Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Theodor Seuss Geisel có một bộ sưu tập đồ sộ hàng trăm chiếc mũ, đủ hình đủ dạng, nhiều cái chỉ được nhìn thấy trong truyện tranh. Những buổi mời bạn bè ăn tối tại nhà, ông thường yêu cầu thực khách mỗi người chọn một chiếc mũ. Các vị khách đạo mạo, người đội nón rơm, người nón cối, người mũ hoa, người mũ lính, người nón chú hề, người nón đuôi công, người mũ gáo dừa … mỗi người như biến thành một nhân vật khác khi có chiếc mũ trên đầu.
Theodor Seuss Geisel là tên thật của tác giả huyền thoại chuyên viết truyện thiếu nhi với bút danh Dr. Seuss. Những chiếc mũ đời thực cũng xuất hiện trong các tác phẩm nổi tiếng của ông như truyện “500 chiếc mũ của Bartholomew Cubbins” và “Chú mèo đội mũ”.
Không phải ai cũng đam mê sưu tập mũ như Dr. Seuss, nhưng gần như chúng ta ai cũng gắn bó với chúng. Những chiếc mũ có sức mạnh đặc biệt. Trang phục của một người lính sẽ không đủ nghiêm trang nếu thiếu chiếc mũ lính. Người nông dân Việt Nam sẽ không giống nông dân nếu không có nón lá trên đầu. Chàng cao bồi sẽ mất kha khá nam tính nếu thiếu chiếc nón phớt bí hiểm che nửa mặt. Cô hoa hậu có thể khóc trôi cả phấn trang điểm nếu bị tước đi chiếc mũ vương miện. Người điều khiển xe máy ở Việt Nam cũng sẽ méo mặt nếu phát hiện bỏ quên mũ bảo hiểm khi ra đường, nhất là khi phía trước các anh cảnh sát giao thông đang chờ sẵn.
Con người dường như được sinh ra với những chiếc mũ, và không thể sống thiếu chúng.
Điều đó đúng nhất không phải với những chiếc mũ hữu hình, mà với những loại không sờ mó được: những chiếc mũ vô hình, các tên gọi, danh xưng dành cho tất cả sự vật và sự việc trên đời.
Từ những thứ cơ bản nhất như tên người, tên trường, tên quốc gia cho đến chức danh công việc, và rộng hơn là danh xưng dành cho những phe nhóm được phân chia theo niềm tin, mục đích, theo lợi ích, địa lý, theo màu da, sắc tộc, hoặc chỉ đơn giản theo sở thích.
Những chiếc mũ là các dấu mốc xác định để con người khỏi đi lạc trên đường đời mênh mông.
Từ những chiếc mũ nhỏTa có những người tên Hùng, Dũng, Phi, Thường để phân biệt với những ai tên Vinh, Hoa, Phú, Quý. Khi trùng tên ta kèm theo họ. Trùng cả họ tên ta dùng đặc tính khác để đính kèm với chiếc mũ.
Những ai có theo dõi bóng đá ắt hẳn đều nghe qua cái tên Ronaldo. Dù có cả ngàn cầu thủ mang cái tên này, nhưng ở thời điểm hiện tại, người ta mặc nhiên Ronaldo là tên để chỉ Cristiano Ronaldo, cầu thủ điển trai xuất chúng người Bồ Đào Nha. Tuy vậy, để phân biệt với một Ronaldo khác – cách đây hơn mười năm vẫn còn được xem là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, nhiều người thêm vào tên gọi “Ronaldo béo” để chỉ cầu thủ người Brazil và “Ronaldo điệu” để chỉ anh chàng người Bồ. Hoặc gần đây, cái tên “CR7” (ghép từ Cristiano Ronaldo và số áo 7) được sáng tạo ra để khỏi lẫn lộn.
Chiếc mũ có vẻ giản dị nhất, cái tên người, rất nhiều lúc lại không đơn giản chút nào. Cái tên giản dị “Cu Tí” rất nhiều trường hợp phải được kèm theo “Cu Tí con nhà bà Hai bán sữa” để phân biệt “Cu Tí con nhà bà Hai bán xôi”, hay “Cu Tí theo đuổi con Mắm” để phân biệt “Cu Tí bị con Nở theo đuổi”.
