Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tình trạng cùng một lúc có hai chính phủ của Venezuela hiện nay đặt các luật sư thương mại vào một tình huống khó: họ phải lựa chọn đại diện cho một trong hai.
Câu chuyện bắt đầu từ một hiện tượng khá kinh điển của các quốc gia xã hội chủ nghĩa: quốc hữu hóa.
Năm 2011, cựu Tổng thống của Cộng hòa Bolivarian Venezuela, ông Hugo Chávez, quyết định quốc hữu hóa bất động sản, quyền khai thác, các máy móc công nghệ, v.v. của công ty thăm dò và khai thác khoáng sản quốc tịch Canada, Rusoro Mining – vốn đã được cấp phép hoạt động khai khoáng vàng tại quốc gia này trước đó. Sau khi không thể đàm phán hay thương thảo với Chính phủ Chávez, Rusoro quyết định khởi kiện ra Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (International Centre for Settlement of Investment Disputes – ICSID) vì cho rằng Venezuela đã vi phạm các nguyên tắc bảo hộ đầu tư trong Hiệp định Hợp tác Đầu tư Song phương Canada – Venezuela (Bilateral Investment Treaty – BIT).
Căn cứ vào hành vi quốc hữu hóa bất hợp lý và tùy tiện của nhà nước Venezuela, tòa trọng tài tại ICSID đã tuyên Rusoro thắng kiện, kèm theo trách nhiệm bồi thường gần 1 tỷ USD tương ứng của bên bị kiện. Tiếp theo đó, Rusoro dùng phán quyết của tòa trọng tài thuộc ICSID để tiếp tục khởi kiện tại một số tòa Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ bồi thường của chính phủ Venezuela bằng các tài sản của chính phủ này trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Đây không phải là vụ kiện giữa chính phủ – nhà đầu tư (investor – state dispute) đầu tiên mà chính quyền Chávez đã kéo người dân Venezuela vào rắc rối.
Ví dụ, năm 2010, Hugo Chávez ký một sắc lệnh yêu cầu đơn phương quốc hữu hóa hai công ty quốc tịch Venezuela có vốn Hoa Kỳ là Fábrica de Vidrios Los Andes, C.A. và Owens-Illinois de Venezuela, C.A., với lý do đơn giản, đáng ngờ, dân túy, và tùy tiện rằng: “việc quốc hữu hóa là cần thiết để tăng cường sức mạnh của khu vực kinh tế công trong sản xuất các sản phẩm chứa thủy tinh dành cho nhân dân Venezuela”. Họ thua kiện, và tổng giá trị bồi thường mà chính phủ Chávez phải chi trả trong vụ này lên đến gần 1,5 tỷ USD.
Và đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Cố tổng thống Hugo Chávez, người đã tiến hành quốc hữu hoá các doanh nghiệp và đẩy Venezuela vào vũng nợ pháp lý. Ảnh: thestar.com
Theo một thống kê chính thức, với thông tin chi tiết về hiện trạng các vụ kiện và bên thắng kiện, Venezuela đã phải đối mặt với 45 vụ kiện giữa nhà đầu tư – chính phủ, mà phần lớn phần thắng thuộc về nhà đầu tư. Kèm theo đó là trách nhiệm bồi thường đến hàng chục tỷ USD, chưa kể tới hàng trăm triệu USD từ tiền thuế của người dân bị tiêu tốn vào chi phí công tác và tố tụng.
Tuy nhiên, trong tháng Hai vừa qua, sau sự kiện Chủ tịch Hạ viện Juan Guaidó tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của Venezuela làm chấn động (và hỗn loạn) thế giới, một câu hỏi khác lại được giới luật sư thương mại trong các án đầu tư đặt ra: họ sẽ làm việc cho ai?
Đối với những luật sư đang đại diện cho Maduro tại các tòa Hoa Kỳ, họ lại chọn Guaidó.
