Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Giữa hàng loạt căng thẳng gần đây trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, khi Mỹ áp thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả tương ứng, rất nhiều người nghĩ rằng người Trung Quốc nói chung và chính phủ Trung Quốc nói riêng xem Tổng thống Donald Trump của Mỹ là kẻ thù. Nếu không sợ thì ít nhất họ cũng phải ghét cay ghét đắng Trump, hay hợp lý nhất là cả hai: người Trung Quốc vừa sợ vừa ghét Trump.
Benjamin Carlson trong một bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic vào tháng 3/2018 với tựa đề “Vì sao Trung Quốc thích Trump” (Why China loves Trump) lại cung cấp cho người đọc một cái nhìn hoàn toàn ngược lại.
Bài viết này sẽ chia sẻ góc nhìn và phản ứng của người Trung Quốc với hiện tượng Donald Trump, qua con mắt của Benjamin Carlson, một phóng viên của AFP thường trú tại Bắc Kinh.
***
Theo Carlson, phản ứng đầy kiềm chế của chính phủ Trung Quốc ngay từ đầu đã cho thấy một thái độ đặc biệt của họ về Trump. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Trump liên tục dùng những ngôn từ nặng nề với Trung Quốc, từ “kẻ cắp lớn nhất trong lịch sử” đến tố cáo Trung Quốc đã “hiếp dâm đất nước chúng ta” (rape our country). Theo lẽ thường, người ta chờ đợi Trung Quốc sẽ đáp trả đích đáng, giống như cái cách họ luôn đáp lễ tận răng những quốc gia dám “mạo phạm” họ. Thế nhưng, cơ quan ngoại giao của nước này lại giữ một thái độ cẩn trọng kiềm chế khác thường, luôn cố gắng mô tả quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có triển vọng sáng sủa dưới thời Donald Trump.
Dường như ngay từ đầu, chính quyền Trung Quốc đã nhận định tất cả những ngôn từ chợ búa kia của Trump, kể cả những lời đe dọa, phần nhiều là để diễn (for the show). Việc không muốn nhảy vào tham gia show diễn ồn ào của Trump cũng giúp họ tô điểm hình ảnh trong mắt các bên thứ ba, tạo ấn tượng về những người cẩn trọng, chừng mực, và trưởng thành. Quan trọng hơn, họ có vẻ đã đưa ra kết luận rằng Trump, người luôn tự lăng xê mình là bậc thầy thương lượng, sẽ dễ dàng thỏa hiệp với bất kỳ thứ gì, miễn là có thể tuyên bố “tôi đã thắng”.
Thỏa thuận buôn bán trị giá 250 tỉ đô đạt được vào tháng 11/2017 khi Trump có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc là một ví dụ. Nhiều phần trong thỏa thuận này là các biên bản ghi nhớ (MOU – memorandum of understanding) không có ràng buộc về mặt pháp lý (nonbinding). Một số trong đó đã được thỏa thuận từ trước. Thỏa thuận này cũng không nhắc gì đến những vấn đề tồn tại lâu năm mà Mỹ luôn cáo buộc Trung Quốc: từ việc ép buộc các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ đến các rào cản thâm nhập thị trường cho đầu tư nước ngoài trong những ngành quan trọng.
Nhưng với “thắng lợi” này, và trong chuyến thăm mà người Trung Quốc đã khôn ngoan dành cho Trump tất cả những sự đón tiếp trọng thị nhất chưa từng có tiền lệ, Trump đảo chiều hoàn toàn, dành cho Trung Quốc những lời khen nức nở. Trump tuyên bố “tôi không trách gì Trung Quốc cả” (cho những thâm hụt thương mại và các vấn đề khác của Mỹ), mà ngược lại “dành sự tôn trọng sâu sắc nhất” cho đất nước này.
Shen Dingli, giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan (Phúc Đán) ở Thượng Hải có vẻ đã nói thay tiếng lòng của chính quyền Trung Quốc: “Donald Trump đặc biệt dễ chơi” (easy to handle). Ông bảo người Trung Quốc thấy “may mắn” (khi Trump làm tổng thống Mỹ chứ không phải một người khác).
