Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Sau khi Fred Trump qua đời, những đứa con của ông sử dụng các phương thức quen thuộc để làm bẹp giá trị những phần tài sản ít ỏi còn lại vẫn còn do ông đứng tên. Và sau cùng, bán đi sản nghiệp ông đã gây dựng cả đời.
Trong những năm cuối đời, chứng sa sút trí tuệ đã khiến Fred Trump mất đi hầu hết ký ức của mình. Khi gia đình đến thăm, có một cái tên mà ông có thể nhớ ra khi nhìn mặt: Donald.
Vào ngày 7/6/1999, Fred Trump được đưa vào bệnh viện tại Long Island Jewish Medical Center, nơi cách không xa nhà ông ở Jamaica Estates, để điều trị triệu chứng viêm phổi (pneumonia). Ông qua đời tại đó vào ngày 25/6, ở tuổi 93.
Mười lăm tháng sau đó, những người giám hộ thực thi của Fred Trump – Donald, Maryanne và Robert – nộp bản khai thuế tài sản của ông. Bản khai này, được New York Times tìm được, minh họa sinh động hiệu quả của các chiến lược (trốn) thuế mà nhà Trump đã thực hiện trong đầu thập niên 1990.
Fred Trump, một trong những nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng nhất ở New York vào thời của ông, khi qua đời chỉ sở hữu năm tổ hợp căn hộ, hai khu buôn bán nhỏ (strip mall) và vài căn hợp tác xã (co-ops) rải rác trong thành phố. Người tự trả lương cho mình 50 triệu đô vào năm 1990 qua đời chỉ với 1,9 triệu đô trong tài khoản ngân hàng. Ông không sở hữu bất kỳ cổ phiếu, trái phiếu hay tín phiếu kho bạc nào. Theo bản khai thuế tài sản của ông, tài sản có giá trị nhất của Fred Trump là khoản 10,3 triệu đô cho Donald Trump vay, khoản tiền dường như được vay vào năm trước khi ông qua đời.
Người ta không thể tìm được dấu tích nào trên bản kê khai thuế tài sản về khối sản nghiệp khổng lồ của đế chế Fred Trump. Vậy nhưng Donald Trump và các anh chị em của mình vẫn chưa xong việc. Theo tìm hiểu của New York Times, các con nhà Trump dùng lại những thủ thuật mập mờ về mặt pháp luật mà họ đã thông thạo khi xử lý quỹ GRAT, tiếp tục trốn thêm hàng chục triệu đô-la tiền thuế tài sản trên phần tàn dư còn lại của đế chế Fred Trump mà ông vẫn còn đứng tên khi qua đời.
Cũng giống như với quỹ GRAT, họ sử dụng bản định giá từ ông Von Ancken, vốn hạ thấp rất nhiều giá trị của các tài sản còn lại này so với giá thị trường. Và cũng giống như đã làm với quỹ GRAT, họ chiết khấu mạnh bạo cắt cụt thêm phần định giá đó của Von Ancken. Kết quả: Họ khai tổng giá trị của năm tổ hợp căn hộ và hai khu buôn bán nhỏ chỉ đạt 15 triệu đô. Vào năm 2004, theo các tài liệu có được, cũng là những bất động sản này, các ngân hàng định giá chúng ở mức 176,2 triệu đô.
Khó tin nhất trong những kê khai định giá này là mục dành cho Tysens Park Apartments, một tổ hợp tám tòa nhà với 1.019 căn hộ trên đảo Staten Island. Ở mục khai báo giá trị của Tysens Park, các đứa con của nhà Trump đơn giản để trống không điền, và khai họ không phải trả đồng thuế nào cho tài sản này.
Cũng giống như trường hợp định giá Trump Village, gia đình Trump có vẻ đã giấu những thông tin quan trọng nhất trước Sở Thuế vụ. Tysens Park, giống Trump Village, đều thuộc chương trình nhà ở giá rẻ (affordable housing program), phải hoạt động theo luật và điều này bó buộc lợi nhuận của Fred Trump. Giới hạn theo luật đã làm giảm đáng kể giá trị thị trường của bất động sản này.
Ngoại trừ một điểm: theo tìm hiểu của New York Times, một năm trước khi Fred Trump qua đời, nhà Trump đã bỏ Tysens Park khỏi chương trình nhà ở giá rẻ. Vào thời điểm Donald Trump và các anh chị em kê khai thuế tài sản của cha mình, không hề có giới hạn nào bó buộc lợi nhuận của họ ở tổ hợp căn hộ này. Trên thực tế, trước đó họ đã bắt đầu tăng giá cho thuê nhà ở đây.
