Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Fred Trump đóng một vai trò tối quan trọng trong việc xây dựng và giữ gìn một cách cẩn thận huyền thoại “tỉ phú tự thân” của Donald J. Trump.
“Cao, thon gọn và tóc vàng, với hàm răng trắng bóng, anh ấy trông rất giống Robert Redford (ND: một diễn viên Mỹ nổi tiếng). Anh ấy đi khắp phố trong chiếc Cadillac bạc với tài xế tháp tùng, cùng DJT, những chữ cái đầu trong tên của anh ấy, gắn trên biển số. Anh hẹn hò với những cô người mẫu hấp dẫn, chơi trong những câu lạc bộ thượng lưu nhất, và mới ở tuổi 30, anh ấy được ước tính có tài sản ‘trị giá hơn 200 triệu đô’.”
Đó là những lời mở đầu của một bài viết trên tờ New York Times, số ra ngày 1/11/1976, vẽ nên một trong những bức tranh lớn đầu tiên về Donald Trump, cũng là hòn đá tảng bắt đầu hàng thập kỷ dựng nên bức phông màn huyền thoại về sản nghiệp của ông.
Làm thế nào Donald Trump có thể tuyên bố mình có hơn 200 triệu đô sản nghiệp, khi mà chỉ vài năm sau đó ông khai báo với các nhà làm luật về sòng bạc (casino regulators), rằng khoản thu nhập trả thuế của ông chỉ có 24.594 đô? Đơn giản là Donald Trump đã nhận toàn bộ đế chế của cha thành của riêng mình.
Trong chiếc Cadillac với tài xế riêng, Donald Trump dẫn phóng viên của New York Times đi một vòng tham quan những địa điểm mà chàng trai trẻ gọi là “việc tôi làm”. Anh chỉ cho cô xem dự án khách sạn Manhattan mà anh có kế hoạch chuyển đổi nó thành tòa nhà Grand Hyatt (cha của anh đảm bảo khoản vay xây dựng cho kế hoạch này), cùng với khu vực đường ray sông Hudson mà anh cũng có kế hoạch phát triển (thương quyền cho dự án được công ty của cha anh mua). Anh cho cô thấy “tầm nhìn nhân đạo của chúng tôi”, dự án nhà ở cho người lớn tuổi tại East Orange (được cha anh cấp tiền), và một phức hợp căn hộ ở Staten Island (do cha anh sở hữu), cùng với “biểu tượng” của gia đình, tòa nhà Trump Village ở Brooklyn (do cha anh sở hữu), và cuối cùng là tòa căn hộ Beach Haven (do cha anh sở hữu). Ngay cả chiếc Cadillac cũng do cha anh trả tiền thuê.
“Trước tới giờ, tôi chưa từng làm thương vụ nào tệ cả”, anh hào hứng kể.
Bằng cách nhận toàn bộ sản nghiệp của cha thành của mình, Donald Trump biến đổi vị thế của mình trên thế giới. Các ngân hàng, chính trị gia và phóng viên ở thành phố New York khó có thể cưỡng lại sức hút của một tay chơi mới 30 tuổi đã sở hữu hơn 200 triệu đô tài sản.
Bất chấp tất cả các phiên bản tự kể về việc tự khai phá sự nghiệp ở Manhattan, Donald Trump càng lúc càng phụ thuộc vào cha mình. Vài tuần sau khi bài viết của New York Times được xuất bản, Fred Trump lập thêm nhiều quỹ tín thác cho các con, rót vào đó cho mỗi người số tiền tương đương 4,3 triệu đô vào thời điểm hiện tại. Ngay cả đến đầu thập niên 1980, khi tô vẽ mình là một trong những người giàu nhất nước Mỹ, Donald Trump vẫn nhận tiền của cha, mỗi năm tương đương 260.000 đô vào thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, Fred Trump cùng với các công ty của ông cũng bắt đầu trao các khoản vay lớn và tín dụng cho Donald Trump. Các khoản vay này đè bẹp con số mà những anh chị em khác của Trump nhận được. Khoản tiền liên tục đổ vào đến mức có lúc tưởng chừng Donald Trump có ngân hàng riêng của mình. Ví dụ như năm 1979, khi ông vay 1,5 triệu đô vào tháng giêng, 65.000 đô vào tháng Hai, 122.000 đô vào tháng Ba, 150.000 đô vào tháng Tư, 192.000 đô vào tháng Năm, 226.000 đô vào tháng Sáu, 2,4 triệu đô vào tháng Bảy và 40.000 đô vào tháng Tám, theo hồ sơ gửi đến các nhà làm luật (casino regulators) ở New Jersey.
Trên lý thuyết, các khoản vay này đều phải trả. Trên thực tế, theo như các tài liệu chỉ ra, nhiều khoản vay này giống như quà tặng biếu không. Một số không lãi suất và không có kỳ hạn trả. Ngay cả khi khoản vay có lãi suất, Donald Trump thường xuyên khất không trả.
Những dòng thác vay chưa từng được công bố trước đó này cho thấy mô tuýp rõ ràng về sự hào phóng của Fred Trump. Khi Donald Trump bắt đầu những dự án mới đắt tiền, cha của ông càng hào phóng hơn. Cuối thập niên 1970, khi Donald Trump chuyển đổi khách sạn Commodore cũ thành Grand Hyatt, cha của ông nhúng tay vào với một khoản tiền lớn cho vay. Fred Trump lặp lại việc này với dự án Trump Tower vào đầu thập niên 1980.