Tổng thống Donald Trump được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp một cách trọng thị nhất có thể. Ảnh: Reuters.
***
Sự “may mắn” này còn đến ở phương diện ngoại giao, khi hình ảnh của hai cường quốc trong mắt những nước khác càng lúc càng trở nên đối lập kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền.
Ba ngày sau khi chính thức nhậm chức, Trump xé bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước đó, cựu Tổng thống Barack Obama đã ra sức thúc đẩy TPP với lý do bên cạnh những lợi ích về kinh tế cho nước Mỹ, nó còn là đòn chiến lược kéo các quốc gia châu Á tránh xa khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, xích gần lại với trục của Mỹ và đồng minh. Trump tỏ ra không quan tâm đến những lợi ích địa chính trị này. Ông thích thương lượng song phương thay vì tham gia vào các hiệp định đa phương, một phần có lẽ vì kỹ năng “thương lượng bậc thầy” mà Trump luôn tự hào.
(Riêng về TPP, trên thực tế, Trump không phải người Mỹ duy nhất phản đối hiệp định này. Có những ý kiến khác cho rằng TPP bảo vệ lợi ích các tập đoàn lớn nhiều hơn là thúc đẩy thương mại tự do.)
Sự đối lập thể hiện rõ ở Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào tháng 11/2017. Trong khi Trump tuyên bố nước Mỹ đã chịu thiệt bấy lâu nay trong những thỏa thuận thương mại bất công, và cảnh báo rằng “chuyện đó xưa rồi”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đăng đàn vẽ ra viễn cảnh hợp tác tương lai giữa tất cả các nước, ủng hộ tự do thương mại đa phương.
Nước Mỹ từ sau Thế chiến II đã luôn giữ vị trí là đầu tàu cho tất cả các kiểu tự do, đặc biệt là tự do thương mại. Đến thời của Trump, có vẻ như người Mỹ đã nhảy ra khỏi vị trí đầu tàu này, nhường một chỗ trống mà Trung Quốc rất nhanh chân muốn lấp đầy.
Gió đảo chiều còn thể hiện qua hai đại dự án khác: Con đường tơ lụa thế kỷ thứ 21 do Trung Quốc khởi xướng mang tên Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) và Hiệp định Khí hậu Paris mà cả thế giới đều tham gia.
Tham vọng tạo ra con đường tơ lụa mới của Trung Quốc được nhiều người liên tưởng đến Kế hoạch Marshall của người Mỹ nhằm hỗ trợ tái thiết châu Âu sau Thế chiến II. Trong dự án tham vọng đó, nước Mỹ đã đổ ra gần 100 tỉ USD (theo giá trị hiện thời) để khôi phục châu Âu, từ đó gây dựng được vị thế chiến lược trên toàn cầu.
Với con đường tơ lụa, Trung Quốc cũng có tham vọng tương tự, liên kết mạng lưới giao thương của khoảng 65 quốc gia với Trung Quốc là trung tâm, thậm chí với dự tính đầu tư gấp vài chục lần (ước tính 4.000 tỉ USD). Trong khi Trung Quốc đầy quyết tâm với BRI, nước Mỹ dưới thời Trump lại rút ra khỏi TPP, vốn được kỳ vọng là một cục nam châm hút các nước khác không bị dính chặt vào Trung Quốc.
Hiệp định Khí hậu Paris là một dự án khác mà cả thế giới trông đợi, xem đó là hy vọng khả dĩ nhất để cứu lấy môi trường đang ngày càng bị tàn phá. Tuy nhiên, Trump lại rút ra khỏi Hiệp định Paris vì cho rằng nó “làm hại nền kinh tế Mỹ”. Hành động này không gây ngạc nhiên gì nếu người ta nhớ lại những gì Trump đã nói trước khi đắc cử, “biến đổi khí hậu chỉ là trò lừa đảo”, và trò lừa đảo này do “người Trung Quốc tạo ra”. Ở chiều ngược lại, trên trường quốc tế, Trung Quốc lại tích cực tiếp tục ủng hộ các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nhằm xây dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm.