Là những người giám hộ thực thi của cha mình, Donald, Maryanne và Robert chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của bản kê khai thuế tài sản của ông. Họ không chỉ buộc phải khai báo với Sở Thuế vụ bản kiểm toán đầy đủ tất cả tài sản của cha mình, họ còn có trách nhiệm khai báo tất cả các quà tặng có thể bị đánh thuế mà ông đã thực hiện khi còn sống, ví dụ như 15,5 triệu đô quà tặng ở Trump Palace dành cho Donald Trump và hàng triệu đô-la ông trao cho các con thông qua các hóa đơn độn lên của All County.
“Nếu họ biết thứ mình làm là sai thì họ có thể đã vi phạm luật thuế,” theo lời ông Tritt, giáo sư luật tại Đại học Florida, “họ không thể rúc đầu xuống gầm giường và giả vờ như không có chuyện gì xảy ra được.”
Bên cạnh việc định giá cực thấp các tổ hợp căn hộ và trung tâm mua sắm, bản kê khai thuế tài sản của Fred Trump không nhắc gì đến Trump Palace hoặc All County.
Mãi cho tới khi bà Mary, vợ của Fred Trump, qua đời ở tuổi 88 vào ngày 7/8/2000, Sở Thuế vụ mới hoàn tất việc kiểm toán tài sản của hai vợ chồng. Các kiểm toán viên kết luận tài sản của họ đáng giá 51,8 triệu đô, cao hơn 23% so với con số Donald Trump và các anh chị em đã kê khai.
Nó có nghĩa là nhà Trump phải trả thêm 5,2 triệu đô tiền thuế tài sản. Ngay cả như vậy, hóa đơn tiền thuế gia đình Trump phải trả chỉ là một vụn nhỏ so với con số mà họ lẽ ra phải nộp ngân sách nếu khai báo đúng giá trị thực các tài sản Fred và Mary Trump đứng tên khi qua đời.
Ông Harder, luật sư của tổng thống, bảo vệ các bản kê khai này của nhà Trump. “Các bản khai và yêu cầu về thuế mà tờ New York Times đang chỉ trích đã được các cơ quan thuế vụ kiểm tra vào thời điểm đó,” ông nói. “Cơ quan thuế vụ đã yêu cầu thực hiện vài chỉnh sửa nhỏ, và khi yêu cầu đã được chấp hành, họ đã hoàn toàn chấp thuận tất cả các bản khai thuế. Những vấn đề này đã kết thúc hơn mười năm”.
Tới giờ bán rồi
Donald Trump, một lần nữa lại rơi vào khó khăn tài chính, hăm hở muốn bán đế chế vẫn còn sinh lời mà cha ông đã muốn giữ lại cho gia đình.
Vào năm 2003, các anh chị em nhà Trump tập hợp lại ở tòa nhà Trump Tower để cập nhật định kỳ tình hình sản nghiệp họ đã thừa kế.
Như thường lệ, Robert Trump đến Manhattan với vài trợ lý đi cùng. Donald Trump xuất hiện cùng Allen H. Weisselberg, người đã từng làm việc cho Fred Trump hơn hai mươi năm trước khi chuyển sang làm giám đốc tài chính cho Donald. Hai người con gái, Maryanne Trump Barry và Elizabeth Trump Grau, cũng có mặt.
Cuộc gặp diễn ra như thường lệ: bản báo cáo tài chính, bản liệt kê các vấn đề hoạt động và sau đó là phần trọng tâm của chương trình – phân chia lợi nhuận cho mỗi người con nhà Trump. Nhiệm vụ giao chi phiếu cho từng người được Steve Gurien, giám đốc phụ trách tài chính của đế chế kinh doanh, thực hiện.
Một lúc sau, Donald Trump bất ngờ muốn thay đổi tương lai gia tộc: ông bảo giờ là thời cơ tốt để bán.
Đế chế của Fred Trump trên thực tế vẫn đang tạo ra lợi nhuận tốt, và việc bán nó đi sẽ trái ngược hoàn toàn di nguyện của ông về việc giữ lại sản nghiệp cho gia đình. Nhưng theo lời một người tham gia trong cuộc họp, Donald Trump nhất mực khẳng định thị trường bất động sản đã tới đỉnh và giờ là thời điểm thích hợp để bán.
Donald, một lần nữa, đang ở trong mớ bòng bong về tài chính. Các sòng bạc ở Atlantic City của ông đang lao xuống con dốc phá sản. Những chủ nợ sẽ sớm đe dọa đá ông ra ngoài nếu ông không chịu đầu tư 55 triệu đô tiền túi của mình cho các hoạt động ở những công ty này.
Mặc dù yêu cầu hối thúc bán nhanh của Donald Trump khiến tất cả mọi người tham dự giật mình, các anh chị em của ông không có vẻ gì chống lại đề nghị này. Donald chỉ đạo cho em trai Robert tìm kiếm những ai có nhu cầu mua lại trong bí mật (private bid), nói rằng ông muốn thương vụ này được tiến hành nhanh gọn và âm thầm lặng lẽ. Kỹ năng số một của Donald Trump – gióng trống khua chiêng để làm nền cho thương hiệu Trump – sẽ không được dùng cho dịp này.
