Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cậu ta chết chắc.
Sai lầm đầu tiên của cậu là đi kiếm ăn một mình. Có lẽ mọi chuyện đã khác nếu cậu đi cùng ai đó. Sai lầm thứ hai, lớn hơn nhiều, là cậu đi quá xa khỏi thung lũng, về phía khu vực rừng cây rậm rạp. Đây là chỗ mà cậu có nguy cơ đụng độ “kẻ khác”, những kẻ sống phía triền núi bên trên thung lũng.
Đầu tiên, hai “kẻ khác” xuất hiện. Cậu cố gắng cầm cự đánh trả. Nhưng bốn “kẻ khác” mò ra từ phía sau. Cậu nhanh chóng bị bao vây, hoàn toàn thất thế.
Sau trận chiến không cân sức, chúng để mặc cậu ở đó, chảy máu đến chết. Một lát sau, chúng quay trở lại, phân xác cậu.
Có khoảng 20 vụ sát hại như vậy diễn ra. Cho tới khi không còn ai ở đó, và những “kẻ khác” chiếm lĩnh toàn bộ thung lũng.
Những nhân vật chính trong câu chuyện đẫm máu ở trên không phải là loài người. Nhà linh trưởng học (primatologist) John Mitani đã kể lại khi quan sát các con tinh tinh trong công viên quốc gia Uganda.
Trong vòng một thập kỷ, các con tinh tinh đực trong một bầy đã sát hại một cách có hệ thống toàn bộ những con đực của các bầy đàn gần đó, bắt cóc những con cái, và mở rộng địa bàn của mình. Các hành động tấn công tương tự cũng diễn ra trong cộng đồng tinh tinh ở những nơi khác. Một nghiên cứu vào năm 2014 chỉ ra xác suất tinh tinh giết con khác không cùng đàn với mình cao hơn 30 lần so với xác suất chúng giết những con trong cùng bầy. Trung bình sẽ có tám con tinh tinh đực quây lấy để “xử” nạn nhân.
***
Trên đây là phần mở đầu trong hành trình đi vào thế giới bên trong của con người, tìm cách lý giải ngọn nguồn cơ chế phân chia “ta và địch” của nhân loại, và gợi ý để chúng ta, bằng cách nào đó, thật sự có thể tách mình ra khỏi thế giới động vật, hành xử văn minh như cách loài người vẫn luôn tự hào về bản thân.
Người dẫn đường cho chuyến đi thú vị này là tác giả Robert Sapolsky, giáo sư thần kinh và giải phẫu thần kinh của Đại học Stanford (Mỹ), với bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2019 mang tựa đề “This Is Your Brain On Nationalism”.
Phần dưới đây là bài lược dịch từ bài gốc tiếng Anh. Bài lược dịch không nhất thiết tuân theo đúng cấu trúc của bài gốc, có thể lược bỏ một số phần và diễn đạt lại ý của một số phần khác sao cho dễ hiểu trong tiếng Việt.
***
Từ câu chuyện thực tế về những con tinh tinh bạo lực trên, liệu có ngạc nhiên lắm không khi con người, vốn chia sẻ 98% DNA với tinh tinh, cũng phân thế giới ra thành “bọn tao” và “chúng nó”, rồi từ đó lao vào chém giết nhau giống như vậy?
Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng. Khỉ Bonobo (hay còn được gọi là “tinh tinh lùn”) cũng chia sẻ 98% DNA với nhân loại, nhưng chưa ai từng nghe thấy gì về những hành động hiếu chiến đẫm máu của chúng.
Ở khía cạnh khác, con người “vượt trội” hơn các họ hàng của mình ở chỗ, không chỉ giết nhau để chiếm thung lũng, chúng ta còn sẵn sàng sát hại nhau vì những thứ mơ hồ trừu tượng như học thuyết, tôn giáo hay sức mạnh kinh tế.