Vị thế gần như đảo ngược giữa hai cường quốc này trong mắt các quốc gia trên thế giới có lẽ được minh họa rõ nhất bằng lời của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà tuyên bố “không thể dựa vào nước Mỹ” (và nước Anh) được nữa, trong khi “Trung Quốc đã trở thành một đối tác quan trọng và có tầm chiến lược hơn”.
Giáo sư Shen Dingli cho rằng thái độ hằn học thù địch của Trump đối với các tổ chức, hiệp định đa phương trên thế giới, bao gồm cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là “cơ hội khổng lồ” cho Trung Quốc.
Chia sẻ quan điểm đó, giáo sư Xu Guoqi của Đại học Hong Kong cho rằng sự xuất hiện của Trump tạo ra “cơ hội vàng cho bộ máy tuyên truyền”, và là “món quà cho chế độ hiện tại của Trung Quốc”. Bằng cách nhắm vào những bất ổn trong nội bộ nước Mỹ dưới thời Trump, và tô điểm hình ảnh đẹp của mình trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc có thể chỉ ra “khủng hoảng của xã hội tư bản”, lấy đó là “bằng chứng cho sự ưu việt của chủ nghĩa Mác-Lênin và hệ thống xã hội chủ nghĩa”.
Tham vọng Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
***
“Giấc mơ Trung Hoa” mà Tập Cận Bình vẽ ra, nhờ vào Trump, có vẻ đã sáng sủa hơn nhiều.
Nhưng đất nước Trung Quốc rộng lớn không chỉ có một giấc mơ của Tập Cận Bình. Nhiều người Trung Quốc cũng nằm mơ về Donald Trump, theo cả nghĩa đen lẫn bóng.
Trên mạng Zhihu (dịch ra tiếng Việt là “tri hô”) của Trung Quốc, một diễn đàn online để người dùng đặt câu hỏi và trả lời tương tự như Quora, số lượng người theo dõi các chủ đề về Donald Trump đạt gần 75.000 người, bằng một nửa số theo dõi về các chủ đề liên quan đến nước Mỹ nói chung.
Khảo sát cho thấy trong số những người ủng hộ Trump, các fan cuồng nhiệt và lớn tiếng nhất là những người tự mô tả mình rất sành sỏi hiểu biết về tình hình chính trị Mỹ. Nhiều người trong số họ theo học tại Mỹ. Giống như nhiều người Mỹ ủng hộ Trump, những người Trung Quốc này cũng ghét cay ghét đắng những thứ mà họ cho là “đạo đức giả” và “nói xàm” từ những người cánh tả. Họ thậm chí sáng tạo ra từ riêng dành cho những người cánh tả đó: “bạch tả” (baizuo, tương tự như cách gọi miệt thị “thổ tả” trong tiếng Việt, hoặc “libtard” của tiếng Anh).
Họ thích thú với cách nói chuyện của Trump, cách Trump phá bỏ những truyền thống chính trị, thậm chí là cả truyền thống đạo đức. Những chủ đề Trump lớn tiếng chống lại cũng là những chủ đề họ rất đồng tình hưởng ứng, từ chuyện nhập cư trái phép, khủng bố Hồi giáo, chính sách đặc cách dành cho các đối tượng gặp bất lợi trong xã hội (affirmative action), cho đến các vấn đề về người chuyển giới, và cả Hillary Clinton.
Nhiều người phương Tây sống ở Trung Quốc ngạc nhiên khi khám phá ra, trong khi việc bàn luận chính trị bị kiểm duyệt gắt gao trên các phương tiện truyền thông nhà nước, người Trung Quốc lại cực kỳ hăng hái cởi mở khi bàn luận trên các mạng xã hội. Những chủ đề mà nhiều người phương Tây dè dặt cẩn trọng, kể cả trong những cuộc nói chuyện riêng tư vì không muốn lỡ lời xúc phạm người khác, thì nhiều người Trung Quốc lại xổ toẹt không kiêng dè. Họ thoải mái bình luận về các vấn đề riêng tư như cân nặng hay khuyết tật của người khác, và cả những định kiến về các nhóm thiểu số.