Có ba khách hàng tiềm năng được tiếp cận với hồ sơ tài chính của đế chế Fred Trump – gồm 37 tổ hợp căn hộ và vài trung tâm mua sắm. Ruby Schron, một chủ đất lớn ở New York, nhanh chóng nổi lên là một lựa chọn được ưu tiên. Vào tháng 12/2003, ông Schron gọi điện cho Donald Trump và họ đồng ý giao dịch. Schron trả 705,6 triệu đô cho phần lớn đế chế kinh doanh này, bao gồm những khoản vay của nhà Trump. Một số tài sản còn lại được bán cho những khách hàng khác. Tổng giá trị bán được là 737,9 triệu đô-la.
Vào ngày 4/5/2004, các đứa con nhà Trump dành gần hết ngày để ký chuyển nhượng quyền sở hữu những sản nghiệp mà cha họ đã cần mẫn dựng nên trong suốt 70 năm. Vụ mua bán này hầu như không được báo chí để mắt đến. Một trong số ít bài báo đề cập lại kèm theo một dòng rất hiếm khi thấy: “Ông Trump không trả lời cuộc điện thoại hỏi về bình luận cho thương vụ này.”
Bất thường hơn cả là một chi tiết không được báo cáo: các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho ông Schron cho thương vụ này định giá đế chế của Fred Trump ở mức gần 1 tỉ đô-la. Nói cách khác, Donald Trump, bậc thầy về thương lượng, bán đi sản nghiệp của cha mình với mức giá lỗ mất vài trăm triệu đô.
Trong vòng một năm kể từ thương vụ bán sản nghiệp gia đình, ông Trump đã chi ra 149 triệu đô tiền mặt trong chuỗi giao dịch chóng vánh để đánh bóng ấn tượng tỉ phú của mình. Vào tháng 6/2004, ông trả 73 triệu đô mua phần của đối tác trong dự án Trump International Hotel & Tower ở Chicago. (“Tôi mua lại nó với tiền túi riêng của mình,” ông bảo với các phóng viên). Ông trả 55 triệu đô tiền mặt để giảng hòa với các chủ nợ ở dự án sòng bạc. Sau đó ông bỏ thêm 21 triệu đô tiền mặt để hoàn tất việc mua lại Maison de l’Amitié, một biệt thự giáp biển ở Palm Beach, Fla., biệt thự mà sau đó ông đã bán lại cho một bố già Nga (oligarch).
***
Mùa đầu tiên của show truyền hình “Người tập sự” (The Apprentice) được phát sóng vào năm 2004, thời điểm mà Donald Trump đang hoàn tất việc bán lại đế chế kinh doanh của cha mình. Đoạn clip giới thiệu mở màn show – cắt cảnh nhanh về sòng bạc tráng lệ của Trump, đến tòa tháp Trump Tower, rồi Trump trên chiếc trực thăng giữa trời, và chiếc limousine đưa ông đến tận các bậc thang lên máy bay riêng, trong nền của bài hát “For the love of money” (Vì tình yêu tiền) – tất cả là sự nhắc nhở rằng câu chuyện về Donald Trump về bản chất là câu chuyện về tiền.
Tiền là trung tâm của thương hiệu Donald Trump, thương hiệu mà ông khiến nhiều người trên thế giới tin nghiêng ngả. Thế nhưng phần quan trọng nhất của huyền thoại đó là việc giữ bí mật, hoặc ít nhất là úp úp mở mở về sự thật những đồng tiền của Donald Trump – thật sự ông có bao nhiêu tiền, nó đến từ đâu và từ ai. Trong suốt nhiều thập niên, với sự giúp đỡ của những phóng viên không mặn mà chất vấn kiểm tra những thứ mình nói, ông Trump đã dựng nên câu chuyện sản nghiệp của mình hấp dẫn kích thích hơn nhiều so với thực tế trần trụi.
Mới vừa năm nay (ND: 2018), Jonathan Greenberg, cựu phóng viên của tạp chí Forbes, trong một bài báo thú nhận đăng trên Washington Post, đã mô tả cách mà Donald Trump, khi đó tự đóng giả vai một nhân vật với cái tên John Barron, “người phát ngôn” của Trump, đã liên tục nói dối trắng trợn để cố gắng đưa được tên mình vào danh sách đầu tiên những người Mỹ giàu có nhất trong năm 1982. Việc ông Trump từ chối công khai bản kê khai thuế của mình đã khiến công chúng phải dựa vào những thông tin tiết lộ ẩn danh nhiều khi trái ngược để đoán già đoán non về thu nhập thực tế của ông. Vào tháng 9/2016, tờ New York Times nhận được vài trang tư liệu từ một bản kê khai thuế của Trump, trong đó ông khai báo một khoản lỗ kinh hoàng 916 triệu đô vào năm 1995. Một vài trang của một bản kê khai khác, tiết lộ trên chương trình truyền hình của Rachel Maddow, cho thấy ông nhận được khoản thu nhập ấn tượng 150 triệu đô vào năm 2005.
