Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Không có gì tiện lợi hơn là cầm lá bùa “Tâm lý học đám đông” của Le Bon lên và ném vào mặt số đông công chúng đang phẫn nộ. Cùng với đó, “công lý đám đông” cũng dễ dàng được gán cho làn sóng phẫn nộ đó của đám đông. Trong hầu hết các trường hợp, thứ cáo buộc vội vã, lười biếng và né tránh đó không giúp ích gì cho ai, cũng chẳng giúp ích gì cho công lý.
Công lý đám đông (mob justice), hay còn gọi là công lý rừng rú (jungle justice), được hiểu là việc công chúng trực tiếp thực thi luật pháp bằng cách tự mình kết án và thi hành án đối với người mà họ cho là có tội. Đánh chết trộm chó ở nước ta là một ví dụ không thể hoàn hảo hơn cho khái niệm công lý đám đông: án được tuyên và thi hành ngay lập tức. Chuyện này ở ta không nhiều cũng chẳng hiếm, nhưng ở nhiều nước châu Phi thì đã thành một vấn nạn.
Hiện tượng phẫn nộ của công chúng trong vụ Nguyễn Hữu Linh có thể coi là “công lý đám đông” không? Không, bởi công chúng mới chỉ kết án chứ chưa thi hành án, hoặc đúng hơn là công chúng không có ý định và/hoặc không có khả năng thi hành án. Nói cách khác là “công lý đám đông” chưa được thực thi.
Tuy nhiên, cơn phẫn nộ của công chúng có khả năng biến thành công lý đám đông. Xin nhấn mạnh là có khả năng, chứ không phải chắc chắn. Giả sử Nguyễn Hữu Linh bị cộng đồng dân cư ở quận 4, TP. Hồ Chí Minh bắt quả tang đang “nựng” cháu bé trong thang máy, Linh có thể đã cùng chung số phận với những kẻ trộm chó, nhẹ thì bị đánh cho gãy cái tay gây án, nặng thì khỏi phải nói. Ở đây lại phải nhấn mạnh một lần nữa, chỉ là “có thể”, chứ không phải chắc chắn. Ta hãy để ngỏ mọi khả năng và không vội vã kết luận bất cứ điều gì.
Cái khái niệm “công lý đám đông” mà cư dân mạng truyền tai nhau thường là áp lực của công chúng buộc cơ quan công quyền phải xử lý vụ việc, chứ không phải công lý đám đông theo nghĩa thường được hiểu mà tôi đã trình bày ở trên. Đây gọi là “công luận chính đáng” (legitimate public opinion), chứ không phải công lý đám đông.
Trong vụ Nguyễn Hữu Linh, ta khó có thể nói công luận là hoàn toàn chính đáng, bởi hành vi xịt sơn lên cửa và ném chất thải vào nhà ông Linh (cùng với sự đồng tình của một phần rất lớn trong công chúng) đã vượt quá giới hạn chính đáng. Cơn phẫn nộ hàm chứa khả năng biến thành công lý đám đông.
Công lý đám đông xuất hiện khi người dân mất niềm tin vào năng lực thực thi pháp luật của chính quyền, do đó, họ phải tự mình thực thi thứ mà họ coi là pháp luật, hoặc cách hiểu của họ về pháp luật. Tôi không cho rằng có thứ công chúng nào ở Việt Nam lại thích tự mình thực thi pháp luật. Người ta đẻ ra nhà nước để thay công chúng làm việc đó, chỉ khi nào nhà nước không làm được thì công chúng mới ra tay.
Công lý đám đông không có chuẩn mực nào. Sẽ là thảm hoạ nếu đám đông ở Việt Nam trực tiếp thực thi công lý theo đúng cách hiểu thông thường của “công lý đám đông”.
Tuy vậy, các ý kiến lên án cái mà họ gọi là “công lý đám đông” trong vụ Nguyễn Hữu Linh có xu hướng lảng tránh nguyên nhân của hiện tượng xã hội này: công chúng đã mất gần như hoàn toàn niềm tin vào các cơ quan thực thi pháp luật. Cảm giác mà những ý kiến lên án đám đông này tạo ra cho người đọc là cái đám đông đó thật ngu dốt, ấu trĩ và rừng rú. Bằng cách lảng tránh phê phán thể chế, họ vờ như thể chế không có vấn đề, hoặc nếu có vấn đề thì nó cũng không đáng để đám đông phải gào thét như vậy.