Theo khuyến nghị của Guaidó, họ từ chối tiếp tục trao đổi và làm việc với Maduro và cùng nhau nộp đơn đề nghị tạm dừng xem xét vụ Rusoro cùng các tranh chấp khác trước tòa Hoa Kỳ trong vòng 120 ngày để “tạo điều kiện cho chính phủ mới thành lập của ông Juan Guaidó, Tổng thống lâm thời của nền cộng hòa, có một khoảng thời gian hợp lý nhằm cân nhắc và xem xét lại vị trí và mục tiêu của mình trong vụ Rusoro cũng như các tranh chấp khác đang được hệ thống tòa Hoa Kỳ thụ lý”.
Sự đảo chiều này khiến ngay cả Maduro cũng bất ngờ, nhưng ông ta cũng nhanh chóng thuê một đội luật sư khác để… giành quyền đại diện Venezuela trước tòa án Hoa Kỳ.
Đây là một tình tiết rất thú vị, vì Venezuela bây giờ không chỉ có hai chính phủ, mà họ còn có cả hai đội luật sư thương mại giành nhau quyền đại diện trước các tòa trọng tài và tòa án quốc gia. Và câu chuyện đặt ra là làm thế nào để các cơ quan tư pháp quốc gia cũng như các trung tâm hòa giải quốc tế lựa chọn được chính phủ hay nhóm luật sư nào làm bên tham gia tố tụng.
Đây có thể xem là một vụ kiện pháp lý đặc thù (sui generis case), nhưng không hẳn là duy nhất trong lịch sử. Trước đây, khi mà việc thực hành “công nhận chính phủ chính danh” bởi các chính phủ quốc ngoại (external recognition) vẫn còn được xem là điều kiện có ý nghĩa quan trọng nhất để xác định tính chính danh của một chính phủ theo Công pháp quốc tế, công việc của cơ quan tư pháp có phần dễ thở hơn.
Như trong án Republic of Somalia v. Woodhouse Drake & Carey được tòa án quốc nội của Vương quốc Anh xem xét, thẩm phán Hobhouse đề cập rằng trước năm 1980 (thời điểm mà Anh từ bỏ sử dụng biện pháp công nhận chính phủ chính danh), việc lựa chọn giữa hai thực thể chính trị đang tranh giành quyền đại diện cho một quốc gia khá đơn giản: yếu tố quan trọng nhất là chính phủ Vương quyền (Her Majesty’s Government) Vương quốc Anh chính thức thừa nhận chính quyền nào.
Ở thời điểm lịch sử này, cơ quan tư pháp không có vai trò gì trong việc xác định, thẩm vấn, hoặc điều tra liệu chính phủ của họ có nên công nhận thực thể chính trị đó hay không, hay nếu có thì điều đó có phù hợp với chuẩn mực pháp luật quốc tế và quốc nội hay không?
Trong thực tế ngày nay, cách tiếp cận này có lẽ vẫn được sử dụng một cách phổ biến.
Ví dụ, tại Việt Nam, Tòa án có tư cách là cơ quan dưới quyền Quốc hội, và chịu sự chỉ đạo – lãnh đạo của Đảng. Vậy nên, việc tòa Việt Nam chỉ tuân thủ định hướng ngoại giao của các cơ quan quyền lực chính trị không hẳn là lạ.
Ở Hoa Kỳ, khi quyết định thay đổi đối tác làm việc từ Maduro sang Juan Guaidó, công ty luật Arnold & Porter cũng áp dụng lập luận tương tự: “Bởi vì Tổng thống liên bang Hoa Kỳ đã chính thức công nhận Tổng thống Guaidó với tư cách là đại diện hợp pháp duy nhất của nền cộng hòa, chúng tôi tin là chỉ có ông Guaidó, hoặc những người do ông ta ủy quyền, mới có thể đại diện cho quyền lợi của Venezuela trước Tòa Hoa Kỳ.”