Tuy nhiên, lại cũng chỉ có con người có khả năng nhận thức và thay đổi hoàn toàn hành vi của mình mà không một loài nào sánh được.
Thụy Điển là một ví dụ sinh động. Vào thế kỷ 17, những người Thụy Điển càn quét giết hại khắp châu Âu, tạo nên một đế chế rộng lớn hùng mạnh. Ngày nay, cái tên “Thụy Điển” lại gần như một tính từ, thậm chí là biểu tượng cho hòa bình, nhân văn và tiến bộ.
Những thời khắc tươi sáng và đen tối nhất của nhân loại đều là kết quả của một hệ thống tổng hợp mọi thứ, từ những hoạt động thần kinh ở giây vừa rồi đến quá trình tiến hóa cả triệu năm qua (thêm vào đó là tập hợp những nhân tố xã hội phức tạp).
Để hiểu được cơ chế hình thành các đặc tính những nhóm người, bao gồm sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc – một trong những dạng thức có thể là nguy hiểm nhất của “thành kiến bè phái” (in-group bias) – chúng ta cần phải nắm rõ những cơ chế hoạt động sinh học và nhận thức tạo ra chúng.
Người ta sẽ khó nhìn thấy ánh sáng lạc quan khi nghiên cứu những phân tích này. Bộ não con người, chỉ trong tích tắc, phân biệt ngay ai là “phe ta” và ai là “phe khác”, đồng thời khuyến khích chúng ta đối xử tốt với “phe mình” và ngược lại, căng mình sẵn sàng đối đầu với “phe kia”.
Những thành kiến này diễn ra hoàn toàn tự động, trong tiềm thức, và xuất hiện từ rất sớm trong quá trình phát triển của mỗi người.
Điều an ủi là những suy nghĩ thiên lệch này đều ngẫu nhiên và thường dễ thay đổi. Hôm nay họ là “phe địch”, ngày mai có thể lại trở thành “phe ta”.
Con người có thể kiểm soát bản năng của mình, xây dựng một xã hội khuyến khích cạnh tranh hòa bình thay vì phải lao vào những cuộc chiến máu me. Nhưng trong trường hợp đó, có một sự thật luôn cần phải ghi nhớ, rằng cơ chế kích hoạt tâm lý bầy đàn, bè phái vẫn luôn luôn tồn tại. Tâm lý này tồn tại ngay cả khi con người nhận ra lòng trung thành của họ với dân tộc, màu da, chúa trời hay đội bóng nào đó hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên, chẳng khác gì tung đồng xu.
Sự ghi nhớ này là cần thiết, khi với cơ chế hoạt động đó của bộ não, chẳng có gì đảm bảo là những người đồng đội ngày hôm nay sẽ không biến thành những kẻ thù bên kia chiến tuyến vào ngày mai.
Những bộ óc bè phái
Khuynh hướng chia phe “ta với địch” hằn sâu trong đầu mỗi người.
Nhiều nghiên cứu cẩn trọng chỉ ra rằng bộ não có khả năng phân biệt với tốc độ nhanh chóng mặt. Trong một nghiên cứu, người tình nguyện tham gia được theo dõi qua máy quét não (brain scanner), trong lúc màn hình trước mặt người đó hiển thị thoáng qua hình ảnh các gương mặt người.
Với người tham gia là da trắng, khi hình ảnh gương mặt người da đen xuất hiện trên màn hình, hạch hạnh nhân (amygdala) trong họ lập tức được kích hoạt trong vòng chưa tới 1/10 giây. Hạch hạnh nhân là một vùng trong não liên quan tới các cảm xúc sợ hãi và hung hăng.
Trong đa số trường hợp, phần thùy trán, hay vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex), nơi có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các cơn bốc đồng và điều hòa cảm xúc, nhanh chóng ra tay một hoặc hai giây sau khi hạch hạnh nhân được kích hoạt, tìm cách xoa dịu nó, “đừng nghĩ vậy, đó không phải bản chất của mình đâu.”