Ngay cả khi xác định được rõ đang nói về ai, chiếc mũ danh xưng không phải đã là đủ để diễn đạt ý câu chuyện.
Khi một người được khen “mày giống CR7 quá”, trừ trường hợp ngữ cảnh đã xác định rõ, người được khen sẽ không biết mình đang được so sánh với điểm gì của anh chàng CR7, thể lực tuyệt vời hay vẻ ngoài điển trai, thân hình sáu múi hay đầu tóc điệu đà, thái độ tập luyện cực kỳ chuyên nghiệp hay thói quen ăn vạ, khả năng sút phạt thần sầu hay tốc độ phi thường.
Tên gọi, cái mũ đơn thuần đó, khi được dùng ngoài chức năng thuần túy để xác định đối tượng, bỗng nhiên trở nên lỏng lẻo và bất định. Người nghe, và nhiều trường hợp người nói, không biết được thực chất chiếc mũ đó được dùng để chụp lên cái gì.
Đấy chỉ mới là câu chuyện về cái tên người, một trong những loại mũ đơn giản, chụp lên ít đối tượng nhất.
Càng được kéo rộng để chụp càng nhiều người, chiếc mũ càng thiếu trước hụt sau, không đủ để diễn đạt nội dung ý tưởng của người nói lẫn người nghe, người đội mũ lẫn người xem mũ.
Các danh xưng như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân, nhà báo, chính trị gia, v.v. ngoài mục đích thuần túy ban đầu để chỉ nghề nghiệp lại rất thường được cơi nới ra như tính từ để xác định các đặc tính của nhóm đối tượng đó.
Khi ai đó bảo “tay đó đúng là nhà báo”, nếu không có thông tin gì thêm, người nghe không thể xác định được người kia đang được so sánh với điều gì, khả năng điều tra thu thập thông tin, năng lực tư duy độc lập, tài viết lách, hay thói tò mò tọc mạch chuyện đời tư thiên hạ, hoặc biết lèo lái dẫn dắt người đọc, đưa tin thiển cận, một chiều, nhắm mắt “tuân theo chỉ đạo”, hay tệ hơn, tài năng bịa đặt dối trá để hãm hại người khác.
Những chiếc mũ – chức danh, tên gọi – là phần không thể thiếu của nhân loại, và ngôn ngữ mà chúng ta đang dùng. Nhưng giống như mọi thứ trên đời, lạm dụng nó chỉ khiến cái hại ăn đứt cái lợi. Chăm chăm bám chặt vào những chiếc mũ là biểu hiện của sự lười biếng trong tư duy.
Đến những chiếc mũ khổng lồTrong tiếng Anh, cái đuôi -ism thường được dùng để ghép vào từ khác nhằm chỉ một học thuyết (chủ nghĩa) hay một cách hành xử nào đó, nhấn mạnh sự ưu tiên cho nó. Những người tin theo -ism được gọi là những -ist.
Ta có communism (chủ nghĩa cộng sản) cùng communist (người cộng sản). Tương tự, ta có capitalism (chủ nghĩa tư bản), hay individualism (chủ nghĩa cá nhân), collectivism (chủ nghĩa tập thể), v.v.
Với những người luôn thích những chiếc mũ để tư duy, có lẽ từ hammuism (chủ nghĩa hám mũ) là thích hợp để diễn tả họ. Và trên thực tế, khoảng cách từ hammuism cho tới chupmuism (chủ nghĩa chụp mũ) chỉ là một sợi tóc mong manh.
Các thể loại tư duy hám mũ và chụp mũ này thể hiện sinh động nhất qua những chiếc mũ khổng lồ liên quan đến chính trị, tôn giáo.
Cánh tả (Left) và cánh hữu (Right) là hai trong số những chiếc mũ/ kiểu tư duy như vậy.