Có vẻ như Toà án Hoa Kỳ đã lựa chọn Guaidó làm đối tác ‘danh chính môn thuận’ trong đàm phán chính trị. Ảnh: businessinsider.de
Trong các tranh chấp thẩm quyền đại diện chính danh như Bank of China, hay như bình luận của Hiệp hội Luật học Quốc tế (International Law Association), dù tòa án có thể duy trì một số quyền giám sát tư pháp đối với hoạt động ngoại giao của chính phủ, cách tốt nhất để xem xét những vụ việc tương tự là tuân thủ theo chủ trương và chính sách chung của chính phủ quốc gia đó. Vì vậy, tòa chỉ nên thừa nhận và cho phép sự hiện diện của các đương sự có thể thúc đẩy quan hệ của chính phủ hai nước – những người đã công nhận lẫn nhau.
Tuy nhiên, với sự phát triển của pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn lịch sử, cách tiếp cận pháp lý này có lẽ đã không còn phù hợp. Bạn đọc quen thuộc của Luật Khoa có lẽ đã biết rất nhiều tác giả của tạp chí ủng hộ học thuyết Montevideo về khái niệm quốc gia và chủ quyền. Chỉ cần thỏa mãn đủ bốn điều kiện (có lãnh thổ xác định, có dân cư xác định, có chính phủ kiểm soát hiệu quả, và cuối cùng là chính phủ đó có năng lực thực hiện các cam kết quốc tế) thì một vùng lãnh thổ tự trị cũng phải được xem là một quốc gia theo pháp luật quốc tế, bất kể có ai thừa nhận nó hay không.
Vậy nên, việc lệ thuộc vào chính phủ trong việc xác định, công nhận chính phủ một quốc gia khác không còn thật sự phù hợp với tinh thần và cách tiếp cận của pháp luật quốc tế nói chung. Mặt khác, điều này cũng gây ảnh hưởng đến vai trò độc lập của các cơ quan tư pháp đang ngày càng được nhấn mạnh trên thế giới.
Bốn tiêu chí hiện nay mà án lệ của Vương quốc Anh sử dụng, theo người viết, có vẻ là con đường phát triển pháp luật tốt hơn trong tương lai.
Theo đó, để xem xét tính chính danh của một thực thể chính trị muốn đại diện cho một quốc gia trong tranh chấp, trong trường hợp có hai thực thể cùng yêu cầu, tòa án Anh sẽ có thẩm quyền cân nhắc:
1. Đó có phải là chính phủ hợp hiến của quốc gia đó hay không?
2. Mức độ, bản chất nắm quyền, và sự ổn định của hoạt động quản lý hành chính của chính phủ đó bên trong quốc gia như thế nào?
3. Chính phủ quốc nội đã từng có quan hệ ngoại giao với chính phủ quốc gia đó hay chưa?
4. Và trong những trường hợp đặc biệt, chính phủ đó đã được công nhận bởi cộng đồng quốc tế như thế nào?
Cách tiếp cận này rõ ràng cho tòa án quốc gia cơ hội xem xét và thể hiện mình, cùng lúc đó tuân thủ và cân nhắc các tiêu chuẩn của công pháp quốc tế.
Nếu áp dụng những tiêu chí trên, bạn đọc có nghĩ rằng Guaidó và các luật sư thương mại của ông nên được chọn là người đại diện hợp pháp của Venezuela?
—
Từ khóa:
quốc hữu hoá: to nationalize (v), nationalization (n)
nguyên tắc: principle (n)
bảo hộ đầu tư: investment protection (np)
bồi thường: compensation (n), to compensate (v)
quyền đại diện: representation rights (np)
thực thể chính trị: political body, political entity (np)
tuyên thệ nhậm chức: to swear in (v)
đương sự: litigant (n)
chủ quyền: sovereignty (n)
vùng lãnh thổ tự trị: autonomous region (np)
chính phủ hợp hiến: constitutional government (np)