Nhưng ngay cả ở những người có hiểu biết, sợ hãi thường là một trong những phản ứng đầu tiên.
Phát hiện này thật ra không có gì bất ngờ.
Khi nhìn vào mặt một người thuộc cùng chủng tộc với mình, phần vỏ não hình thoi (fusiform cortex) được kích hoạt. Đây là một vùng chuyên dụng có trong não của các loài linh trưởng, chịu trách nhiệm nhận biết gương mặt. Nhưng phần vỏ não hình thoi này lại không được kích hoạt nhiều như vậy khi gương mặt đang nhìn thấy là của một chủng tộc khác.
Một vùng khác trên não, thể hiện sự cảm thông, được gọi là vùng vòng cung vỏ não trước (anterior cingulate cortex), được kích hoạt khi ta chứng kiến tay ai đó bị kim đâm trúng. Nhưng nó chỉ được kích hoạt khi “ai đó” là người có cùng chủng tộc với mình. Với bàn tay của một người khác chủng tộc, vùng não này không mấy động đậy.
Vậy là không phải gương mặt hay bàn tay nào cũng bình đẳng như nhau.
Mọi lúc mọi nơi, chúng ta thường xuyên tự động đưa ra những đánh giá đầy cảm tính về những nhóm người/ sự vật khác nhau.
Giả sử bạn có thành kiến với chằn tinh (những nhân vật khổng lồ hung dữ trong các truyện cổ tích). Cho dù bình thường bạn che giấu không thể hiện thành kiến này, những thí nghiệm như kiểu “kiểm tra liên tưởng ngầm” (Implicit Association Test) cũng sẽ khiến nó lộ ra.
Trong thí nghiệm đó, một màn hình vi tính sẽ hiển thị các gương mặt khác nhau, đan xen với các từ ngữ có cảm xúc mạnh, như kiểu “anh hùng” hay “đần độn”. Bạn được yêu cầu phản ứng với các hiển thị đó bằng cách bấm nhanh một trong hai nút, hoặc A hoặc B.
Nếu yêu cầu trùng khớp với thành kiến của bạn, ví dụ bấm A khi thấy mặt chằn tinh hay những từ tiêu cực, B khi hiển thị mặt người hay những từ tích cực, bạn sẽ hoàn thành thí nghiệm dễ dàng, phản ứng nhanh chóng và chính xác.
Nhưng nếu yêu cầu trái ngược với thành kiến đó, bấm A khi thấy mặt người hay một từ tiêu cực, B khi đó là chằn tinh hay một từ tích cực, phản ứng của bạn sẽ chậm lại. Bạn sẽ khựng lại mỗi lượt, khi việc phải đặt chằn tinh trong cùng một nhóm với “tử tế” và con người với “hôi thối” khiến bạn mất đi vài phần nghìn giây. Khi tiến hành đủ số lượt thí nghiệm, sự khựng lại cộng dồn sẽ hiện rõ ra, cùng với đó là thành kiến của bạn.
Trong thí nghiệm, đó là thành kiến đối với chằn tinh. Trên thực tế, đó có thể là thành kiến chống lại bất kỳ nhóm nào, theo chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc, độ tuổi hay hình dạng cơ thể.
Tất nhiên, nhiều thành kiến loại này là kết quả của một quá trình lâu dài. Nhưng các nền móng nhận thức để tạo ra chúng thì tồn tại sẵn từ đầu.
Trẻ sơ sinh thích tương tác với những người nói cùng thứ ngôn ngữ với bố mẹ chúng. Chúng cũng phản ứng tích cực hơn, và dễ dàng nhớ gương mặt của những người cùng chủng tộc của bố mẹ mình. Tương tự, trẻ con ba tuổi thích những người cùng chủng tộc và giới tính với mình hơn là những người khác.