Khái niệm tả/ hữu này được cho là bắt nguồn từ Cách mạng Pháp vào năm 1789, khi người Pháp tranh cãi giữa việc nên làm gì với quyền lực (còn sót lại) của Hoàng gia. Theo đó, người ta hỏi các thành viên trong Quốc hội ai muốn tước bỏ quyền lực của Hoàng gia đứng về phía bên trái (của chủ tịch hội đồng), những người ủng hộ giữ lại quyền lực của vua đứng về phía bên phải. Vào thời đó, những người phe trái/ cánh tả vì vậy được gọi là phe Cộng hòa (Republicans), ủng hộ lập ra một nhà nước mới dân chủ, bãi bỏ chế độ quân chủ. Những người cánh hữu ngược lại là phe Hoàng gia (Royalist), hoặc Bảo thủ (Conservatives), muốn giữ nguyên chế độ hiện thời.
Khái niệm rất giản dị và tiện lợi này sau đó nhanh chóng được phổ biến khắp châu Âu, Mỹ và cả thế giới.
Ngày nay, phe cánh tả thường được gọi, hay tự gọi mình với những danh xưng như đại diện cho “chủ nghĩa tự do, bình đẳng, tiến bộ, nhân quyền, cải cách, quốc tế hóa, toàn cầu hóa …”, phe cánh hữu thì là “quyền lực nhà nước, truyền thống, trật tự, chủ nghĩa dân tộc ….”.
Trong khi những chiếc mũ tả/ hữu bình thường đã không giúp gì được cho các cuộc tranh luận tích cực, nếu không muốn nói là gây rối rắm thêm, thì những chiếc mũ-trùm-mũ kể trên lại càng không có ích gì, nếu không phải là vật cản thường xuyên cho những tranh luận hữu ích để tìm ra các phương thức hiệu quả để quản lý nhà nước, lập pháp, và giải quyết các vấn đề xã hội.
Người ta có thể thấy nhiều người cánh tả hô hào tự do bình đẳng nhưng lại thường tìm cách tăng phúc lợi xã hội bằng cách “đánh” vào sự tự do bình đẳng của những người giàu có. Người ta cũng thường thấy những người cánh hữu ủng hộ hết mực cho nguyên tắc tự do của kinh tế tư bản nhưng lại là những người nhiệt tình nhất trong việc dựng lên các rào cản thương mại bảo vệ lợi ích của người nhà mình. Hoặc những người cánh tả ngày nay muốn tăng quyền lực của chính phủ (thông qua các biện pháp quản lý kinh tế, thuế má …) trong khi những người cánh hữu đương thời chống lại sự can thiệp của nhà nước vào thị trường.
Để bớt đi sự nhập nhằng, từ những chiếc mũ tả hữu đơn thuần, người ta buộc phải phân ra cực tả (extreme left/ radical left), và trung tả (center-left), tương tự là cực hữu và trung hữu, những người còn lại đung đưa ở giữa (centrist).
Động tác phân nhỏ này khiến việc chỉ mặt điểm tên dễ dàng hơn, nhưng không làm cho mọi việc bớt rối đi. Trong từng chiếc mũ được phân tách ra đó, mỗi một chiếc mũ nhỏ họ mang theo đã là một tập hợp khổng lồ các khái niệm phức tạp và thường xuyên mâu thuẫn với nhau, nhưng không mấy khi được làm rõ.
Ngước nhìn về quá khứ, nhiều người sẽ gãi đầu khi biết ở Mỹ, vào giữa thế kỷ 19, trước khi cuộc nội chiến nổ ra, đảng Dân chủ (Democratic Party) là thành trì kiên cố cho những người thủ cựu, ủng hộ chế độ nô lệ ở các bang miền Nam, còn đảng Cộng hòa (Republican Party) lại là lá cờ đầu của những người cấp tiến, ủng hộ nhân quyền, tự do giải phóng nô lệ. Đến đầu thế kỷ 20, những chiếc mũ được giật tung lột bỏ, đổi màu tráo kiểu, khi đảng Cộng hòa bắt đầu ve vãn những người bảo thủ ở các bang miền Nam, chống lại các đề xuất cải cách, tự hào gọi mình là phe “bảo thủ” (conservatives) hoặc cánh hữu (right), còn đảng Dân chủ lại khoác lên sứ mệnh tự do, đi đầu trong các phong trào nhân quyền, gọi mình là phe “tiến bộ” (progressive) hoặc cánh tả (left). Đó tất nhiên chỉ là bức tranh lớn giản lược, khi trong nội bộ từng đảng qua các thời kỳ đều có vô số những nhánh nhỏ cổ xúy cho các giá trị nhiều lúc đối lập hoàn toàn với nhau.