Những ngôn từ mà người phương Tây cho là “phân biệt chủng tộc” (racist) lại được quăng ra vô tội vạ từ miệng (hoặc bàn phím) của người Trung Quốc. Từ thông dụng mà nhiều người Trung Quốc này dùng để nói về Obama là “Ô Hắc” (O-Black, tương tự “Ô nhọ” hay “ông xì dầu” mà nhiều người Việt hay nói). Những ngôn từ dân mạng Trung Quốc dành cho những người đồng tính và chuyển giới (LGBT) cũng không tốt đẹp gì, khi nhiều người ở đất nước này vẫn còn nghĩ đồng tính là một loại “bệnh”, nếu ai “bị” thì cần phải “chữa”, trong đó có cả cách chữa bằng liệu pháp sốc điện.
Donald Trump vì vậy không hề xa lạ với nhiều người Trung Quốc. Nhìn vào ông, nhiều người cảm giác như mình đang soi gương. Có cả những người Trung Quốc nhìn vào Trump như đang ngắm một vị thánh sống.
Khi đi phỏng vấn những người bản địa để tìm hiểu về đề tài này, phóng viên đã được một người về hưu lớn tuổi chia sẻ, rằng mỗi tối ông đều kính cẩn nghiêng mình chào trước chân dung treo tường của Trump ở nhà. Hình của Trump được ông treo bên cạnh ảnh của Lincoln, Franklin D. Roosevelt, và Einstein.
Zhang Hongliang, một tác giả và là một nhân vật tương đối có tiếng trên các diễn đàn Trung Quốc, lại kết luận, “trong lịch sử nhân loại, chỉ có hai người từng đề xuất rằng quần chúng nhân dân phải lật đổ các định chế xã hội; một người là Mao Trạch Đông, người còn lại là Trump.”(Có lẽ với tác giả này, những người như Friedrich Nietzsche, Leo Tolstoy, hay thậm chí Khổng Tử của Trung Quốc, với những tư duy sâu sắc gấp ngàn lần hai đại nhân vật trên, không được tính vào “nhân loại”.)
Ngay cả khi không thích Mao Trạch Đông, người Trung Quốc cũng có vô số lựa chọn để liên tưởng với Trump. Tần Thủy Hoàng là một ứng viên sáng giá. Vị bạo chúa này tuy được sử sách ghi lại với những “thành tích” đốt sách, giết hại những người chống đối, chôn sống giới trí thức, nhưng đến nay vẫn được ca vinh, thậm chí xem là huyền thoại vì đã có công thống nhất Trung Quốc. Hay với Vạn Lý Trường Thành, nơi vua Tần bắt hàng trăm ngàn đến hàng triệu người (theo các số liệu khác nhau) phải bỏ mạng để xây nên, giờ đây người ta cũng tự hào về sự vĩ đại hoành tráng của nó chứ không mấy ai nhớ đến những số phận bi thảm vẫn còn được chôn ngay bên dưới các bức tường.
Bìa báo về Trump tại một khu phố ở Thượng Hải. Ảnh: AFP.
Văn hóa sùng bái “kẻ mạnh” không phải đặc sản của Trung Quốc. Nó có ở khắp nơi. Có những nước xây dựng được văn hóa dân chủ thật sự, biến mỗi cá nhân thành chủ nhân của chính mình, giúp hạn chế việc phụ thuộc vào những “lãnh tụ”. Trái lại, ở những nơi dân chủ méo mó như Trung Quốc, nơi những kẻ độc tài vẫn cai trị người khác, thì khát vọng có một “kẻ mạnh” để sùng bái lại càng cháy bùng.