Vào giữa thập niên 1980, khi Donald Trump bắt đầu nhón chân vào Atlantic City, Fred Trump vạch ra kế hoạch tăng thêm đáng kể lượng tiền đổ vào cho cậu con trai.
Kế hoạch này sử dụng đế chế mini – tám tòa nhà mà Fred Trump đã chuyển giao cho các con. Ông chuyển đổi bảy trong số đó thành mô hình công ty hợp tác (cooperative), và giúp các con chuyển đổi tòa nhà thứ tám. Điều đó giúp mời gọi người mua căn hộ, tạo ra ba dòng thu nhập đổ về cho Donald Trump và các anh chị em: từ việc bán căn hộ, từ việc cho thuê các căn hộ chưa bán được, và từ việc thu tiền cho vay.
Vào năm 1982, Donald Trump nhận được tương đương giá trị hiện tại 380.000 đô từ tám tòa nhà này. Khi việc chuyển đổi được tiếp tục và các nhân viên của Fred Trump bán thêm nhiều căn hộ, phần chia lợi nhuận của Donald tăng vọt. Theo các số liệu, đến năm 1987, khi việc chuyển đổi hoàn tất, con trai của Fred Trump nhận được tương đương giá trị hiện tại 4,5 triệu đô mỗi năm từ tám tòa nhà.
Fred Trump tiếp tục thay đổi cấu trúc trong đế chế mini của ông để tiếp tục tăng đáng kể lượng tài sản đổ vào Donald Trump và các anh chị em. Ông biến họ thành những nhà băng (banker) của mình.
Các phóng viên New York Times không thể tìm thấy bằng chứng nào về việc các con của Fred Trump dùng tiền của chính mình để mua lại các khoản vay (mortgages) của cha. Phần lớn được mua lại thông qua các ngân hàng của Fred Trump từ các quỹ tín thác và công ty hợp danh mà ông lập ra và rót tiền vào.
Bán căn hộ theo hình thức công ty hợp tác, các khoản tiền cho vay, các khoản cho thuê nhà – Fred Trump là bậc thầy trong việc tìm ra những cách khác nhau để làm giàu cho các con mình, và đặc biệt là cho Donald Trump. Một số nhỏ giọt từ từ. Một số lại như thác đổ. Một vài nguồn chảy âm ỉ. Nhưng qua nhiều thập niên, tất cả đều gộp lại thành một dòng sông lớn cuồn cuộn tiền. Tính tới năm 1990, theo tìm hiểu của New York Times, Fred Trump, người đối tác hoàn toàn ẩn mình, đã âm thầm trao cho Donald số lượng tài sản tương đương với 46,2 triệu đô.
Donald Trump gắn lên người bộ áo giáp bất khả chiến bại. Năm 1987, thị trường chứng khoán sụp đổ và nền kinh tế Mỹ lao dốc. Nhưng ông vẫn vững vàng nhờ các ngân hàng của Fred Trump sẵn sàng nới rộng giới hạn tín dụng cho hoàng tử nhà Trump. Donald mua khách sạn Plaza vào năm 1988 với giá 407,5 triệu đô. Ông mua hãng bay Eastern Airlines vào năm 1989 với giá 365 triệu đô và gọi nó là Trump Shuttle (Phi thuyền Trump). Sòng bạc mới nhất của Donald, Trump Taj Mahal, sẽ cần ít nhất 1 triệu đô mỗi ngày chỉ để trả tiền vay nợ.
Những lời hoài nghi về tính hợp lý của các thương vụ toàn lấy từ tiền vay nợ này nhanh chóng bị chìm lấp trong hàng đống các trang bìa tạp chí hoành tráng, các bài báo ca ngợi một người trẻ tuổi dám dấn thân vào những phi vụ đầy mạo hiểm. Nhưng bất kể là Donald Trump đánh cược với thứ gì, không có giây phút nào cậu phải lo lắng mất đi thứ gì trong dòng thác tài sản dễ dàng đổ vào túi mình. Fred Trump đã lo hết tất cả.
(Còn nữa)
Bài tóm tắt: Huyền thoại về ‘tỉ phú tự thân’ Donald Trump
Kỳ 1: Vén màn đế chế gia tộc Trump
Kỳ 2: Cha giàu và triệu phú 8 tuổi
Kỳ 3: Fred Trump nhận trợ cấp chính phủ để gây dựng gia tài
Bài viết này nằm trong loạt bài giới thiệu phóng sự điều tra đặc biệt của tờ New York Times về quá trình làm giàu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là phóng sự dựa trên hơn 100.000 tài liệu, hồ sơ, sổ sách tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình Trump từ những năm 1970. Bên cạnh đó, New York Times cũng tiến hành phỏng vấn hàng loạt nhân viên cũ của công ty gia đình Trump và các học giả, chuyên gia về thuế. Tổng thống Trump từ chối đề nghị phỏng vấn của tờ Times, còn luật sư của ông thì bác bỏ toàn bộ cáo buộc gian lận thuế và trốn thuế mà phóng sự nêu ra.