Ở một góc khác của lịch sử, trong khi chủ nghĩa cộng sản (communism) là đứa con cực đoan được nhét vào góc tối trong cùng của cánh tả (phe cực tả), thì chủ nghĩa phát xít (fascism) lại là đứa trẻ lạc loài bị nguyền rủa thường được nhét chặt vào trong nách của cánh hữu (phe cực hữu). Dễ hiểu những người “ôn hòa” mang chiếc mũ tả/ hữu đều không muốn nhận mặt các đứa con ngỗ nghịch này, thậm chí ngày càng nhiều ý kiến tranh luận từ những người cánh hữu cho rằng chủ nghĩa phát xít là sản phẩm của cánh tả.
Bản thân những người cánh tả cộng sản ngày nay cũng sẽ lảng tránh hết mức có thể nếu bị chất vấn về bản chất thứ chủ nghĩa mà họ theo đuổi, khi mà rất nhiều người cộng sản đã trở thành giai cấp đối nghịch với giai cấp vô sản mà chính họ đã thề sống thề chết bảo vệ, cũng như thứ tư duy kinh tế tập trung mà họ tôn thờ từ lâu đã bị chôn vùi xuống đất để nhường chỗ cho tư duy kinh tế thị trường sinh sôi nảy nở (việc cố gắng bám víu bằng cách thòng vào cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ giúp vở diễn của họ thêm phần lố bịch hơn).
Những người cánh hữu phát xít ngày nay cũng sẽ không tìm ra được lý do đặc biệt nào ủng hộ cho lý lẽ phân biệt chủng tộc của họ, khi mà thứ tư duy “chủng tộc thượng đẳng” như Hitler từng cổ xúy đã ngày càng bị thực tế chứng minh là ngớ ngẩn và ấu trĩ. Lịch sử hình thành dân tộc của những người này cũng rất tiện lợi bị cắt gọt, chỉ được tính từ những câu truyện huyền thoại về sự uy mãnh của “người mình”, bỏ qua cái nguồn gốc chung và các bằng chứng nhân chủng học về kết quả pha trộn chủng tộc của tất cả nhân loại trên trái đất. Ngày nay, nhiều người phát xít da trắng lại đi lan truyền cho nhau thuyết âm mưu (conspiracy) về việc chủng tộc mình sẽ bị chủng tộc khác, trong đó có người da màu Hồi giáo, nuốt chửng. Từ vị trí “thượng đẳng”, giờ họ phải dùng đến chiêu bài “nạn nhân”.
Có vô số những ví dụ mâu thuẫn như thế về những người bị chụp hoặc tự đội lên đầu những chiếc mũ khổng lồ mà không ai chịu minh định.
Phe cánh tả được gán hoặc tự gán mác “chủ nghĩa tự do” (liberalism) nhưng lại không mấy ai chịu dừng lại hỏi “thế nào là chủ nghĩa tự do?”. Phe cánh hữu tự hào gắn huân chương “chủ nghĩa dân tộc” lên mình nhưng cũng không mấy ai đi hỏi nhau “thế chủ nghĩa dân tộc ta đang hô hào là cái gì vậy?”.
Giống như câu truyện ngụ ngôn châm biếm về ông vua cởi truồng của Hans Christian Andersen, rất nhiều người đội những chiếc mũ trên đầu mà không hề biết nó đại diện cho điều gì, nhưng lại không dám lên tiếng, sợ bị xem là dốt nát, đần độn. Để che giấu nỗi sợ hãi đó, người ta tự thuyết phục rằng mình “đã đủ hiểu biết”, để rồi không bao giờ cần phải chất vấn bản thân.