Đó là lý do Tập Cận Bình dùng đủ mọi cách vun đắp hình ảnh một vị lãnh tụ mạnh mẽ (strongman), người sẽ đưa Trung Quốc trở lại hào quang vốn có từ ngàn năm trước. “Giấc mơ Trung Hoa” mà Tập gieo vào đầu người Trung Quốc không khác gì khẩu hiệu “Nước Mỹ đứng trên hết” mà Trump tung ra cho những người hâm mộ. Đó là hai phiên bản khác nhau của cùng một lối tư duy.
Giống như Tập Cận Bình, hay bất kỳ nhà lãnh đạo độc tài nào, Trump luôn nhấn mạnh hình ảnh của mình là một người lãnh đạo vì dân vì nước, là cứu tinh, là hy vọng duy nhất của đất nước trước những “thảm họa quốc gia” (như tình trạng “khẩn cấp quốc gia” mà Trump tuyên bố vào tháng 2 vừa qua).
Trump vì vậy là vị lãnh đạo rất đỗi thân thương đối với nhiều người Trung Quốc, chỉ khác màu da và tiếng nói. Những chuyện về Trump khiến người Mỹ giật mình lại không làm bao nhiêu người Trung Quốc phải chớp mắt.
Người Mỹ lo lắng và đang điều tra việc Trump có nhập nhằng giữa lợi ích của đất nước với lợi ích của đế chế kinh doanh của ông và gia đình không. Người Trung Quốc lại thấy việc đó, cho dù có, là quá bình thường. “Một người làm quan, cả họ được nhờ” là thứ văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức hàng ngàn năm qua của họ. Họ chấp nhận việc lãnh đạo và người nhà của họ “ăn một chút”, miễn là làm được việc cho mình. Người Trung Quốc đã quá quen với những thông tin chưa bao giờ được công khai về gia sản kếch xù của họ hàng các lãnh đạo, kể cả Tập Cận Bình. (Tất nhiên đấy là vì chính quyền Trung Quốc đang hoàn toàn khống chế người dân, không cho họ bất kỳ lựa chọn nào khác.)
Nếu người Mỹ phản đối các hành động, ngôn từ gây kích động chia rẽ mà Trump thường xuyên dùng để làm hài lòng “fan” của mình, nhiều người Trung Quốc lại xem đây là biểu hiện của “lòng trung thành”, và đó là “việc tốt”. Những người lãnh đạo, giống như các đại ca hay thủ lĩnh giang hồ khi xưa, quan tâm trung thành với đàn em của mình là việc quá hợp lẽ tự nhiên.
Thái độ luôn muốn “thắng”, muốn “hơn” người khác của Trump lại càng là tấm gương phản chiếu ước mơ của nhiều người trong xã hội hiện đại của Trung Quốc. Họ không quan tâm việc gia sản Trump có được là nhờ vào bản thân hay đến từ người cha tỉ phú. Họ cũng không hứng thú với việc nó có được là nhờ vào các hoạt động hợp pháp hay phi pháp. Thứ họ quan tâm chỉ có một: Trump là một người thành công, hay kẻ chiến thắng (winner).
Đối với nhiều người Trung Quốc, chiến thắng, thành công là thứ quan trọng nhất. Với họ, Trump có là một “thổ hào” (tuhao, từ được dùng để chỉ những người giàu có, thường mang nghĩa châm biếm, chỉ sự quê mùa, kệch cỡm) cũng không phải việc xấu. Họ là những kẻ chiến thắng, và tôi ngưỡng mộ họ, đơn giản chỉ có vậy.
Kết lại, với cả chính quyền lẫn nhiều người dân Trung Quốc, Donald Trump là một nhân vật đem lại nhiều hứng khởi. Với những người hâm mộ, Trump là một hình mẫu thực tế của “thành công”, bất kể dùng phương tiện gì. Với chính quyền Trung Quốc, Trump là một người “có thể chơi được” (transactional, luôn có thể thương lượng). Mà thỏa hiệp và thương lượng, đặc biệt là song phương, không phải là thứ chính quyền Trung Quốc e dè. Họ chỉ sợ những ai không chấp nhận thỏa hiệp với những bất công áp bức mà họ đang chụp lên đầu người dân của mình, và cả lên cổ những người dân của nước khác. Donald Trump lại chưa bao giờ quan tâm đến những thứ viển vông đó. Giống như các lãnh đạo Trung Quốc, và nhiều người hâm mộ của ông ở đây, Trump sẵn sàng thỏa hiệp trên bất kỳ thứ gì, miễn là “chiến thắng”.