Nó không có nghĩa trẻ con sinh ra đã có sẵn quan điểm phân biệt chủng tộc, hay cha mẹ chúng nhồi nhét những thành kiến chủng tộc và giới tính đó vào đầu các đứa trẻ – mặc dù trên thực tế, nếu điều đó xảy ra, các đứa trẻ sẽ cực kỳ dễ dàng bị ảnh hưởng.
Những hiện tượng trên chỉ cho thấy một điều đơn giản, trẻ con thích những thứ quen thuộc, và điều này thường khiến chúng phân nhóm dựa theo tiêu chí chủng tộc, ngôn ngữ của cha mẹ mình.
Có những trường hợp, những thứ được xem là nền tảng cho sự thương yêu và hợp tác, lại cũng đồng thời là gốc rễ cho những cảm xúc đen tối bên trong con người.
Có thể xem ví dụ về oxytocin, một chất thường được xem là “hormone tình yêu” hay “hormone âu yếm” (cuddle hormone).
Trong các loài động vật có vú, oxytocin là chất trung tâm tạo nên sự kết dính giữa mẹ và con, đồng thời cũng tạo nên sự gần gũi mật thiết giữa các cặp đôi bạn tình với nhau.
Với con người, sự xuất hiện của chất này thúc đẩy một loạt những hành vi gắn kết xã hội. Đối tượng thí nghiệm khi được tiêm oxytocin trở nên rộng rãi, có niềm tin vào mọi người, biết cảm thông và thể hiện cảm xúc của mình hơn.
Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy oxytocin chỉ giúp con người thể hiện các hành vi tốt đẹp đó dành cho những ai “thuộc phe mình”. Đối với người ngoài, hay “phe kia”, sự xuất hiện của chất này chỉ khiến họ càng thêm hung hăng và bài ngoại.
Thông thường, các hormone không thay đổi hành vi của con người theo cách này; chúng chỉ có mức độ tác động khác nhau, mạnh hay yếu, dựa trên những điều kiện môi trường khác nhau. Trong trường hợp của oxytocin, nó lại khiến con người thay đổi hành vi, đào sâu thêm hố ngăn phi lý giữa “ta” và “địch”.
Tóm lại, bức tranh về đời sống xã hội con người qua các nghiên cứu trong sinh học thần kinh (neurobiology), nội tiết học (endocrinology) và tâm lý học phát triển (developmental psychology) đều không sáng sủa gì.
Xét về tương tác trong các nhóm xã hội, con người không quá khác biệt so với những con tinh tinh giết nhau trong các khu rừng ở Uganda. Khuynh hướng lớn nhất của nhân loại là nghiêng về những thứ quen thuộc với mình. Bất cứ thứ gì, hay bất kỳ ai khác, khả năng cao đều sẽ phải đối mặt với sự nghi kỵ, sợ hãi hoặc những phản ứng hung hăng. Ít nhất đó là các phản ứng xuất hiện đầu tiên.
Trên thực tế, con người có thể suy nghĩ lại, và kiềm chế xu hướng gây hấn với “phe kia”. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta thường phải dùng đến bước chỉnh sửa, xuất hiện muộn hơn những phản ứng đầu tiên.
Từ những chiếc khăn xếp đến bộ râu quai nón
Như đã đề cập ở phần đầu, giữa tất cả những bi quan về bản năng khó sửa của con người, có một điều an ủi là nó hoàn toàn có thể thay đổi.
Thành kiến bè phái trong mỗi con người có gốc rễ thâm sâu, nhưng lại dựa trên những đặc điểm trung tính, không cố định. Các phản ứng sinh học khiến chúng ta, chỉ trong tích tắc, tự động phân biệt “địch – ta”, nhưng những tính chất xác định “địch” và “ta” đó không bị ràng buộc cố định. Trên thực tế, ranh giới đó có thể thay đổi chỉ trong chớp mắt.