Các hammuists và chupmuists, những người hám mũ và hăng hái chụp mũ người khác, vì vậy sẽ không bao giờ hiểu được vì sao có những người vừa chống lại chế độ độc tài của Trung Quốc, Việt Nam, lại vừa chống cả chủ nghĩa bá quyền của Mỹ, hoặc vì sao có người vừa chống lại những kẻ khủng bố cực đoan Hồi giáo, lại vừa chống cả những kẻ khủng bố cực đoan Thiên chúa hay Phật giáo, bất kể màu da sắc tộc gì. Họ tất nhiên cũng không chịu nổi ý nghĩ người thuộc “phe ta” lại gật đầu đồng ý với một vấn đề nào đó của “phe địch”, bất kể việc những người đó có lý do hợp lý đến đâu.
Họ sẽ không chấp nhận được việc nồi canh của phe ta lẫn phe địch đều có đầy những con sâu dơ bẩn cần phải gắp bỏ đi, và sự thật là một khi bỏ được những thứ dơ thứ bẩn đó, nồi canh nào cũng đáng thưởng thức, đáng giữ gìn.
Chiếc mũ sùm sụp đội lên đầu đủ che chắn để họ có thể thản nhiên bình luận “ngu hết sức, đã chống Cộng còn đi chống Trump!”, hoặc “chống đế quốc Mỹ sao lại đi nói xấu chính quyền!”, hay lười biếng hơn, phun ra những chiếc mũ tùy tiện “thổ tả”, “bò đỏ”, “bò vàng” hay “rận chủ”.
Họ chọn sẵn phe, chụp sẵn mũ, và sẽ tử thủ đến cùng để bảo vệ nồi canh bẩn của mình, đồng thời cố sức đạp đổ nồi cơm của người khác.
Nhiệm vụ của chúng ta không phải là giúp các hammuists gỡ những chiếc mũ đó ra. Đó là lựa chọn của họ. Có đội theo những chiếc mũ đó xuống mồ với mình, đó cũng là lựa chọn cuộc đời của họ.
Chúng ta chỉ có nghĩa vụ với những ai bị chụp mũ, hoặc vô tình đội nhầm mũ lên đầu và nhận ra sự vô lý của nó, giúp họ gỡ bỏ những chiếc mũ hời hợt biếng nhác kia ra, để tập cách tư duy độc lập như những người văn minh. Chúng ta có nghĩa vụ chứng minh, bằng chính bản thân mình, rằng những chiếc mũ chỉ là lựa chọn, không phải định mệnh. Và bằng chính trải nghiệm của bản thân, chúng ta hoàn toàn có thể chứng minh con người không phải loài động vật đơn-mũ. Đội lên, gỡ xuống, cùng lúc mang nhiều chiếc mũ trái ngược, nhìn thế giới qua những lăng kính khác biệt, đó là lựa chọn hoàn toàn nằm trong tay của mỗi người.
Chỉ khi biết xét đoán, tư duy độc lập, cẩn trọng, người ta mới trả được những chiếc mũ về đúng vai trò của nó: những công cụ hỗ trợ đánh dấu, không phải là mũi tên chỉ đường buộc tất cả phải ngoan ngoãn đi theo.
Loạt bài về chủ nghĩa dân tộcNgoài những chiếc mũ tả/ hữu giản dị, ngày nay, các loại mũ “chủ nghĩa” cũng dần trở thành món thời trang hấp dẫn không kém để người ta đội lên mình lẫn chụp lên đầu người khác, bất kể ý nghĩa thực sự của nó là gì.
Loạt bài của tạp chí Foreign Affairs về chủ nghĩa dân tộc (nationalism) mà Luật Khoa sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc là một trong những nỗ lực gạt bỏ đi thứ tư duy chụp mũ này.
Các tác giả sẽ lần lượt phân tích những khía cạnh khác nhau về chủ nghĩa dân tộc, về phân loại, nguồn gốc, ý nghĩa, lợi ích, tác hại của nó, quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do (liberalism), cũng như chủ nghĩa toàn cầu (globalism) và chủ nghĩa đại đồng (cosmopolitanism).