Nhưng ở nước ta, rất tiếc, quan điểm của công chúng có vẻ như đúng đắn hơn, gần với công lý hơn là các vị quan toà.
Ta hãy điểm lại các vụ án gần đây: vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, vụ hai thanh niên cướp bánh mỳ, vụ tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng, vụ nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Quá trình xét xử và phán quyết của toà đều chứa đựng những yếu tố đi ngược lại với những lý lẽ logic thông thường và trái với các nguyên tắc pháp lý căn bản nhất.
Trong vụ việc xâm hại tình dục gần nhất, Đỗ Mạnh Hùng chỉ bị xử phạt hành chính 200 nghìn đồng cho hành vi tấn công tình dục một nữ sinh trong thang máy.
Nếu không có áp lực của công chúng, gần như có thể chắc chắn hai tử tù Hồ Duy Hải và Lê Văn Mạnh giờ này đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Nếu không có áp lực của công chúng, những bản án tử hình, chung thân oan sai của Hàn Đức Long, Ngô Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén chắc sẽ không bao giờ được xem xét lại.
Và nếu phê phán và bác bỏ cái gọi là “công lý đám đông” đó, thì người dân sẽ dựa vào cái gì để đòi công lý? Công chúng không có cơ sở để tin rằng chính quyền sẽ chủ động mang một cựu quan chức ra xét xử, trừ phi có đấu đá phe cánh chính trị. Nếu mang ra xét xử thì cũng không có cơ sở để công chúng tin rằng chính quyền sẽ xử họ một cách công bằng, đúng các chuẩn mực tố tụng thông thường.
Không nên đồng nhất áp lực của đám đông, công luận chính đáng của đám đông với công lý đám đông. Càng không nên lấy một vài biểu hiện quá khích ở mức cực kỳ thấp như xịt sơn và ném chất thải để vội vã kết luận rằng toàn bộ dư luận quá khích. Hãy thực tế mà nhìn nhận rằng, bộ máy thực thi công lý của Việt Nam đang nằm dưới chuẩn mực công lý thông thường của người dân và những chuẩn mực tố tụng thông thường rất rất xa. Trong bối cảnh đó, cái mà ta đang gọi là “công lý đám đông”, hoá ra, và đáng sợ thay, lại là thứ công lý tốt nhất mà chúng ta đang có. Tốt hơn nhiều so với “công lý 200k”.
Chúng ta nên lấy đó mà làm kinh hãi. Kinh hãi cho cái bộ máy thực thi công lý mà chúng ta đang có. Đừng vội lo nhân dân ngu dốt, hãy lo kẻ có quyền ngu dốt trước. Đừng lo nhân dân ác, hãy lo kẻ có quyền ác trước. Nhân dân có ngu dốt cách mấy và độc ác cách mấy cũng không tàn hại bằng một góc kẻ có quyền ngu dốt và độc ác. Lý do đơn giản là nhân dân không có súng và không có kho bạc trong tay.
Khi đã kinh hãi nó rồi, thì hãy gây áp lực lên nó, phê phán nó, đả kích nó đúng mức độ mà nó đáng phải nhận, và hãy làm một cái gì đó để thay đổi thực trạng. Công lý đám đông đáng sợ ở chỗ nó tuỳ tiện, không nhất quán, không ai có thể kiểm soát và nó biến công lý thành sự cai trị của số đông. Nó có thể đúng, có thể sai, nhưng tính tuỳ tiện, bất quy tắc của nó là lý do người ta phải sinh ra pháp luật. Một hệ thống tư pháp độc lập, nơi các cơ quan tư pháp thực thi pháp luật độc lập với các cơ quan lập pháp và hành pháp, độc lập với cả công chúng, và độc lập với đảng cầm quyền, mới là lời giải cho bài toán của chúng ta hiện nay.
Lảng tránh phê phán thể chế nghĩa là trực tiếp nuôi dưỡng công lý đám đông, cái thứ công lý mà nhiều người đang cầm gạch đá ném một cách không chút dè dặt. Chừng nào những người ném đá đám đông còn không nhận ra hoặc cố tình không nhận ra điều đó thì họ cũng chỉ là một đám đông khác, cản trở công lý và sự tiến bộ của xã hội.