Một trong những thực tế đầu tiên cần nói đến, đó là con người không thuộc về duy nhất một nhóm nào, mà cùng lúc nằm trong nhiều nhóm đan xen nhau – mỗi nhóm có những đặc tính ranh giới riêng, như các cộng đồng tôn giáo, chủng tộc hoặc sắc tộc khác nhau; những nhóm fan ủng hộ các đội bóng khác nhau; những nhóm người làm việc cho các công ty cạnh tranh nhau; hay đơn giản là những nhóm tập hợp những người có sở thích khác nhau, ví dụ thích uống Coca Cola hơn hay thích Pepsi hơn.
Điều quan trọng là các cột mốc quy định lằn ranh giữa các nhóm với nhau thay đổi thường xuyên liên tục.
Đi ngoài đường ban đêm trên con phố không đèn tối đen như mực, nếu phát hiện một người thuộc phe “bọn chúng” đến gần, hạch hạnh nhân (amygdala) của chúng ta sẽ nhảy tưng tưng đầy báo động. Nhưng ngồi cạnh người đó trong sân vận động, cùng cổ vũ một đội bóng, cùng đồng thanh ca vang bài hát truyền thống của đội đó, hạch hạnh nhân trong người ta lại ngoan ngoãn cuộn tròn im ắng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California – cơ sở Santa Barbara, đã chỉ ra rằng những đối tượng tham gia thí nghiệm, khi được cho xem hình ảnh người, thường nhanh chóng và phân loại một cách tự động những người xuất hiện trong hình theo chủng tộc.
Nhưng khi những người xuất hiện trong ảnh, da trắng lẫn da đen, được cho mặc hai loại đồng phục khác màu nhau, đối tượng thí nghiệm tự động bắt đầu phân loại họ theo đồng phục, thay vì theo chủng tộc.
Nói cách khác, xu hướng tư duy phân biệt phe ta/ phe họ của con người phần nhiều không phụ thuộc vào các đặc điểm sinh học cố định. Thay vào đó, năng lực nhận thức của chúng ta phát triển đến cấp độ có thể phát hiện và nắm lấy bất kỳ chỉ dấu xã hội nào để xác định ra những phe nhóm khác biệt, nhận biết bạn và thù, từ đó tăng khả năng sống sót.
Những chỉ dấu đặc tính mà con người dựa vào để xác định bạn thù này lại thay đổi tùy thuộc vào môi trường xã hội, và có thể dễ dàng bị kiểm soát khống chế.
Ngay cả khi ranh giới giữa các nhóm là cố định, các đặc tính gán cho những nhóm đó đều có thể thay đổi. Ví dụ như quan điểm và thái độ của người Mỹ đối với từng nhóm người nhập cư khác nhau (da đen, Mỹ Latin, châu Á…) thay đổi rõ rệt qua thời gian. Và tùy thuộc vào những khu vực khác nhau, lằn ranh phân biệt giữa các nhóm có khi được kẻ đậm ở chỗ này lại bị xóa nhòa, thậm chí biến mất hoàn toàn ở chỗ khác.
Tác giả lớn lên ở một khu vực thuộc New York, tại vùng Đông Bắc nước Mỹ, nơi có những căng thẳng sâu sắc và sự phân biệt rõ ràng về chủng tộc giữa các nhóm người. Nhưng khi đến miền Trung nước Mỹ, ông lại phát hiện ra ở đây chẳng ai để tâm phân biệt nhóm này nhóm kia, “phe ta” và “phe địch” như vậy.
Chỉ có con người mới có sự linh hoạt và thay đổi nhận thức dựa trên hoàn cảnh khác nhau.
Các giống loài khác phân biệt phe nhóm dựa trên sự gần gũi về mặt sinh học, hay thứ mà các nhà sinh học theo thuyết tiến hóa gọi là “chọn lọc huyết thống” (kin selection).