Theo cách hiểu cơ bản nhất, chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là tư duy ưu tiên cho nhóm người có cùng nguồn gốc (về sắc tộc, lịch sử, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ …) với mình. Nó bắt nguồn từ chữ “nation” (quốc gia/ dân tộc), vốn có gốc từ chữ “nasci” trong tiếng Latin với nghĩa “được sinh ra” (chữ “nature”, tự nhiên, của tiếng Anh cũng có nguồn gốc tương tự).
Chủ nghĩa dân tộc thường xuyên bị chất vấn về tính hợp lý của nó, từ việc xác định nhóm người nào được ưu tiên khi nguồn gốc chủng tộc trên thế giới đều là kết quả quá trình trộn lẫn suốt vài trăm ngàn năm, và thời nay khi đa số các quốc gia đều có nhiều cộng đồng khác nhau cùng sinh sống. Nó cũng bị chất vấn vì thường xung đột với quyền tự do của cá nhân, quyền của những nhóm người thiểu số lẫn quyền của các nhóm người thuộc quốc gia khác.
Ở thái cực ngược lại, chủ nghĩa tự do (liberalism) là tư duy của những người đề cao quyền tự do của cá nhân. Nó bắt nguồn từ chữ “liberal”, với gốc từ “liber” trong tiếng Latin mang nghĩa “tự do, không bị bó buộc”.
Giống như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tự do cũng gặp vô số vấn đề trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của nó. Người ta tranh cãi từ những định nghĩa khác nhau về thế nào là tự do, ai xứng đáng với tự do. Các tranh cãi cũng đến từ thay đổi trong nhận thức giữa những người tự do cổ điển (classical liberalism), vốn đề cao quyền sở hữu tư nhân về tài sản – nền tảng của kinh tế tự do – và những người tự do hiện đại (modern liberalism), vốn nhìn thấy mặt trái bất bình đẳng của kinh tế thị trường, muốn tăng cường vai trò của nhà nước, dùng luật lệ quản lý để tạo ra công bằng xã hội (social justice).
Người ta sẽ thấy những người theo chủ nghĩa dân tộc tự do (liberal nationalism – đề cao dân tộc và có tinh thần tự do) chia sẻ nhiều điểm chung với những người theo chủ nghĩa tự do dân tộc (national liberalism – đề cao tự do và có tinh thần dân tộc) hơn là họ có thể chia sẻ với những người cùng đội chiếc mũ “chủ nghĩa” giống mình. Hoặc người ta sẽ nhìn ra những chính sách ủng hộ tự do lẫn dân tộc trong cả phe tả lẫn phe hữu, nhưng bằng cách thần kỳ nào đó, họ vẫn nhiệt tình kình chống nhau chỉ vì lỡ thuộc “phe kia”.
Xóa bỏ được tư duy hám mũ, chụp mũ chắc chắn không phải là việc dễ dàng, lại càng không phải là chuyện một sớm một chiều. Nhưng con đường vạn dặm nào cũng đều bắt đầu bằng những bước đi đầu tiên. Tìm hiểu được ngọn nguồn ngóc ngách, cùng tranh luận một cách văn minh để cầu thị, tìm ra sự thật, là những bước đầu tiên vững chắc đó.
Những hammuists lẫn chupmuists có thể sẽ vẫn luôn chiếm số đông, khi mà việc bám lấy chiếc mũ, chọn cho mình một phe, luôn dễ dàng và an tâm hơn nhiều so với việc phải đứng một mình không ô dù không mũ nón, phải tư duy độc lập, phải chất vấn mọi thứ, đặc biệt là niềm tin và hiểu biết của chính bản thân.
Như lịch sử đã và sẽ chứng minh, những điều tốt đẹp trên thế giới này luôn được tạo ra bởi những con người không sợ đứng một mình và làm khác biệt, cho dù họ không bao giờ thuộc về số đông.
—
Từ khoá:
chụp mũ, gắn nhãn: to label (v), labeling (n)
cánh tả: left wing (np)
cánh hữu: right wing (np)
chủ nghĩa dân tộc: nationalism (n)
chủ nghĩa tự do: liberalism (n)
chủ nghĩa tự do truyền thống/cổ điển: classical liberalism (np)