảng ở Đài Loan. Bắc Kinh phản đối gay gắt đạo luật này và đáp trả bằng việc gia tăng các cuộc tập trận quân sự, huy động chiến hạm/phi cơ tuần tra quanh đảo Đài Loan.
Vào mùa thu, Trump bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc tin rằng Trump đang sử dụng Đài Loan như một con bài trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống lại Trung Quốc, tạo ra cảm giác cần cấp bách thống nhất đất nước.
Năm 2019 – cơ hội vàng của Bắc KinhKhả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan trước năm 2020 là rất cao, trong bối cảnh một số người Trung Quốc lo ngại rằng cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan 2020 sẽ khép lại cơ hội dùng vũ lực của Bắc Kinh.
Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đại lục cho rằng một Thái Anh Văn suy yếu, một đảng Dân Tiến thất cử vào năm 2020, và tổng thống mới thân Trung Quốc lên nắm quyền sẽ khiến cơ hội “thống nhất bằng vũ lực” tiêu tan.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 cũng tác động lớn đến suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Trump có vẻ ít có khả năng giành chiến thắng sau ưu thế của đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ; mặt khác, sự dính líu của Moscow vào cuộc bầu cử năm 2016 vẫn đang đeo bám ông. Trump thất bại sẽ khiến việc thống nhất bằng vũ lực trở nên khó khăn hơn vì ông xuất thân là một doanh nhân, lại theo chủ nghĩa biệt lập, nên sẽ sẵn sàng “bán Đài Loan trong chớp mắt”. Một người kế nhiệm Trump với tư tưởng sẵn lòng đáp trả nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan sẽ là ác mộng đối với Bắc Kinh.
Một số người ở Bắc Kinh thậm chí nghĩ rằng Trung Quốc có thể chiếm lại Đài Loan mà không cần dùng đến vũ lực. Trung Quốc có thể áp các lệnh trừng phạt kinh tế và cắt nguồn cung cấp dầu của Đài Loan. “Không cần phải đổ máu”, học giả Wang Zaixi nói với tờ Hoàn cầu Thời báo.
Ý tưởng rằng Trung Quốc có thể thống nhất mà không cần dùng đến vũ lực là ảo tưởng. Thắt chặt thòng lọng quân sự hoặc kinh tế quanh Đài Loan có thể sẽ gây ra phản ứng từ Hoa Kỳ. Vấn đề còn lại là Washington sẽ đi xa đến mức nào trong việc phản ứng với Trung Quốc. Việc các chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan là quá mức chịu đựng của Bắc Kinh. Với áp lực của làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước, Bắc Kinh sau đó sẽ cảm thấy buộc phải đáp trả. Mọi thứ có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Các bên cần phải thức tỉnh trước những nguy hiểm của việc lao vào một cuộc xung đột mà ít ai mong muốn.
—
Từ khóa:
tái thống nhất, hợp nhất: reunification (n)
chính sách “Một Trung Quốc”: “One China” policy (np)
mang tính vũ lực: forceful (adj)
sự cấm vận kinh tế, trừng phạt kinh tế: economic sanctions (np)
xâm chiếm: to seize (v)
thống nhất trong hòa bình: peaceful reunification (np)
sự ủng hộ độc lập: pro-independence (n)
cơ hội: opportunity (n)
hậu quả: consequence (n)
xung đột quân sự: military conflict (np)
sự kháng cự, sự chống cự: resistance (n)