Các loài gặm nhấm dựa vào mùi – dấu hiệu hóa học cố định được di truyền – để phân biệt anh chị em, họ hàng và người lạ, từ đó có hành vi hợp tác tương ứng.
Băng đảng tinh tinh hung bạo ở đầu câu chuyện đa phần được hình thành từ các anh chị em, họ hàng, lớn lên cùng nhau và chủ yếu chuyên đi đánh lại những kẻ bên ngoài.
Con người tất nhiên cũng có khả năng chọn lọc huyết thống và hành xử bạo lực (đối với người khác huyết thống), nhưng thông thường nhận thức tư duy của con người về phe nhóm không bị ràng buộc bởi các đặc tính gia đình như vậy.
Đa phần các xã hội hiện đại được tạo dựng dựa trên nền tảng chọn lọc gần gũi văn hóa (cultural kin selection), một quy trình biến những người hoàn toàn xa lạ về mặt sinh học trở thành những người anh chị em cột chèo kết thân với nhau.
Việc này thường diễn ra dựa trên một quá trình chủ động bồi dưỡng sự gắn kết, thông qua các nghi thức, tập quán, ngôn ngữ của các nhóm riêng biệt. Ví dụ như những người sau khi tham gia các khóa huấn luyện quân sự trở thành “nhóm huynh đệ”, hay những sinh viên năm nhất hoàn toàn không quen biết sau một thời gian lại trở thành “tỉ muội thân thiết”, hoặc như tập hợp “đại gia đình nước Mỹ” chào đón những người nhập cư hòa nhập vào cộng đồng (đó là vào thời trước, ngày nay tinh thần “đại gia đình” này có vẻ đã bị quên lãng).
Sự gắn kết dựa trên những đặc điểm không cố định, có thể thay đổi này khiến cho con người sẵn sàng tiếp nhận những chỉ dấu ngẫu nhiên để xác định “gia đình văn hóa” (cultural kin) của mình giữa đại dương mênh mông những kẻ lạ mặt. Từ đó, những lá cờ, trang phục, hoặc hình thức đầu tóc trở thành những biểu tượng quan trọng cho những cộng đồng khác nhau.
Chiếc râu quai nón, khăn xếp đội đầu, hay chiếc mũ “Biến nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again), tất cả đều đóng vai trò đó, bắn ra những tín hiệu mạnh mẽ về đặc tính của phe nhóm mà nó đại diện.
Không chỉ dễ thay đổi, các cộng đồng văn hóa này còn tồn tại hoàn toàn ngẫu nhiên.
Những gia đình nhập cư là một ví dụ điển hình. Những kết quả visa mà nhiều khi giống như trò xổ số may rủi, quyết định và thay đổi hoàn toàn hoàn cảnh giáo dục, cơ hội nghề nghiệp và sự gắn kết văn hóa của một đứa trẻ.
Tác giả lớn lên trong một gia đình nhập cư vào Mỹ. Nếu ngày đó ông bà nội và cha của ông không lên kịp chuyến tàu rời Moscow mà họ suýt lỡ mất, có lẽ giờ này tác giả đã là một trí thức Nga luôn miệng phì phèo tẩu thuốc, rơi nước mắt mỗi khi nhắc về trận chiến Stalingrad, thay vì là một học giả Mỹ mang giày hiệu Birkenstock, xúc động về trận đánh tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor).
Bức tranh lớn về đặc tính của nhóm – những tính cách dân tộc và các quy tắc văn hóa tạo nên cuộc sống của chúng ta – được gom từ những câu chuyện cá nhân như vậy. Và nếu câu chuyện của từng cá nhân, từng gia đình đã đầy các yếu tố ngẫu nhiên, câu chuyện về đặc tính của nhóm, của cả dân tộc lại càng đầy rẫy sự ngẫu nhiên và biến đổi mà không ai có thể đoán định trước.