Một bức tượng mô phỏng Donald Trump tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc cuối năm 2016. Ảnh: Getty Images.
***
Bài viết của Benjamin Carlson được hoàn thành vào một năm trước, tháng 3/2018. Vào thời điểm trên, các màn áp thuế qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa bắt đầu. Lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Huawei cũng chưa bị Canada bắt (theo yêu cầu của Mỹ). Sau một năm, quan hệ giữa hai bên đã gặp nhiều sóng gió bão táp hơn trước. Trump có vẻ đã không còn là nhân vật ưa thích của chính quyền Trung Quốc, lẫn người dân nước này.
Hoặc có vẻ là ngược lại.
Bên cạnh những báo cáo về thiệt hại của chiến tranh thương mại cho kinh tế Trung Quốc, bức tranh của chính người Mỹ cảnh báo cũng không hề sáng sủa gì. Báo cáo nghiên cứu đăng trên Bloomberg chỉ ra những nhà xuất khẩu của Mỹ đang gánh chịu nhiều thiệt hại hơn là đồng nghiệp bên phía Trung Quốc, với ước tính 40 tỉ USD thất thoát mỗi năm từ sụt giảm xuất khẩu, và chính doanh nghiệp cùng người dân Mỹ đang phải trả phần lớn cho khoản tăng thuế áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nhiều ý kiến còn chỉ trích cuộc chiến thương mại do Trump gây ra là “giả tạo” (phony) nhằm lấy lòng cử tri, để rồi rốt cục sẽ chỉ đạt được những kết quả hạn chế, không đủ bù đắp các thiệt hại mà nó gây ra.
Có lẽ đó là một lý do chính mà chính quyền Trump lùi thời hạn áp thuế mới cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, lẽ ra có hiệu lực vào ngày 1/3/2019. Tất nhiên, quyết định này bao gồm cả lý do “những cuộc thương lượng giữa hai bên đang tiến triển tốt đẹp”. Nếu như Trump thích thương lượng song phương, người Trung Quốc cũng hoàn toàn thoải mái một đối một. Đây cũng giống như cách mà Trung Quốc luôn muốn ép các quốc gia ở Đông Nam Á trong vấn đề Biển Đông, phải thương lượng thỏa thuận song phương, từ chối mọi sự tham gia của bên thứ ba.
Nước Mỹ, hẳn nhiên, không phải những nước nhỏ để Trung Quốc có thể chơi ép như các nước khác. Nhưng Trung Quốc rất biết cách đánh vào điểm yếu của đối phương, như cách họ đáp trả bằng việc áp thuế lên các sản phẩm đậu nành, làm điêu đứng mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ những bang có nhiều người ủng hộ Trump.
Thêm vào việc Tập Cận Bình và đảng cầm quyền của mình không hề lo ngại gì về việc phải lấy lòng cử tri, trong khi Trump sẽ phải tìm mọi cách để “chiến thắng” hòng có cơ hội tiếp tục tái cử vào năm sau, khả năng cao người Trung Quốc vẫn sẽ thả tim mỗi khi còn nhìn thấy Donald Trump.
—
Từ khoá:
chiến tranh thương mại: trade war (np)
đầu tư nước ngoài: foreign investment (np)
địa chính trị: geopolitical (adj), geopolitics (n)
thương mại tự do: free trade (np)
tự do thương mại đa phương: multilateral free trade (np)
biến đổi khí hậu: climate change (np)
phe cánh tả: left wing (np)
nhập cư trái phép: illegal immigration (np)
khủng bố Hồi giáo: Islamist terrorism (np)
cứu tinh: savior (n), messiah (n)
thương lượng song phương: bilateral negotiation (np)