Trong một bản thông cáo gửi cho New York Times, người phát ngôn của tổng thống, Sarah Huckabee Sanders, lặp lại những gì mà ông Trump đã luôn nói về quá trình tiến hóa lập nghiệp của bản thân. “Cha của tổng thống cho ông vay 1 triệu đô, và ông đã trả lại khoản vay này. Tổng thống Trump dùng số tiền này để xây dựng nên một công ty thành công ngoài mức tưởng tượng và có giá trị ròng tới hơn 10 tỉ đô-la, bao gồm cả việc sở hữu một số trong những bất động sản tuyệt vời nhất thế giới.”
Ngày nay, khoảng cách giữa việc tuyên bố gia sản của mình trị giá 10 tỉ đô và ước tính của Bloomberg vào mức 2,8 tỉ đô cho thấy sự phập phù bất định về một trong những nhân vật công chúng gây nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Những câu hỏi đổ dồn xuất hiện về các khoản thu nhập mới của ông trong cuộc điều tra về mối liên hệ với người Nga và những kiện cáo về việc ông Trump vi phạm Hiến pháp khi vẫn đang tiếp tục làm ăn với các chính phủ nước ngoài.
Nhưng hơn 100.000 trang tài liệu thu thập được qua điều tra này cho phép chúng ta dẹp bỏ tin vịt kéo dài hàng chục năm qua và đi đến kết luận rõ ràng về nguồn gốc ban đầu cho sự giàu có của Donald Trump: cha của ông.
Trong số những điều chắc chắn có thể khẳng định: Nếu ông Trump không làm gì cả với số tiền thừa hưởng từ cha mình, đem gửi nó vào một quỹ đầu tư theo chỉ số (index fund) theo bảng Standard & Poor’s 500 (ND: chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất), ông sẽ có 1,96 tỉ đô la vào thời điểm hiện tại. Về con số 1 triệu đô huyền thoại, trên thực tế, theo tìm hiểu của New York Times, Fred Trump đã cho con mình vay ít nhất 60,7 triệu đô, hoặc 140 triệu đô tính theo giá trị hiện tại.
Và còn thêm một suối tiền khác từ Fred Trump vẫn tiếp tục đổ vào túi Donald. Starrett City, dự án tổ hợp nhà ở tại Brooklyn mà gia đình Trump đã đầu tư vào những năm 1970, vừa được bán năm nay (ND: 2018) với giá 905 triệu đô. Phần của Donald Trump có được từ thương vụ này dự tính vượt hơn 16 triệu đô.
Đó là thương vụ đầu tư do Fred Trump tiến hành, với tiền và các mối quan hệ của ông. Nhưng trong phiên bản cuộc đời của Donald Trump, Starrett City đã và sẽ luôn luôn là “một trong những thương vụ đầu tư tuyệt vời nhất mà tôi từng thực hiện”.
(Hết)
Bài tóm tắt: Huyền thoại về ‘tỉ phú tự thân’ Donald Trump
Kỳ 1: Vén màn đế chế gia tộc Trump
Kỳ 2: Cha giàu và triệu phú 8 tuổi
Kỳ 3: Fred Trump nhận trợ cấp chính phủ để gây dựng gia tài
Kỳ 4: Fred Trump và nỗ lực gây dựng hình ảnh tỉ phú tự thân cho con trai
Kỳ 5: Khủng hoảng và tấm lưới an toàn của cha
Kỳ 6: Thổi phồng và bóp xẹp giá trị tài sản
Kỳ 7: Khi Donald muốn sửa di chúc của cha
Kỳ 8: Dòng tiền chảy qua lỗ hổng thuế quan
Kỳ 9: Phù phép giá trị bất động sản
Kỳ 10: Chia tách cổ phần
Bài viết này nằm trong loạt bài giới thiệu phóng sự điều tra đặc biệt của tờ New York Times về quá trình làm giàu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là phóng sự dựa trên hơn 100.000 tài liệu, hồ sơ, sổ sách tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình Trump từ những năm 1970. Bên cạnh đó, New York Times cũng tiến hành phỏng vấn hàng loạt nhân viên cũ của công ty gia đình Trump và các học giả, chuyên gia về thuế. Tổng thống Trump từ chối đề nghị phỏng vấn của tờ Times, còn luật sư của ông thì bác bỏ toàn bộ cáo buộc gian lận thuế và trốn thuế mà phóng sự nêu ra.