Cách mạng hay cải cách
Bản chất ngẫu nhiên đó về đặc tính của nhóm – bất kể là nhóm dân tộc hay nhóm nào – không khiến sự xuất hiện và tồn tại của các nhóm đó bớt quan trọng, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Về mặt tích cực, chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa yêu nước (patriotism) có thể khuyến khích người dân nộp thuế đầy đủ, chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong cùng đất nước, bao gồm cả những người họ chưa từng và sẽ không bao giờ gặp mặt.
Nhưng vì sự đoàn kết này được xây dựng trên các chỉ dấu văn hóa được nhấn mạnh để tạo ra câu chuyện về một “đại gia đình ngụy tạo” (pseudo-kinship), nó có thể dễ dàng bị lung lay, đặc biệt trong trường hợp của toàn cầu hóa, khi những người từng được xem là “thành viên gương mẫu” trong đại gia đình văn hóa giờ đây bỗng cảm thấy mình thành người thừa, và khi họ phải tương tác với những nhóm người rất khác biệt so với những người mà cha ông họ từng tiếp xúc.
Đối diện với sự thay đổi đột ngột đó, chủ nghĩa dân tộc của những công dân đóng thuế có thể nhanh chóng đổi tông chuyển sang một màu đen kịt: sự thù hằn phi nhân tính biến những người Do Thái thành “loài sâu bọ”, người Tutsi trở thành “những con gián”, hay người Hồi giáo trở thành “bọn khủng bố”.
Ngày nay, tông màu đen tối của chủ nghĩa dân tộc đang quay trở lại khắp nơi, được những nhà lãnh đạo hăng hái lợi dụng kích động để lấy phiếu bầu.
Đối diện với sự trỗi dậy này, giải pháp nảy ra ngay trong đầu là phải hướng vào lý trí của những người đó. Chủ nghĩa dân tộc là sản phẩm của nhận thức, nếu thay đổi được nhận thức thì sẽ thay đổi được nó. Và nếu nhận ra rằng chủ nghĩa dân tộc cùng với những tư duy bè phái phe nhóm đều là những sản phẩm ngẫu nhiên phi lý, người ta sẽ không còn nhắm mắt đưa chân chạy theo tôn thờ những thứ đó nữa.
Trên thực tế, đó là ước mơ xa vời.
Ngay cả khi người ta biết được sự gắn kết, chia phe lập nhóm là kết quả ngẫu nhiên không định trước, mối dây liên kết đó của họ cũng không bị sứt mẻ gì.
Nhà tâm lý học Henri Tajfel vào những năm 1970 đã gọi hiện tượng này là “mô tuýp lập nhóm tối thiểu” (the minimal group paradigm).
Trong thí nghiệm, những người tham gia được chia thành hai nhóm dựa trên việc tung đồng xu sấp ngửa. Họ đều biết rõ sự phân chia này hoàn toàn ngẫu nhiên và vô nghĩa. Vậy nhưng chỉ sau vài phút, họ đều thể hiện thái độ tích cực, tin tưởng nhiều hơn dành cho “phe của mình”. Bên Sấp không thích chơi với bên Ngửa, và ngược lại.
Ngay cả khi ranh giới giữa các nhóm xã hội là ngẫu nhiên hoàn toàn và ai cũng thấy rõ điều đó, tư duy “ta và địch” vẫn có sức mạnh đáng kể ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người. Vậy có thể tưởng tượng sức mạnh đó lớn kinh khủng dường nào khi sự phân định này được lồng ghép theo những tư tưởng phức tạp về lòng trung thành đối với tổ quốc.
Thứ quan điểm bè phái này rõ ràng không phải là sản phẩm của lý trí, và vì vậy không thể dùng lý trí để kéo nó ra khỏi đầu người khác.
Xã hội hiện đại có thể sẽ bị dính chặt với chủ nghĩa dân tộc cùng những dạng thức chia rẽ phân nhóm khác, và có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta tìm cách kiểm soát và khai thác những động lực của nó, thay vì chống lại và dè bỉu chúng.
Thay vì ôm lấy chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến (jingoism – cho nước mình là nhất, đặc biệt là thể hiện qua việc đi gây chiến với các nước khác) và cổ vũ tư tưởng bài ngoại (xenophobia), các nhà lãnh đạo nên dùng xu hướng phe nhóm của người dân để khuyến khích sự hợp tác, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm chăm sóc dành cho những đồng bào của mình.
Hãy thử tưởng tượng khi một người có thể tự hào về dân tộc mình, không phải ở sức mạnh quân sự vượt trội hay sắc tộc thuần nhất, mà ở khả năng chăm sóc cho những người lớn tuổi, nuôi nấng giáo dục những đứa trẻ biết cảm thông, hoặc ở một xã hội đảm bảo mọi người đều có cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân (social mobility).
Chủ nghĩa dân tộc tiến bộ đó (progressive nationalism) chắc chắn tốt hơn nhiều so với câu chuyện dân tộc được dựng nên quanh các huyền thoại bị ức hiếp và ước vọng phải phục thù.
Tuy nhiên, xu hướng gán mác tốt đẹp cho những thứ quen thuộc với mình luôn hằn sâu trong đầu mỗi người.
Với một cái đầu như vậy, cho dù có một ngày các quốc gia không còn khoe khoang kho vũ khí, không còn đòi ức hiếp, không còn tranh đoạt quyền lợi với những nước khác, mà chuyển sang làm những điều tốt đẹp có lợi cho xã hội, vẫn luôn có khả năng họ sẽ lại gây chiến với nhau chỉ để tranh xem “ai là người tốt hơn”.
Mặt đen tối của chủ nghĩa dân tộc, vì vậy, sẽ khó được rửa sạch trong một sớm một chiều.
***
(Hết phần lược dịch)
Trong một trao đổi ngắn với người dịch để giải thích về các quan điểm trong bài viết, giáo sư Robert Sapolsky đã nói rằng góc nhìn của ông khá “bi quan”.
Có thể sẽ có nhiều bạn đọc cũng có chung suy nghĩ, sau khi “thẩm thấu” được sức mạnh (tiêu cực) của những thứ bản năng hằn sâu trong đầu chúng ta mà việc xóa bỏ nó gần như là bất khả thi.
Cảm giác bi hay lạc thật ra không phải thứ quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn cả là xác nhận được những sự thực. Những trình bày của tác giả đều dựa trên các nghiên cứu khoa học được xác thực. Nó đều rất thực tế.
Càng đến gần với thực tế, hay sự thật, người ta càng có thể trở nên tốt hơn.
Những quan điểm “bi quan” nhưng thực tế ở trên là lời tự nhắc nhở không thể phù hợp hơn, rằng cho dù nhân loại có “tiến bộ” và “văn minh” đến đâu, nếu không cảnh giác, tỉnh táo trước những tư duy bốc đồng theo bản năng, vẫn sẽ luôn có khả năng chúng ta tự biến mình thành ác quỷ.
Càng nhận thức được rõ ràng những cơ chế hoạt động theo bản năng đó, con người càng có thể tỉnh táo để tránh nhắm mắt đưa chân trở thành nạn nhân của chính mình.
Khả năng tự nhận thức này có lẽ là thứ giúp cho nhân loại thật sự đặc biệt hơn (theo cách tốt đẹp), so với muôn vàn sinh vật trên trái đất này.
Từ khoá:
chủ nghĩa dân tộc: nationalism (n)
chủ nghĩa dân tộc tiến bộ: progressive nationalism (np)
chủ nghĩa yêu nước: patriotism (n)
thành kiến bè phái: in-group bias (np)
chọn lọc huyết thống: kin selection (np)
chọn lọc gần gũi văn hóa: cultural kin selection (np)